Anne Khánh Vân
Chiếc phi cơ FR - 975 của chúng tôi lẽ ra đã phải rời phi trường Paris - Charles de Gaulle lúc 19 giờ để hướng về vùng trời Đông Nam Á, nơi có đất nước nhỏ bé mang hình dáng chữ S trên bản đồ; nhưng vào phút chót một bộ phận điện tử của phi cơ bị trục trặc nên giờ cất cánh đã bị dời lại 2 giờ sau.
Sáu mươi phút đầu đã chậm rãi trôi qua, giờ thứ nhì cũng sắp kết thúc, nhưng hơn bốn trăm người chúng tôi vẫn đứng ngồi la liệt ở khắp nơi trước chiếc cổng B-42. Vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy chúng tôi sắp được lên phi cơ. Các loa phát thanh lại vang lên: "Chúng tôi xin cáo lỗi cùng quý vị, phi cơ vẫn chưa được sẵn sàng để có thể khởi hành. Mong quý vị rộng lòng bỏ qua cho sự cố đáng tiếc ngoài ý muốn này của phi hành đoàn chúng tôi. Thức ăn và thức uống sẽ được mang ra phục vụ quý vị trong giây lát."
Mọi người bắt đầu thở dài và lo âu. Nếu chuyến bay bị hủy hoặc dời sang vài ngày sau thì sẽ cực và mất thời gian lắm, bởi không phải mọi người ai cũng ở ngay tại Paris , mà rất đông trong số chúng tôi đã đến từ khắp nơi, không chỉ trong nước Pháp mà cả những nước lân cận.
Phần đông hành khách của chuyến bay là người Việt. Ngồi đối diện tôi là hai ông bà đã khá lớn tuổi. Tôi đã đặc biệt để ý đến họ bởi cụ bà trông rất gầy yếu. Tôi cứ lo ngại và thầm hỏi làm thế nào bà có thể có đủ sức ngồi suốt hơn 18 giờ bay. Dãy ghế của tôi và của ông bà chỉ cách nhau khoảng hai mét. Trong thời gian chờ đợi, cụ ông đã đi đi lại lại và chuyện trò cùng tôi và những người ngồi gần quanh đó. Họ trở về Việt Nam để sống vì không thể tiếp tục chịu đựng nỗi nữa cái lạnh và sự cô đơn nơi đất khách quê người.
Cụ ông đã kể rằng, mỗi ngày bà ấy cứ ốm đi, ốm thật nhiều; đi bác sĩ khám thì hoàn toàn không thấy bà mắc bệnh gì nhưng bà chỉ ốm dần, ốm đến độ con cái phải lo sợ và không còn biết phải làm gì khác ngoài quyết định đưa ông bà trở về quê nhà. Mong rằng nơi ấy bà sẽ tìm lại được hơi ấm của quê hương, hơi ấm của đồng bào - là sức sống mà có lẽ cơ thể thật gầy yếu của bà đang cần. Những người con hiện đang sống ở Pháp của ông bà đã thật khó khăn khi phải để cho cha mẹ rời xa họ... nhưng giờ đây việc cứu sống bà quan trọng hơn cả. Họ đã đặt rất nhiều niềm tin và hy vọng trong chọn lựa ấy.
Một người đàn ông tuổi đã ngoài năm mươi, dáng vóc cao lớn, từng bước đi hơi khập khểnh tiến đến chỗ ông bà lớn tuổi đang ngồi. Không rõ ông mang quốc tịch gì nhưng ông không có vẻ là một người gốc Pháp. Trên khuôn mặt ông đã đeo một đôi kính lớn nhưng nó vẫn không che hết hai vết thẹo dài từ mắt xuống má, và từ miệng qua tai. Tay ông cầm hai mẩu bánh mì kẹp thịt và hai chai nước suối. Đến bên ông bà người Việt, ông dừng lại và đưa cho họ hai mẩu bánh mì cùng hai chai nước. Cụ bà chỉ vẫn nhìn thẳng ra phía trước và khẽ lắc đầu; nhưng cụ ông thì hơi ngạc nhiên ngước mắt nhìn lên phía người đàn ông và chỉ sang phần bánh mì và nước uống mà con gái họ đã lấy về cho họ. Người đàn ông gật gật đầu rồi tiếp tục bước đi.
Ông về chỗ ngồi của ông cách chỗ tôi vài ghế rồi chậm rãi dùng phần bánh mì của mình… Sau một lát, ông ta lại đứng lên và đi ngang qua chỗ hai ông bà. Ông nhìn họ mỉm cười và như muốn hỏi "Ông Bà có khỏe không?"… nhưng ông chỉ gật gật đầu rồi lại bước đi, không hề lên tiếng.
Từng giờ một cứ tiếp tục trôi qua và đến qua nửa đêm chúng tôi mới được lên phi cơ. Dù mệt mỏi nhưng mọi người chỉ mừng vui chứ không bực bội cho sự chờ đợi ngoài ý muốn vừa rồi. Sau đó phi cơ của chúng tôi đã về đến Việt Nam bình yên vô sự.
Hai mươi chín ngày sau, tôi lại rời Việt Nam để trở sang Pháp. Lần này chuyến bay của tôi thông suốt hơn, không bị trục trặc hay trễ nải chi nữa. Sau khi kết thúc mọi thủ tục xuất cảnh, tôi thong thả lên máy bay.
Khi đang loay hoay nâng chiếc vali xách tay hơi lố ký của tôi lên ngăn để hành lý phía trên của mỗi chỗ ngồi thì có một bàn tay rắn chắc, khỏe mạnh đã xuất hiện để đỡ phụ tôi. Khi quay sang nhìn nhân vật tốt bụng đang giúp mình để nói lời cảm ơn thì tôi đã vô cùng ngạc nhiên nhận ra chính "người đàn ông" ấy - người đã đưa cho ông bà lớn tuổi ngồi đối diện tôi bánh mì và nước uống bốn tuần trước. Sao lại có một sự trùng hợp lạ lùng đến như vầy, bởi một ngày có bao nhiêu là chuyến bay trở về Pháp và trong tuần có đến bảy ngày, vậy trong gần một tháng sẽ phải có đến cả trăm chuyến chứ không phải chỉ hai hay ba mươi chuyến thôi. Làm sao "người đàn ông" ấy lại có thể cùng đi và cùng về chung với tôi trong cùng một chuyến như vầy (?).
Tôi vừa nói cảm ơn ông vừa nhớ lại những diễn biến của cái hôm ngồi chờ hơn 5 giờ đồng hồ ở sân bay Paris - Charles De Gaulle. Tôi đã nhìn thấy ông ấy đi qua đi lại trước mắt mình không biết bao nhiêu lần. Giây phút này tôi mới có thể nhìn thấy rõ hơn khuôn mặt của ông. Ông trông rất hiền dù hai vết thẹo đã làm giảm đi nét tự nhiên và hiền từ của ông.
Ông chỉ ngồi cách tôi một chiếc ghế và vì còn sớm, hành khách chưa lên đủ, nên tôi đã bắt đầu trò chuyện cùng ông. Khi tôi vừa buông miệng nói một câu tiếng Pháp thì ông liền trả lời lại với một giọng nói thật khó nghe. Ông như cố uốn quai hàm của mình để phát ra từng âm thanh một. Tôi kiên nhẫn chờ ông nói hết những gì muốn nói mà lòng cảm thấy thật tội nghiệp ông ta làm sao. Chuyện gì đã xảy ra với ông? Chắc chắn ông đã trải qua một tai nạn rất nghiêm trọng chứ ông không phải là một người tàn tật bẩm sinh. Hai vết thẹo trên khuôn mặt ông đã ít nhiều nói lên điều đó.
Cuối cùng tôi đã nghe ra được những gì ông muốn nói. Ông không phải là người Pháp mà là người Hoa Kỳ và ông chỉ nói được tiếng Anh mà thôi.
Tiếng Anh của tôi lúc bấy giờ thì cũng không đến nỗi nào tệ nhưng vì từ khi ở Pháp, tôi không có dịp sử dụng tiếng Anh hàng ngày nên khi phải bắt đầu một câu chuyện, tôi phải ngừng lại một chốc để tìm từ trong bộ nhớ và ráp thành câu. Khi tôi nhắc lại cho ông nghe cái hôm mọi người đã chờ thật lâu tại phi trường Paris - Charles De Gaulle, mắt ông đã sáng lên và hỏi tôi, "Oh, vậy cô cũng đã đi chuyến bay của ngày hôm ấy ư? Ngộ nghĩnh thật nhỉ!?."
Vâng, đúng là "ngộ nghĩnh thật" bởi tôi luôn nghĩ, cuộc gặp gỡ nào cũng đều phải có cái "duyên" của nó. Không phải chỉ có duyên để làm cha mẹ, con cái, vợ chồng hay bạn bè của nhau mà kể cả những người mình chỉ gặp gỡ họ đôi ba phút trên đường phố, nói với nhau đôi ba câu… để rồi sau đó hình ảnh của người ấy cứ vẫn còn đọng lại dù người đã đi khuất… Chính vì luôn tin vào cái "duyên" ấy nên tôi đã không ngần ngại chuyện trò với "người đàn ông có vẻ rất đặc biệt" này.
Quả thật tôi đã có cái "duyên" gặp ông để được biết về câu chuyện và về con người đáng được khâm phục của ông.
Tất cả hành khách đã dần lên máy bay và lấp gần kín các chỗ ngồi lúc nãy vẫn còn trống, nhưng chỗ trống giữa tôi và "người đàn ông" ấy vẫn không thấy có ai đến. Máy bay cất cánh và câu chuyện của chúng tôi đã được bắt đầu.
Ông tên Larry H., hiện đang sống tại tiểu bang New York - Hoa Kỳ. Tôi thắc mắc:
- Từ New York chỗ ông, nếu tôi nhớ không lầm thì có chuyến bay bay thẳng về Việt Nam mà, tại sao ông phải ghé sang Pháp cho cực vậy?"
- Tôi mua vé máy bay trễ nên chẳng còn chuyến nào. Tôi lại phải có mặt tại Việt Nam với một số bạn bè trong thời gian đó, nên dù có phải đi lòng vòng và ngừng lại bao nhiêu chặng tôi cũng không ngại."
- Như vậy rõ ràng là mục đích chuyến đi của ông phải quan trọng lắm!"
Tôi còn muốn hỏi "người đàn ông" này bao nhiêu là điều nhưng cách ông cố gắng phát âm làm cho tôi cảm thấy e ngại. Tôi hoàn toàn không thể nào đoán biết được là khi phải cố gắng chuyển động hai quai hàm, ông có bị đau đớn gì không, thế là tôi đã quyết định hỏi ông một câu không được tế nhị cho lắm:
- Tôi xin lỗi ông trước khi hỏi ông điều này. Ông có cảm thấy thoải mái không khi phải phát âm? Ông không cảm thấy đau chứ? Nếu có thì chúng ta sẽ nói chuyện ít ít thôi vậy."
Ông mỉm cười và tiếp tục những cử động cũ:
- Không, tôi không hề cảm thấy đau. Được chuyện trò với cô tôi vui lắm, chỉ sợ cô không có đủ kiên nhẫn chờ nghe những gì tôi muốn nói thôi."
Tôi cũng mỉm cười và đáp lại lời ông:
- Ông đừng lo, tôi thường cũng kiên nhẫn lắm. Tôi cũng cảm thấy rất vui khi được nói chuyện cùng ông. Chúng ta có những 18 giờ đồng hồ lận mà. Chúng ta cứ trò chuyện cho đến khi nào mệt thì nghỉ, ông thấy sao?"
Ông gật gật đầu và chúng tôi lại tiếp tục. Ông kể:
- Tôi đã được giải phẫu 9 lần rồi. Những lần đầu tôi cảm thấy rất đau khi phải nói, có khi tôi lại bị đau buốt lên tận óc. Vì vậy mà tôi cứ phải trải qua hết cuộc giải phẫu này đến cuộc giải phẫu khác. Bây giờ thì sức khỏe của tôi tốt lắm rồi, rất tốt so với năm sáu năm về trước."
- Như vậy ông đã thật là can đảm đấy. Người ta chỉ bị giải phẫu một lần thôi là đã thấy mệt rồi. Tôi thấy ông vẫn khỏe và yêu đời lắm. Ông có thể nào kể cho tôi nghe vì sao ông đã bị giải phẫu không?"
- Chắc cô đã nhìn thấy những vết thẹo trên khuôn mặt của tôi. Tôi còn vài vết lớn như thế trên đầu và bên sườn. Trên người tôi thì hàng trăm vết thẹo, nhỏ, lớn, đủ mọi kích thước, những cái nhỏ li ti thì không thể nào đếm được… Tôi đã bị trúng mìn trong chiến tranh Việt Nam. Hiện giờ trong óc tôi vẫn còn một mãnh mìn nhưng vì nó không cản trở việc tôi tiếp tục sống nên các bác sĩ đã quyết định cứ để nó nằm yên như vậy, bởi nếu giải phẫu lấy ra thì nguy cơ tử vong của tôi sẽ là 99%."
- Ôi trời ơi, thì ra là vậy! Tôi thành thật xin ông hãy thứ lỗi cho khi đã để ông phải nhắc lại quá khứ đáng buồn này."
- Không, không sao cả. Cô không có lỗi chi vì tôi không còn cảm thấy buồn khi nhắc lại những chuyện của ngày xưa ấy. Chúng bạn tôi vẫn thường kể về những chuyện ngày xưa và cứ hô lên tôi là một vị anh hùng. Nhưng tôi nào có thấy mình là anh hùng. Tôi chỉ là một kẻ may mắn mà thôi!"
Chúng tôi phải tạm ngưng câu chuyện đang nói dỡ dang vì phi cơ phải ngừng lại ở Singapore để đón thêm khách. Phi cơ lúc này mới thật sự đầy. Sau khi được dùng xong nước uống và bữa ăn tối, chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện. Ông Larry bắt đầu hỏi:
- Nãy giờ nói chuyện mà tôi vẫn chưa biết tên cô là gì!"
- Thưa, ông có thể gọi tôi là Anne, như thế sẽ dễ dàng cho ông hơn."
- Chắc cô Anne sống ở Pháp phải không? Cô về Việt Nam thăm gia đình, tôi nghĩ vậy."
- Vâng đúng thế ạ! Tôi còn gia đình ở Việt Nam."
- Người Việt Nam giàu tình cảm thật, cô Anne nhỉ. Tôi rất quý mến người Việt Nam của cô. Đất nước và con người Việt Nam của cô thì thật nhỏ bé nhưng tình người thì lại mênh mông."
- Tôi xin thật cảm ơn ông cho những lời tốt đẹp đó."
- Có gì phải cảm ơn, bởi đó là sự thật kia mà."
- Hơn hai mươi lăm năm về trước, tôi cứ tưởng là tôi đã chết. Tôi đã nói lời trăn chối với bạn bè để họ về thưa lại với Bố Mẹ tôi… Nhưng rồi không hiểu sao tôi lại được ban tặng lại sự sống. Chắc hẳn vì tôi chưa hoàn thành sứ mệnh của mình."
- Vâng, ông nói đúng, mỗi người sinh ra sống ở thế gian này, ai cũng có riêng cho phần mình một sứ mệnh, chẳng của người nào giống của người nào; nhưng tôi tin chắc sứ mệnh của ông phải đặc biệt lắm!"
- Tôi chẳng biết mình có làm được gì lớn lao không, nhưng tôi cảm thấy hài lòng về những gì mình hiện đang làm. Những vết thương trên người tôi đang dần được lành lặn khi tôi giúp đỡ cho những người cũng tàn tật như tôi vậy và tôi tin rằng, những vết thương trên thân thể của họ cũng đang được lành lặn như những vết của tôi."
- Những lời nói của ông nghe thật hay ông Larry ạ!! Tôi thật hài lòng đã được gặp lại ông hôm nay để được chuyện trò cùng ông. Tôi đã bắt đầu để ý đến ông từ sau khi ông mang bánh mì và nước uống đến mời hai người Việt Nam lớn tuổi ngồi trước mặt tôi. Tôi đã nhận ra ngay ông là một con người rất đỗi nhân hậu. Ông có thể nào kể cho tôi nghe ông đến Việt Nam để làm gì không?"
- Tôi là thành viên của một Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam. Hội của chúng tôi có quỹ và những chương trình sang Việt Nam để giúp cho những người cựu chiến binh cũng tàn tật như tôi, gia đình của họ, và đặc biệt là các trẻ em, nạn nhân của chiến tranh. Nhiều lần trong năm, hội của chúng tôi có những người đại diện mang áo quần, thuốc men, thức ăn, dụng cụ học tập và nhiều thứ hàng tiếp tế khác về giúp cho những trường học, những trung tâm trẻ mồ côi - khuyết tật và những gia đình nghèo khó ở những vùng ngoại ô, xa xôi, hẻo lánh. Tôi đã cùng những người trong hội đến Việt Nam được 7 lần rồi và lần nào khi xong việc ra đi, tôi cũng đều mong sẽ còn dịp được trở lại Việt Nam. Đất nước Việt Nam của cô, dường như có một phần thân thể của tôi đã được gắn liền ở đó."
Càng nghe những lời ông Larry nói về những kỷ niệm, về những hoạt động hiện nay của ông, tôi càng cảm thấy khâm phục người đàn ông này. Khi bước đi, ông đi những bước khập khễnh không vững; khi nói chuyện thì ông nói thật khó khăn, phải sau một hồi thật lâu ông mới phát ra được hết những âm thanh ngọng nghiệu,… ấy vậy mà ông không màn mấy chục ngàn cây số. Ông vẫn cứ đi, đi hết lần này lại đi lần khác. Những bước đi của ông là những bước đi đem người này đến gần với người kia; bàn tay này cứ được nắm với bàn tay khác, để cái khoảng cách dù rộng cả nửa vòng trái đất, dù hai dân tộc ấy không có cùng một màu da và một giòng máu, họ vẫn cảm thấy cái vòng tròn ấy thật ra chỉ là một vòng tròn rất nhỏ - nhỏ vì nó chính là vòng tròn của tình thương, của hòa bình.
Khi tôi đang mãi mê đeo đuổi suy nghĩ của mình về ông Larry, về những gì ông cùng bạn bè đem đến cho dân tộc tôi… thì ông lại lên tiếng:
- Có một dạo, cứ nhắm mắt ngủ là tôi lại nhìn thấy những hình ảnh kinh khủng của bom đạn, của chết chóc. Tôi cứ có cái cảm giác mình thật tội lỗi và điều ấy không cho phép tôi được sống yên..."
Khi ông Larry nói đến đây, tôi đã mạn phép cắt ngang những lời tự trách móc của ông.
- Chiến tranh ư, nào ai có muốn bao giờ, bởi chiến tranh chẳng khi nào là đúng cả. Nó luôn để lại những vết sẹo thật sâu và thật đau trong lòng của những người bị thương. Ông đã chỉ phải làm những công việc của ông và hàng trăm ngàn người khác họ cũng đã phải làm những điều mà lúc bấy giờ là nhiệm vụ của họ. Nhưng đã mấy mươi năm trôi qua rồi còn gì, những gì thuộc về quá khứ không còn quan trọng nữa mà là những gì chúng ta hiện đang làm trong ngày hôm nay mới là đáng quý, đáng được lưu tâm đến. Tấm lòng và con tim của ông, cũng như của những bạn bè ông thật đáng được đề cao. Tôi vô cùng hân hạnh đã được biết ông, thưa ông Larry. Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến bay ngày hôm nay của tôi. Tôi xin cảm ơn ông rất nhiều, ông Larry ạ, vì nhờ ông, tôi đã có một cái nhìn khác về chiến tranh, về con người, về tình nhân loại..."
Ông Larry lấy ra cho tôi xem những bức hình ông đã chụp trong chuyến đi của ông. Ông đã cùng bạn bè đến những làng nghèo của thành phố Nha Trang, Hội An, và Huế. Ông đã thật hạnh phúc khi ôm các trẻ nhỏ trong vòng tay mình. Những bà mẹ thật già cũng đã cười thật tươi và ôm lấy ông. Những tấm hình khác thì ông lại đang cùng khóc với những người thương binh đồng cảnh ngộ. Họ như thật hiểu nhau, thương nhau; ôm nhau vào lòng và cùng cảm nhận được một điều quan trọng, họ chẳng qua chỉ là những đứa con của cùng một Thượng Đế.
18 giờ đồng hồ, thông thường tôi đã phải chờ đợi rất lâu, cứ như là phải đếm từng năm phút một vì trên máy bay không làm được gì nhiều ngoài đọc sách, xem phim, nghe nhạc hoặc ngủ những giấc ngủ chập chờn,... nhưng lần này 18 giờ ấy đã qua đi thật nhanh. Tôi như vẫn còn muốn được ông Larry kể thêm cho nghe bao nhiêu chuyện khác nữa nhưng máy bay đã hạ cánh.
Đã đến giờ chúng tôi phải chia tay nhau và đi về hai ngả. Tôi thì chuyển máy bay để về lại Lyon; còn ông Larry thì phải đi xa hơn, ông sẽ phải chờ đợi và lại tiếp tục ngồi máy bay thêm ít nhất là 6 giờ nữa thì mới đến được New York…
Tôi kéo chiếc vali bước đi, hòa vào dòng người mà trong lòng... bao nhiêu dư âm vẫn còn đọng lại.
Anne Khánh-Vân
No comments:
Post a Comment