Saturday, August 14, 2010

Rác Sạch, Rác Đẹp

Anne Khánh Vân                                                               
***
Cuối tuần rồi, anh em chúng tôi đi biển Virginia Beach. Trời khô nóng quá, chỗ nào có cây cối, có bóng mát, nhất là có nước, thì ôi chao là đông người. Đang đi trên xa lộ 264 hướng ra biển, ông anh chỉ tôi cái... gọi là "dump site" và nói, "Em vẫn thường thắc mắc không biết người Mỹ họ 'cất' rác ở đâu, ra sao mà nước Mỹ luôn sạch, luôn đẹp, chẳng bao giờ thấy những đống rác hôi hám, bẩn thỉu 'lộ thiên' dọc các con đường."

Tôi nhìn sang phía anh chỉ, chẳng thấy dấu vết gì của rác rến, ngược lại là một công viên vô cùng đẹp. Từ đường nhìn vào, chỉ thấy những cánh đồi mênh mông với những thảm cỏ và cây cối xanh rì. Dưới chân những cánh đồi quanh đó là những hồ nước. Rất nhiều người lớn trẻ con đang pic-nic, đánh banh, chạy nhảy,... Một số diều với đủ màu sắc tung bay trong gió... Có thể thấy đã rất đông người đang ở trên ấy, vậy mà từ ngoài đường, vẫn nhiều người lớn và trẻ con khác nối đuôi nhau tiếp tục đi vào cái mà người ta đã từng gọi... "dump site".

Khi xe chúng tôi chạy thêm một quảng về phía trước của "dump site", một bảng hiệu hiện lên. Khung cảnh yên vui vừa đi qua cứ làm tôi nghĩ công viên này phải có một cái tên thật hoa mỹ... như công viên Thái Bình, công viên Chiến Thắng, hay công viên Thành Công... gì gì đó. Dè đâu, tên gì mà khiêm tốn và dễ thương hết chỗ chê: "Mount Trashmore Park Virginia Beach".


Rõ ràng, thẳng thắn, minh bạch. Thêm một dịp cho tôi thêm phục cái văn hóa này của người Mỹ. Rác thì nhận là rác, sai thì nhận là sai. Không có gì phải dối trá, lẫn tránh. Nhưng cái thời nơi đây còn là sở rác đã 4, 5 chục năm... Bây giờ, rác không còn là rác...

Cái sở rác một thời mà nay là Mount Trashmore Park khổng lồ của thành phố Virginia Beach này được chính thức trở thành công viên vào năm 1973 và được xây dựng vào năm 1978. Nó trải rộng trên diện tích 165 mẫu với các đồi ở độ cao trên 60 feet (18 m) và độ dài trên 800 feet (240 m). Những thứ để vui chơi giải trí trên ấy là những thảm cỏ bát ngát để picnic; sân chơi cho trẻ em; sân đánh bóng rổ, bóng chuyền; những con đường đi bộ dài 3, 4 cây số, lên núi, dọc hồ nước... Trong số những hồ nước ở đó, có hai hồ được phép câu cá. Có các máy bán thức ăn, có bãi đậu xe, và dĩ nhiên là có hàng loạt nhà vệ sinh. Có cả cảnh sát bảo vệ an ninh và tổ chức cứu thương. Họ thay phiên rảo quanh khắp nơi để kịp thời giúp đỡ trường hợp bất trắc xảy ra.

Một chi tiết đáng chú ý ở Mount Trashmore Park là Kids' Cove, một sân chơi rất kiên cố và hiện đại cho trẻ em. Nó được thiết kế từ chính sáng kiến của các em. Đặc biệt nữa là nó đã được hoàn toàn xây dựng từ công sức và tài chánh đóng góp tình nguyện của người dân, với sự điều phối bởi Câu Lạc Bộ Phụ Nữ của thành phố Virginia Beach.

Bạn có thể nào đoán hàng năm có bao nhiêu người đến Mount Trashmore Park này vui chơi không? Thưa, trả lời là hơn một triệu người!

Nhưng chưa "đã" đâu. Bạn mà đi vào chi tiết, chịu khó đến thăm những "sở rác" "đương thời" để tìm hiểu và tận mắt chứng kiến quá trình người Mỹ thải hồi rác ra sao, cách thức người Mỹ biến sở rác thành công viên như cái Đồi Rác ở Virginia Beach thế nào, thì bạn sẽ còn "mê" và phục nhiều hơn.

Tôi đến "sở rác" ở Lorton, Fairfax County, Virginia, để thỏa mãn nhu cầu "hiếu kỳ" và để kể chuyện bạn nghe. Cả một guồng máy tinh vi!

Bắt đầu nhé!

Chắc chúng ta có để ý mỗi khi xe tải rác đến từng nhà thu rác. Rác trong thùng của chúng ta vừa được đổ vào bửng rác phía sau xe tải thì cái mõm của bửng rác này liền được đóng sập lại. Không cọng rác nào có thể lọt ra ngoài. Mõm bửng này cũng hạn chế được việc thoát mùi hôi. Đầy rác trong bửng rồi, họ sẽ chở đến sở rác của thành phố.

Các sở rác thường nằm xa ngoài ngoại ô. Rác đến đây sẽ được phân loại. Thủy tinh theo thủy tinh, nhựa theo nhựa, kim loại theo kim loại, gỗ theo gỗ, giấy theo giấy,...v. v... Những loại rác nào có thể là nguyên liệu tái chế biến, chúng sẽ được rửa sạch, ép dẹp, đóng thành khối và bán lại cho các nhà máy tái chế biến. Các nhà máy dùng nguyên liệu tinh chất, trong quá trình chế biến, chúng cũng có rác. Nhưng những rác này sẽ chưa được cho vào thùng rác ngay đâu. Chúng sẽ được chuyển sang các nhà máy tái chế.
Ví dụ: Những khối nhựa chữ nhật thật to, cao khoảng 8 tấc, ngang khoảng 3, 4 tấc, dài khoảng 1 mét, chân hơi bè ra, thân hẹp lại, được xếp nối thành hàng dài, dạng tường, để ngăn ranh giới giữa công trình xây dựng và đường xe chạy mà chúng ta vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy trên các đường phố, xa lộ; chúng được chế biến từ nhựa tạp, nấu lại từ những loại rác nhựa. Những thứ rác từ cây cối, vườn tược,... sẽ được sở rác cho nghiền ra, cho thêm những chất bỗ dưỡng cho đất để được dùng lại cho vườn tược.
Nếu bạn có những nhánh cây cắt tỉa từ cây cối trong vườn mà cần cắt vụn, bạn có thể chở đến sở rác nhờ họ cắt. Chúng ta có thể chở về ngay những cây vụn mà sở rác đã cắt từ cây cành của những người mang đến trước chúng ta, hoặc cây cành mà sở rác gạn ra từ rác. Chúng ta muốn chở về bao nhiêu cây vụn này cũng được, hoàn toàn..."free". Bạn cứ thử tưởng tượng xem, mỗi Giáng Sinh hàng năm, sẽ có bao nhiêu cây Thông được trở thành... rác? Người Mỹ thường có thói quen chở chúng thẳng đến sở rác và chở vể một số gỗ vụn, chăm cho vườn, hoặc chăm một cây Thông nào đó để sang năm lại... chặt, trưng, vứt... hihi. Dùng cây vụn này rải trên mặt đất sẽ giúp giữ độ ẩm cho đất...

Sau khi phân loại, sàng lọc, tái chế, rồi lại tái chế, những thứ rác thật sự "hết xài" thì sao?
"Hết xài" đây có nghĩa không còn dùng được cho bất cứ việc gì khác mà chỉ có thể có lợi cho đất. Thì... tro bụi sẽ trở về với tro bụi. Chúng sẽ được đưa vào..."nghĩa trang". Cũng ở sở rác đó, chúng sẽ được chở sâu vào trong, đổ thành những ụ, và được lấp đất lại. Trước khi lấp đất, họ sẽ cho hóa chất tiệt trùng để ngăn chận những khả năng ô nhiễm... Rác không "lộ thiên", không bốc mùi hôi, không là nôi để sâu bọ, vi trùng sinh sôi nảy nở. Cứ như thế, mỗi ngày trôi qua, sở rác sẽ có thêm những nấm mồ rác mới, dần cao lên, rộng ra... trở thành những cánh đồi.

Một chi tiết quan trọng: bên dưới những cánh đồi rác này có cả một hệ thống ống thông thương với nhau. Chúng có công dụng giúp giảm hoặc cân bằng nồng độ của khí Methane (uất khí). Khi nồng độ của khí Methane tăng cao (vì trời quá nóng chẳng hạn), khí methane sẽ theo những ống thoát này, thông với không khí, giúp cân bằng sức ép. Những đồi rác sẽ không trở thành những "quả bom nổ chậm", nhất là khi có sét đánh. Bạn biết rồi, ngay trong cái bụng của chúng ta, khi ăn quá no hoặc bị sình bụng, nó cũng sản xuất những quả "bom nổ chậm" và cần một hệ thống thông hơi đó mà (hì hì)!

Năm năm sau, mười năm sau, mười lăm năm sau,... khi các mồ rác đạt đến độ cao và diện tích của giới hạn, sở rác này sẽ từ từ thu gom lại công việc, chuyển dần mọi hoạt động sang một địa điểm khác, nơi đã được nghiên cứu và tính toán sẽ được dùng làm sở rác, nơi đã được lên bản vẽ và thiết kế sẽ trở thành công viên,...

Vậy còn những hồ nước quanh đồi thì sao? Ở đâu mà có? Có để làm gì?



Khi cào đất lên để lấp rác, những khoảnh đất này sẽ dần có độ sâu. Nó cũng được cố tình dùng để làm hồ nước sau đó. Những hồ nước này chính là những "máy lọc", "máy kiểm tra", "máy định lượng" kết quả quá trình chôn rác.

Khi mưa xuống, nước ngấm vào đất, nước thoát ra ngoài, chảy vào hồ. Nước hồ sẽ được sở y tế và bảo vệ môi sinh và môi trường liên tục thử nghiệm để đo lường và kiểm tra độ sạch, hoặc độ ô nhiễm nếu có, của rác được chôn vùi bên trong. Một thời gian sau, khi mọi thứ đạt bảo hòa, khi độ sạch của nước đạt tiêu chuẩn, hồ sẽ cho nuôi cá và được phép câu.

Người Mỹ "cất" rác và thải hồi rác của họ như vậy đó. Họ rất biết biến hôi thối, dơ bẩn thành thơm tho, sạch sẽ; biến vô dụng thành hữu dụng. Họ rất biết phục thiện. Việt Nam mình có biết "cất" rác hay không? Có biết thải hồi rác hay không? Có biết phục thiện hay không?

Hồi còn ở Việt Nam, mỗi khi ra đường, tôi vẫn sợ nhất khi phải đi ngang qua những tụ điểm rác, hoặc phải đi phía sau xe tải chở rác. Xe tải rác nào "lịch sự" với người đi đường thì còn có mãnh vải lưới mỏng trùm hờ phía trên. Chiếc nào "bất... lịch sự" thì cứ sờ sờ cái bửng rác to tướng, hôi rình, chạy khắp nẻo đường. Khi có gió một chút và tài xế mà nổi hứng nhấn chân ga hơi mạnh thì dù có vải lưới che hay không, thỉnh thoảng rác vẫn tung lên không gian, bay đến trước mặt người chạy xe nào..."tới số" ở phía sau.

Chỉ phải đi phía sau xe tải chở rác năm mười phút, chỉ phải đi ngang qua những tụ điểm chứa rác vài chục giây... mà ai cũng khó chịu vì sự dơ bẩn và mùi hôi. So sánh điều kiện làm việc của nhân viên sở rác ở Mỹ và Việt Nam, thương nhân viên sở rác Việt Nam quá. Họ đã phải làm cái công việc tồi tệ bẩn thỉu nhất, vậy mà điều kiện làm việc còn quá tệ... Không có áo quần và nón để cách ly với rác khi làm việc. Không được khử trùng và kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Không được trả lương đủ sống. Họ cứ hàng ngày lăn lộn, chôn vùi mình trong rác, như chôn vùi chính cuộc sống và tương lai của họ trong rác.

Ở Mỹ, người ta biến sở rác thành những công viên cho dân chúng đến vui chơi giải trí. Ở Việt Nam, ngoài những tụ điểm rác lộ thiên đầy đường, công viên cũng ít nhiều là những tụ điểm rác với đầy đủ các loại!

Rác có phải những gì không hay, không sạch, không đẹp, không thơm, không còn dùng được, không nên giữ... mà phải bỏ đi, phải chôn đi, và thải hồi nó thành những thứ tốt hơn, hữu dụng hơn? Trong ý nghĩa đó, rác không phải chỉ những gì chúng ta nhìn thấy, sờ mó được, mà kể cả những thứ vô hình, hiện hữu trong tâm, trong trí, trong quan hệ giữa con người với con người...

Văn hóa "cất" rác của người Mỹ là có rác đến đâu, họ lấp rác đến đó.

Văn hóa của người Việt Nam thì... khác. Hình như chúng ta không chỉ không có thói quen lấp rác mà còn hay bới rác ra, "đẩy" rác sang "nhà" người khác. Rác từ trong lòng, ra tới ngoài đường, ngoài xã hội,...

Rác từ trong lòng?

Nhiều gia đình có những chuyện bất hòa thù ghét nhau từ 3, 4 chục năm trước. Rác lòng ở thế hệ cha mẹ đó, nếu không thể biến thành đẹp, không biết cách lấp lại, xóa đi, thì cũng đừng nên bới ra. Không làm được như vậy nên tuy cùng giòng họ, cùng máu mủ, nhưng không muốn liên lạc, không muốn thân thiện, vì sợ khi gặp nhau, khi liên lạc thăm hỏi nhau, sẽ chẳng có gì khác ngoài chuyện bới rác ra mà... "kể tội" người này, "kể tội" người kia,... Rác rến đó lại được tiếp tục tiêm nhiễm sang thế hệ con cháu, mầm thù hận đó lại gieo sang tâm hồn trong trắng của trẻ thơ. "Đó là những người ba ghét, đó là những người mẹ không ưa... tụi con cũng phải ghét, cũng phải không ưa..."

Phóng lớn lên kích thước cả nước. Chiến tranh với "Thực Dân Pháp" hay "Đế Quốc Mỹ" đã kết thúc từ trước khi thế hệ chúng con sinh ra đời, cũng giống như cái thời Mount Trashmore Park kia từng là "dump site" 4, 5 chục năm trước. Nhưng trong sách vở giáo khoa cho các con học từ trong trứng nước, trong những ngày lễ "chiến thắng", trong các viện bảo tàng... vẫn không thiếu những "dụng cụ" "kể tội" những "kẻ thù" này, trong khi nhà nước đã "bang giao", đã nhận viện trợ, đã nhận giúp đỡ, đã nhận hàng tỷ tiền... để giúp đất nước chúng ta phát triển, giúp mối quan hệ giữa Việt Nam và các "kẻ thù" này tốt đẹp...

Việt Nam mình không cần phải học hỏi gì quá cao xa, quá khó khăn của Mỹ. Chỉ cần học được ý thức vứt rác, biến rác thành ích lợi... Còn không, chừng nào rác còn đầy trong lòng, rác còn đầy đường phố, rác còn khắp nơi thì nhà cầm quyền và đất nước họ đang chiếm đóng sẽ mãi dơ, mãi bẩn, mãi không thoát ra được chính cái rác của mình, và khó mà theo kịp nước người.

Anne Khánh Vân