Anh Khánh Vân
Khi đến một quốc gia nào đó để sinh sống, làm việc, học tập,... khó khăn đầu tiên mà hầu như người di dân nào cũng ít nhiều gặp phải đó là khó khăn về nghe, hiểu hoặc nói tiếng bản xứ. Nhưng một khi đã hòa nhập vào được với mọi sinh hoạt và thông thạo ngôn ngữ mới ấy rồi thì có còn gặp khó khăn nào khác?
Khi vừa từ Châu Âu di cư sang Hoa Kỳ, tôi đã vào làm việc cho một ngân hàng. Ngân hàng ấy có thể ví nó như một nước Mỹ thu nhỏ bởi trong tổng số gần 3.000 nhân viên được bao gồm đủ mọi sắc dân: Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Phi Luật Tân, Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Mễ Tây Cơ, các sắc dân trong khối Trung Đông, Châu Phi và nhiều sắc dân khác...
Công việc hàng ngày của tôi lúc bấy giờ là theo dõi, kiểm tra một số tài khoản của ngân hàng trung ương thông qua các hoạt động của những ngân hàng chi nhánh trên toàn quốc. Tuy lúc bấy giờ tôi chỉ là một cư dân mới của Hoa Kỳ và là nhân viên mới của ngân hàng, nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh cũng như khả năng chuyên môn của tôi cũng tương đối vững nhờ vốn kiến thức và kinh nghiệm thu nhận được trong thời gian học tập và làm việc ở Châu Âu và cũng nhờ tôi may mắn được thường xuyên đi du lịch.
Lần ấy, khi vào làm việc được hơn 3 tháng, tôi đột xuất cần đi bác sĩ; khi báo cho người supervisor biết tình trạng, ngày hẹn khám bệnh và xin được lấy vài giờ của số giờ nghỉ bệnh hàng năm (sick leave) thì cô ấy đã trả lời:
- Nếu cô vắng mặt thì phải lấy giờ trong ngày nghỉ hàng năm (vacation) chứ tôi không thể giải quyết cho cô lấy giờ nghỉ bệnh.
Tôi nghe mà vô cùng ngạc nhiên; thấy sao "kỳ" quá nên tôi đã hỏi cô supervisor rõ hơn:
- Dù tôi vắng mặt để đi bác sĩ chứ không phải để nghỉ hè đi chơi, tôi vẫn không được phép dùng những giờ nghỉ bệnh của mình sao?
- Cũng như nhau thôi, người ta đã nói với tôi như thế.
Trở về bàn làm việc của mình mà trong lòng tôi chẳng vui vì biết người supervisor chỉ "phịa" ra cái luật "lạ lùng" ấy để làm khó tôi, bởi tôi đã đọc rất kỹ những luật lệ của công ty cũng như những quyền lợi dành cho nhân viên trong cuốn Employee Benefits mà tôi đã được phát vào ngày làm việc đầu tiên. Tôi rất bực mình, bởi nếu chấp nhận cái "điều luật" mà cô supervisor nói hôm nay có nghĩa là cứ mỗi lần cần đi bác sĩ thì tôi phải chịu mất bớt những giờ nghỉ vacation vốn đã ít của mình; nhưng dù bực mình, tôi vẫn không thể hình dung cảnh tôi sẽ cự nự hay lời qua tiếng lại với cô ấy như một người đồng nghiệp gốc Ấn Độ đã làm vào tuần trước.
Tôi gọi điện thoại sang văn phòng Human Resources (HR) và xin nói chuyện với người đã cho tôi thi tuyển, đã xem xét hồ sơ, phỏng vấn và nhận tôi vào làm việc. Tôi trình bày sự việc bằng những câu hỏi rằng nếu tôi cần đi bác sĩ trong giờ làm việc vì văn phòng bác sĩ cũng sẽ đóng cửa khi tôi tan sở, thì tôi có thể nào dùng giờ nghỉ bệnh của mình được không? Ông ấy đã cười và ung dung trả lời: "Dĩ nhiên là được chứ! Quyền lợi nghỉ bệnh đã được lập ra nhằm đáp ứng những nhu cầu như trường hợp của cô đấy mà! Người cấp trên nào cũng đều biết rõ điều ấy. Cô gặp khó khăn gì ư? Hãy cho chúng tôi biết để nếu cần thì chúng tôi sẽ can thiệp." Chỉ nghe nói đến đây thì đầu tôi đã bớt "căng". Tôi cố tình hơi lên giọng, lập lại chính những câu nói của ông để trả lời: "Không, ông không cần phải can thiệp gì cả, tôi không hề gặp khó khăn nào. Tôi chỉ muốn biết chắc hơn những quyền lợi của tôi mà thôi. Xin cám ơn ông nhiều."
Tôi biết cô supervisor đã ít nhiều nghe được cuộc nói chuyện điện thoại vừa qua của tôi với bên HR và cô ta đã không ngờ rằng tôi "gan" hơn phần đông những nhân viên khác. Thật vậy, dù chỉ mới vào làm việc nhưng tôi đã nhiều lần để ý và nhận thấy rằng, hầu như nhân viên nào ở đây cũng có thói quen chấp nhận mọi thứ một cách dễ dàng chỉ vì họ không phải là người bản xứ. Biết là mình cũng hơi "liều mạng", nhất là chỉ mới vào làm việc, nhưng chính vì còn mới nên tôi càng không muốn tạo cho người supervisor có thói quen hiếp đáp tôi như thế. Tôi biết là có một số người vì lười nên thường lạm dụng lý do đi bác sĩ để trốn việc nghỉ ở nhà ăn lương, nhưng đâu phải ai cũng thế và lần ấy lại là lần đầu tiên tôi xin vắng mặt và chỉ vắng mặt vài giờ. Hơn thế nữa, cô supervisor đã nhìn thấy tận mắt tôi đau thật ra sao. Tôi không phải là một nhân viên lười hoặc làm việc dỡ bởi chỉ mới một tuần trước đó, người Manager của tôi và của cả cô supervisor, bà B. Turner, đã mời tôi vào phòng làm việc của bà để có lời ngợi khen rằng tôi làm việc rất có phương pháp, hiệu quả cao, dù chỉ mới đến làm việc mà tôi đã tìm ra không ít lỗi trong các công thức của hệ thống; bà ta rất hài lòng khi trong đội ngủ nhân viên của bà đã có thêm tôi. Sau đó bà đã báo cho tôi biết tôi đã ra khỏi thời gian thử việc và mức lương của tôi đã được tăng lên 8%, mức tối đa mà người Manager có thể đề nghị tăng trong mỗi lần review. Những điều đó cộng với những gì người nhân viên bên HR vừa xác định đã cho tôi thêm tự tin và tôi đã quyết định trở lại bàn làm việc của cô supervisor. Tôi đã kể lại cuộc nói chuyện điện thoại của tôi với bên HR một cách vô tư:
- Tôi vừa gọi sang HR để hỏi thăm về điều luật nghỉ bệnh, họ đã giải thích rõ mọi thứ cho tôi nghe và hỏi tôi có gặp khó khăn gì không để họ can thiệp.
Ánh mắt cô ấy nhìn tôi dần thay đổi. Cô có vẻ lo ngại và nôn nóng nghe câu trả lời của tôi. Điều đó cho thấy cô ta đã "nói láo" nên giờ đây mới phải lo sợ như vậy. Cô lên tiếng hỏi tôi:
- Rồi cô nói gì?
- Tôi đã nói rằng tôi không hề gặp khó khăn gì cả và tôi chỉ cám ơn họ. Lúc nãy cô có nói với tôi rằng, "Đi bác sĩ hay nghỉ ở nhà đi chơi gì thì cũng như nhau, đều phải lấy ngày nghỉ hè chứ không thể lấy ngày bệnh." Vậy có nghĩa là cô cũng đã bị mất nhiều ngày vacation mỗi khi cần đi bác sĩ phải không? Ai đã nói với cô điều ấy thì cô hãy thử hỏi rõ lại họ xem sao, bởi bên HR đã nói rằng chúng ta có quyền dùng ngày nghỉ bệnh để đi bác sĩ đấy...
Tôi chỉ nói bấy nhiêu lời rồi trở về bàn làm việc của mình để cô supervisor tự do hình dung tất cả các tình huống có thể xảy ra. Nếu tôi thưa với bên HR mọi việc, thì ngoài việc bị ghi chú vào hồ sơ của cô, HR sẽ còn thưa lên cấp trên của cô ta. Cô ấy chắc chắn sẽ bị khiển trách và có thể còn bị mất luôn cả chức supervisor dù cái chức ấy không lớn lao gì, bởi người cấp trên nào cũng cần phải hiểu rõ ít nhất là những luật lệ cơ bản và có trách nhiệm giúp đỡ và bảo vệ nhân viên của họ chứ không nên làm khó, càng không nên "nói láo" như cô đã làm.
Khi một vài đồng nghiệp của tôi biết về những gì đã diễn ra, họ đã kể cho tôi nghe rằng, cô supervisor người bản xứ, da màu ấy thường có "cái thói" không muốn một nhân viên nào vắng mặt (dù có đau nằm liệt giường) vì cô ta không muốn phải làm thêm một vài phần việc của người nhân viên vắng mặt dù phần việc ấy chẳng là bao. Bởi theo thông lệ, những khi có nhân viên nào vắng mặt thì phần việc của nhân viên ấy sẽ được chia ra và các đồng nghiệp sẽ phụ nhau, mỗi người làm thêm một chút để công việc mỗi ngày không bị ứ đọng; vì lẽ đó mà người supervisor sẽ không bao giờ phải làm hết tất cả việc của người nhân viên vắng mặt. Tuy nhiên đã có một lần, cô ấy đã nghỉ bệnh ở nhà những 2 tháng liền, trong khi với bệnh trạng của cô thì chỉ cần nghỉ nhiều lắm là 3 tuần là đủ để bình phục.
Từ sau lần xin đi bác sĩ ấy, tôi không còn gặp bất kỳ khó khăn nào khác từ cô supervisor nếu không muốn nói là cô ấy đã trở nên "thật" tốt bụng đối với tôi. Khi biết ngoài giờ làm việc tôi còn phải đến trường để lấy thêm một bằng đại học thì cô ấy đã tỏ ra rất cảm thông và đã có lần dặn tôi nếu hôm nào bài nhiều quá mà làm không kịp thì hãy mang vào sở để tranh thủ làm khi đã xong việc. Cô ấy thường mời tôi đi ăn trưa; tự lên tiếng cho tôi đi hộ xe những khi xe tôi có vấn đề; luôn có quà bánh cho tôi trong các dịp lễ; và lần nào đi vacation về cô ta cũng đều có quà cho tôi... Không biết sự thay đổi ấy có phải vì cô đã tự cảm thấy hỗ thẹn khi đã "không thật" và làm khó tôi vào những cái ngày đầu khi "ma cũ" còn cái thế "ăn hiếp ma mới" nhưng dù vậy tôi đã vẫn bảo vệ cho cô khi nói chuyện với bên HR; hay là vì khi so sánh với tôi, cô ta đã thấy rằng cô chỉ học hết high-school và vì nhờ làm việc lâu năm nên cô đã dần lên được cái chức supervisor chứ không vì cô thật sự giỏi hay có bằng cấp.
Đó là "kỷ niệm" khó quên của tôi khi tôi vừa mới di cư sang Hoa Kỳ.
*
Anh H.D Khuyến hiện dạy toán tại một trường đại học cộng đồng ở Arizona kể lại những chuyện ngày xưa: "Những năm tháng đầu khi mới sang Mỹ, ở trường mình rất ít bạn bè, phải nói là chẳng có đứa Mỹ nào thèm chơi với mình, bởi ngoài cái tiếng Anh 'phát âm không xong' của mình, những chủ đề chúng bạn bàn luận như phim ảnh, đá bóng, tin tức thời sự... mình cứ như 'vịt nghe sấm'. Thời gian mới sang Mỹ ấy mình cứ chỉ chúi đầu vào bài vỡ chứ chẳng hề để ý đến chuyện đọc báo hay xem tin tức bởi mình cứ nghĩ làm bài tốt ở lớp để lấy được điểm A là đủ... Bây giờ nhìn lại mới thấy đó là một thiếu sót lớn. Tiếng Anh của mình sẽ giỏi hơn nhiều nếu mình có nhiều bạn bè Mỹ, hơn nữa đọc báo hay xem tin tức rất có ích trong việc hòa nhập vào đời sống mới."
13 năm sau, anh H.D Khuyến đã trở thành một giáo viên dạy toán giỏi và có tiếng của trường nơi anh hiện giảng dạy. Tuy thời gian đầu anh đã gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình học tập và hội nhập, anh Khuyến đã không nản chí vì luôn cho "học vấn là cái vốn quý nhất." Anh Khuyến đã thực hiện ước mơ trở thành thầy dạy toán của anh.
- Khi vào quốc tịch Mỹ, mình cũng đã định chọn lấy một cái tên Mỹ để bạn bè và những người đồng nghiệp Mỹ dễ dàng gọi mình hơn, nhưng suy đi nghĩ lại, mình cứ thấy sao sao ấy khi tưởng tượng từ nay cái tên Việt Nam của mình sẽ bị đi vào quên lãng; ngoài ra cái tên Mỹ kia cũng xa lạ làm sao so với cái gốc Việt Nam của mình, thế là mình đã quyết định vẫn giữ tên Việt Nam. Và thật sự thì mình cũng muốn rằng, tên mình dù nó có khó phát âm đến bao nhiêu đối với người Mỹ, họ vẫn phải cố gắng nhớ và phải phát âm cho bằng đúng... như thế thì họ mới thấm hiểu những di dân như mình đã phải trầy da tróc vẫy ra sao khi học để trước tiên là thông thạo ngôn ngữ của họ, học lấy một cái nghề, và sau đó là cố gắng tạo cho mình có được một vị trí trong xã hội.
*
Và dường như quan niệm học vấn là quan trọng không phải chỉ có ở những người Á châu của chúng ta. Cô sinh viên trẻ Chrystelle Loe người Cameroon đang học ngành phụ tá nha sĩ ở Virginia, gia đình cô chỉ mới sang Mỹ được vài năm nay. Cô đã đại diện một số bạn bè đồng cảnh ngộ tâm sự: "Nếu không học thì cũng được người ta tôn trọng, nhưng sự tôn trọng ấy chỉ ở mức tối thiểu giữa con người với con người; như mẹ của tôi hiện đang làm việc lau chùi, bà ấy phải chấp nhận nhiều chuyện bất công chỉ vì bà ấy không phải là người da trắng và không rành tiếng Anh. Tôi không muốn gia đình và bản thân tôi phải mãi sống trong cảnh đó nên tôi phải học để có được sự tôn trọng tối đa và niềm tin của mọi người."
*
Hiệp-Chủng-Quốc-Hoa-Kỳ là quốc gia của nhiều sắc dân, của nhiều chủng tộc,... Có khác nhau chăng là kẻ đến trước, người đến sau. Chính vì vậy mà một khi đã là cư dân hợp pháp tại xứ sở nầy, mọi người đều bình đẳng về mọi quyền lợi kinh tế, chính trị cũng như tất cả mọi phúc lợi dành cho họ, và pháp luật được tạo ra là để bảo vệ đời sống của mọi người dân và các quyền lợi hợp pháp ấy.
*
Một nhân vật khác, mà những khó khăn, vất vã, lẫn thành công của ông đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn, đó là ông Lê T. ở Washington D.C.
Ông Lê tay trắng sang Mỹ khi đã ngoài 40, một giảng sư đại học môn triết và Pháp văn khi còn ở Huế. Ông Lê đã làm việc cho nhiều công ty tư nhân trước khi được tuyển vào làm cho một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ. Ông hiện đang giữ chức vụ giám đốc kỹ thuật cho một bộ phận hổ trợ những chương trình tài trợ về gia cư toàn quốc. Làm việc dưới quyền ông Lê là một số Manager mà phần lớn họ là những người bản xứ. Khi xin ông Lê chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hội nhập và học tập, ông Lê đã có những lời nhắn nhũ sau đây cho các bạn trẻ đang sống, học tập hoặc làm việc ở xứ người:
- Khi chúng ta hiểu biết và có thể "nói" thì không ai có hể "bắt chẹt" chúng ta được; còn không thì sẽ phải "cắn răng, im lặng" và lủi thủi bước đi như kẻ "mất lưỡi" mà từ đó sẽ sinh ra mất mát nhiều thứ giá trị khác. Vì vậy điều cần làm trước tiên khi đến xứ người là phải cố gắng thông thạo ngôn ngữ ở đấy và sau đó là phải "học". Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác cần phải có để thành công đó là lòng tự tin. Nhiều bạn rất giỏi nhưng chỉ vì mặc cảm mình không phải là "dân Mỹ" nên cứ lo sợ mình không bằng người ta, nhất là về ngôn ngữ, để rồi họ đã đánh mất thật nhiều cơ hội quý báu. Chính vì vậy mà phải luôn nhớ: Lòng tự tin đi đôi với thành công.
Khi được hỏi: "Ông đã làm thế nào để giữ được chức vị quản lý trên 10 năm nay và văn phòng làm việc của ông thấy treo nhiều bằng khen?" ông Lê T. đã trả lời: "Đó là sự kiên trì học hỏi không ngừng!"
*
Dĩ nhiên là ở đâu cũng vậy, dân tộc nào cũng vậy, có người này kẻ khác; có nhiều người rất tốt và ngay thẳng, nhưng cũng có một số người không được như vậy nên khi giao tiếp với họ cần phải thận trọng hơn. Tuy nhiên, khi chúng ta có kiến thức và khả năng thì tôi tin rằng, không có lý do gì phải rụt rè, sợ sệt!
Ba tôi đã thường răn bảo tôi rằng: "Học không bao giờ là phí cả con ạ! Không học con mới chết. Tất cả mọi thứ đều có thể mất đi nhưng kiến thức thì luôn còn lại, luôn ở trong con và nó sẽ là chiếc chìa khóa mở ra cho con tất cả các cánh cửa của thế gian này." Thưa vâng, ba đã nói rất đúng. Học vấn là chiếc chìa khóa đã mở ra cho con những cánh cửa để con có thể đi xa hơn trên con đường sự nghiệp của mình; và ngoài ra, trong những năm dài sống tha hương, con đã phát hiện thêm một lợi ích khác nữa của học vấn: Nó là công cụ "tự vệ" hữu hiệu nhất!
Anne Khánh-Vân
No comments:
Post a Comment