Monday, June 22, 2009

"Dream House" và Khúc Sông Thứ 13


Anne Khánh Vân

Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp tài chính kinh tế tại Pháp, Anne Khánh Vân hiện sống và làm việc cho AECOM International Development. Cô là tác giả đã nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2007 với bài viết "Duyên nợ với nước Mỹ", tự truyện kể về ông bố từng được người Mỹ nhận làm con nuôi từ thời còn nhỏ, mà suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt mãi giấc mơ tới nước Mỹ. Khi biết bài viết vào danh sách chung kết, tác giả đã lập tức vận động khắp nơi và chỉ trong 10 ngày đã hoàn tất mọi giấy tờ đưa được ba má từ Việt Nam qua Mỹ theo thủ tục khẩn cấp để kịp dự họp mặt phát giải thưởng Việt Báo. Bài viết mới của Khánh Vân kể chuyện về ngôi nhà đầu tiên của cô trên đất Mỹ. Chúc mừng Khánh Vân.

***

Từ khoảng giữa năm 2008, khi các dấu hiệu kinh tế suy thoái ngày càng hiện rõ, số lượng nhà bị rao bán cũng ngày càng gia tăng. Dĩ nhiên, giá nhà đã bị xụt đáng kể so với thời điểm kinh tế thịnh vượng. Nhiều người bị mất việc làm; thu nhập giảm sút, không còn khả năng trả tiền góp hàng tháng như trước; họ phải bán nhà.

Làm chủ chỉ một căn nhà mà bị mất việc thì... "xiểng niểng" vừa vừa. Làm chủ...nhiều hơn một căn -căn ở, mấy căn khác cho thuê- mà những người thuê nhà cũng gặp lúc khó khăn phải dọn đi thì chủ nhà sẽ rất dễ mắc chứng "viêm màng túi" - như chú Tân Ngố khi chuyện trò với nhóm Việt Bút đã diễn tả cảnh "túi" (tiền) bị sạch bách sạch bơ vì không còn thu nhập. "Ngồi ngáp ruồi chờ hoài," vẫn lời chú Tân Ngố, mà hổng có ai khác đến thuê dùm nhà thì chứng "viêm màng túi" sẽ ngày càng trầm trọng.

Những chủ nhà mà túi bị "lủng" luôn chứ không chỉ "viêm" thôi: thiếu ngân hàng tiền góp từ nhiều tháng, có khi hơn cả năm... thì khi ngân hàng sẽ đến "mời" chủ nhà đi và "tịch thu" (foreclose) nhà. Ngân hàng sẽ trở thành chủ (bank-owned) của những ngôi nhà tịch thu (foreclosure) này. Phần đông bên trong những ngôi nhà "foreclosure" ít nhiều bị hư hại và máy móc tiện nghi bị tháo đi vì chủ nhà bị dọn đi trong tâm trạng "không vui." Nhà foreclosure sẽ được bán dưới dạng "as is - as seen" có nghĩa là thấy sao mua vậy. Chính vì tình trạng ngôi nhà không được "lành lặn" cho lắm nên chúng thường được bán với giá tương đối rẻ.

Khủng hoảng kinh tế kéo dài, số lượng nhà tịch thu mỗi ngày mỗi tăng. Ngân hàng không muốn (và cũng không thể) ôm quá nhiều nhà tịch thu nên đành phải bán tống bán tháo. Vì vậy, giá nhà foreclosure có khi còn ít hơn khoản nợ của chủ nhà đang còn nợ ngân hàng và thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường trước đây, khi nền kinh tế còn tiến triển bình thường.

Cái rủi của người này đôi lúc lại là cái may của người khác. Đây là cơ hội rất tốt cho những ai muốn kinh doanh; hoặc những ai còn "homeless"... chưa có nhà (như KV) và có chút ít tiền tiết kiệm muốn tập tành (cũng bày đặt) sở hữu một ngôi nhà như người ta cho... oai.

KV bắt đầu bằng chọn một chuyên viên bất động sản (Realtor) và đưa cho người Realtor những "đòi hỏi" của mình. Nói "đòi hỏi" nghe hơi..."ghê", chứ chúng chỉ là những tiêu chuẩn nhằm giúp gạn lọc ra những ngôi nhà hiệp đủ các điều kiện của KV: Ví dụ nhà nằm trong các thành phố như Alexandria, Arlington thuộc tiểu bang VA; nhà trong khoảng giá KV có thể gánh nỗi (tối đa $300 ngàn chẳng hạn) với sự đồng ý (pre-approve) của ngân hàng sẽ cho KV mượn; độ tuổi không quá 10 năm; loại nhà phố san sát nhau (Townhouse)...

KV có thể sơn phết, đóng đinh, thay bóng đèn, hoặc nhổ cỏ... Nói chung chỉ những việc nho nhỏ, nhè nhẹ; những việc lớn hơn, nặng hơn thì KV chịu... thua; vì vậy mà không dám mua nhà quá cũ. Nhà được nằm trong khu mình thích mà "già" quá, lỡ nửa đêm trần nhà sụp xuống cái rầm thì có nước chết...dở. Nhưng nhà trong khoảng giá đưa ra và lại còn nằm trong những khu KV thích thì khó có được nhà mới và được bán bởi chủ nhà. Chỉ những ngôi nhà thuộc loại "foreclosure" do ngân hàng bán (bank-owned) thì mới có thể hiệp đủ các điều kiện của KV. Nghèo mà ham! Hihi

Thế là KV chọn đi xem những ngôi nhà "foreclosure" được xây từ khoảng năm 2000 trở về đây. Bên cạnh việc "ngắm nghía" xem ngôi nhà có... "cảm tình" không, KV cũng chú ý xem ngôi nhà ấy có gần trường học, bệnh viện, phố chợ, trạm metro/bus, hay trục lộ lớn nào không; khu ấy có an ninh; dân cư sống ra sao...

* Mua nhà “short sale”

Ngôi nhà Khánh Vân mua thuộc "short sale" - khác với "foreclosure" một chút. Có nghĩa chủ nhà cũng đã lâm vào tình trạng không thể trả nổi tiền góp hàng tháng nhưng ngôi nhà chưa bị ngân hàng tịch thu. Chủ nhà thương lượng với ngân hàng sẽ đứng ra bán nhà để trả nợ ngân hàng nhưng sẽ phải bán với giá của thị trường hiện tại. Có nghĩa căn nhà bị mất giá rất nhiều; số tiền bán nhà sẽ không đủ trả số tiền đang còn nợ. Ngân hàng phải chấp thuận giá đó và đồng ý "tha" cho chủ nhà khoảng nợ chênh lệch thì căn nhà mới được bán.

Thông thường, rất ít người muốn mua nhà "short sale" vì ngoài lý do bên trong nhà có thể ít nhiều bị hư hại, phải sửa sang lại mới ở được, mọi thủ tục giấy tờ còn tương đối lâu. Thời gian đợi ngân hàng (Lender) của chủ nhà tính toán, xem xét,... để trả lời có đồng ý bán cho mình hay không phải tính bằng tháng chứ không phải tuần. Lâu lắm có thể 5, 6 tháng nếu chủ nhà có hai Lenders, vì hai ngân hàng chủ nợ này phải điều đình với nhau sẽ chia tiền vốn thu lại ra sao vì không bên nào muốn mình lỗ quá nhiều. Đến lúc có được trả lời của cả hai ngân hàng đồng ý bán, nếu lãi suất mượn tiền lúc bấy giờ xuống thấp hơn so với lãi suất ban đầu khi mình trả giá mua thì lợi quá; nhưng nếu nó tăng vọt lên thì sao?

Một chi tiết khác mà ngân hàng của chủ nhà cũng có thể xem xét khá kỹ đó là người mua này có liên hệ hay "thông đồng" gì với chủ nhà hay không. Có nhiều trường hợp, ví dụ chủ nhà chỉ mới mua ngôi nhà chừng vài năm, còn nợ ngân hàng khoảng $600 ngàn. Do tình hình kinh tế suy thoái nên giá nhà xuống còn chỉ $300 ngàn. Chủ nhà này có thể nhờ một người thân nào đó đứng ra (đóng vai là một người lạ) mua dùm căn nhà (dưới dạng short sale) với giá thị trường hiện tại, có nghĩa chỉ khoảng $300 ngàn. Nếu ngân hàng không tìm hiểu kỹ và chấp nhận bán giá $300 ngàn thì ngân hàng sẽ chịu mất $300 ngàn và chủ nhà sẽ lợi được $300 ngàn (thay vì chủ nhà còn nợ $600 ngàn thì bây giờ sẽ chỉ nợ $300 ngàn thôi). Cách "mánh mung" để "gạt" ngân hàng giảm nợ này đã bị khám phá nên ngân hàng xem xét mọi thứ kỹ lưỡng hơn, vì vậy mà mọi thủ tục giấy tờ khi mua "short sale" lâu lắc hơn.

KV thì hổng có gì gấp nên có thể kiên nhẫn đợi, chỉ ngại là người chuyên viên bất động sản phải đợi lâu vì không phải realtor nào cũng chịu làm việc với những vụ mua bán "foreclosure" và "short sale" vì họ không muốn phải đợi quá lâu mới được nhận tiền huê hồng (commission) cũng chính là lương của họ. KV hên nên gặp được người Realtor cũng khá "chịu khó”. KV hụt mua 2 căn "foreclosure" đầu tiên. Hụt mà hên. Vì căn thứ 3 "short sale" này tình trạng bên trong nhà "hoàn hảo" hơn cả. Nhà không hư hại gì vì chủ nhà là người đứng ra bán và họ cần người đến mua để "cứu" họ "thoát nợ" ngân hàng, nên họ gìn giữ tình trạng căn nhà.

Thật ra thì lần đầu tiên đến xem, nhìn căn nhà... thật là "khủng hoảng". Ngôi nhà được xây năm 2006 nên nhìn tương đối đẹp, và thoáng mát; khi vào trong vẫn còn nghe mùi nhà mới với kiểu xây tương đối hiện đại; nhưng không biết chủ nhà trang hoàng cái... giống gì trong nhà mà đinh, kim, vít... đóng đầy tường. Chuyện đó chưa... ghê. Đồ đạc..."bày binh bối trận" mới là đáng sợ. Đi xem vòng vòng trong nhà mà KV cứ thầm "cầu nguyện" chủ nhà sẽ dọn dẹp chùi rửa dùm. Nếu không, mình mà đồng ý mua căn nhà dưới dạng "thấy sao mua vậy" này thì chỉ nội việc đi nhổ và trám lổ mấy trăm cái đinh rồi thu dọn mọi thứ thì cũng đủ... "ná thở".

Hên quá, anh chị chủ nhà này thiệt... dễ thương. Họ có vẻ... thầm biết ơn người chịu mua căn nhà của họ vì đã "cứu" họ thoát số nợ chênh lệch (ít nhất cũng phải $450 ngàn). Hôm trở lại xem nhà trước khi chính thức ký giấy sang nhượng, căn nhà một trời một vực. Chủ nhà đã dọn sạch boong. Ngoài lớp thảm họ đã xài tương đối...kỹ, mọi thứ còn rất mới. Không bị... phá hoại phút chót. Nếu thí dụ phút chót nhà bị phá, tiền sửa chữa hơi nặng, KV có thể so sánh với hình chụp ban đầu lúc đi xem và lấy lý do đó hủy bỏ hợp đồng mua bán dù bản chất của hợp đồng mua bán này có là bán dưới dạng "as is - as seen". Nhưng "as is - as seen" mà mình chấp nhận là "as is - as seen" lúc đi xem và đồng ý mua; chứ không phải sau khi mình đã đồng ý mua và nhà bị phá hoại thêm mà mình vẫn phải chịu mua "as is - as seen".

Chuyện mua nhà của KV tiến triển cũng khá nhanh. Hôm bắt đầu đi xem nhà, cách đây không đầy 2 tháng, KV cứ tưởng chỉ để biết thế nào là mua nhà ở Mỹ. Vì mua nhà không nên hấp tấp và nhất là không dễ gì tìm được ngôi nhà... mộng. Nhà phải...hợp nhãn và mình phải "in love" với căn nhà... thì mới có đủ... "can đảm" ký kết "tù... chung thân". Phải đi xem ít nhất 50 căn nhà và phải 6 tháng nữa họa may ra mọi việc mới đâu vào đó. Ngờ đâu mọi chuyện diễn ra rụp rụp rụp; làm KV vừa đi làm, vừa có lớp học, rồi phải cùng lúc tìm hiểu chuyện mua nhà, lo giấy tờ và lo bao nhiêu là thứ lỉnh kỉnh cho căn nhà... KV muốn... ngất ngư. KV chỉ đợi khoảng 3 tuần thì đã có trả lời của hai ngân hàng bên bán chấp thuận bán nhà cho KV. Sở dỉ KV không phải đợi 5, 6 tháng là vì trước KV vài tháng, có một người cũng đã trả giá mua, nhưng họ đợi không nổi nên bỏ đi. Khi KV vào mua thì mọi thủ tục định giá, điều tra và cách chia phần cho nhau ra sao, phía hai ngân hàng đã thuận ý nên họ xét duyệt mọi thứ nhanh chóng.

Lúc mới xây năm 2006 căn nhà này được hãng thầu bán hơn $500 ngàn. Giá trị của nó tăng lên vài chục ngàn trong năm đầu tiên 2007, nhưng khi sang năm 2008 thì, như tình hình chung của kinh tế, giá nhà bị chạy tọt xuống một cách thảm thương; KV mua chỉ nửa giá.

Trong tình trạng giá nhà cửa cứ rủ nhau xuống, những cây bản "For Sale" cứ mọc lên như nấm, thị trường địa ốc trở thành "Buyer's market" chứ không còn là "Seller's market"; có nghĩa vì số cung nhiều hơn cầu, nên giá thị trường thường là do người mua ứng định chứ không do người bán ra giá. Những người có đủ điều kiện công việc làm và tài chánh sẽ được người bán và các chuyên viên địa ốc "cưng" ơi là "cưng." Nhưng cũng đừng vì mình đang ở... "lợi thế", được "cưng" mà lạm dụng, bắt ép "đối phương" vì ai cũng cần có miếng ăn (KV tự nhủ). Mình cũng đã có thể nằm ở vị trí của những người bị mất việc, mất nhà...nếu mình sang Mỹ sớm hơn, có nhiều tiền sớm hơn, kinh doanh sớm hơn, "làm chủ" sớm hơn...

* Cứu vãn tình hình

Để giảm số lượng "nhà bán thiếu người mua", cùng lúc với việc cứu nguy tài chánh cho những ngân hàng bênm bờ vực phá sản, chính phủ đã khuyến khích người dân mua nhà, nhất là những ai chưa từng sở hữu nhà. Theo chương trình mượn tiền Loan FHA (Federal Housing Adminis-tration) người mua chỉ cần 3.5% tiền mặt trả trước (down payment), bất cần biết điểm tín dụng (credit score) thấp hay cao. Chỉ thế thôi cộng với hiện tại đang có công ăn việc làm với mức lương năm khoảng 1/4 hoặc 1/5 giá trị căn nhà (không có nợ nào khác) là có thể mượn được tiền mua ngôi nhà vừa khả năng.

Hôm 17 tháng 2, 2009, trong nghị quyết kích động kinh tế (Economic Stimulus Bill) Tổng tống Obama ký duyệt, có chương trình sẽ tặng lại $8,000 cho những người mua nhà lần đầu tiên, nếu họ mua nhà trong năm 2009 và phải giữ ngôi nhà ấy ít nhất 3 năm; một điều kiện nữa để được nhận lại $8,000 là độc thân thì thu nhập hàng năm cần phải dưới $75 ngàn; còn hai người cùng đứng tên nhà thì thu nhập hàng năm tổng cộng của cả hai phải dưới $150 ngàn. Cách cứu vãn tình hình "nhà bán thiếu người mua" này có vẻ hiệu nghiệm.

Theo báo USA Today ra ngày 29 tháng 4, 53% số lượng nhà được bán trong tháng 3 vừa qua là "nhờ" First Time Buyers "tiêu thụ", giúp nền kinh tế đang được dần hồi phục.

Như nhiều "First Time Buyers" hiệp đủ điều kiện đang đổ xô nhau đi mua nhà, KV cũng có thể "kể công" là mình đã góp phần nhỏ bé giúp cứu vãn tình hình kinh tế (hihi). Nhưng có lẽ phải "thành thật" "khai báo" là KV cũng đã "mê" cái "chiêu" được cho lại $8,000 mà đội ngủ kinh tế của TT Obama dùng để "dụ khị" First Time Buyers. Sao lại không mê. Có ai tự nhiên "tốt bụng" cho mình $8,000 ngon ơ như vậy đâu. Lãi tiền lời của KV chỉ 4.5% nhờ có điểm tín dụng cao cũng đã ít nhiều khuyến khích KV mượn tiền mua nhà. Dù vậy, trường hợp của KV chỉ một nhân sự và một đầu lương mà "dám" một mình đứng tên mua một căn nhà thiệt bự... thì cũng hơi gan. Nhưng phải có gan thì mới làm giàu được chứ. hihi. KV chỉ đùa thôi chứ thật sự là mấy tuần đầu khi suy nghĩ để quyết định có nên mua nhà bây giờ hay không, KV đã mém "sáng chói" cái đầu. Nằm đêm cứ vắt chân lên trán suy nghĩ...

KV tự nói với mình, mua được nhà mới, giá rẻ, địa điểm tốt... lại là ngôi nhà đầu tiên trong đời... thì cũng vui lắm; KV cứ được chúc mừng tới tấp... nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Sở hữu một món đồ có giá trị càng lớn thì nỗi lo âu sẽ tỷ lệ thuận theo.

Hồi đó, mỗi tháng lãnh lương ra, sau khi trả hết mọi thứ chi phí, vẫn còn rủng rỉnh một túi tiền nặng chịch. Bây giờ, trả xong mọi chi phí hàng tháng cho căn nhà, cái túi nhẹ hìu. Phải cẩn thận trong từng chi tiêu. Phải tính toán xem có nên giảm đóng vào 401K, có nên giảm mua stock, có nên giảm du lịch, có nên giảm ăn tiệm, có nên giảm đi shopping... để có thể vừa có nhà, vừa tiếp tục được đi học bán thời gian, và cuộc sống không đến nổi túng thiếu. Nhưng cái đáng lo hơn cả đó là... nếu lỡ mất việc và mắc chứng "viêm màng túi" thì sao há?

Điều đầu tiên đến ngay trong suy nghĩ KV nếu mình lỡ mất việc đó là KV sẽ đi thẳng đến trường đăng ký học toàn thời gian. Hiện giờ chỉ học bán thời gian sau giờ làm việc nên học hoài không xong. Vì công việc đã tốt, nên việc học mất phần quan trọng tối ưu. Nếu lỡ mất việc thì KV sẽ đầu tư toàn bộ cho việc học. Sau đó có bằng cấp cao hơn, sẽ tìm được việc lương cao hơn, bù lại khoảng thời gian không làm ra tiền. Thay vì "Resumé" của mình bị "lủng" vì "mất việc" thì mình sẽ biến nó thành liên tục bằng việc học để lấy thêm bằng cấp. Khi đi phỏng vấn cho việc mới, trả lời như vậy nghe "bảnh" hơn là nói "gián đoạn đó là vì tui thất nghiệp ngồi nhà". Xong rồi KV sẽ đăng ký lãnh tiền thất nghiệp. Đó là tiền của chính mình chứ bộ. Đâu có gì phải mắc cỡ. Mình đã đóng cho chính phủ như bỏ heo hàng tháng đề phòng trường hợp mất việc. Bây giờ mình chỉ lấy tiền của "chính mình" ra dùng thôi mà. Mình không sử dụng quyền lợi của chính mình mới là dại à nghen. Một điểm lợi khác khi trở lại đi học toàn thời gian đó là, mình sẽ đủ điều kiện xin trợ giúp tài chánh đi học - Financial Aid vì không còn thu nhập income. Cùng thời gian đó mình sẽ tìm việc khác. Vậy rồi phải làm sao với căn nhà há? Thì sẽ tìm người cho "share" phòng. Còn "kẹt" quá thì cho thuê luôn nguyên căn và trở lại đời sống "homeless" ở cái khu chung cư cũ. KV đã làm những bài toán "thí dụ" nên yên bụng nhủ mình "Hổng sao đâu, cứ mạnh dạn tiến bước. Hãy bắt lấy thời điểm tốt này để mua một ngôi nhà."

* Nhà có mùi trứng ung, tường khô made in China

Khi đi xem nhà, KV có rủ một số bạn cùng đi. Đúng là chỉ hai con mắt, hai lổ tai, một lổ mũi, một cái đầu của mình thôi hổng thể thấy hết và nghĩ ra hết mọi thứ.

Một trong những căn nhà KV đi xem trong khu nhà đó có mùi hơi là lạ, nhưng KV chỉ giản dị nghĩ chắc vì chủ nhà có... mùi đặc biệt hoặc do họ ăn ở không được vệ sinh nên nhà có mùi. Nhưng khu nhà này chỉ mới được xây trong năm 2006 thôi mà, sao lại có mùi nằng nặng như trứng ung. Thế là khi ra về, anh bạn đã lẳng lặng tìm hiểu vì sao nhà có mùi giống trứng ung. Anh ta lên Net và gõ "rotten-egg" thì... ôi thôi, hàng trăm ngàn bài viết trên khắp báo chí, tivi, đài, với đủ loại ngôn ngữ... đang nói về "thảm trạng" "Chinese Drywall" - "Tường khô" made in China.

Tường khô dùng làm vách nhà được sản xuất từ phó sản của than trong lòng đất (tro bay) có tính chống cháy cao. Thay vì phải khử sulfur (lưu huỳnh) trước khi dùng sản xuất tường khô, các nhà sản xuất Trung Quốc không khử sulfur mà xịt vào đấy những hóa chất có khả năng át mùi sulfur và chống mốc (theo phân tích của các chuyên gia). Những phản ứng hóa học và các thành phần hóa học có sẵn bên trong tường khô khiến chúng toát ra mùi trứng ung và làm hoen ố các loại nữ trang, vàng bạc. Các dây đồng thép trong các máy móc trong nhà như máy lạnh, đường dây điện và các ống nước, và những vật liệu bằng kim loại khác... bị ăn mòn, rỉ đen trong thời gian thật ngắn. Người ở trong nhà thì ngã bệnh.

Giáo Sư Patricia Williams tại trường đại học New Orleans cho biết đã xác nhận được ở "tường khô made in China" một số độc tố như carbon disulfide, hydro sulfide, sulfuric acid, sulfide dioxide. Theo Trung Tâm Phòng Chống Bệnh (CDC), tiếp cận lâu ngày với các hóa chất (Sulfur và gốc Sulfur) ấy đưa đến khó thở, tức ngực, có thể chết.

Hàng trăm chủ nhà đang dỡ khóc dỡ cười vì "ngôi nhà mộng" của họ đang trở thành ác mộng. Cứ hễ về nhà là cảm thấy nhức đầu, cay mắt, nhảy mũi, mệt mõi vì trong nhà có mùi thật khó chịu như trứng ung - chính là mùi sulfur. Con cái họ bị chảy máu cam, viêm soang mũi, ho hen... Nhiều người muốn ra thuê chung cư ở trong thời gian chờ có biện pháp giải quyết nhưng họ không có khả năng trả tiền nhà hai nơi; một số đã quyết định bỏ nhà vì sức khỏe vợ chồng con cái họ quan trọng hơn. Nhiều người khác đã kéo sập ngôi nhà xây bằng tường khô made in China để xây lại bằng tường khô đạt tiêu chuẩn. Một số nhà đang được các hãng thầu xây đền lại.

Tường khô sản xuất từ Trung Quốc bắt đầu được chậm rãi nhập sang Mỹ từ khoảng năm 1999-2000 nhưng tăng cao đáng kể trong những năm 2004-2006, khi hoạt động xây cất nhà mới bùng nổ ở Florida và nhất là số nhà tái thiết sau cơn bão Katrina. Vật liệu trong nước thiếu hụt, trong khi "tường khô" sản xuất tại Trung Quốc lại rẻ và dư. Hơn 500 triệu pound "tường khô" được nhập trong 4 năm bùng nổ của giá nhà đất. Tương đương với khoảng 100,000 ngôi nhà đã được xây cất bằng loại tường khô made in China này.

Ông Michael Foreman, giám đốc một cơ sở tham vấn, tin rằng chỉ trong 1 năm, số cư dân bị ảnh hưởng là khoảng 100,000. Theo phân tích của AP, trong năm 2006, khoảng 34 ngàn nhà mới đã được xây bằng tường khô Trung Quốc, diện tích trung bình mỗi nhà là 2,000 feet vuông.

Hiện nay loại Tường Khô này đang bị cấm nhập vào Mỹ. Các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và thẩm quyền y tế từ các tiểu bang Florida, Louisiana, Virginia, North Carolina và Washington đang điều tra kỹ hơn các phân tố hóa học và khả năng đe dọa tính mạng.

Người tiêu dùng bày tỏ cảm tưởng của họ trên các blog nói về hàng "made in China" rằng các nhà sản xuất Trung Quốc ngày càng mất uy tín với thị trường thế giới về hàng hóa made in China chứa chất độc. Hết đồ chơi trẻ con, đồ trang trí nội thất, thực phẩm người, thực phẩm thú vật, kem đánh răng,... gần đây nhất là sữa em bé... rồi bữa nay đến tường khô... Còn gì khác chưa được khám phá? Cứ tình trạng này, nhìn thấy đồ "Made in China" ai cũng sẽ suy nghĩ kỹ lại dù giá có rẻ bao nhiêu!

Qua vài ngày xem tin tức và tìm hiểu tình hình "Chinese drywall"... KV tá hỏa tam tinh. Vì một trong những căn nhà KV đi xem trong khu đó có mùi y như... trứng ung nên KV bắt đầu "quíu". Trời ơi, có khi nào ngôi nhà mộng USA của mình lại "made in China" không? Chẳng lẽ mua nhà để vô đó ở rồi dần dà sinh bệnh và chết từ từ. KV hoảng đến độ tối ngủ nằm mơ thấy mình đi tháo từng miếng tường khô trong nhà ra để kiểm tra mặt trong xem chúng có nhãn hiệu gì, được sản xuất ở đâu... Dù nhà KV mua và một vài căn khác trong khu còn rất thơm mùi mới, nhưng căn nhà hôi kia đã làm cho KV vô cùng hoang mang. Mua được căn nhà này thì... "good deal" thật, nhưng không thể vì thấy lợi mà mờ mắt. Phải làm gì đó cụ thể trước khi ký giấy mua nó nếu không muốn phải đối phó với những nguy hại có tính đe dọa tính mạng sau này.

Thế là KV nhờ người Home Inspector trở lại để kiểm tra dùm. Anh ta đã dựa vào những hướng dẫn của sở y tế (Virginia Department of Health) để tìm những dấu hiệu của tường khô Trung Quốc. KV cũng đồng thời viết một lá thư gửi cho hãng thầu xây dựng đề nghị họ cho biết đã dùng loại tường khô nào. Một thầy giáo cũ dạy về Luật Kinh Doanh, Luật sư T. Gentile, đã góp ý hướng dẫn KV cần phải dùng... những từ ngữ gì với hãng thầu xây dựng để buộc họ phải chịu trách nhiệm về pháp luật nếu có bất trắc xảy ra trong tương lai.

Sau bao nhiêu ngày phập phồng lo âu, may quá, tường nhà KV "made in USA". Vậy là "Dream House" này "made in USA" chính hiệu.

* Cái vòng lẩn quẩn...

Như bao nhiêu chuyện khác trên đời này, KV đã có dịp nghiệm lại, ham muốn sở hữu một ngôi nhà cũng chỉ là một cái vòng lẩn quẩn của sự "tuân theo" thông lệ phong tục xã hội và gia đình... mà hình như ai cũng vướng phải. Kẻ chưa có thì muốn. Người đang ở trong thì lại muốn thoát ra. Đứng núi này, trông qua núi nọ. So sánh, chật vật, khổ sở...

Học xong, ra trường, có được công việc làm tương đối vững chắc, lương bỗng kha khá thì sẽ nghĩ đến việc thôi ở nhà thuê mà hãy nên sở hữu. Bắt đầu bằng một căn nhà chung cư (Condo); sau đó, sẽ chuyển sang một ngôi nhà phố (townhouse); rồi sau đó nữa sẽ là một ngôi nhà riêng (singlehouse) có đất đai vườn tược, trong khu phố sang trọng... Ngược lại, người sắp về hưu thì sẽ bán đi những ngôi nhà lớn để trở về điểm khởi đầu: thuê một căn chung cư vừa đủ ở. Họ sẽ không còn phải lo việc cắt cỏ, trồng cây, trả tiền điện, nước, gas, thuế nhà. Họ cũng sẽ chẳng phải lo tân trang, sửa chữa những thứ cũ kỹ trong nhà... vì chủ chung cư sẽ phải lo toàn bộ những thứ đó. Ở thuê một căn nhà chung cư, muốn đi chơi lúc nào thì cứ việc đóng cửa đi chơi, chẳng sợ bị người ta để ý nhà vắng chủ, phải người nhờ thỉnh thoảng ghé qua trông coi dùm...

Khánh Vân nhớ lại "Câu Chuyện Dòng Sông" (Siddhartha) của Hermann Hesse. Nhân vật chính trong chuyện là Siddhartha đã rời bỏ cha mẹ ra đi, sống đời sống tu sĩ Sa-Môn vì ông ham mê thần linh, các cuộc tế lễ, thiền quán, khổ hạnh... Ngay chính trong bước đi đầu đời, ông đã hạnh ngộ với Đức Phật. Nhưng sau thời gian dài tu học, ông nghĩ mình còn cần phải nếm trải mọi điều của người đời nữa thì mới có thể gọi là "đủ". Ông thử nghiệm ái tình với một phụ nữ diễm lệ Kamala, và trở nên thật dầy dặn kinh nghiệm trong sắc dục. Ông thử nghiệm buôn bán, kinh doanh và thành công rực rỡ trên thương trường.

Một ngày kia, mệt nhoài tỉnh thức sau những đêm say mèm vì ăn chơi, nhảy múa, hưởng lạc trong bạc tiền, nhung lụa... ông mở mắt nhìn trời đất, chim bay, cá lượn và nhớ lại những năm tháng tu học trong rừng; sống đời sống vô cùng giản dị, xa cách con người, xa cách mọi bon chen... Những gì ông đã sống qua không còn chỉ trên sách vở, trong các bài giảng; ông đã chứng nghiệm chúng bằng mắt, bằng tim, bằng cảm xúc... Cuối cùng ông quyết định đứng dậy, rủ bỏ tất cả. Ông lại một lần nữa ra đi. Ông trở lại dòng sông, bến đò, nơi mà từ đó ông đã đi vào cuộc sống vừa qua, cách đây hơn 20 năm. Ông đã phải chứng nghiệm sự tuyệt vọng để nhìn ra thánh ân. Ông đã phải phạm tội để sống lại. Ông đã phải ngủ say sưa để lại thức dậy cải lão hoàn đồng. Con đường ông đi như xoay tròn, xoắn ốc, trở về điểm khởi đầu. Ông đã ghê tởm cái đời sống vừa qua nên cảm thấy vô cùng khoan khoái như được giải thoát, tự do. Chính lúc ấy ông đã hiểu ra ý nghĩa của hạnh phúc - giờ đây ông mới thấy nó quý giá và quan trọng nhất trong kiếp sống làm người.

Ông xin người lái đò ở đó cho ông ở lại làm bạn, để hàng ngày, ông cũng "được"... làm người lái đò, được ngắm nhìn dòng sông, được lắng nghe nó, được học hỏi ở nó, được chuyện trò với nó... như chuyện trò với chính tinh khôn, thánh thiện tận đáy lòng mình, bản chất của con người khi sơ khai.

Cứ mỗi lần KV đọc lại "Câu Chuyện Dòng Sông" thì luôn thấy thêm được một cái gì đó thật mới, thật hay. KV hiểu rằng bản thân ngôi nhà KV vừa mua không tự nó làm KV hạnh phúc hơn hoặc hãnh diện về mình hơn. Ở căn hộ thuê của KV như hiện nay, KV cũng hàng ngày rất ư là hạnh phúc và luôn quý trọng tất cả những cố gắng mình đã đạt được. Tất cả phải chăng chỉ là cảm giác?! Mình hài lòng về điều ấy thì mình sẽ hạnh phúc dù những thứ ấy vô cùng khiêm tốn, giản dị. Còn nếu không bao giờ hài lòng về nó, không biết nhìn những thứ thật giá trị xung quanh để vui hưởng mà chỉ để tâm tìm kiếm những chấm nhỏ li ty không hay, không vui để làm mầm buồn tức, bất an... thì dù có sở hữu 10 ngôi nhà và hàng ngày về ở trong một lâu đài, trong lòng sẽ vẫn trống trải, nghèo nàn, sầu khổ.

3 nghệ thuật siêu quần của Siddhartha trong "Câu Chuyện Dòng Sông" là: Suy tư, chờ đợi và nhịn đói. Ông giải thích vì sao cả 3, khi kết hợp hài hòa với nhau sẽ trở nên siêu quần rằng: Khi ta không có gì để ăn thì nhịn đói là việc làm khôn ngoan nhất. Ta sẽ không bị cơn đói, cơn thèm muốn "điều khiển". Ta có thể chờ đợi một cách bình thản. Ta sẽ không vội vàng, không thiếu thốn. Và KV đã hiểu, "đói" mà ông đề cập đến ở đây không giới hạn trong thức ăn, thức uống mà là toàn bộ các loại đói...

KV sẽ chăm chút cho ngôi nhà đầu tiên này để biến nó trở thành một ngôi nhà dễ thương, ấm cúng. Nhưng lỡ ví dụ một ngày kia KV không còn nhà nữa, cũng sẽ không có sao. Như nền kinh tế, một chu kỳ mới khác sẽ lại được bắt đầu.

* Khúc sông thứ... 13

Cũng bắt chước ông Siddhartha, KV ra sông ngắm nhìn dòng sông và nhìn đáy lòng mình. Khánh Vân ôn lại những chặng đường mình đã đi qua với bao khó khăn, thử thách,...

KV nhớ lại từng ngôi nhà mình đã từng trú ẩn. Thụt lùi về ngày KV chào đời.... Một, hai, ba, bốn... Ôi chu choa, không ngờ lần dọn nhà này sẽ là lần thứ...13. Đối với KV, con số 13 là con số vô cùng hên. KV rời Việt Nam ngày 13. KV thực hiện được giấc mơ giúp ba mẹ có Visa đi thăm nước Mỹ vào ngày 13. Khúc sông thứ 13 này đã đưa KV đến ngôi nhà mộng Dream House. Và biết đâu ngày ba mẹ Hai Lúa của KV sang Mỹ đoàn tụ với KV cũng sẽ là một ngày 13 nào đó...

Hôm nọ, đang đi lang thang ở Home Depot chọn thảm làm sàn nhà thì có một chị người "Xì...pa...nit" đến chào và lọng cọng nói tiếng Anh rằng nếu KV cần người thay thảm, chồng chị ta có thể làm với giá rẻ... Rồi chị chìa cho KV một tấm business card của chồng chị. KV khựng lại và suy nghĩ, "Cái này hình như là một hình thức "ăn cắp" khách hàng của Home Depot. Trái luật rồi đó chị ơi. Coi chừng người ta theo dõi và tóm chị đó." Nhưng thấy thương chị ấy làm sao. Chị đang mang thai chắc cũng phải 5, 6 tháng và có một đứa con nhỏ khoảng 3 tuổi đang chạy lanh quanh gần chỗ chị và KV đứng nói chuyện. Cái cách chị "marketing" giúp chồng tìm khách hàng này thiệt đáng yêu, đáng quý. Chiều tối khi chồng chị lem luốc đi làm về, chắc chị ấy sẽ khoe, "Hôm nay em có tìm được thêm cho anh một khách hàng. Hy vọng cô ta sẽ gọi anh đến thay thảm."

Bao nhiêu tiền tiết kiệm của KV, KV trút hết vô "down payment", nên "màng túi" của KV cũng sắp sửa "viêm"... Một số bạn bè đã lên tiếng sẽ đến giúp sơn nhà, thay thảm và lót sàn gỗ phụ. Có được nhiều bạn tốt như thế, KV rất vui, nhưng nhớ lại hình ảnh chị người Xì - tượng trưng cho nhiều cá nhân, nhiều gia đình và cả cái nước Mỹ đang lâm vào cảnh khủng hoảng kinh tế - KV không thể quyết định ôm hết mọi lợi ích vào cho riêng mình. KV đã may mắn được "good deal" khi mua căn nhà này. Xin cảm ơn cái may mắn, cảm ơn duyên lành; nhưng mình nhận được may mắn thì cũng phải biết chia lại may mắn thì may mắn của mình mới bền, mới có hậu và trong bụng mình sẽ vui nhiều hơn.

Nhưng không phải chỉ thế thôi, trên phương diện kinh tế, mỗi khi kinh tế khủng hoảng, người người bị mất việc làm, ai cũng có khuynh hướng tiêu xài bớt lại để dành dụm tiền lỡ có chuyện gì sẽ có tiền xoay sở. Người mất việc giảm tiêu xài đã đành. Người còn việc, vì thấy kinh tế xuống dốc mà giảm tiêu xài thì sẽ chẳng giúp nền kinh tế hồi phục mà còn làm nó mỗi ngày xuống dốc nặng hơn. Nếu không xài nhiều hơn được... thì ít ra cũng vẫn tiêu xài bình thường (hihi). Khi số cung và cầu tăng (hoặc không giảm) thì người mất việc mới có cơ hội tìm lại được việc khi các nhà sản xuất lại cần thêm nhân lực. Khi đó, chỉ số sản xuất của quốc gia sẽ tăng, số lượng tiền tệ lưu hành trong nước cũng sẽ gia tăng, nền kinh tế mới được phục hồi. Theo các kinh tế gia, 47% số lượng của tiêu dùng đóng góp vào nền kinh tế.

Đầu năm ngoái, Cựu Tổng Thồng Bush trước khi "nghỉ hưu" đã có một cử chỉ đẹp: gửi cho mỗi gia đình chúng ta một số tiền "tỷ lệ" với số người và thuế thu nhập trong gia đình của năm trước- để khuyến khích chúng ta hãy mạnh dạn đi mua hàng. Nhưng có lẽ đa số chúng ta chỉ cho món "quà" của TT Bush vào "tủ sắt" tiết kiệm, hoặc rút tiền mặt ra để dành trong tủ sắt ở nhà thay vì dùng nó đi shopping, nên đến mãi hôm nay, nền kinh tế vẫn... èo ọt. Đã hiểu chút đỉnh về kinh tế, KV làm khác một chút. Tự nhiên có người cho mình mấy trăm đồng biểu đi shopping, ngu gì hổng đi. KV sẽ đi liền! Không chỉ vậy, phải chờ 5, 6 tuần mới nhận được tờ ngân phiếu của TT Bush gửi về, ai mà chờ cho nổi; nên KV đã lấy tiền của những khoảng khác đi shopping xài tiến trước khi nhận. hihi

Khánh Vân mong nền kinh tế sẽ mau chóng được hồi phục và mọi người sẽ không còn bị chứng "viêm màng túi" nữa mà thay vào đó sẽ là một căn bệnh "đáng yêu" mới: "xệ đáy túi".

Xin cảm ơn cho thời gian, sự tận tụy, những lời chúc mừng, góp ý, sẻ chia kinh nghiệm, và niềm tin của tất cả thân hữu gần xa, nhất là những cô chú bác trong gia đình Việt Bút. Không quên cảm ơn chuyên viên bất động sản anh Nguyễn T. Hùng và anh inspector rất tốt bụng S. Friday,... Cũng mong chúc anh chị bán nhà cho Khánh Vân sẽ gặp nhiều may mắn trong tương lai.

Xin cảm ơn căn hộ nhỏ bé đã che nắng mưa cho KV bao nhiêu năm tháng qua. "Tao sẽ nhớ mày với biết bao kỷ niệm đáng yêu, đáng quý."

Nội ơi, con cũng muốn cảm ơn nội nữa. Nội đã luôn thương con, nhớ con và báo mộng cho con biết trước tất cả những sự kiện lớn trong đời mình.

Từng người chúng ta là những phần tử nhỏ bé trên dòng sông. Trực tiếp hay gián tiếp, mỗi người đóng một vai trò riêng biệt, quan trọng, bổ sung cho nhau, tạo nên một dòng chảy hài hòa, giúp mọi thứ trôi đi suông sẻ tốt đẹp, dù có những lúc bị vướng phải một viên đá, một nhánh cây... gây trầy sướt, chới với,... nhưng những chướng ngại vật trên dòng sông đã giúp cuộc đời thêm phong phú, ý nghĩa.

Chỉ nghĩ thế thôi, đủ mạnh mẽ, hạnh phúc...


Anne Khánh Vân


Một số Links nói về Nhà Foreclosure/Short-Sale, Nghị Quyết Kích Động Kinh Tế, Tường Khô made in China:


No comments: