Wednesday, December 31, 2003

Má ơi!

Anne Khánh Vân



Chiều nay trên đường về nhà, con đã chứng kiến một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ba xe cứu thương đến vây quanh làm lưu thông bị tắc nghẽn. Khi ngang qua hiện trường, con đã nhìn thấy các nhân viên cứu thương đang cố gắng cưa những mảnh sắt móp méo để lấy người bị thương đang kẹt trong xe ra. Lúc ấy con đã thầm mong “Xin Thượng Đế hãy chở che cho người ấy qua được phút giây hiểm nguy này”. Chợt con nhớ đến Má, rồi tự hỏi mình: “Nhờ ai và từ khi nào mình đã có thói quen này vậy?”. Con nhớ hồi nhỏ, cứ mỗi lần đi đâu với Má mà thấy có tai nạn thì con luôn nghe Má thì thầm khấn nguyện: “Chúa ơi! hãy cứu họ!”. Vậy là con đã ảnh hưởng thói quen này của Má phải không? Con cũng còn nhớ Má đã dạy con rằng: “Khi đi đường mà thấy có đám tang thì con phải bỏ mũ cúi đầu chào người chết”. Bởi thế mà cho đến tận hôm nay, mỗi khi ra đường gặp đám tang con đã không bao giờ quên cúi đầu chào người vừa mới khuất.

Mỗi lần gặp ai đó bị tai nạn hoặc gặp cảnh bất hạnh… con luôn nghĩ đến Má. Con nhớ đến những lời Má đã dạy, con cảm thấy may mắn vì con đã được Má chia sẻ những kinh nghiệm, những hiểu biết của Má cho con. Nhưng cũng chính những lúc đó trong con lại dấy lên một cảm giác lo sợ... Con sợ cái ngày Má không còn nữa! Con sợ khi Má ra đi thật xa rồi thì con sẽ không còn được nhìn ngắm khuôn mặt của Má nữa, không còn được nũng niệu gọi “Má ơi!”. Và con cũng sợ, sẽ không còn được ai thương yêu con như Má thương yêu con vậy. Con sợ mình sẽ mất đi “tài sản” quý giá nhất trên cỏi đời này: Má!

Những khi nghe tin Má bị bệnh, dù chỉ là bệnh nhẹ nhưng lòng con vẫn se thắt lại. Nỗi lo sợ mất Má tự dưng trổi dậy mạnh mẽ hơn. Con cố gắng cầu nguyện cho Má nhiều hơn và rồi lại cố gắng gạt bỏ những suy nghĩ điên rồ ra khỏi đầu mình. Con tự trấn an mình, "Má có bị sao đâu mà con nghĩ quẩn vậy? Má vẫn còn đó mà". Biết là vậy, nhưng khi mình yêu quý một ai đó thì mình thường chỉ muốn được sở hữu mãi mãi, muốn mãi được ôm chặt vào lòng, muốn có được cảm giác họ mãi là của mình. Con thì thầm khấn xin Thượng Đế "Hãy chở che cho Mẹ con. Nếu Mẹ con có phải gặp điều gì nguy hiểm thì hãy để cho con được nhận lấy thay thế cho Mẹ". Con không muốn bất cứ một bất trắc, khổ đau, nguy hiểm nào đến với Má. Bởi cả cuộc đời của Má, Má đã phải trải qua biết bao gian truân, khổ lụy; bao tủi hờn, bất hạnh.

Hai câu thơ dân gian vang lên bên tai con:

"Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con."



Lời cầu nguyện của con cho dù có được Đấng Tối Cao chứng giám và chấp nhận đi chăng nữa, và có thể Má sẽ sống với tụi con lâu hơn, nhưng đáng buồn thay, Má sẽ không thể nào mãi mãi sống bên đàn con. Chính vì vậy mà con không muốn một giây phút nào khi con còn được hít thở mà quên đi rằng, con đang vô cùng may mắn vẫn còn được có Má trên cỏi đời này.

Có một lần, khi Ông Ngoại nhắc lại chuyện các dì dượng đi vượt biên bị mất tích, các anh chị của Ông Ngoại ngày xưa đã bị chết trùng, và Bà Cố đã mất khi Ông còn trong tuổi ấu thơ, Ông Ngoại đã nói rằng, "Sự mất mát nào cũng rất đớn đau, có khi chẳng bao giờ mình có thể quên đi được. Không một cá nhân nào hoàn toàn giống một cá nhân nào để có thể thay thế được sự thiếu vắng đó, nhưng nếu mất đi một người vợ thì cũng còn có thể lấy một người vợ khác, nếu mất đi một người chồng thì cũng còn có thể lấy một người chồng khác, nếu mất đi một đứa con thì cũng còn có thể sanh được một đứa con khác... Nhưng nếu mất đi người Mẹ thì không thể tìm đâu ra được một người Mẹ thứ hai đã sinh ra mình và yêu thương mình như người Mẹ đó".

Những lời của Ông ngoại lúc bấy giờ, con đã không thật sự hiểu hết ý nghĩa của nó, dù con ngồi ngay cạnh bên Ông và lắng nghe từng lời một. Nhưng càng về sau này, khi con càng lớn khôn, khi con ra đời và va chạm với mất mát, với khổ đau, khi con phải ở thật xa gia đình mình, con nghiệm lại từng lời của Ông Ngoại, thì con đã hiểu rõ ý của Ông ngày đó muốn nói gì. Đúng vậy, không có một người nào ở thế gian này có thể thương yêu con như chính người Mẹ đã sanh ra con. Mẹ sẳn sàng hy sinh bản thân mình, mạng sống của mình cho con được sống, cho con có được những điều tốt hơn.

Con nhớ trong nhạc phẩm “Mẹ tôi” Nhị Hà có viết:

... Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu mong con mình có một ngày mai
Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn
Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan
Không than không phiền dù lâm hoạn nạn
Lòng tin con mình xứng thành người dân..."

Suốt mấy chục năm qua, từ khi con còn bé, con chỉ nhìn thấy Ba khóc duy nhất một lần. Lần đó con đã nhìn thấy những giọt nước mắt của Ba dâng tràn và chảy thành giòng. Ba đã khóc thành tiếng và nức nở thốt lên hai tiếng “Má ơi!”.

Bà nội tắt thở một cách đột ngột khi đang ngồi chờ lấy Passport. Khi xe taxi ngừng ở trước nhà, Ba ẳm xác Bà Nội ra khỏi xe, Ba thẩn thờ nói với tụi con, “Bà Nội chết rồi mấy đứa ơi!”. Những ngày trong lễ tang, mặt Ba cũng chỉ rất buồn, tuy mọi người ai cũng khóc. Đến tận hôm chôn Nội rồi và từ nghĩa trang trở về, nhà cửa trống vắng, ai cũng thui thủi lặng thầm, khi đó con nghe Ba khóc. Ba đã khóc nức nở trong một góc nhà. Dường như nỗi đau cùng ý thức đã thật sự mất Mẹ nơi Ba đến lúc đó mới trào dâng và Ba không thể kềm chế được nữa.

Nhớ lại những chuyện này, con đã tự nhủ mình rằng, "Khi còn may mắn được ở bên Cha Mẹ, ít ai nhận thức được và trân quý cái may mắn được Cha Mẹ hàng ngày bảo bọc, chở che, thương yêu, chăm sóc; được Cha Mẹ dạy cho những điều hay, lẽ phải. Đến khi trưởng thành phải ra đời, rời xa gia đình, đối đầu với xã hội, với người đời, hoặc đáng buồn thay khi ta không còn Cha Mẹ nữa, khi đó ta mới hồi tưởng lại và mới cảm thấy thấm thía. Có trân quý những giây phút xa xưa kia và muốn còn được như vậy cũng chẳng còn được nữa!".



Khi con đau khổ trong cuộc đời thì cũng chính là khi con được dịp khâm phục khả năng chịu đựng bền bỉ, dẽo dai của Má. Má đã dùng lời người xưa để dạy con “Lấy nhu để thắng cương” và phải “Đặt chữ tình lên trên chữ tiền”.

Má cũng từng nói, “Người ta có xấu với mình, mình cũng vẫn nên tốt với họ, như vậy họ sẽ tự hổ thẹn, sẽ mắc cỡ và tự họ sẽ thay đổi”. Rồi “Một điều nhịn sẽ thắng được chín điều dữ”. Và câu nói này, “Sống sao để ở cho người ta thương, đi cho người ta nhớ” là câu con thường xuyên nhắc nhỡ bản thân mình.

Má. Những điều Má dạy con luôn ghi nhớ để noi theo. Bởi đó là chân lý, là đạo lý. Nhưng Má ơi, làm con người sao mà khó quá. Cuộc đời phức tạp và đầy những cạm bẫy! Con người sao quá phức tạp, lòng người nông sâu khó dò biết được.

Nơi xứ lạ quê người, có nhiều khi con như muốn đầu hàng, thậm chí muốn buông xuôi, muốn tìm đến cái chết vì không còn đủ sức chịu đựng. Nhưng những lúc đó, tình thương thiêng liêng của Má như sưởi ấm lại lòng con, dù Má đang ở thật xa. Nghĩ đến Má con đã có thêm sức mạnh. Những lời Má dạy như vang vọng bên tai con và nhờ thế con đã không quỵ ngã. "Con phải can đảm lên, con đừng sợ thử thách khó khăn, đừng bao giờ sợ nó…". Đúng vậy đó Má! Con gái Má đâu có yếu đuối phải không? Con gái Má vốn giàu nghị lực lắm mà.

Có lần con tâm sự với Má: "Thử thách, khó khăn, khổ sở không làm cho con sợ hãi mà ngược lại nó khiêu khích cái thích đấu tranh của con và con sẽ đánh bại chúng. Con cảm thấy mạnh thêm, “giàu” thêm mỗi khi mình vượt qua được một cơn lốc. Con giàu thêm là giàu thêm kinh nghiệm. Con mạnh hơn là mạnh hơn sức chịu đựng. Và mai đây, khi phải đương đầu lại một lần thứ hai, thì con đã biết phải làm sao để chiến thắng được gai chướng đó một cách dễ dàng, rồi con sẽ dùng những kinh nghiệm mà con đã thu nhặt được để chia sẻ với các em của con".

Lúc ấy Má an ủi con, "Cuộc đời của một con người sống ở thế gian này có bao giờ được trơn tru bình yên mãi đâu. Dù chúng ta không làm gì sai nhưng cuộc đời ai cũng phải có những khúc quanh, những bước ngoặt. Phải có khổ đau, có té ngã, có gian nan, có thử thách,... như vậy mới đúng nghĩa làm con người. Cũng như trên một con đường quốc lộ, có bao giờ ta thấy nó cứ thẳng tắp mãi đâu. Đường sá con người có thể tự vẽ ra và xây dựng nên được nhưng cũng không thể nào tránh khỏi những khúc quanh co, khúc khuỷu, lên đèo xuống dốc…, thì cuộc đời của con người cũng như vậy đó. Chính vì thế mà mình cần phải hết sức nhẫn nại và chịu khó khi phải vượt qua những chướng ngại vật, để không bị tai nạn, để không phải gây đớn đau cho bản thân, để không phải chết, không đầu hàng, mà phải sống để tiếp tục đấu tranh. Đó là quy luật chung cho thế nhân này, con ạ! Khi qua được những khúc quanh rồi thì mọi chuyện sẽ phẳng phiu trở lại, con đừng nản lòng mà hãy ráng bền chí. Chỉ có các vị Thánh, Thần, Phật, Chúa mới không chịu khổ đau, nhưng con có nhớ là trước khi đến được đỉnh cao như các Ngài, các Ngài cũng đã nếm đủ bụi trần khổ đau…".

Vâng, Má đã nói đúng. Con không hờn trách cuộc đời này đâu, ngược lại con cảm thấy được sinh ra làm người thật là may mắn và được sống làm người ở thế gian này thật là ý nghĩa. Con cảm ơn Ba Má đã mang con đến thế gian này, để con được hòa mình vào trong cuộc sống với những gì con đang có, để từng ngày, từng ngày một con được hiểu rõ hơn ý nghĩa của hai chữ "làm người".

Má thường nói: "Con là chứng nhân của cuộc đời Má". Đúng vậy, con đã tận mắt nhìn thấy được tất cả những hy sinh của Má từ khi con chỉ mới lên 4, lên 5. Tấm lòng của Má dành cho tụi con làm sao con có thể tả xiết. Con biết trong tất cả những gì Má làm luôn là vì các con của Má. Má nhìn tụi con bước trên đường đời với một niềm tin tụi con sẽ thành người. Má đã nói, "Có tài con còn phải có cả đức. Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Con không muốn phụ lòng Má đâu, vì vậy mà trong cuộc sống của con hiện nay, trong mỗi việc con làm con đều nghĩ đến Má, con không ngừng cố gắng học hành và rèn luyện để trở thành một con người tốt, có ích lợi cho người và cho đời như Má thường dạy. Và một khi thành công rồi con phải biết chia sẻ. Con phải biết chia sẻ những may mắn của con cho những kẻ bất hạnh hơn thì con mới làm đẹp lòng Chúa, Chúa mới vui khi đã ban cho con có được những ân sủng của Ngài. Dạ vâng, con luôn nhớ hết những lời Má dạy. Con muốn Má nhìn thấy những thành công của con và mỉm cười; con muốn Má phải hãnh diện về con gái của mình; con muốn sự hài lòng đó được thể hiện trên khóe mắt và trên nụ cười của Má; và trong tâm tư của Má con luôn luôn muốn con là một mầm vui thật đủ đầy, trọn vẹn của Má.

Tặng Mẹ Huỳnh Nhi
Một Mùa Đông Xa Mẹ, 2003


Anne Khánh-Vân

Thursday, July 10, 2003

Nhớ Ông!

Anne Khánh-Vân

Mấy đêm nay, cứ đặt lưng ngủ là con lại nghĩ đến ông; bao kỷ niệm trong quá khứ cứ nối đuôi nhau trở về, và hình ảnh ông càng lúc càng hiện lên rõ rệt. Bên nhà ông có đang khỏe không? Lần về thăm nhà vừa rồi, gặp lại ông, con đã không còn có thể tiếp tục dối gạt lòng mình được nữa. Ông đã nhiều tuổi rồi; ông đã thật sự yếu đi rất nhiều. Nhìn ông bước đi chầm chậm trên sàn nhà như một đứa trẻ đang chập chững tập đi, con thương ông quá,… Nhưng ông hãy khỏe nhé! Ông đừng bệnh, đừng đau; ông đừng nằm xuống, đừng vội bỏ con ra đi nhé, vì con còn muốn được gặp lại ông nhiều lần nữa, thật nhiều lần... Bởi nếu không còn được gặp lại ông nữa thì không biết đến tận khi nao con mới có thể gặp lại ông của con…

Khi con cất tiếng khóc chào đời, ông đã có mặt ở bệnh viện để chào đón con. Khi con được vài ngày tuổi, ông đã chụp cho con những bức hình đầu tiên; và thời gian đã trôi qua… Khi con lên tám, xem lại những bức hình của mình hồi còn bé, thật bầu bĩnh, dễ thương, tươi cười như đã biết làm duyên khi được ông chụp hình… con đã hỏi mẹ con, “Má ơi, ai đã chụp cho con những bức hình này vậy?” - “Là ông Khôi đó!” Má con trả lời. Con nào nhớ gì nên ngây ngô hỏi, “Ông Khôi là ai, tại sao con chưa bao giờ được gặp?” - “Con đã gặp nhiều lần rồi, vì con còn nhỏ bé ti nên không nhớ đấy thôi." Thật vậy, khi con đang còn bập bẹ học nói thì đất nước bị nhiều thay đổi; mọi người lưu lạc nhau; đời sống rất khó khăn; có muốn tìm gặp lại những người thân thương cũng không dễ vì lúc bấy giờ ai cũng chỉ mãi lo mưu sinh… "Đã nhiều năm rồi má chưa gặp lại ông; để má thử đi tìm ông xem. Nếu ông vẫn còn ở căn nhà ngày xưa thì con sẽ được biết ông Khôi là ai, sẽ là một người có hàng vạn điều cho con học hỏi…”

Và cái sáng Mồng Hai Tết năm ấy, khi con lên tám tuổi, con đã được "biết" mặt ông, để rồi kể từ sau đó, ông đã trở thành ông ngoại thứ hai của con, là thầy, là bạn của con, là người đã trao tặng cho con một khối hành trang lớn giúp con vững tin bước chân vào đời…


Ông có còn nhớ đôi guốc ông đã mua và đóng quai cho con không ông? Ôi, con đã thật thích thú biết nhường nào khi cứ đi tới đi lui mang thử. Con đã cùng ông đi mua gỗ về để ông đóng cho con kệ sách, bàn học, ghế... Ông cũng đã may lại dùm con chiếc cặp-táp bị đứt... Những khi sách báo có bài gì đặc sắc, ông đều mua và mang đến cho con xem. Ông luôn thu nhặt hàng tấn chuyện vui để kể cho con và cả nhà nghe để mọi người cứ ôm bụng cười. Ông cũng đã từng đón con ở cổng trường. Ông đã chở con trên chiếc xe đạp ấy đi khắp phố phường Saigon. Ông đã nấu cơm Hến cho con ăn và chỉ con cách làm bánh Flan… Ông vẫn còn nhớ những chuyện đó chứ? Kỷ niệm của ông cháu mình làm sao kể hết phải không ông. Nhưng con cứ muốn kể ra thật nhiều, thật thật nhiều… để ông có thể thấy được con đã luôn nhớ về ông rõ như thế nào, dù có nhiều kỷ niệm đã hơn hai mươi năm qua.

Ông được sinh ra ở Huế trong một gia đình quý tộc. Ba của ông là quan lớn trong triều. Ông và các anh chị ông đã được sống trong cảnh giàu sang phú quý; nhưng khi ông lên mười thì ba mạ của ông đã mất, vận nước thăng trầm, mọi thứ đổi thay và từ đó ông đã bắt đầu biết thế nào là "khổ". Ông đã phải lang thang khắp nơi, ông vào Đà Nẵng, ông vô Saigon. Ông đã phải làm đủ mọi thứ nghề để nuôi sống bản thân dù ông vẫn còn là một đứa trẻ. Ông đã phải trải qua nhiều nhọc nhằn, đói khổ, và có những đêm ông đã cuộn mình ngủ dưới một gốc cây,… Nhưng khó khăn nghịch cảnh đã không làm ông chùn bước; ông đã vẫn cố gắng vươn lên bằng chính sức lực của mình; ông đã không ngừng học hỏi để trau dồi cho mình có được một vốn kiến thức để không bị người đời khinh khi. Vâng, mẹ con đã nói rất đúng, ông là người mà con đã thật may mắn được biết, được quay quần bên cạnh, để con đã có dịp được học hỏi hàng vạn điều từ ông. Con đã từng gọi ông là "cuốn từ điển bách khoa toàn thư" bởi bất cứ lúc nào khi con đặt ra một câu hỏi, ông cũng đều có được câu trả lời. Từ những câu hỏi đơn giản nhất của một cô bé chưa lớn cho đến những câu hỏi rắc rối hơn, khó trả lời hơn khi con đã trưởng thành, biết lý sự, biết… yêu… Nhiều câu hỏi của con đã làm ông phải ngẫm nghĩ thật lâu trước khi trả lời… Con đã được biết những chữ “Vouloir c’est pouvoir” từ ông. Vâng, đúng thế, những gì mình muốn thì mình sẽ thực hiện được nếu mình có đủ ý chí,... Phải không ông quý yêu

Đời sống và xã hội hiện nay đã và đang làm cho con người ta càng lúc càng trở nên bận rộn, càng dễ dàng quên nhau dù họ không hề cảm nhận thấy điều ấy... Con cứ ngẫm nghĩ rồi không muốn mình phạm cái "dỡ" thông thường của con người đó là "chỉ biết quý khi không còn có nữa"...

Con vẫn còn nhớ những buổi trưa khi cả nhà ăn cơm xong, con đã luôn nằm cạnh ông trên cái gác gỗ ấy, để đọc sách, để nghe ông kể chuyện. Có những hôm gió thổi vào thật mát, con đã ngủ say... Những gì ông học biết được, hay trường đời đã dạy cho ông, ông đều muốn chia sẻ với con. Ông đã luôn tận dụng mọi cơ hội thích hợp để chỉ bảo cho con những điều hay lẽ phải. Con vẫn còn nhớ lần con cùng ông đến thăm cậu Minh - phải lên tận lầu 12. Ngay lúc ông cháu mình đang bước lên hàng trăm bậc thang - vừa bước vừa thực hành những bài tập hít thở Yoga, ông cũng đã "tranh thủ" nói cho con nghe những điều lý thú để con quên đi rằng ông cháu mình còn phải leo thêm nhiều tầng lầu nữa: "Một người đàn ông lịch thiệp sẽ bước lên cầu thang sau và bước xuống cầu thang trước người phụ nữ để nếu trường hợp người phụ nữ bị vấp té thì người đàn ông sẽ luôn ở tư thế có thể đỡ được người phụ nữ. Khi băng qua đường cũng thế, người đàn ông lịch thiệp sẽ đi bên phía xe chạy đến… Nếu con khôn khéo thì dù người đàn ông ấy không biết những điều đó, con hãy tạo điều kiện cho anh ta có được những thói quen đó. Người đàn ông dù sao cũng khỏe mạnh và có sức chống đỡ tốt hơn."

Khi con lớn hơn, khi con bước vào cái tuổi biết… “yêu”… ông cũng đã nói cho con nghe những chuyện cần thiết: “Là phụ nữ, con phải biết giữ gìn để mình luôn là một phụ nữ đoan trang, tiết hạnh. Đừng vì những tình cảm không chính chắn, đừng vì những phút yếu lòng... mà đánh mất giá trị của mình, bởi chính những đức hạnh của con sẽ khiến chồng con phải quý yêu con, kính trọng con suốt đời. Tình yêu chân thành và sự diệu ngọt của người phụ nữ sẽ là sức mạnh giúp người đàn ông có thừa sức lên đến đỉnh của ngọn núi cao nhất thế gian và trái tim anh ta sẽ mãi mãi thuộc về người phụ nữ ấy."

Khi kể cho con nghe chuyện tình của ông hoàng nước Anh ngày xưa đã từ bỏ ngai vàng để đi theo người mình yêu, ông đã nói với con, "Đã yêu thì phải yêu như thế, yêu với hết cả con tim. Tình yêu là trọn vẹn, là dâng hiến chứ không tính toán, không được chừa lại..." Vâng, con đã yêu như vậy, con đang yêu như thế, và con sẽ mãi yêu như ông đã định nghĩa "yêu" là như thế nào cho con nghe. Có phải ông cũng đã chỉ yêu một người phụ nữ ấy thôi phải không ông? Vâng, con tin là vậy dù có thể không nhiều người biết rõ điều đó; bởi, vì hoàn cảnh mà bà không còn ở cạnh bên ông nhưng trong lòng ông vẫn luôn gìn giữ những kỷ niệm thật đẹp của cái thuở xa xưa. Ông đã luôn kể về chúng cho con nghe một cách trân trọng. Dù cuộc sống và xã hội đã khiến bà thay đổi, những bà luôn đẹp trong mắt và trong tim ông. Có một lần con đã tự hỏi, không biết bà có biết ông thật yêu bà nhường nào không; và với thời gian câu hỏi của con đã dần được trả lời. Con tin bà luôn biết; bà biết rất rõ, bởi ông đã luôn luôn chung thủy với mối tình đó dù ông đã có trăm ngàn cơ hội đến với những người phụ nữ khác nhưng ông đã chẳng bao giờ xúc phạm tình yêu ông dành cho bà. Nhưng cuộc đời này, dường như chỉ sống cho tình yêu thôi chưa thể đủ, phải không ông?



Chắc ông vẫn còn nhớ lần gia đình mình tổ chức đi Vũng Tàu bằng xe đạp theo lời đề nghị của ông và ông ngoại con? Trong đoàn chỉ mang theo hai chiếc xe gắn máy để chở đồ dùng và nước uống. Mười bảy bẻ gãy sừng trâu... nhưng con vẫn không thể nào đạp xe lại ông và ông ngoại con. Thỉnh thoảng con cứ phải leo sang xe đạp của ông và của ông ngoại con để hai ông chở dùm một đoạn... Thời gian đó ông và ông ngoại con cũng đã lớn tuổi nhưng hai ông vẫn thật khỏe! Sau thành công của chuyến đi Vũng Tàu bằng xe đạp, hai ông đã thật hăng hái và vui thú; vui đến đỗi hai ông đã đòi sẽ tiếp tục đạp xe ra tận Hà Nội. Cũng may là ở nhà ai cũng cản, chứ nếu để hai ông làm thật thì chắc... giữa đường phải mướn xe chở hai ông về vì từ Saigon ra mãi Hà Nội xa biết bao nhiêu; con có tặng cúp vàng cho hai ông, hai ông cũng không làm sao đạp cho nỗi (hì hì).

Con đừng bao giờ để mình bị thay đổi, hãy vẫn luôn luôn là con... dễ thương của mọi người, hãy luôn luôn là một cô gái Việt Nam dù con có đi đến chân trời góc bễ nào...

Vào mùa mưa, những hôm trời đổ nước không ngưng, ông đã ngủ lại nhà con nhưng rồi ông cũng lại nóng ruột "tình hình" ngôi nhà của ông nên ông chạy về. Mấy ngày trời không thấy ông qua nhà con; sang thăm ông, con không sao quên cái cảnh đáng thương ấy. Ôi, sao ông luôn khéo xoay sở. Cảnh nào ông cũng sống được để không phải làm phiền ai. Ông đã kê thêm 6 cục gạch ống ở mỗi chân giường, và bên trên chiếc giường ông đã để thêm một chiếc ghế bố. Ông vẩn ung dung nằm đọc sách trong tình cảnh như thế… “Phải làm như thế thì tối ngủ mới yên tâm, không sợ nước ngập đến lưng”. Ông ở ngay bờ kênh Nhiêu Lộc; chỉ cần một trận mưa lớn, dãy nhà của ông sẽ là những ngôi nhà đầu tiên bị nước tràn vào; và vì mọi người ai cũng đều biết trước sau gì dãy nhà đó cũng sẽ bị giải tỏa nên chẳng ai muốn sửa sang. Mọi người cứ sống tạm như vậy và chờ đợi. Những năm tháng đó sao ai cũng khổ hết ông nhỉ, dù không muốn cũng phải chấp nhận trải qua.



Khi con rời xa cha mẹ ra đi, bước chân vào đời,… ông đã dặn dò con chỉ mỗi một câu nhưng con đã nhớ hoài: “Con đừng bao giờ để mình bị thay đổi, hãy vẫn luôn luôn là Mimi dễ thương của mọi người, và dù con có đi đến chân trời góc bễ nào, hãy luôn là một cô gái Việt Nam và hãy làm sao để con phải luôn tự hào mình là người Việt Nam…" Câu nói ấy của ông nghe thật đơn giản, nhưng khi con đã rời xa mái ấm gia đình, rời xa những người thân thương để sống một mình trong một thế giới bao la, rộng lớn, đa hình, đa dạng, vô cùng phức tạp,... con đã thấy nếu con chỉ cần một phút quên đi lời dặn dò của ông, lời dặn dò của ông bà cha mẹ con, quên đi những người thân của mình ở quê nhà luôn yêu thương và tin tưởng mình... thì con sẽ khó có thể gìn giữ mình được... Vâng, chính gia đình, chính tình yêu thương của mọi người đã là sức mạnh giúp con luôn cố gắng gìn giữ và phát huy giá trị bản thân.

Thời gian được ở bên ông, con đã được nghe rất nhiều, con đã muốn mình hãy nhớ hết tất cả bởi con biết những điều ấy rất quý giá; song con cứ lại sợ mình sẽ quên; nhưng khi con đã ở xa và những khi con vô tình hành xử bằng những cách ông đã từng chỉ bảo, những "phản ứng không điều kiện" ấy đã cho con thấy rõ rằng những lời ông nói luôn sống trong con dù thời gian có qua đi. Con đã được thấm nhuần lúc nào không hay biết. Dù không còn ở bên ông nữa, tất cả vẫn luôn nằm đó chờ có dịp được đem ra sử dụng. Chúng đã chẳng đi đâu cả. Những lúc ấy con đã cảm thấy mình thật may mắn và con thật biết ơn ông làm sao. Nhờ những gì ông đã hướng dẫn và dặn dò với cương vị của một người ông, một người thầy, một người bạn,… con đã không phải bỡ ngỡ, ngơ ngác, rụt rè, sợ hãi trước những hoàn cảnh mới mẻ mà đôi lúc đã thật khó sống, khó nghĩ.



Lần đầu tiên con trở về thăm nhà là năm bao nhiêu ông nhỉ? Ông còn nhớ không? Đó là năm 95. Ông đã cùng ông ngoại con, ba má và các em của con đi tham quan danh lam thắng cảnh Việt Nam. Gia đình mình đã đi Phan Thiết, Mũi Né, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An và mình đã ra Huế - quê hương sứ sở của ông. Ông đã đưa con đến những nơi mà ông vẫn còn những hình ảnh chưa phai mờ trong ký ức, gần 60 mươi năm về trước. Những ngôi nhà với những cây cột gỗ đã mục, những con đường mòn hàng tre xanh đã cao ngút, những cảnh chùa đã thưa thớt người viếng thăm, những hàng bán kẹo mè xửng, tôm chua mà người bán… tóc đã bạc… Quên sao được những tô bún bò Huế ngon và cay đến chảy nước mắt nước mũi; hột vịt lộn đèn dầu trên những chiếc ghe chòng chành trên sông Hương; các câu ca hò của những cô lái đò xứ Huế… Con nhớ hết tất cả những cảnh ấy đấy ông! Con cũng vẫn còn nhớ khi ông và ông ngoại con leo lên đỉnh đồi cát Hồng ở Mũi Né, khi đến đỉnh rồi ông bị trợt chân nên cứ ngồi trên cát và tuột từ trên đỉnh đồi xuống tận phía dưới. Ông cứ cười sung sướng và dan rộng hai cánh tay như chú chim đang được bay bỗng trong không gian. Trông ông thật hạnh phúc và vui sướng! Những hình ảnh ấy cứ như chỉ mới ngày hôm qua, vậy mà đã hơn mười năm trôi qua rồi. Thời gian luôn lướt đi như một cơn gió…

Cách đây cũng 4 năm rồi, cái tối con đến thăm ông ở Khu An Dưỡng quận 8 cũng không làm sao quên. Đến trước phòng ông, ông vẫn nằm đó đang đọc sách. Bao giờ ông cũng đang đọc sách. Sách quả là người bạn chí thân chí cốt của ông! Ông đã từng nói, đọc sách để mình không cảm thấy cô đơn khi khám phá ra cũng có người đã sống cái cảnh của mình; còn nếu mình chưa sống những cảnh ấy thì cũng nên đọc để nếu sau này mình có dịp sống thì sẽ sống tốt hơn vì đã biết và có chuẩn bị. Con nhìn ông đang nằm đọc sách từ cửa sổ. Con cứ đứng đấy nhìn ông thật lâu chứ không bước vào. Con cứ thử chờ xem ông có sẽ cảm giác có người đang nhìn trộm ông không và ông đã quay sang. Ông nheo mắt lại. Ông cố ráng nhìn xem con là ai vì bên ngoài cửa sổ hơi tối. Và ông đã cười; ông vẫn nhận ra con sau bao năm xa cách: "Mimi hả con?" Dạ vâng, con đấy ạ, chính con đấy. Con đã hạnh phúc biết nhường nào cái giây phút ấy. Giờ đây, khi con đang viết lại những dòng chữ này, con vẫn còn cái cảm giác hạnh phúc của cái tối hôm ấy.

Sau đó con đã ôm tay ông đi dưới những hàng hoa sứ thơm ngát trong khuôn viên của Khu An Dưỡng. Con đã lại cùng ngồi bên ông ở một băng ghế đá và ôn lại những kỷ niệm xa xưa. Mình đã nói về Thiền, Yoga, gạo lức muối mè, về thiện, về ác. Ông đã kể lại cho con nghe câu chuyện mà ông đã từng kể cho con ít nhất là 20 năm về trước: Một người đàn ông trên đường bị mang đi hành huyết, ông ta thấy một đàn kiến đang mắc nạn. Đàn kiến đang dời nhà thì gặp một vũng nước lớn, không sao đi qua được, thế là người đàn ông đã lấy một chiếc lá bắt ngang qua vũng nước làm chiếc cầu cho đàn kiến đi qua… Khi tiếp tục đến pháp trường thì xảy ra nhiều sự việc – ông ta được giải oan và cuối cùng đã được tha tội và ông ta đã được trả lại sự sống. Ông nói về tâm thiện như thế - tâm thiện luôn cứu lấy chính mình. Nhiều câu chuyện tương tự cứ tiếp theo nhau. Ông cháu mình đã quên đi thời gian. Con từ biệt ông ra về khi đã quá nửa đêm.


Thời gian luôn lướt đi như một cơn gió và gió thì có bao giờ ngừng phải không ông!?

Lần vừa rồi, khi con trở về và đến thăm ông, các cậu dì con ông đã chẳng ai nhận ra con. Nhưng với đôi mắt đã mờ của ông, cái tinh tế và nhanh nhẹn đã thuyên giảm nơi ông, ông vẫn nhận ra con; ông vẫn nhớ con thật rõ. Ông vẫn hỏi, "Mimi hả con?" Bao giờ ông cũng nhận ra con, lần nào cũng thế! Có phải ông đã luôn yêu quý con lắm phải không ông? Có phải ông đã luôn nhớ con nhiều lắm phải không ông? Vâng, con tin như vậy.

Ông đã bị té, ông đã bị gãy xương, ông đã phải bị mổ, ông đã yếu, ông đã chậm chạp... nhưng ông vẫn yêu đời, ông vẫn tự tin và kể bao chuyện vui cho con nghe. Ông đã bảo, “Gió cứ đùa với ông. Nó cứ thổi như muốn ông cùng bay với nó. Ông mà không kịp vịn thì sẽ bị té.” Gió ơi, mong gió hãy đừng thổi ông của tôi, hãy đừng mang ông tôi đi nhé.

Cuộc đời này là một chuỗi ngày gặp gỡ. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm… mình đã và sẽ còn gặp gỡ biết bao nhiêu người. Có những người mình sẽ muốn quên đi sau khi gặp; nhưng có những người mình sẽ muốn nhớ hoài, nhớ mãi, không bao giờ muốn quên,… Ông, ông Khôi của con, ông ngoại tinh thần của con, thầy của con, bạn của con,… con sẽ mãi mãi nhớ đến ông, con sẽ nhớ ông hoài không thôi…

Đời sống và xã hội hiện nay đã và đang làm cho con người ta càng lúc càng trở nên bận rộn, càng dễ dàng quên nhau dù họ không hề cảm nhận thấy điều ấy. Nhưng mấy hôm nay, con như cứ được ai đó nhắc nhỡ… và con đã nhớ đến ông, nhớ đến những người thân thương của mình,... Có lẽ vì khi ra ngoài, phố xá đã lại giăng đèn, tuyết đã lại sắp rơi, mọi người thay phiên đi mua sắm quà Giáng Sinh cho nhau,… Dấu hiệu của một năm cũ lại sắp qua đi, một năm mới nữa lại sắp đến… Con còn được thêm một tuổi xuân nhưng ông thì sẽ là một sợi tóc bạc, ngày tháng chúng ta còn được gặp gỡ nhau đang dần thu ngắn lại. Nghĩ đến đây con cảm thấy buồn rồi sợ. Thế gian, con người thật kỳ lạ, cứ gặp nhau rồi lại chia tay, cứ gần nhau rồi lại xa cách,... Con cứ ngẫm nghĩ rồi không muốn mình sẽ phạm cái "dỡ" thông thường của con người đó là "chỉ biết quý khi không còn có nữa" vì vậy mà con muốn viết lại hết những tình cảm này, cũng như những hình ảnh về ông mà con đã hằng gìn giữ bấy lâu nay trong tim, trong trí nhớ… Con gởi đến ông để trước tiên xin được cám ơn ông và sau đó để ông hãy biết rõ rằng con luôn thật quý yêu và kính trọng ông rất nhiều,…Con mong ông sẽ đọc được những dòng chữ này của con. Chúng sẽ là một món quà nhỏ con xin kính tặng ông với hết cả tấm chân tình của mình. Ông hãy khỏe nhé, ông đừng để gió thổi ông đi nhé, ông hãy chờ ngày con lại trở về thăm ông.



Ông đã đọc và hồi âm cho con: "Ông không quên con!" – Vâng, con sẽ nhớ mãi 4 chữ ấy. Chúng như một lời chào ông đã thân thương gửi cho con.

Mùa Thu qua gió đã mang ông đi. Con nằm mơ thấy ông cháu mình đi dạo. Con cầm hộ ông chiếc gậy và chúng ta đi như bay… Ông cháu mình băng qua vài núi đồi và đến một vườn hoa trái… Ông vui cười nhìn con ngắm những nhành hoa…

Ông ơi, con không còn sợ gió mang ông đi nữa, con không còn sợ sẽ không còn dịp gặp lại ông. Con đã biết ông hiện đang rất khỏe, rất bình yên, rất vui… Ông không còn đau, không còn yếu, không còn cần đến thuốc, đến gậy… Dù ông có đang ở nơi nao, không cùng không gian và thời gian,… con sẽ vẫn gặp lại ông trong ký ức, trong những giấc mơ… Con biết ông không quên con vì con luôn nhớ ông, NHỚ ÔNG.

Virginia, một ngày vào đông.


Anne Khánh Vân