https://vvnm.vietbao.com/a247727/di-phap-ho-phap
Ảnh từ Tranh Giấy Dừa Quê Tôi (Đà Nẵng)
*
Những tuần sắp đến lễ Vu Lan, cuối ngày làm việc, tôi thu xếp đến một tu viện trong xóm phụ việc. Tu viện còn trong giai đoạn xây cất nên rất nhiều việc cần làm. Hầu như mỗi ngày, tùy thời khóa biểu của từng người, luôn có nhiều các anh chị Phật tử đến làm việc công quả.
Hôm nào đến được sớm khi trời còn sáng thì tôi phụ việc bên ngoài. Tôi thường chỉ đi vòng quanh sân lượm rác hoặc dọn những đồ vật linh tinh cuối ngày cần thu gọn. Hôm nào đến trễ khi trời đã tối, tôi sẽ phụ việc trong bếp. Hôm nay, khi vào nhà bếp thì thấy đã có nhiều các chị Phật tử đang nhặt rau, trộn bột, nấu nướng...
Cô bếp chính biết làm nhiều loại bánh và nấu các món chay rất ngon. Như nhiều gia đình Phật tử khác trong vùng, cả gia đình cô, vợ chồng con cái, và mấy chị em bắt đầu tham gia làm việc công quả từ những ngày đầu khi chùa mới được thành lập. Các anh chị rất nhiệt tình và siêng năng; hầu như ai cũng biết rõ mọi sinh hoạt trong chùa, làm việc rất hài hòa. Tôi thì không ở đây thường, chỉ thỉnh thoảng đi về nên chỉ giúp được những việc lặt lặt khi có thể sắp xếp đến. Tôi chào các chị rồi đến chỗ cô bếp chính hỏi thăm xem có việc gì cụ thể tôi có thể phụ.
Cô bếp chính nhìn vòng quanh với vẻ đo lường công việc trong bếp, suy nghĩ một chút rồi trả lời, “Hôm nay chị chùi dọn toilet dùm cho em nhe. Toilet cần chùi dọn mà tụi em chưa làm được để chuẩn bị cho lễ ngày mai. Sẽ có nhiều khách đến nên mọi thứ cần phải sạch sẽ tươm tất.”
Vừa nghe dứt câu, nếu xem gương soi, không chừng tôi sẽ thấy khuôn mặt của mình chuyển màu xanh dờn. Tôi tham gia việc cộng đồng từ nhiều năm qua: Thăm người bệnh ở những trung tâm phục hồi hay viện dưỡng lão. Học thi lấy những bằng thuế hàng năm để làm thiện nguyện cho IRS qua chương trình VITA khai thuế miễn phí cho những gia đình có thu nhập thấp. Tôi cũng có hát ca đoàn, đọc kinh thánh, lau bụi bàn thờ ở nhà thờ. Và cũng có cắm hoa, rửa chén, dọn bếp, nhặt rác trong sân chùa… Nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi phải dọn cầu tiêu, đã vậy còn làm… free (đùa chút).
Tôi hoàn toàn không hề chuẩn bị tinh thần cho việc mới này nên vô cùng bất ngờ. Hôm đó nếu biết trước sẽ phải dọn cầu tiêu, không chừng tôi đã trốn ở nhà (xin đùa thêm một chút… hihi!). “Hay là mình nên xỉu cái rầm để có lý do đi về cũng chưa muộn ta?” Tôi nghĩ bụng. Nhưng không được, vì nào giờ mình cũng chưa bao giờ xỉu giả đò nên chắc khó mà làm cho ra hồn. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi nói thầm, đã chấp nhận làm việc công quả thì không thể nề hà bất cứ công việc gì. Hơn nữa, chắc cũng vì tôi đã lui đến nhiều lần và đã thân thiết với các anh chị Phật tử ở đây nên cô Lan mới dám nhờ việc “đại sự”. Chứ nếu chỉ vừa mới đến công quả lần đầu mà đã được mở hàng… dọn cầu tiêu thì chắc ít có người “hiên ngang” trở lại (hihi).
Nhưng thử nghĩ, những công việc nặng hơn, lớn hơn, khó hơn, như vẽ lại kiến trúc của chùa, xây cửa tam quan, xây bàn thờ, xây trà thất, chạy dây điện, xin giấy phép… cần phải có kiến thức chuyên môn và khả năng làm. Cả việc nấu nướng, những món ăn chay và bánh trái, để nấu được ngon không dễ chút xíu nào. Việc chùi dọn nhà cầu là dễ nhất, ai cũng có thể làm.
Nghĩ thì thấy dễ vậy nhưng sao khi phải thật sự làm, nó lại khó quá trời quá đất!
Phải thú nhận rằng nhà cầu duy nhất mà tôi phải chùi dọn hồi nào tới giờ chỉ là của chính mình, trong nhà mình. Tôi chưa bao giờ dọn nhà cầu của ai khác. Những giai đoạn cơ hàn trong đời, từ bảy tám tuổi, tôi cũng đã lăn lộn, trải qua cuộc sống túng thiếu và phải thức khuya dậy sớm, làm rất nhiều việc khó làm, nhưng vẫn chưa bao giờ dọn… nhà cầu. Đời sống hôm nay đã ổn định, tôi càng chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình phải làm công việc chùi cầu tiêu của ai khác.
Bây giờ làm sao để có đủ… “can đảm” đi làm cái công việc mà mình đã ít nhiều... tình nguyện này đây?
Chân thì đi đến phòng cất giữ những dụng cụ chùi dọn, nhưng đầu lại suy nghĩ đủ thứ điều. Tôi chợt nhận ra mình đang được trải qua một thử thách thú vị và muốn biết mình sẽ xử trí và trải qua nó ra sao.
Mà dọn nhà cầu thì đã có sao kia chứ? Phải chăng thành kiến đã tạo ra vách ngăn và khó khăn cho nhiều thứ trên đời này? Hãy cứ tiếp tục xem sao nào!
Tôi dọn bên phía phụ nữ trước. Vừa mới bắt đầu thì mấy em nhỏ chạy ào vào để thay áo dài ra tập múa. Mấy đứa con của các anh chị Phật tử thì cũng như con cháu trong nhà. Nhìn chúng tung tăng, lăng xăng, đi chân đất với áo quần dài lết phết dưới sàn… tự dưng trong lòng cảm thấy nhà vệ sinh cần sạch sẽ để mấy em có nơi ra vô thay đồ và trang điểm cho thoải mái. Khi các em nhỏ đi ra, tôi cảm thấy vui và tự nhiên hẳn lên. Không còn ngần ngại và thấy đây là một nhà vệ sinh công cộng nữa mà nó cũng giống như nhà vệ sinh ở nhà mình, dọn cho con cháu mình.
Những suy niệm vừa đến trong đầu tôi đó đã cho tôi dịp nhớ lại lời dặn về Dĩ Pháp - Hộ Pháp mà ông bà mình đã học từ Đức Phật và dạy lại con cháu. Một dụ ngôn rất đỗi thực tế, đơn giản, dễ hiểu nhưng đã giúp tôi có được lối thoát khi phải đối diện với một việc làm muốn xanh mặt và lè lưỡi. Khi biết dụng pháp thì mọi việc sẽ trơn tru, trôi chảy, nhẹ nhàng hơn.
Ở nhà, từ nhỏ, tôi đã có tiếng khó tính và rất gọn gàng ngăn nắp (clean freak). Tôi có thể có một ngày dài thật bận rộn, mệt mỏi, căng thẳng với việc ở sở,… và chiều tối khi về nhà, tôi vẫn thích dọn dẹp bếp núc nhà cửa, những chỗ mình đi ngang qua trong nhà, để mọi thứ sạch sẽ trước khi lên giường ngủ. Hồi nhỏ lỡ học được câu “cái gì có thể làm được ngày hôm nay thì không để ngày mai” và đã thực hành nó sớm quá nên lớn lên vẫn thói quen đó, hơi kỹ luật với chính mình, luôn ráng xong càng nhiều việc chừng nào tốt chừng nấy trước khi kết thúc một ngày.
Có lần, anh bạn cùng sở đã dở khóc dở cười sau khi ba mẹ anh mất cách nhau vài tháng. Nhà ba mẹ anh gần như không có lối đi vì đồ đạc gần như chất kín trong các phòng ra tới bên ngoài. Anh đã ngần ngại và tính toán gần cả năm. Sau đó phải mướn nguyên container để trước nhà để dọn đồ. Anh ta không có thời gian soạn lọc từng món; mọi thứ cũng cũ vì chất chồng mấy chục năm. Anh cũng không biết hết cái nào là quý với cha hay mẹ, và họ cũng đã mất, thế nên cuối cùng anh đã phải quyết định bỏ hết những thứ mà anh không hiểu vì sao chúng ở trong nhà mấy chục năm qua.
Chúng tôi nói chuyện với nhau và tự nhủ, thôi bọn mình ráng không trữ đồ và không sống bầy hầy bề bộn. Chỉ giữ những gì thật quý, thật cần và luôn cho con cháu biết giá trị và ý nghĩa của từng thứ. Nếu sáng sớm hôm sau có lỡ đi du lịch qua thế giới bên kia, không thức dậy, cũng sẽ không khiến ai phải đi dọn rác của mình. Chúng đã mất mình và phải lo đám mà còn phải thanh toán cả một container rác, chắc chúng sẽ không mấy vui. Chẳng thà chính mình chọn lọc, bỏ đi hoặc cho lại đúng người cần và mình biết chúng hữu dụng. Chứ để con cháu về soạn tung mọi thứ và vứt đi hết, lúc đó không chừng mình lại không ra đi và yên nghỉ ở thế giới bên kia được mà lại thành mấy con ma nhà họ…Tức, họ Tiếc, và sẽ bị kẹt lại để canh chừng đồ. Chúng tôi phá lên cười, nhưng nghĩ lại thấy những điều vừa nhắc nhau đó cũng không có vẻ khôi hài cho lắm.
Riêng cá nhân tôi, tôi chỉ đơn giản nghĩ, mình ở gọn gàng sạch sẽ thì chính mình sẽ được sống trong không gian gọn gàng sạch sẽ và đẹp mắt đó đâu ai xa. Chứ thử tưởng tượng, làm việc cả ngày đã mệt, về nhà là nơi nghỉ ngơi mà lại như ổ lợn… thì cũng hại não lắm chứ phải không (hihi).
* Dọn dẹp xong bên nhà vệ sinh nữ, tôi đi ra hỏi thăm cô bếp chính lúc nãy xem có sẽ có người nam nào chùi dọn bên nhà vệ sinh nam không. “Không có chị ơi, mình làm luôn chị ơi.” Trả lời của cô làm tôi xanh mặt lần thứ hai. … Tôi thấy ở sở làm và những nơi công cộng, nhân viên nam làm việc bên nhà vệ sinh nam kia mà.
Tôi “gồng mình” trở lại phòng vệ sinh nam, cảm nhận như dễ dàng hơn lần đầu. Vì lần này tôi áp dụng “dĩ pháp - hộ pháp”, suy nghĩ rằng mình dọn dẹp nhà vệ sinh cho tía mình, cho anh em mình, cho chồng con cháu mình… và công việc kết thúc nhanh chóng nhẹ nhàng.
Tôi nghiệm ra, khi làm gì với tình yêu thương, mọi thứ trở nên dễ dàng và ý nghĩa. Từ việc nấu ăn, dọn dẹp… hay miễn chấp, đến bỏ qua và tha thứ.
Từ hôm đó, đặc biệt khi đi nhà vệ sinh công cộng tôi thấy trân trọng hơn những nhân viên làm việc vệ sinh. Mỗi lần có việc cần lái xe xuyên bang, ngừng lại ở những trạm nghỉ rest-area, tôi luôn cố tình tìm nhân viên dọn vệ sinh để cảm ơn. “Ở nhà chỉ mấy người mà giữ sạch đã khó; mỗi ngày hàng ngàn người qua lại nơi đây mà quý vị vẫn giữ được sạch sẽ như vậy, chắc chắn mọi người đã làm việc cật lực lắm. Xin cảm ơn thật nhiều!”
Dĩ nhiên những nhân viên này làm việc lãnh lương, nhưng công việc của họ sẽ nhẹ nhàng và họ sẽ vừa làm mà vừa vui biết bao khi họ biết công việc của họ được trân trọng chứ không bị coi thường và lạm dụng. Có khi sự trân quý đó còn khuyến khích họ làm việc tốt hơn nữa kia. Họ cũng có thể là chị chúng ta, em chúng ta, con cháu chúng ta… và cũng có thể chính là mẹ của chúng ta, những ngày đầu sang Mỹ đã đi làm cực nhọc như vậy để nuôi sống gia đình. Họ cũng có thể chính chúng ta nữa, những hoàn cảnh không biết trước. Vậy mỗi người mình chỉ cần để ý thêm một chút xíu trong mỗi cử chỉ việc làm hằng ngày, nghĩ đến mẹ mình, vợ mình, chồng mình, con mình… không ai phải theo sau chúng ta dọn dẹp, sắp xếp lại mọi thứ thì sẽ đỡ được hơn rất nhiều những phần việc có thể tránh và giảm thiểu luôn được cả những bực mình hay những tranh luận không cần thiết.
*
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà số đông có ý thức cao về việc giữ vệ sinh chung. Sở làm của tôi hàng năm vẫn tổ chức những buổi nhặt rác công cộng. Nhân viên có dịp được gặp gỡ, kết bạn với nhau ngoài giờ làm việc. Họ chia ra thành từng nhóm, đi ở mỗi khu khác nhau. Nhóm thì đi dọc bờ sông; nhóm thì đi vào công viên; nhóm thì dọc những ven đường… Vừa nhặt rác vừa vui vẻ chuyện trò.
Ở những miền quê, thỉnh thoảng trên đường chúng ta cũng đã từng bắt gặp những tù nhân được ra “dạo chơi” bên ngoài để phục vụ cộng đồng. Họ cũng nhặt rác, tỉa cây, dọn vệ sinh, vv. Mình không muốn dọn rác của bất cứ ai thì mình tập đừng xả rác bừa bãi. Mình cũng đừng để bị trở thành thành phần cuối cùng của xã hội.
Mùa dịch vừa rồi, khi bị giới nghiêm, bị cách ly, không được ra ngoài, hầu hết mọi người phải hướng vào trong, hướng về gia đình, dọn nhà, dọn vườn,… và tuyệt vời thay đã phát hiện và phát triển được những khả năng tưởng không hề có.
Trong và sau đại dịch, khi công việc làm bị thu hẹp, tài chính suy kiệt hơn, phương tiện bị gò bó đi… tự dưng mọi người chúng ta cùng đi vào hoàn cảnh phải biết tiết kiệm hơn, học cách bớt phung phí: bớt phung phí giấy, điện, nước, gas, thức ăn, thức uống và kể cả thời gian. Tái chế những thứ vẫn còn sử dụng được, hoặc dùng lâu hơn những thứ vẫn còn rất tốt, bớt đua đòi…
Trước kia chúng ta có thể đã từng tự hào đã “dác ngộ” (thấy cái gì ngộ ngộ vác/dác về, chất đầy tủ, đầy nhà,…), nay thật sự “giác ngộ”. Khi này, từ thân đến tâm, dần dà mọi thứ sẽ được thu dọn.
Nếu có xây chín cái chùa (hộ pháp) mà không tính toán, không cân nhắc đủ và quá đỗi phung phí thì coi như chẳng có dĩ pháp, vẫn u mê, vẫn vô minh! Tôi thường nhớ ví dụ đó của ông bà dạy để nhắc nhở mình.
Bài Sám Tống Táng trong một bài giảng của thầy Thích Pháp Hoà cũng nhắc nhở chúng ta những điều ấy:
Dù cho kẻ trí người ngu,
Kẻ khôn người dại, hình thù nhỏ to,
Chết rồi cũng táng một gò
Của trần để lại chẳng cho đem về
Có gì mà phải đam mê
Đeo theo vật chất nghiệp nghề làm chi
Anne Khánh Vân
Nov 6, 2022
No comments:
Post a Comment