Saturday, October 30, 2004

Người Về Từ Cõi Hư Vô



Anne Khánh-Vân



Mọi người trong gia đình đang ngồi xung quanh nhà và hướng về phía bàn thờ để đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn thân thương đã qua đời. Bà ngoại tôi ngồi ở đi-văng bỗng lên tiếng với vẻ tự oán trách mình :

-- "Nếu con có phải chết thì hãy cho con chết bây giờ vì con đã làm khổ chúng nó."

Tôi ngạc nhiên không hiểu ý bà ngoại tôi muốn nói gì nên quay sang nhìn bà và hỏi :

-- "Chúng nó là ai?"

Bà đưa tay chỉ và nhìn lên bàn thờ nơi có những di ảnh của những thân nhân đã mất. Ngay lúc đó có những cái bóng đen do ánh trăng rọi từ ngoài cửa sổ chiếu vào bên trong, những bóng đen đó hiện ngay lên trên bức tường trắng của bàn thờ. Tôi quay lưng nhìn ra phía cửa sổ đang mở thì không thấy một người nào đang đứng ở đó nhưng trên bức tường trắng thì vẫn còn những cái bóng đen. Da gà tôi bắt đầu rần rần nổi lên. Sau đó một lát thì tự dưng tôi lại có cảm giác như có ai đã chạm mạnh vào ngực bên phải của tôi. Tôi hoảng hốt vì không có ai ở ngay cạnh bên tôi để phá tôi như vậy. Đột nhiên tôi nhớ đến dì Đài của tôi. Ngày xưa, khi tôi chỉ 9, 10 tuổi, tôi vẫn thường đùa giỡn và len lén đưa tay rờ ngực dì tôi và tôi chỉ phá và giỡn với một mình dì chứ không với ai khác. Lúc đó dì cũng chỉ 16, 17 tuổi. Mỗi lần bị tôi phá thì dì vẫn luôn kêu lên và méc bà ngoại tôi. Hơn hai mươi năm qua, từ khi dì đi vượt biên mất tích, tôi chẳng còn dịp đùa giỡn phá ai như vậy, và trong suốt thời gian dài đó cũng chẳng ai đã dám đùa giỡn và phá tôi cái kiểu tôi đã phá dì, vì vậy mà khi tôi cảm giác như có ai vừa phá tôi chính xác cái kiểu tôi đã phá dì Đài, tôi đã bàng hoàng và nghĩ ngay đến dì Đài của tôi.

Tôi thấy mình đi ra ngoài, nơi này hình như không phải là nhà của tôi, cũng chẳng phải nhà ông bà ngoại tôi, tôi thật không rõ mình đang ở nơi đâu. Phía trước căn nhà có phần sân rất rộng, xa hơn nữa thì mọi thứ chỉ mờ mờ vì đêm tối. Tôi nhìn thấy những linh hồn đang bay bổng lơ lửng và thỉnh thoảng chạm chân xuống đất ở phía trước sân nhà. Các linh hồn đó là các trẻ nhỏ, chúng choàng những chiếc áo màu xanh lơ. Chúng đang vui đùa và chuyện trò với nhau.

Tôi lại thấy mình trở vô nhà nơi gia đình đã ngồi đọc kinh. Một người đàn bà trẻ trò chuyện với tôi. Bà ta dường như là người chịu trách nhiệm trông coi và đưa các linh hồn về thăm gia đình của họ. Tôi hỏi người đàn bà đó :

-- "Chổ của cô có ai tên Nguyễn Thị Minh Đài không?"

Người đàn bà lặng thinh một hồi rồi trả lời :

-- "Không, không có."

Tôi hỏi tiếp :

-- "Vậy những chổ khác thì sao? Cô có thể hỏi thăm dùm cháu được không?"

Người đàn bà tỏ vẻ không có đủ quyền lực để làm điều đó và trả lời :

-- "Không, không hỏi được, nhưng nếu như dì Đài sắp trở lại làm người thì dì Đài sẽ ở một chổ khác."

Tôi buồn hiu và thì thầm, "Vậy thì làm sao để tìm được dì Đài?" Người đàn bà nhìn tôi tiếp tục nói :

-- "Còn nếu dì Đài đã trở lại trần gian rồi thì sẽ không biết được đâu."

Tôi nhìn người đàn bà và phản đối :

-- "Không, dì chưa đi đâu, cháu mới vừa cảm nhận được dì Đài vẫn đang ở đâu đây thôi."

Nói đến đây tự dưng tôi cảm giác như có gì đó sắp xảy đến. Tôi nhìn ra phía cửa ra vào thì thấy hình dáng của những bà sơ mặc áo và đội khăn màu vàng óng ánh vừa bay đến, lướt ngang qua cửa và ngay trong giây lát đã biến mất đi. Ngay sau đó tôi đã nghe những âm thanh được phát ra trong không gian trống vắng, "Dì nè."

Tôi không còn thấy mình ở trong nhà nữa mà đang đứng ở ngoài trời trên một độ cao. Tôi cố lắng tai nghe và tiến đến nơi đang phát ra tiếng nói. Tôi ngước mặt lên, nhìn xung quanh cố tìm xem có ai không nhưng vẫn chỉ là không gian vắng lặng. Tôi kêu lên và bắt đầu xúc động :

-- "Dì Đài đâu? Dì Đài đâu? Dì Đài còn sống hay đã chết? Dì Đài hãy cho mọi người biết đi để mọi người được yên tâm."

Tôi bắt đầu khóc. Xung quanh vẫn không thấy ai, tôi chỉ nghe tiếng của dì Đài. Đúng là tiếng nói của dì rồi. Dì trả lời tôi :

-- "Dì cũng không còn nhớ nữa, dì chỉ nhớ là dì đã buồn nhiều lắm."

Tôi càng khóc nhiều hơn, tôi khóc nức nỡ. Tôi mở rộng hai cánh tay của mình, với tới nơi có tiếng nói và van xin :

-- "Dì Đài đâu, cho cháu thấy mặt đi, cháu nhớ dì Đài nhiều lắm."

Nước mắt tôi tuông chảy đầm đìa và tôi đã nghe dì lên tiếng, "Dì đây nè." Cuối cùng dì đã hiện ra. Dì đứng ở phía sau những thanh gỗ được bắt ngang tầm bụng người. Đúng là khuôn mặt của dì rồi, khuôn mặt bầu bỉnh, đẹp và rất có duyên của ngày xưa. Vẫn mái tóc hơi quăn quăn mà hình như dì đã đi uốn vài tháng trước khi dì ra đi, nhưng dì không mang đôi kiếng cận như thói quen. Theo như tôi hiểu thì dường như dì đang muốn để một vật gì đó, như là máy chụp hình, lên thành gỗ để ngắm và chụp hình tôi. Có ánh sáng rọi đến phía tôi như là tôi đang đứng trên một sân khấu. Tôi cố nhe răng ra cười với ý cho dì thấy tôi cũng có hai chiếc răng khễnh giống như dì nhưng nước mắt vẫn tuông chảy đầm đìa. Tôi vẫn dang rộng hai tay mình ra và chờ đợi được ôm lấy dì. Tôi vẫn khóc thật nhiều và chờ dì đến bên mình, tôi vẫn không ngừng nói :

-- "Cháu nhớ dì Đài nhiều lắm, hãy đến cho cháu được ôm một cái đi."

Dì tiếp tục :

-- "Dì buồn lắm nên hay đến đây."

Tôi nhìn quanh và hỏi :

-- "Ở đây là đâu?"

Nơi tôi đứng lúc nảy, cứ ngỡ như ngoài trời nhưng bây giờ khi tôi ngước lên thì lại thấy những mái lá hơi cao cao nhưng xung quanh thì không thấy vách, phía ngoài có vẻ thênh thang, bao la. Tôi đi ra phía trước, đi sang bên phải, đi qua bên trái. Tôi cố gắng nhìn quanh để nhận ra nơi đây là nơi đâu. Khi tôi vừa nhìn thấy vài ngọn đồi và những cây thông cao lớn đang đứng sừng sửng trong bóng tối thì dì cũng cùng lúc bắt đầu khóc và nói tiếp :

-- "Ở đồi Đàlạt, dì hay đến đây để ngắm trăng."

Tôi trở vô bên trong các mái lá và dì đã hiện ra ngay bên cạnh tôi. Hai dì cháu ôm chầm lấy nhau và quỵ xuống. Dì cùng tôi ôm nhau trong nước mắt. Tôi ôm lấy khuôn mặt của dì và liên tục nói :

-- "Cháu nhớ dì Đài nhiều lắm, cháu nhớ dì Đài nhiều lắm."

Tôi lấy ra từng sợi tóc ướt đẫm đang dính trên khuôn mặt của dì và nói :

-- "Thôi dì Đài đừng buồn nữa, cháu thương dì Đài nhiều lắm, mọi người ai cũng thương dì nhiều lắm, tình thương đó sẽ giúp cho dì vượt qua được hết tất cả."

Phía dưới thấp hơn chổ tôi và dì đang ôm nhau, có nhiều người hiện ra và ngước mặt lên nhìn hai dì cháu tôi.

~~*~~

Đến đây tôi đã giựt mình dậy, nước mắt tôi vẫn còn đang chảy xuống chiếc gối đã ướt nhiều. Tôi đang nằm nghiên và hướng ra bức tường bằng kiếng nhìn thấy trời đất mênh mông. Với tư thế đó tôi thường ngủ rất ngon. Tôi nhìn đồng hồ, đúng 5h sáng ngày 30 tháng 10. Trời vẫn còn tối vì khi thời tiết sắp sang đông thì trời sáng hơi trể. Tôi đã hoàn toàn tỉnh ngủ và cố nhớ lại từng chi tiết nhỏ của giấc mơ. Tôi không muốn quên bất cứ hình ảnh nào của giấc mơ, bởi vì đã hơn hai chục năm qua đây là lần đầu tiên tôi được mơ thấy dì, hơn thế nữa tôi đã đạt được tất cả những gì tôi hoài mong chờ trong suốt những năm tháng qua. Tôi đã nhìn được tận mắt khuôn mặt của dì Đài. Tôi đã ôm được dì vào lòng mình. Tôi đã nói được với dì những điều tôi hằng ấp ủ trong tâm tưởng bấy lâu nay. Khi viết lại những dòng chữ này tôi thật sự không ngờ rằng mình đã nằm mộng thấy người dì quý yêu của tôi. Tôi đã phải chờ đợi quá lâu nên đôi lúc tôi cứ ngỡ dì đã hiện hữu trong một kiếp nào đó xa xôi chứ không phải trong cùng một kiếp người này với tôi.

Dì cũng là một nạn nhân của thế thời thay đổi. Người người lần lượt rời bỏ quê hương ra đi. Đem đánh liều mạng sống của mình với tự do, no ấm. Đến nơi được bình yên vô sự thì bao người ở nhà sẽ được sung sướng theo lây, nhưng khi xảy ra điều chi bất hạnh thì chỉ thân mình gánh chịu.

Trước đó không đầy một năm tôi cũng đã cùng các dì và các cậu của tôi xuống thuyền hướng ra biển cả, nhưng thuyền chỉ đi được một quảng thì bị công an biên phòng bắn và đuổi theo do ai đó đã phản và đi tố cáo. Một phần vì thuyền bị lủng quá nhiều, phần khác vì thuyền chở quá trọng lượng do một số dân địa phương không đăng ký đã lợi dụng khi đêm xuống, trà trộn và lẽn xuống thuyền, vì vậy mà nước tràn vô thuyền thật nhanh. Thuyền cứ chòng chành như muốn lật chìm trong những làn sóng đang dâng cao, chúng như muốn ngăn cản chiếc thuyền tội nghiệp hãy đừng tiếp tục đi nữa vì dù có thoát khỏi sự rượt đuổi sớm muộn gì thuyền cũng sẽ chìm thôi. Tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một những tiếng kêu khóc ỉ ơi của mọi người trên thuyền, "Chúa ơi..., Mẹ ơi..., Phật Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn ơi..., hãy thương giúp cho chúng con." Thuyền vẫn cố chạy thật nhanh nhưng dường như nó càng lúc càng chạy chậm lại. Cuối cùng họ đã đuổi kịp chúng tôi. Khi đến sát cạnh bên chiếc thuyền nhỏ bé với nhiều vết thương trên thân xác nó, gần cả chục người của bọn họ đã chiếu đèn pha, dí súng vào thuyền và kêu tên của chủ thuyền và tài công hãy ra mặt. Còn đi đâu được nữa!! Hơn một nửa số người trên thuyền của chúng tôi đã được chuyển sang chiếc thuyền bên kia và họ đã lôi chúng tôi vào bờ. Đến tận sáng sớm tinh sương chúng tôi mới về đến Cầu Đá, Vũng Tàu. Trong suốt đêm hôm ấy, tôi hoàn toàn không cảm thấy mình buồn ngủ. Tôi cứ nằm đó giữa biển cả mênh mông và nhìn lên bầu trời sáng trong với hàng nghìn vì sao đang chiếu lấp lánh. Tôi rất thường nghe bao người lớn, khi nói chuyện, hay nhắc đến hai chữ "vượt biên" nhưng không thể nào hình dung được cảnh tượng đó thật sự ra sao, mãi tận giây phút này tôi mới thấm thía được nổi khổ đau và lòng can đảm của những người dám từ giã những người thân thương của mình để bước chân xuống thuyền vượt biển. Phải khổ lắm mới phải ra đi, chứ có sung sướng nào bằng được sống bình yên và no ấm bên cạnh gia đình của mình và ngay trên chính mãnh đất quê hương mình.

Tất cả mọi người, già trẻ lớn bé đều bị bắt giam. Tôi và dì Đài, dì Trang chỉ bị giam một vài tuần, các cậu mợ khác thì bị giam lâu hơn vài tháng, nhưng cậu Nam tôi thì bị giam tận 4 năm vì theo lời tố cáo họ biết rõ cậu là thợ máy chính và là tài công, còn bác Hai chủ thuyền vì bị gán cho nhiều tội nên đã mang bản án tù chung thân và khoảng 10 năm sau thì được thả nhờ gia đình đã chạy lo khắp nơi. Khi cậu Nam vẫn còn trong tù, dì Đài và gia đình dì Trang lại tiếp tục ra đi. Tôi cũng được một chổ, cũng đã quyết định đi chung với hai dì, nhưng không hiểu sao đến phút chót tôi đã lưỡng lự và đòi ở lại. Có lẽ vì lời của một tù nhân trẻ đã nói với tôi khi tôi còn bị nhốt trong trại, chú ấy đã nhìn những đường chỉ tay chưa thật sự đậm nét của tôi và nói, "Đừng đi vượt biên nữa con ơi, số con thế nào cũng được đi một cách công khai với niềm hãnh diện, không cần phải đi lén lút làm chi mà chết." Lời nói đó sao nghe quá mơ hồ, chẳng dễ gì tin được, nhất là trong cái thời người ta ai cũng khổ, không đủ cơm ăn áo mặc, nhưng nó đã làm cho tôi phân vân lo nghĩ trước giây phút phải quyết định "đi" hay "ở". Tôi đã e ngại rằng lở số mình xui xẻo đi mà chết như chú nọ đã nói thì cái xui của tôi sẽ làm ảnh hưởng đến bao người đi chung trên thuyền vì vậy mà cuối cùng tôi đã quyết định ở lại. Thế là chỉ dì Đài, dì Trang, dượng Sáu - chồng dì Trang - và cu Dũng - đứa con trai nhỏ 3 tuổi của họ - đã ra đi. Khi đi ngang qua nhà bà Nội tôi, họ còn kêu tôi và Má tôi ra để chào tạm biệt, có ai nào ngờ họ đã vĩnh viễn ra đi không một tin tức. Nếu ngày đó tôi cũng đã ra đi thì gia đình tôi cũng đã đau buồn nhiều khi mất mát tôi, nhưng tôi sẽ biết rõ chuyện gì đã xảy ra.

Dì Trang thì đã có gia đình, nhưng dì Đài thì dì chưa tròn đôi mươi khi từ giã mọi người. Dì chưa kịp sống hết những gì dì mong muốn. Dì rất đẹp, dì rất có duyên, dì học rất giỏi, dì lại hát hay, dì rất có tình với gia đình và mọi người xung quanh, và biết bao nhiêu con tim đã thèm được dì yêu thương. Dì ra đi mang theo nhiều niềm vui và hạnh phúc của thế gian này.

Dì Đài đã không trả lời khi tôi hỏi, "Dì Đài còn sống hay đã chết?" Có lẽ đối với dì chữ "chết" không có nghĩa bởi vì dì vẫn còn sống. Linh hồn của dì vẫn còn sống. Dì đã nghe được những tiếng thì thầm, những tiếng yêu thương mà tôi đã luôn luôn mong đợi được gởi đến dì trong suốt hai mươi năm qua. Dì đã đến với tôi. Tôi thật toại nguyện. Tôi tin dì vẫn luôn hiện hữu bên cạnh những người dì yêu thương.

~~*~~

Virginia 30 tháng 10, 2004
Anne Khánh-Vân

No comments: