***
Sau khi đọc chuyện về những cái đẹp… các bạn tôi nhớ lại những cái đẹp của các bạn mình và khen nhau ui úi… làm tui đọc lời trò chuyện tới lui mà vui quá trời vui… Riêng bạn Phương Uyên lớp tui thì khiếu nại, "Còn tui thì nhớ tui có hay khen KV có giọng nói từ "cháu" rất dễ thương mà sao hổng viết cho tui (tui kiện đó nhe)."
Bạn Uyên này bị "dính chấu" rồi khi nhắc lại chữ "cháu" của tui… Bây giờ, tui buộc phải kể về cái chữ "cháu" dễ thương đó, và bạn Uyên rán mà đọc cho hết chuyện về chữ "cháu" này của tui… Tai hại chưa!?
*
Lúc nhỏ, khi mới sinh và lớn lên cỡ 2, 3 tuổi, tôi ở với bên ngoại thường hơn nên "được" ảnh hưởng hơi…bị nhiều giọng bắc kỳ "chín nút". Không biết chữ "cháu" có phải là chữ đầu tiên ông bà ngoại và các cậu dì đã dạy tôi nói không mà tôi nói nó rất điệu nghệ (rặc cọng rau muống).
Tôi vẫn còn nhớ các cô chị trong xóm đã có lần ẵm tôi đi trốn cho má tôi tìm (chơi). Họ giữ tôi tuốt sau bếp nhà bà Sáu Cau. Tôi nghe má tôi gọi và trả lời "dạ" nhưng họ bịt miệng tôi lại. Họ bắt tôi phải nói chữ "cháu" đến khi nào họ nghe đã tai thì mới trả tôi về lại cho má tôi. Lúc đó tôi chưa có em, có nghĩa khoảng 3 tuổi, đã biết đếm và biết tuổi (con giáp) của mọi người trong nhà, nên tôi vẫn còn nhớ đã phải nói cái chữ "cháu" rất nhiều lần để được "thả ra".
Khi lớn lên thêm chút xíu, tôi ở với nội thường hơn. Giọng bắc kỳ 54 bắt đầu phai đi bởi bà nội tôi rặc Nam kỳ, gốc Cần Thơ.
Khi lớn lên đi học, có lẽ ít ai còn biết cái gốc 54 của tôi – cũng 50% đó chứ đâu có ít. Mọi người chỉ đơn giản nghĩ tôi là dân Sàigòn chứ hổng có thắc mắc bao nhiêu nạc bao nhiêu mỡ. Chữ "cháu" của tôi khi vô tới trung học, không biết nó nghe ra làm sao mà bạn Uyên vẫn còn nhớ nó tới bây giờ!? Điểm này phải thú thật vô cùng cảm phục bạn Uyên, bởi chính tôi đây cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã phát âm cái chữ "cháu" đó như thế nào để mà tới giờ này, gần 25 năm sau, bạn Uyên vẫn còn nhớ nó "rễ thương"…
Để thấy là giọng nói thay đổi theo thời gian và tùy thuộc vào môi trường sinh sống, xin kể tiếp chữ "cháu" của tui hổng có ngừng lại giữa lằn Nam và Bắc đó.
Vào trung học, nhà tôi dời về khu ngã tư Bảy Hiền (Tân Bình)… Bạn trung học của tui đa số trong khu dệt-nhuộm, chợ Bà Hoa. Những ai không biết khu này, xin mở ngoặc một chút ở đây rằng khu dệt ở ngã tư Bảy Hiền tập trung dân từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Tân Châu, Hồng Ngự… Các bạn tôi nói giọng lơ lớ Trung rất dễ thương. Mùa hè, họ được về Trung chơi; khi trở vô Nam, bọn họ (như bạn Lệ dễ thương) mang về cho bọn "không còn quê" để đi như tui, các món bánh nện, bánh thuẩn…phải ăn để "yêu" miền trung!
Tôi đâu có biết giọng mình đã "được" ảnh hưởng cho đến khi… sau trung học không lâu khi tôi qua Pháp và làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh Tiếng Nói Người Việt Nam ở Lyon, Radio Trait d'Union, thì "được" phát hiện: Tôi làm cho đài khoảng 6 năm thì đi Mỹ. Thính giả gọi điện thoại lên đài hỏi, "Sao lâu nay không nghe giọng cô gái miền trung?" Mọi người nhìn nhau ú ớ… "Ai trong này có giọng miền trung ta? Chỉ có 4 giọng nữ. Mọi người vẫn còn ở đây trừ con Mimi đi Mỹ rồi… Chẳng lẽ giọng nó có pha Trung?" Các anh chị trong đài radio kể chuyện tôi nghe… Tôi nghe xong cũng trợn mắt, "Thấy bà, thiệt hả? Ai nghe lầm chứ thính giả thì không… Chắc họ nghe đúng rồi." Giọng tôi bị pha Trung hồi nào hổng hay. Ba năm ngồi trung học, học với các bạn xóm Dệt… đâu phải ngắn. Giọng Trung đó đã đi vào lòng mình, rồi thoát thành tiếng hồi nảo hổng hay.
Giọng của tui bây giờ, sau khi nó đã thấm giọng Bắc, giọng Nam, giọng Trung, rồi qua giọng Tây, giọng Mỹ… không biết nó thành cái gì ngày hôm nay. Khi gặp (lại) tôi, các bạn, nhất là bạn Uyên, chớ mà có bắt tôi nói chữ "cháu" cho mí người nghe cho đã rồi mới thả tôi về nhà à nghen!
*
Bạn Uyên thương,
Khi được bạn Uyên nhắc chuyện này, tôi đã biết mình đã được nhớ kỹ như thế nào. Cảm ơn bạn Uyên dễ thương của tui. Thương bạn Uyên nhiều nhiều.
No comments:
Post a Comment