Thursday, November 24, 2022

Tạ Ơn

Anne Khánh Vân

*
Sáng nay trên đường đến sở làm, tôi chợt nhớ đã quên mua cho cậu bé hàng xóm kế bên nhà giftcard Back to School. Vào đầu mỗi năm học, ngoài các cháu trong nhà mà tôi vẫn thường mua áo quần giày dép và dụng cụ học tập mới cho trước ngày đầu tiên trở lại trường, tôi có thói quen hùn vào quỹ học bỗng giúp các em miền thượng du và các em nhỏ khuyết tật nhà nghèo hiếu học bên nhà có phương tiện đến trường.

Những hàng xóm gần nhà tôi bên đây ai cũng đã lớn và đi làm, chỉ có mỗi cậu con trai út của nhà sát bên là còn đi học. Lúc tôi mua nhà và dọn về đây ở, Nick chỉ mới lên bảy. Hôm nay cậu ta đã vào cấp ba. Thay vì lì xì vào mỗi dịp Tết, tôi tặng giftcard Back to School cho Nick vào đầu năm học. Riêng năm nay, vì bận nhiều việc phải đi travel mấy tháng hè, tôi đã hụt tặng giftcard cho Nick như thường lệ. Vì vậy tôi muốn tặng bù nhân dịp lễ Thanksgiving. Ấy vậy mà cũng lại lu bu quá, quên làm tối qua. Tôi tự dặn mình tối nay về nhà phải không được quên nữa.

Khi đến sở, nhìn từ xa đã thấy một bó hoa để trên bàn làm việc. Đến gần thì thấy một bao thư với tấm card mừng lễ Thanksgiving kèm theo giftcard $50. Tôi ngừng lại vài giây ngẫm nghĩ, ủa, sao lại trùng hợp lạ vậy, mình cũng vừa mới nói sẽ mua cho Nick một giftcard $50.


Bàn làm việc của Khánh Vân.

Văn phòng trung ương Headquarter (HQ) của tôi rất ít nhân viên. Phần lớn nhân viên làm việc rãi rác ở các nhà thương. Khi có họp quan trọng, bác sĩ, y tá và nhân viên làm việc hành chánh sẽ thay phiên về HQ để họp. Hôm nay có họp trước lễ Thanksgiving. Quà ngạc nhiên của tôi sáng nay là từ cô quản lý của một chi nhánh chăm sóc bệnh nhân.

Tôi cho hoa vào bình và trưng ra phía ngoài phòng khách. Giftcard thì tôi quyết định tặng lại cho một nhân viên cấp dưới. Cậu em này học một đằng mà lại ra đi làm một nẻo vì không tìm được việc đúng ngành. Nhưng nhờ cậu ta rất chịu khó nên tôi luôn động viên và tận tình hướng dẫn công việc. Hoàn cảnh gia đình của cậu em này cũng hơi đặc biệt. Ba của cậu là cư dân Mỹ nhưng người gốc Ethiopia, ông đã lui về nước bản sứ sinh sống từ sau khi nghỉ hưu và mỗi năm khoảng thời gian này ông phải trở qua Mỹ để lọc máu. Cậu ta sẽ phải giúp bố trong thời gian lui đến nhà thương.

Sáng nay khi dặn mình nhớ mua giftcard cho Nick, tôi cũng đã muốn sẽ tặng cho cậu em này một giftcard nhân dịp lễ Thanksgiving.

Sau giờ nghỉ trưa, khi trở lại bàn làm việc của mình, tôi lại thấy một phong thư khác. Và lạ lùng thay, bên trong cũng lại có một giftcard. Vừa tặng cậu nhân viên cái giftcard được nhận lúc sáng thì bây giờ lại được nhận một giftcard khác mà còn gấp đôi cái trước. Trên tấm thiệp, Dr. Nihar viết mấy dòng cảm ơn…

Bàn làm việc của tôi có một bình thủy trúc. Tôi chiết từ phần rễ của cái gốc lớn trong chậu thủy trúc lâu năm ở nhà, cho vào một bình thủy tinh cao, biến nó trở thành dạng thủy trúc bonsai để trưng ở bàn. Hình dáng của cây Thủy trúc cũng hơi khác lạ vì ít lá, không có nhánh um tùm chỉa ra từ thân cây nên nhìn rất gọn gàng thanh tao. Khi trưng trong bình có đất, cát, sỏi và nước ngập lên, nhìn rất mỹ thuật và theo danh từ phong thủy thì rất zing 😉. Gần như mỗi ngày, tôi luôn được rất nhiều lời khen cho bình thủy trúc. Có bạn còn nói mỗi khi cảm thấy căng thẳng là muốn chạy sang phòng làm việc của tôi nhìn cảnh cây thủy trúc, chuyện trò với tôi một chút để xả stress và trở về làm việc lại.

Dr. Nihar đặc biệt thích bình thủy trúc của tôi. Sau khi hỏi tỉ mỉ tôi đã trồng nó và chuyển nó vào bình thủy tinh như thế nào, ông đã làm gan xin tôi làm cho ông một bình để trưng ở phòng làm việc của ông. Sau khi tôi làm xong và tặng thì ông xin được trả ít nhất là tiền bình thủy tinh. Dỉ nhiên là tôi không nhận tiền. Tôi la ông đã làm mất ý nghĩa của món quà. Thế là ông đã có một “cô bạn gái” từ hôm đó và luôn dùng ngôi số ba “cô ấy” để nói về cây thủy trúc và thường xuyên cập nhật cho tôi biết tình trạng của “cô ta”!

Hôm nay, trong bức thiệp, Dr. Nihar nhắc lại “cô ấy”, tỏ lòng biết ơn vì “cô ta” đã giúp ông đỡ căng thẳng mấy tháng qua. Trong thiệp kèm theo một giftcard $100.

Sau khi đọc xong thiệp Thanksgiving ông viết, tôi đi một vòng các văn phòng tìm ông. Giftcard $100 nhiều quá, tôi không thể nhận. Nhưng có vẻ không thể trả lại giftcard vì ông ta đã biến mất ngay sau phiên họp. Chắc ông đã canh chừng khi tôi vừa có việc phải rời bàn làm việc là tạt nhanh qua rồi đi luôn. Chúng tôi không làm việc trực tiếp với nhau và cũng không là cấp trên hay dưới của nhau nên không gặp nhau mỗi ngày.

* Nghĩ cũng lạ và vui, mấy cái giftcard này cứ tiếp nối tiếp nối, thật… “đắt hàng” dù tôi vẫn chưa kịp đi mua cho Nick và sắp xếp sẽ làm tối nay.

Tôi đang còn suy nghĩ sẽ làm gì với cái giftcard $100 thì điện thoại cá nhân reng. Đó là anh Darius, người bạn cựu chiến binh, từng làm thông dịch viên trên nhiều chiến trường ở Afghanistan. Anh ta bị chấn thương tâm lý hậu chiến tranh PTSD (post-traumatic stress disorder) và có một người bạn thân là chú chó Coby. Khi rời khỏi chiến trường về hưu, anh làm việc “giao máu” – chạy từ nhà thương này sang nhà thương kia, chuyển máu tươi vừa được nhận đến những bệnh nhân đang cần gấp cho những ca mổ sắp hoặc đang diễn ra.

Tôi cũng hơi ngạc nhiên khi anh bạn Darius có thể gọi mình trong ngày. Giờ này anh ta phải đang rất bận chay… xô, giao máu. Chưa nghe điện thoại, nhưng trong tíc-tắc đó, tôi biết mình sẽ làm gì với câu hỏi vừa hỏi ở trên.

“Hi Anne, tôi sắp đến gần khu văn phòng của Anne, tòa nhà Anne làm có phải tòa nhà… đó không? Có thể nào Anne gặp tôi dưới lầu, ngay phía ngoài được không? Khoảng 10 phút nữa…” Anh Darius nói một lèo, trước khi tôi kịp hỏi anh ta có khỏe không và cần gặp để làm gì. Chắc chắn là anh ta đang lái xe.

“Oh, ok, dỉ nhiên rồi, em sẽ đợi phía trước building.”

Tắt điện thoại xong, tôi chỉ kịp tìm một bao thư khác, cho giftcard vào và ghi nhanh vài dòng, “Happy Thanksgiving, dear Darius! I am extending some love and some gift I got today to you…” Em tiếp tục nối dài niềm vui, quà và tình thương yêu được nhận hôm nay sang qua cho anh…

Tôi chạy xuống lầu thì xe anh Darius cũng vừa quẹo vô trong và ngừng lại ở phía trước tòa nhà. Anh Darius bước ra khỏi xe, đi tới với một hộp chocalate khổng lồ mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Anh ta trong bộ y phục có gắn huân chương và cười tươi:

“Anne biết tôi bị cao đường, làm gì mà ăn nổi cái hộp chocolate này. Tặng lại cho Anne…”


Khánh Vân nhận quà của anh Darius

Tôi cũng trao quà cho anh và hai anh em chỉ kịp chụp chung một tấm hình để anh ta tiếp tục công vụ.

Tối đó, tôi phải mang hộp chocolate về nhà cho gia đình Hai Lúa vì ngày hôm sau là lễ Tạ Ơn, đa số nhân viên sẽ nghỉ qua tới thứ hai tuần sau. Trong văn phòng cũng đã có nhiều bánh trái vì sau Thanksgiving là Giáng sinh, kẹo bánh và trang hoàng Giáng Sinh đã bắt đầu. Trên đường về nhà, tôi ghé qua tiệm Target mua giftcard cho Nicky như dự tính và đưa cho Nicky trước giờ ăn tối.

Anh Darius giờ đó cũng mới mở bao thư ra xem. Anh ta lại gọi phone la lên, “sao lại cho anh cái giftcard nhiều tiền dữ vậy?” – “… well, thì em cũng được nhận nó từ một trái tim nhân hậu, em chỉ tiếp tục chuyển qua cho anh…”

*

Khánh Vân tại vườn mít của chú Frank và cô Minh Hoa

Thụt lùi mấy tháng hè… Chú Frank và cô Hoa cắt cho tôi hai trái mít chín cây trong vườn nhà họ. Khi về Virginia bổ ra và thử một múi, ôi sao mà nó ngọt và mịn như nhung, ngon không thể tả. Tôi bèng cắt ra nhiều phần nhỏ và đem phân phát cho bảy gia đình. Sau khi đem cho hết rồi mới phát hiện không để dành lại miếng nào cho mình. Thành ra hai trái mít nặng cũng phải ba chục pound, tôi chỉ nếm được năm bảy múi. Nhưng không sao, có đến bảy gia đình khác được hưởng và vui (hihi).

Tưởng là đã cuối mùa mít rồi và chắc phải sang năm sau và phải có đủ duyên phước mới được ăn mít trở lại, nhất là mít nhà chú Frank cô Hoa. Nhưng ngay ngày hôm sau, chú Frank lại nhắn tin, “còn một trái mít cuối cùng trong vườn, nó hơi bị đèo, nhưng cùng cây với hai trái trước, chắc sẽ ngon như vậy, sẽ để dành cho Anne khi Anne trở lại.” Ôi thôi, tôi đã vui ơi là vui.

Mấy tháng hè có việc phải lui tới Florida, tôi được biết bao nhiêu là lộc trái cây vườn ngọt, ngon, thơm… và không gì bằng khi chúng được chia sẻ với biết bao là yêu thương.

Thêm một chuyện vui khác cũng về ăn uống: Hai cây hồng sau vườn nhà tôi năm nay mới thật sự trưởng thành và cho trái; mùa vừa rồi có trên 600 trái, nhưng cả gia đình dòng họ bà con xóm giềng mấy chú sóc khu nhà tôi đã "xơi" sạch sẽ không thèm để dành cho chủ nhà đến cả một trái duy nhất như năm trước... 😕

Mấy tháng sau, khi đi công việc về nhà còn chưa kịp soạn vali, hai ba người bạn dễ thương đã nhắn cho hồng. Ba má Hai Lúa chạy đi lấy dùm. Chưa kịp ăn thì lại phải chạy đi lo việc khác, hụt ăn. Nhưng rồi tự dưng mọi việc đưa đẩy được về nhà một người bạn tốt bụng dễ thương khác hái đầy ắp một bao hồng. Hôm nay lại vừa được ông phát thư giao cho một thùng quà… đầy hồng của ba Thời Nguyễn (cũng là một tác giả của VVNM) gửi từ Cali sang cho...

Rõ ràng cái gì là phần của mình thì sẽ là của mình. Không cần lo âu, không nên tranh giành, không nên buồn tiếc, than thở,... càng chớ "trả thù" dòng họ nhà sóc mà làm bẩy... Phần mình sẽ hoàn phần mình. Sẽ không mất đi đâu hết! 😊

*

Tôi thường dặn mình phải cố gắng sống chậm lại và quan sát kỹ hơn những diễn tiến xunh quanh. Có những lúc chúng ta sống nhanh quá, hàng ngày cứ chạy đua với thời gian, với trách nhiệm, với deadlines hạn chót… Không kịp để ý những cái đẹp, những cái hay, những tốt lành mà chúng ta đã may mắn được nhận mỗi giây phút để chúng ta sống với thái độ vui vẻ hơn, biết ơn hơn và hạnh phúc hơn. Mọi thứ đều theo quy luật của vũ trụ. Khi chúng ta gieo hạt lành thì sẽ nhận trái ngọt. Chúng ta ra sao thì sẽ hấp dẫn những vật thể tương tự.

Chứng nghiệm vô vàn những sự việc khác nhau, vô vàn những lần khác nhau, tôi chẳng còn bao giờ lo ngại mất phần của mình (nhất là phần ăn, vì mình hơi có tâm hồn ăn uống, hihi). Chúng ta càng trân quý những gì được có, được nhận, và càng rộng rãi cho đi, càng rộng rãi chia sẻ, ngay những lúc khó khăn túng thiếu nhất… thì cứ lại càng được nhận lại nhiều nhiều hơn, gấp nhiều nhiều lần, từ những việc nhỏ, như miếng ăn, bánh trái, quà cáp, đến những việc lớn hơn, như công việc làm, chức vị, lương bỗng, cơ hội tốt hơn trong mọi lãnh vực... Khi mình cố gắng hết sức, chân thành và hết lòng, phần của mình sẽ luôn hiện lên, rất công bằng, ý nghĩa và hoàn hảo.

Cầu mong tất cả quý độc giả những ngày lễ Tạ Ơn an lành, hạnh phúc.


Happy Thanksgiving 2022,
Anne Khánh Vân

Friday, November 18, 2022

Dĩ Pháp - Hộ Pháp

Anne Khánh Vân
https://vvnm.vietbao.com/a247727/di-phap-ho-phap

Ảnh từ Tranh Giấy Dừa Quê Tôi (Đà Nẵng)

*
Những tuần sắp đến lễ Vu Lan, cuối ngày làm việc, tôi thu xếp đến một tu viện trong xóm phụ việc. Tu viện còn trong giai đoạn xây cất nên rất nhiều việc cần làm. Hầu như mỗi ngày, tùy thời khóa biểu của từng người, luôn có nhiều các anh chị Phật tử đến làm việc công quả.
Hôm nào đến được sớm khi trời còn sáng thì tôi phụ việc bên ngoài. Tôi thường chỉ đi vòng quanh sân lượm rác hoặc dọn những đồ vật linh tinh cuối ngày cần thu gọn. Hôm nào đến trễ khi trời đã tối, tôi sẽ phụ việc trong bếp. Hôm nay, khi vào nhà bếp thì thấy đã có nhiều các chị Phật tử đang nhặt rau, trộn bột, nấu nướng...

Cô bếp chính biết làm nhiều loại bánh và nấu các món chay rất ngon. Như nhiều gia đình Phật tử khác trong vùng, cả gia đình cô, vợ chồng con cái, và mấy chị em bắt đầu tham gia làm việc công quả từ những ngày đầu khi chùa mới được thành lập. Các anh chị rất nhiệt tình và siêng năng; hầu như ai cũng biết rõ mọi sinh hoạt trong chùa, làm việc rất hài hòa. Tôi thì không ở đây thường, chỉ thỉnh thoảng đi về nên chỉ giúp được những việc lặt lặt khi có thể sắp xếp đến. Tôi chào các chị rồi đến chỗ cô bếp chính hỏi thăm xem có việc gì cụ thể tôi có thể phụ.

Cô bếp chính nhìn vòng quanh với vẻ đo lường công việc trong bếp, suy nghĩ một chút rồi trả lời, “Hôm nay chị chùi dọn toilet dùm cho em nhe. Toilet cần chùi dọn mà tụi em chưa làm được để chuẩn bị cho lễ ngày mai. Sẽ có nhiều khách đến nên mọi thứ cần phải sạch sẽ tươm tất.”

Vừa nghe dứt câu, nếu xem gương soi, không chừng tôi sẽ thấy khuôn mặt của mình chuyển màu xanh dờn. Tôi tham gia việc cộng đồng từ nhiều năm qua: Thăm người bệnh ở những trung tâm phục hồi hay viện dưỡng lão. Học thi lấy những bằng thuế hàng năm để làm thiện nguyện cho IRS qua chương trình VITA khai thuế miễn phí cho những gia đình có thu nhập thấp. Tôi cũng có hát ca đoàn, đọc kinh thánh, lau bụi bàn thờ ở nhà thờ. Và cũng có cắm hoa, rửa chén, dọn bếp, nhặt rác trong sân chùa… Nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi phải dọn cầu tiêu, đã vậy còn làm… free (đùa chút).

Tôi hoàn toàn không hề chuẩn bị tinh thần cho việc mới này nên vô cùng bất ngờ. Hôm đó nếu biết trước sẽ phải dọn cầu tiêu, không chừng tôi đã trốn ở nhà (xin đùa thêm một chút… hihi!). “Hay là mình nên xỉu cái rầm để có lý do đi về cũng chưa muộn ta?” Tôi nghĩ bụng. Nhưng không được, vì nào giờ mình cũng chưa bao giờ xỉu giả đò nên chắc khó mà làm cho ra hồn. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi nói thầm, đã chấp nhận làm việc công quả thì không thể nề hà bất cứ công việc gì. Hơn nữa, chắc cũng vì tôi đã lui đến nhiều lần và đã thân thiết với các anh chị Phật tử ở đây nên cô Lan mới dám nhờ việc “đại sự”. Chứ nếu chỉ vừa mới đến công quả lần đầu mà đã được mở hàng… dọn cầu tiêu thì chắc ít có người “hiên ngang” trở lại (hihi).

Nhưng thử nghĩ, những công việc nặng hơn, lớn hơn, khó hơn, như vẽ lại kiến trúc của chùa, xây cửa tam quan, xây bàn thờ, xây trà thất, chạy dây điện, xin giấy phép… cần phải có kiến thức chuyên môn và khả năng làm. Cả việc nấu nướng, những món ăn chay và bánh trái, để nấu được ngon không dễ chút xíu nào. Việc chùi dọn nhà cầu là dễ nhất, ai cũng có thể làm.
Nghĩ thì thấy dễ vậy nhưng sao khi phải thật sự làm, nó lại khó quá trời quá đất!

Phải thú nhận rằng nhà cầu duy nhất mà tôi phải chùi dọn hồi nào tới giờ chỉ là của chính mình, trong nhà mình. Tôi chưa bao giờ dọn nhà cầu của ai khác. Những giai đoạn cơ hàn trong đời, từ bảy tám tuổi, tôi cũng đã lăn lộn, trải qua cuộc sống túng thiếu và phải thức khuya dậy sớm, làm rất nhiều việc khó làm, nhưng vẫn chưa bao giờ dọn… nhà cầu. Đời sống hôm nay đã ổn định, tôi càng chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình phải làm công việc chùi cầu tiêu của ai khác.

Bây giờ làm sao để có đủ… “can đảm” đi làm cái công việc mà mình đã ít nhiều... tình nguyện này đây?

Chân thì đi đến phòng cất giữ những dụng cụ chùi dọn, nhưng đầu lại suy nghĩ đủ thứ điều. Tôi chợt nhận ra mình đang được trải qua một thử thách thú vị và muốn biết mình sẽ xử trí và trải qua nó ra sao.

Mà dọn nhà cầu thì đã có sao kia chứ? Phải chăng thành kiến đã tạo ra vách ngăn và khó khăn cho nhiều thứ trên đời này? Hãy cứ tiếp tục xem sao nào!

Tôi dọn bên phía phụ nữ trước. Vừa mới bắt đầu thì mấy em nhỏ chạy ào vào để thay áo dài ra tập múa. Mấy đứa con của các anh chị Phật tử thì cũng như con cháu trong nhà. Nhìn chúng tung tăng, lăng xăng, đi chân đất với áo quần dài lết phết dưới sàn… tự dưng trong lòng cảm thấy nhà vệ sinh cần sạch sẽ để mấy em có nơi ra vô thay đồ và trang điểm cho thoải mái. Khi các em nhỏ đi ra, tôi cảm thấy vui và tự nhiên hẳn lên. Không còn ngần ngại và thấy đây là một nhà vệ sinh công cộng nữa mà nó cũng giống như nhà vệ sinh ở nhà mình, dọn cho con cháu mình.

Những suy niệm vừa đến trong đầu tôi đó đã cho tôi dịp nhớ lại lời dặn về Dĩ Pháp - Hộ Pháp mà ông bà mình đã học từ Đức Phật và dạy lại con cháu. Một dụ ngôn rất đỗi thực tế, đơn giản, dễ hiểu nhưng đã giúp tôi có được lối thoát khi phải đối diện với một việc làm muốn xanh mặt và lè lưỡi. Khi biết dụng pháp thì mọi việc sẽ trơn tru, trôi chảy, nhẹ nhàng hơn.

Ở nhà, từ nhỏ, tôi đã có tiếng khó tính và rất gọn gàng ngăn nắp (clean freak). Tôi có thể có một ngày dài thật bận rộn, mệt mỏi, căng thẳng với việc ở sở,… và chiều tối khi về nhà, tôi vẫn thích dọn dẹp bếp núc nhà cửa, những chỗ mình đi ngang qua trong nhà, để mọi thứ sạch sẽ trước khi lên giường ngủ. Hồi nhỏ lỡ học được câu “cái gì có thể làm được ngày hôm nay thì không để ngày mai” và đã thực hành nó sớm quá nên lớn lên vẫn thói quen đó, hơi kỹ luật với chính mình, luôn ráng xong càng nhiều việc chừng nào tốt chừng nấy trước khi kết thúc một ngày.

Có lần, anh bạn cùng sở đã dở khóc dở cười sau khi ba mẹ anh mất cách nhau vài tháng. Nhà ba mẹ anh gần như không có lối đi vì đồ đạc gần như chất kín trong các phòng ra tới bên ngoài. Anh đã ngần ngại và tính toán gần cả năm. Sau đó phải mướn nguyên container để trước nhà để dọn đồ. Anh ta không có thời gian soạn lọc từng món; mọi thứ cũng cũ vì chất chồng mấy chục năm. Anh cũng không biết hết cái nào là quý với cha hay mẹ, và họ cũng đã mất, thế nên cuối cùng anh đã phải quyết định bỏ hết những thứ mà anh không hiểu vì sao chúng ở trong nhà mấy chục năm qua.

Chúng tôi nói chuyện với nhau và tự nhủ, thôi bọn mình ráng không trữ đồ và không sống bầy hầy bề bộn. Chỉ giữ những gì thật quý, thật cần và luôn cho con cháu biết giá trị và ý nghĩa của từng thứ. Nếu sáng sớm hôm sau có lỡ đi du lịch qua thế giới bên kia, không thức dậy, cũng sẽ không khiến ai phải đi dọn rác của mình. Chúng đã mất mình và phải lo đám mà còn phải thanh toán cả một container rác, chắc chúng sẽ không mấy vui. Chẳng thà chính mình chọn lọc, bỏ đi hoặc cho lại đúng người cần và mình biết chúng hữu dụng. Chứ để con cháu về soạn tung mọi thứ và vứt đi hết, lúc đó không chừng mình lại không ra đi và yên nghỉ ở thế giới bên kia được mà lại thành mấy con ma nhà họ…Tức, họ Tiếc, và sẽ bị kẹt lại để canh chừng đồ. Chúng tôi phá lên cười, nhưng nghĩ lại thấy những điều vừa nhắc nhau đó cũng không có vẻ khôi hài cho lắm.

Riêng cá nhân tôi, tôi chỉ đơn giản nghĩ, mình ở gọn gàng sạch sẽ thì chính mình sẽ được sống trong không gian gọn gàng sạch sẽ và đẹp mắt đó đâu ai xa. Chứ thử tưởng tượng, làm việc cả ngày đã mệt, về nhà là nơi nghỉ ngơi mà lại như ổ lợn… thì cũng hại não lắm chứ phải không (hihi).

* Dọn dẹp xong bên nhà vệ sinh nữ, tôi đi ra hỏi thăm cô bếp chính lúc nãy xem có sẽ có người nam nào chùi dọn bên nhà vệ sinh nam không. “Không có chị ơi, mình làm luôn chị ơi.” Trả lời của cô làm tôi xanh mặt lần thứ hai. … Tôi thấy ở sở làm và những nơi công cộng, nhân viên nam làm việc bên nhà vệ sinh nam kia mà.

Tôi “gồng mình” trở lại phòng vệ sinh nam, cảm nhận như dễ dàng hơn lần đầu. Vì lần này tôi áp dụng “dĩ pháp - hộ pháp”, suy nghĩ rằng mình dọn dẹp nhà vệ sinh cho tía mình, cho anh em mình, cho chồng con cháu mình… và công việc kết thúc nhanh chóng nhẹ nhàng.

Tôi nghiệm ra, khi làm gì với tình yêu thương, mọi thứ trở nên dễ dàng và ý nghĩa. Từ việc nấu ăn, dọn dẹp… hay miễn chấp, đến bỏ qua và tha thứ.

Từ hôm đó, đặc biệt khi đi nhà vệ sinh công cộng tôi thấy trân trọng hơn những nhân viên làm việc vệ sinh. Mỗi lần có việc cần lái xe xuyên bang, ngừng lại ở những trạm nghỉ rest-area, tôi luôn cố tình tìm nhân viên dọn vệ sinh để cảm ơn. “Ở nhà chỉ mấy người mà giữ sạch đã khó; mỗi ngày hàng ngàn người qua lại nơi đây mà quý vị vẫn giữ được sạch sẽ như vậy, chắc chắn mọi người đã làm việc cật lực lắm. Xin cảm ơn thật nhiều!”

Dĩ nhiên những nhân viên này làm việc lãnh lương, nhưng công việc của họ sẽ nhẹ nhàng và họ sẽ vừa làm mà vừa vui biết bao khi họ biết công việc của họ được trân trọng chứ không bị coi thường và lạm dụng. Có khi sự trân quý đó còn khuyến khích họ làm việc tốt hơn nữa kia. Họ cũng có thể là chị chúng ta, em chúng ta, con cháu chúng ta… và cũng có thể chính là mẹ của chúng ta, những ngày đầu sang Mỹ đã đi làm cực nhọc như vậy để nuôi sống gia đình. Họ cũng có thể chính chúng ta nữa, những hoàn cảnh không biết trước. Vậy mỗi người mình chỉ cần để ý thêm một chút xíu trong mỗi cử chỉ việc làm hằng ngày, nghĩ đến mẹ mình, vợ mình, chồng mình, con mình… không ai phải theo sau chúng ta dọn dẹp, sắp xếp lại mọi thứ thì sẽ đỡ được hơn rất nhiều những phần việc có thể tránh và giảm thiểu luôn được cả những bực mình hay những tranh luận không cần thiết.
 
*
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà số đông có ý thức cao về việc giữ vệ sinh chung. Sở làm của tôi hàng năm vẫn tổ chức những buổi nhặt rác công cộng. Nhân viên có dịp được gặp gỡ, kết bạn với nhau ngoài giờ làm việc. Họ chia ra thành từng nhóm, đi ở mỗi khu khác nhau. Nhóm thì đi dọc bờ sông; nhóm thì đi vào công viên; nhóm thì dọc những ven đường… Vừa nhặt rác vừa vui vẻ chuyện trò.

Ở những miền quê, thỉnh thoảng trên đường chúng ta cũng đã từng bắt gặp những tù nhân được ra “dạo chơi” bên ngoài để phục vụ cộng đồng. Họ cũng nhặt rác, tỉa cây, dọn vệ sinh, vv. Mình không muốn dọn rác của bất cứ ai thì mình tập đừng xả rác bừa bãi. Mình cũng đừng để bị trở thành thành phần cuối cùng của xã hội.

Mùa dịch vừa rồi, khi bị giới nghiêm, bị cách ly, không được ra ngoài, hầu hết mọi người phải hướng vào trong, hướng về gia đình, dọn nhà, dọn vườn,… và tuyệt vời thay đã phát hiện và phát triển được những khả năng tưởng không hề có.

Trong và sau đại dịch, khi công việc làm bị thu hẹp, tài chính suy kiệt hơn, phương tiện bị gò bó đi… tự dưng mọi người chúng ta cùng đi vào hoàn cảnh phải biết tiết kiệm hơn, học cách bớt phung phí: bớt phung phí giấy, điện, nước, gas, thức ăn, thức uống và kể cả thời gian. Tái chế những thứ vẫn còn sử dụng được, hoặc dùng lâu hơn những thứ vẫn còn rất tốt, bớt đua đòi…
Trước kia chúng ta có thể đã từng tự hào đã “dác ngộ” (thấy cái gì ngộ ngộ vác/dác về, chất đầy tủ, đầy nhà,…), nay thật sự “giác ngộ”. Khi này, từ thân đến tâm, dần dà mọi thứ sẽ được thu dọn.

Nếu có xây chín cái chùa (hộ pháp) mà không tính toán, không cân nhắc đủ và quá đỗi phung phí thì coi như chẳng có dĩ pháp, vẫn u mê, vẫn vô minh! Tôi thường nhớ ví dụ đó của ông bà dạy để nhắc nhở mình.

Bài Sám Tống Táng trong một bài giảng của thầy Thích Pháp Hoà cũng nhắc nhở chúng ta những điều ấy:

Dù cho kẻ trí người ngu,
Kẻ khôn người dại, hình thù nhỏ to,
Chết rồi cũng táng một gò
Của trần để lại chẳng cho đem về
Có gì mà phải đam mê
Đeo theo vật chất nghiệp nghề làm chi

Anne Khánh Vân
Nov 6, 2022