Wednesday, November 30, 2005

Chiếc Lá Cuối Cùng

Anne Khánh Vân


Sức mạnh tinh thần - Sức mạnh tình yêu
*
Tình yêu... có khả năng làm cho con người ta sống lại, nó mang lại cho họ sự ấm áp và niềm hạnh phúc; họ cảm thấy vui sống và cảm thấy mãi luôn tươi trẻ dù thời gian có trôi qua,...

Nàng vẫn nằm đấy - trên chiếc giường đơn; vẫn trước khung cửa sổ ấy, nhìn sang bên kia vườn; vẫn còn một chiếc lá, chiếc lá cuối cùng…

Nàng đã yếu dần từ nhiều tuần qua. Nàng chỉ còn đủ sức trở mình khi cần chứ không thể tự ngồi dậy nếu không có người đỡ. Mùa Thu đã đến và cũng đã sắp qua đi. Lá cây vàng rực của vài tuần trước đang thưa dần vì những cơn gió lạnh buốt thổi xuống từ phía Tây Bắc. Lò sưởi trong gian phòng nhỏ của nàng, lửa vẫn bập bùng cháy từ ngày này sang ngày nọ nhưng hơi ấm của nó dường như vẫn không đủ sức bảo vệ lồng phổi của nàng khỏi cái lạnh đang tấn công. Bác sĩ cho biết phổi của nàng đã rất yếu, nó như chẳng còn muốn hoạt động và có thể ngưng bất cứ lúc nào; nàng khó có thể qua được mùa đông năm nay. Từ hơn sáu tháng qua, bác sĩ đã cố gắng chữa trị cho nàng nhưng nàng vẫn chỉ mỗi ngày một xanh xao, gầy yếu, không hy vọng.

- Hôm nay bên ngoài nắng tốt lắm, em có nhìn thấy không? Em có muốn ra ngoài đi dạo cùng anh không?

Nàng khẻ mỉm cười và lắc đầu vì không thể dù rất muốn. Nàng luôn vui hẳn lên mỗi khi có chàng đến thăm. Họ đã bắt đầu kết bạn với nhau từ ngày nàng vào Đại Học Mỹ Thuật Ontario. Chàng là một giáo sư hội họa trẻ tuổi. Những ngày đầu tiên khi họ mới quen nhau, chàng đã nhiều lần nói, “Em đẹp hiền diệu như mùa thu của Canada vậy, càng nhìn thì chỉ càng muốn yêu… mùa thu hơn… nhưng trong đôi mắt em luôn ẩn chứa một chút nỗi buồn của những ngày cuối thu. Đó là điều gì vậy?” Câu hỏi ấy chưa bao giờ được nàng trả lời. Có lẽ chính nàng cũng không rõ ý nghĩa của nỗi buồn ẩn chứa trong đôi mắt mình để trả lời câu hỏi. Chàng đã chỉ tiếp tục nhìn sâu vào đôi mắt ấy và nói: "Anh sẽ dần khám phá ra nó và sẽ nói cho em nghe nhé.


Những mùa học sau họ đã bắt đầu yêu nhau. Họ rất yêu mùa thu. Mỗi lần thu đến, cứ sau những giờ học, họ thường đi vào những cánh rừng ở ngoại ô Ontario để ngắm cảnh, vẻ tranh, chụp hình.

- Ngoài ngắm cảnh mùa thu, em còn thích ngắm gì khác?

- Em yêu thích ngắm lửa, bởi lửa vừa làm cho người ta e ngại, run sợ luôn cố giữ một khoảng cách, nhưng nó lại vừa khiêu khích, khuyến rũ khiến họ cứ muốn tiến lại mỗi lúc một gần hơn. Lửa đốt cháy, thiêu hủy đi tất cả; nó biến những gì có thật, những gì còn hiện hữu trong một giây phút trước trở thành tro bụi và không còn tồn tại nữa trong một giây phút sau. Trong lúc đang bừng cháy ấy, lửa giúp ta quên đi mình đang là ai và mình đang ở nơi đâu; ta có thể tưởng tượng những điều vô cùng tuyệt đẹp; ta có thể trở thành một con người khác, ở một nơi chốn khác, thần tiên hơn, thơ mộng hơn; và ta có thể làm bất cứ điều gì ta mong muốn trong những giây phút huyền diệu đó.

Anh có thấy tình yêu cũng giống như lửa không anh? Có phải tình yêu cũng vừa làm cho con người ta rùng mình hoảng sợ muốn quảnh mặt bước đi, nhưng cùng lúc nó cũng có gì đó khiêu khích họ, khiến họ thèm muốn; họ không còn lo nghĩ chi nữa và chỉ muốn lao mình vào yêu đương, như những con thiêu thân cứ lao thân xác nhỏ bé của chúng vào ánh lửa mặc cho có sẽ bị thiêu hủy. Tình yêu có khả năng làm cho con người ta sống lại, nó mang lại cho họ sự ấm áp và niềm hạnh phúc; họ cảm thấy vui sống và cảm thấy mãi luôn tươi trẻ dù thời gian có trôi qua,… Nhưng tình yêu đôi khi có thể giết chết họ, nó hủy hoại họ, nó làm họ trở nên đau khổ, già nua, gầy héo,… Ai thật sự biết yêu thì có lẽ sẽ yêu thích chiêm ngưởng ánh lửa, anh có nghĩ như thế không?!

- Anh sẽ xây một ngôi nhà bên một bờ hồ. Ngôi nhà ấy sẽ là ngôi nhà của người anh yêu. Vào mùa xuân, xung quanh nhà sẽ có muôn hoa đua nỡ với muôn màu sắc. Mùa hè cây cối sẽ xanh tươi, muôn chim líu lo ca hót, mặt hồ nước sẽ trong xanh, in bóng của những hàng cây. Khi thu sang, từ ngôi nhà sẽ nhìn thấy lá cây muôn màu của cánh rừng đối diện. Đông đến mọi cảnh vật sẽ sáng trong, huyền ảo, diệu kỳ... Trong ngôi nhà ấy, lửa sẽ luôn sống để sưởi ấm cho từng khoảng không khí người yêu anh hít thở; mọi cảnh vật xung quanh sẽ chỉ đong đầy tình yêu để trong mắt người anh yêu bao giờ cũng chỉ là niềm vui, là hạnh phúc; nàng sẽ không bao giờ lo âu, sẽ không bao giờ buồn dù chỉ một thoáng chốc...

Hai người đã yêu nhau thắm thiết. Tâm hồn họ như chỉ là một. Họ dường như luôn cảm nhận và thấu hiểu mọi thứ từ nhau kể cả những điều sâu kín nhất trong trái tim của mỗi người.


Khi lên năm học thứ 4 thì nàng bắt đầu ngã bệnh. Ban đầu chỉ là một vài ngày vắng mặt nhưng sau đó là hàng tuần nàng không thể đến lớp và cuối cùng nàng đã phải xin tạm thôi học. Mùa thu năm nay nàng không thể cùng người yêu đi ra ngoài như những mùa thu trước. Nàng mong muốn được nói tiếng ... yêu anh ... nhưng nàng đã ngã bệnh, nàng cứ e ngại vì tình yêu của mình mà làm đau lòng người khác nên chỉ tiếp tục giữ kín mọi tình cảm bên trong. Nàng chỉ nằm đấy, hướng mắt ra ngoài nhìn từng chiếc lá vàng cứ lặng lẽ rơi.

- Rồi em sẽ khỏe, rồi em sẽ lại cùng anh đi dạo, rồi em sẽ tiếp tục vẽ, chúng ta sẽ lại cùng nhau ngắm lửa, chúng ta sẽ mãi luôn bên nhau...

- Lá vàng cứ rơi chẳng ngừng, như sức lực của em cũng đang dần vơi cạn, em cảm thấy mình yếu quá, ngoài cả sức tưởng tượng của em… Có lẽ khi lá vàng rơi hết, khi mùa thu ra đi, thì em cũng sẽ tạm biệt anh ra đi…

Chàng xiết chặt đôi tay nhỏ bé, mềm yếu vừa hơi cóng lạnh của nàng vào bàn tay mình, “Em đừng nói quẫn như thế, em sẽ không đi đâu cả bởi em còn rất nhiều thứ phải sống, em phải cùng anh đi hết đoạn đường đời này, chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu thôi cơ mà. Anh yêu em vô cùng, anh cần có em bên mình, em không thể đi đâu được.”

Quả đúng, tình yêu có thể mang đến cho người ta niềm hạnh phúc vô biên nhưng nó cũng có thể cướp đi sự sống của họ nếu một nửa mình yêu không còn hiện hữu nữa. Nếu nàng thổ lộ nàng thật yêu chàng vô cùng thì liệu chàng có hạnh phúc hay sẽ đau khổ, nhưng có lẽ nàng phải thốt lên những âm thanh tuyệt vời ấy dù chỉ một lần vì chàng cần được nghe chúng. Chàng đã chờ đời từ bấy lâu nay.


Chỉ còn vài tuần nữa là đông sẽ đến. Nếu lời của bác sĩ đã nói đúng thì thời gian nàng còn ở phía trước thật ngắn ngủi. Khi nghĩ đến điều ấy trái tim chàng đau nhói. Chàng không thể sống thiếu người phụ nữ ấy được. Chàng sẽ không thể!! Ngày ngày cứ lần lượt trôi qua; thời gian chẳng chịu ngừng lại; gió vẫn thổi lạnh buốt; những chiếc lá vàng óng ánh vẫn tiếp tục rơi; càng gần đông mặt trời càng đi nhanh hơn, trời càng mau tối và khung cảnh trông thật buồn. Những chiếc lá vàng cứ thưa dần và có thể đếm được... nàng vẫn nhìn chúng mỗi sáng sớm khi chàng đến thăm và thầm hy vọng chúng hãy đừng rơi hết.

- Chỉ còn vài chiếc lá nữa thôi anh ạ, có phải em sẽ chỉ còn ở bên anh vài ngày nữa thôi không anh? Anh sẽ đừng buồn nhé. Nếu chúng ta đã vui vẻ đón nhận cái ngày chúng ta được quen nhau, được làm bạn của nhau thì chúng ta cũng phải vui vẻ đón nhận cái ngày phải chia tay nhau, cái gì rồi cũng phải kết thúc, ai rồi cũng phải chia tay nhau thôi, phải không anh? Anh phải đừng buồn thì em mới yên lòng... Anh hứa với em được chứ!?

Chàng chẳng hứa một điều gì, chàng chỉ an ủi đông viên nàng hãy vững tin, đừng nghĩ đến những chuyện bi quan, nàng sẽ khỏe thôi, nàng sẽ lại khỏe như trước.

Đêm qua đã có một cơn bão lớn, nhiều cây cối đã ngã. Sáng nay tuy trời có nắng nhưng thời tiết bên ngoài vẫn rất lạnh, lạnh những âm 8 độ C dù vẫn chưa sang đông. Chưa thấy chàng đến, lòng nàng nôn nao... chàng không có mặt nơi đây để cùng nàng khám phá số mệnh của những chiếc lá cuối cùng, chúng có vẫn còn nằm yên ở đấy? Chắc chắn chúng đã rụng rơi; làm sao chúng có đủ sức chống chọi sau một cơn bão lớn như đêm qua. Nhưng lạ lùng thay, khi nhìn ra ngoài, vẫn còn một chiếc lá nằm nguyên ở vị trí cũ, nó trông thật đẹp làm sao, đẹp hơn bao giờ hết. Trong tâm tưởng nàng lóe lên một niềm hy vọng, nàng như chợt sống lại.

Sáng sớm hôm sau chiếc lá ấy còn ở nguyên vị trí cũ, vẫn trên cành cây ấy, chẳng có gì thay đổi và những ngày sau cũng thế. Nàng càng vui và càng thêm hy vọng thì càng mong người yêu hãy mau đến để cùng nàng chia sẻ tâm tình này... Một tuần đã trôi qua, trong nàng, từng phần thân thể như đang được truyền lại sức sống.




Người ta đã khám phá ra xác của một chàng trai trẻ ngã quỵ ngay bên cạnh một thân cây cũng đã bị ngã. Người chàng phũ đầy lá vàng khô; bên cạnh chàng là những dụng cụ vẽ. Có người đã trông thấy, từ một vài tuần nay, hàng đêm, khi mọi người đã yên giấc ngủ thì chàng trai ấy đã xuất hiện để vẽ gì đó trên bức tường ngay phía sau những nhánh cây trong vườn. Anh ta đã vẽ lại những nhánh cây mà ngày nào người anh yêu cũng nhìn sang. Trên những nhánh cây ấy có một chiếc lá, chiếc lá duy nhất, chiếc lá cuối cùng, chiếc lá mà người anh yêu đã đặt bao nhiêu tin yêu, hy vọng,... Nàng đã luôn cố gắng từng ngày đấu tranh với bệnh tật bởi nàng rất muốn sống, sống để yêu chàng, sống để thực hiện hết những gì cả hai đã từng mơ ước. Chàng biết rõ điều ấy nên càng yêu nàng hơn; chàng đã yêu nàng rất nhiều, yêu vô cùng, yêu đến quên cả bản thân mình, yêu đến quên cả cái lạnh tàn khốc bên ngoài đã tấn công chính lồng phổi của chàng sau bao đêm thức trắng để vẽ kịp bức tranh của tình yêu, bức tranh của hy vọng... để rồi chính cơn bão của đêm hôm ấy đã mang chàng đi, nó đã mang chàng ra đi vĩnh viễn.

Khi được kể lại mọi sự việc, nàng như chết lịm và không còn có thể bật tiếng khóc. Tại sao chàng lại phải ra đi? Tại sao định mệnh lại khắt nghiệt đến như thế? Nàng vẫn chưa kịp nói tiếng yêu anh. Nếu chàng đã vẻ bức tranh ấy để giúp nàng có thêm tinh thần, thêm niềm tin, thêm sức mạnh để có thể tiếp tục sống, nhưng nếu sống thiếu chàng thì cuộc sống nào còn đẹp? Nhưng nàng phải sống, phải sống thật ý nghĩa vì sự sống ấy chàng đã tặng nó cho nàng.

Giờ đây nàng như đã thật sự cảm nhận được hơi ấm của lửa từ phía lò sưởi, hơi ấm của tình yêu. Mắt nàng khẽ nhắm để cảm nhận được cái ấm áp đang thấm sâu vào cơ thể cóng lạnh của mình. Nó xuyên qua làn da của nàng đi vào trong từng tế bào, từng bắp thịt; nó đi vào trong xương tủy của nàng, đi vào lồng phổi của nàng và cuối cùng đã dừng lại ở trái tim nàng,… Trái tim nàng đang chan chứa tình yêu cho chàng, và tình yêu đó sẽ mãi như là những ngọn lửa cháy hoài không bao giờ tắt.

Những tháng năm sau đó sức khỏe của nàng đã dần được hồi phục. Phổi nàng dù không hoàn toàn lành lặn nhưng nó đã hoạt động đủ để nàng có thể tiếp tục sống. Nàng đã đi học lại và đã trở thành giáo sư dạy vẽ. Đã hơn 27 năm trôi qua, nàng nay đã có tuổi; nàng vẫn chỉ yêu mỗi chàng trai ấy. Nàng vẫn ở trong gian phòng nhỏ ngày xưa. Hàng đêm nàng vẫn nằm đấy - trên chiếc giường đơn, ngắm nhìn những ánh lửa. Mỗi sáng khi thức giấc nàng vẫn nhìn ra khung cửa sổ ... Bên kia vườn, vẫn những nhánh cây và chiếc lá ấy - chiếc lá cuối cùng chàng đã để lại cho nàng. Hình dáng của nó như một quả tim vậy, chính trái tim của chàng; nó luôn ở đó; nó luôn yêu nàng dù không gian và thời gian có đang chia cách hai nửa yêu nhau...


Để nhớ cô Trang 1987
Virginia, cuối Thu 2005
Anne Khánh Vân

Tuesday, November 15, 2005

Hồi Hương Bất Ngờ

Anne Khánh Vân


Dấu hiệu cài dây an toàn bật sáng. Phi cơ đang chuẩn bị hạ cánh. Người phi công chính thông báo chỉ còn 15 phút nữa phi cơ sẽ đáp xuống lãnh thổ Việt Nam. Giờ địa phương là 2 giờ trưa. Thời tiết nắng ráo - 34 độ C. Hàng trăm ánh mắt như rực sáng sau chuyến bay dài hướng nhìn ra phía cửa sổ. Việt Nam đây rồi! Quê hương xứ sở thân yêu của chúng tôi đây rồi. Bên dưới hiện ra màu cây cối xanh tươi, màu đất nâu hơi đo đỏ, và tất nhiên, ở đó là những con người da vàng tóc đen thân quen…

Đã đợi được hơn 20 giờ dài ròng rã, giờ chỉ thêm 15 phút nữa là sẽ đến nơi, nhưng dường như chẳng ai còn đủ kiên nhẫn... Sự mệt mõi trên khuôn mặt của mọi người như đều tan biến. “Đại gia đình… người Việt” trên chiếc phi cơ AA930, ai cũng nôn nao háo hức vì sắp được gặp lại những người thân yêu.

Tim tôi bắt đầu các nhịp đập dồn dập. Lòng tôi không chỉ bồn chồn, xúc động vì được trở lại quê hương sau bao tháng năm xa cách, mà nó còn hồi hộp đến khó tả…bởi trong gia đình chẳng ai biết tôi sắp về đến nơi...

"Chỉ còn vài phút thôi, vài phút nữa thôi mà!" – Tôi cứ tự nhủ mình như vậy để nén vào lòng nỗi nôn nao. Cuối cùng bánh xe của chiếc phi cơ đã chạm xuống mãnh đất thân yêu. Bỗng những tiếng vỗ tay giòn giã vang lên. Chẳng biết sự phấn khích ấy nhằm để cám ơn phi hành đoàn đã hoàn thành tốt "sứ mệnh" của họ, hay đó là niềm vui được trở về quê nhà của mọi người.

Xuống phi cơ, đợi xuất trình giấy tờ, qua các khâu hải quan, tìm lấy hành lý ... sau 2 giờ đồng hồ, cuối cùng tôi đã ra khỏi các cánh cửa kiếng và hòa vào đám đông của đoàn người đi đón thân nhân. Tôi lên chiếc xe taxi và đưa bác tài xế địa chỉ... Lên xe ngồi mà lòng tôi không thôi hớn hở mừng vui. Tôi đang thực hiện những điều mà tôi đã chuẩn bị từ bao tuần qua và đêm nào trước khi ngủ cũng thử hình dung chúng sẽ diển tiến ra sao… Tôi sẽ về đến nhà một cách bất ngờ, để cả nhà ai cũng phải hú hồn rụng tim trố mắt ngạc nhiên mừng rỡ. Khi ấy niềm vui sẽ được nhân lên gấp bội, nhất là ông bà ngoại và mẹ tôi.

Chiếc taxi dần đưa tôi đi qua những con đường thân thương quen thuộc - những con đường mà tôi đã bao năm đi dưới bóng mát của hàng cây khi đến trường - giờ đây nó đang sắp đưa tôi về lại với ngôi nhà dấu yêu, nơi tôi đã chào đời.

Kia rồi, cây cột điện vẫn nằm ở cái vỉa hè thân quen ngày xưa. Nó cứ vẫn đứng yên lặng lẽ (tất nhiên), nhưng tôi thì thấy nó như luôn ngóng chờ ngày tôi trở về. Đã bao lần tôi cùng chúng bạn úp mặt vào nó đếm: năm, mười, mười lăm, hai mươi… trong trò chơi trốn tìm. Vẫn đó cây si ở đầu ngõ, nhưng bây giờ trông nó có vẻ già hơn, cao hơn…

Xe taxi không thể đi sâu vào trong nên phải dừng lại ở đầu hẻm 179/…/… Nguyễn Thông nối dài. Tôi lấy ra tờ 5 đô-la. Bác tài xế nhìn và bảo: "Chỉ 30 ngàn thôi, tức 3 đô-la là dư lắm rồi." - Bác tài xế trạc tuổi ba, tôi thầm nghĩ, nếu ba cũng chạy taxi thì có lẽ sẽ vui lắm và chiều tối về nhà sẽ kể chuyện cho vợ con ba nghe về những mẩu chuyện "bất ngờ" trong ngày chạy xe của ba. Tôi đáp lời bác tài xế: "Bác không phải thối, con xin biếu bác hết để uống cà-phê. Bác chỉ cần đổi ra tiền Việt Nam dùm con thôi." Bác hơi lưỡng lự nhưng rồi đã cười, cảm ơn và nhận lấy tờ tiền. Chiếc taxi không thể đậu lâu ở đầu con hẻm nhỏ nên bác chỉ có thể mang hộ vali của tôi để vào sát bờ đường dù rất muốn giúp tôi mang chúng vào tận nhà. Bác có vẻ không an tâm nên tôi trấn an: "Sẽ có người ra phụ con mang vali vào nhà mà, bác đừng lo."

Tôi đang lay hoay lấy chiếc áo khoát và giỏ xách tay thì nghe tiếng kêu:

- Ủa, Mimi mới về hả con? Sao chỉ có mỗi mình con vậy? Không ai đi đón con sao?

- Dạ, con muốn tự mình về để cả nhà ngạc nhiên.

- Vậy sao? Vậy để cô mang đồ về nhà cất rồi trở ra phụ con.

Cô Lài - người ở sát cạnh nhà ngoại tôi - vừa đi chợ về. Nói chuyện với cô mà lòng tôi cứ thầm mong trong nhà tôi đừng ai ra đây vào lúc này để tôi có thể về đến tận cửa. Mọi người sẽ ồ lên. Như thế mới thích. Mọi người chỉ còn cách xa tôi hai con hẻm nhỏ nữa thôi. Tôi thật mong mọi chuyện sẽ được diển tiến như thế.

Cô Lài chưa trở ra thì có thêm một bác hàng xóm khác ngừng lại nhìn tôi và hỏi:

- Ai sao giống Mimi thế, con vừa về hả?

- Dạ vâng. Bác khỏe không ạ?

- Bác khỏe lắm! Còn con thì… thay đổi nhiều quá, người lớn ra, xinh gái ra…nhưng bác vẫn nhận ra con bé Mimi ngày xưa… Ủa, mà sao chỉ một mình vậy nè? Ba mẹ đâu?

- Dạ con không báo cho ở nhà biết. Con muốn về thình lình cho vui…

- Con nhỏ này thiệt… Rồi bây giờ làm sao mang vali vào nhà? Để bác phụ cho nhe.

- Dạ con cảm ơn bác, có cô Lài sẽ ra tới bây giờ để phụ con…

Chuyện trò với những người hàng xóm thân quen mà lòng tôi không khỏi nôn nao, háo hức. Nếu vào cửa sau của nhà ngoại thì chỉ mất khoảng 300 mét nữa thôi, tôi tính toán, còn cửa trước thì phải quẹo thêm một con hẻm - xa hơn khoảng 200 mét. Nên đi cửa nào đây? Tôi cứ phân vân...

Cái xóm nghèo của tôi ngày xưa sao hôm nay thấy nó đẹp và đáng yêu lạ lùng. Có lẽ vì tôi sắp được gặp lại những người thân yêu ruột thịt của mình trong ấy. Quá hồi hộp nên tôi có vẻ bối rối. Như có tiếng gọi "Mẹ ơi, mẹ ơi!" từ trong ruột gan tôi; chỉ còn vài phút nữa thôi con sẽ hoàn tất cuộc vui hồi hương bất ngờ lý thú này; mọi người hãy ở trong nhà chờ con nhe, đừng ai "bất tử" đi ra đây nghen.

*

Sau đó, tôi đã nghe cả nhà tôi kể lại rằng: Thằng Tí con cô Lài, khi nhìn thấy tôi nói chuyện cùng mẹ nó, nó đã nhanh chân chạy vô nói với mẹ tôi:

- Bác Nhi ơi, bác Nhi ơi, chị Mimi về kìa…

Nhưng mẹ tôi lúc bấy giờ lại đang tối mắt, tối mũi với công việc. Mẹ tôi đang cho máy cắt hàng trăm chiếc áo đầm trẻ con để chia cho các cô thợ ráp. Khi nghe một đứa cón nít cứ đi theo nói léo nhéo chuyện gì đâu đâu chẳng ra làm sao, mẹ tôi đã xua nó đi vì cho rằng nó đang trêu mẹ tôi:

- Chị Mimi đâu đây mà con cứ nói nhảm thế? Con đi chỗ khác chơi cho bác làm việc!

Thằng Tí vẫn không chịu buông mẹ tôi ra, nó tiếp tục:

- Con nói thiệt mà! Chị Mimi ngoài kia kìa!

Nhưng mẹ tôi vẫn cho nó là nói giỡn và đuổi nó đi. Thế là nó chỉ cười và chạy đi. Nhưng chốc lát sau nó lại chạy đến bên mẹ tôi và kêu:

- Bác Nhi ơi, chị Mimi đang về kìa, bác Nhi ra đi!

- Làm gì mà có chị Mimi nào ở đây. Cái thằng này hôm nay nó làm sao không biết, cứ nói gì lung tung, lộn xộn quá đi!

Tội nghiệp thằng bé. Nó đã bỏ công làm "liên lạc viên… miễn phí", ấy vậy mà còn bị mẹ tôi không tin và la cho. Chắc nó tức lắm! Thế là nó lại chạy ra chỗ tôi đang đứng cạnh mấy cái vali. Nó chẳng nói chẳng rằng là đã kêu mẹ tôi và bị la. Nó cứ đến và nắm lấy tay tôi. Cái thằng cũng lạ thật! Ngày tôi đi, nó còn nhỏ lắm. Hôm nay chắc nó phải hơn 7 tuổi. Vậy mà nó vẫn nhớ tôi rõ!

Không có nhiều người hàng xóm qua lại nữa vì hình như mọi người vẫn còn đang nghỉ trưa – tôi đoán thế và trong bụng thầm mừng: Càng ít người trông thấy tôi càng ít "nguy cơ" "bí mật" bị lộ... Thằng Tí vẫn đứng cạnh, mặt tươi rói và nhìn tôi. Trong bụng tôi bắt đầu "đánh trồng". Nó reo lên như không còn đủ kiên nhẫn đợi cô Lài trở ra dù chỉ vài phút và muốn tôi phải vào nhà liền… Khi tôi bắt đầu kéo chiếc vali lớn và nhờ thằng Tí kéo hộ chiếc vali nhỏ thì… thấy mẹ tôi chạy ra, tiếp sau đó là hai em và ba tôi. Đã có một người lớn nào đó ở cuối hẻm nhìn thấy tôi nên chạy vào kêu mẹ tôi: "Không ai ra phụ con bé, đồ đạc tùm lum, nào vali giỏ xách, đang khệ nệ khiêng về kìa…" - Đến lúc đó cả nhà tôi mới hối hả chạy ra. Trên vẻ mặt của mọi người lộ rõ sự ngạc nhiên, vui sướng. Thằng Tí lúc này mới hớn hở, cười toe toét. Mẹ tôi chạy đến ôm chầm lấy tôi vào lòng và cười ra nước mắt. Lúc này đã có nhiều người phụ khiêng vali về nên tôi đã nhanh chân chạy về trước. Đến trước chiếc cổng sắt lớn, tôi đập vào cửa và kêu to: "Ngoại ơi, ngoại ơi, mở cửa cho con đi, con nè, Mimi nè, mở cửa cho con lẹ lên!"

Ông bà ngoại tôi nãy giờ ở trong nhà, thấy cả nhà cứ rộn lên nhưng vẫn chưa biết có thật là cháu Mimi của ông bà đang ở ngoài đầu ngõ hay không. Nhìn thấy tôi bằng xương bằng thịt rồi, mọi người mới vỡ lẽ, nãy giờ hóa ra cái thằng Tí đã nói thật. Ông bà ngoại tôi lính quýnh mở then cài và mở rộng 2 cánh cửa. Tôi ôm chầm lấy ông bà ngoại vào lòng và nghẹn ngào. Như dỗi hờn, tôi nấc lên: "Tại sao con cứ phải đi xa, tại sao con không được ở gần bên ông bà?"

Mọi người đã vô nhà; tôi ôm lấy từng người mừng rở vì lúc nãy tôi chỉ kịp ôm lấy mẹ tôi và chạy đi. Mọi người mừng vui hơn tôi, vẫn chưa ai tin vào mắt mình; vì có ai nào ngờ từ nửa vòng trái đất mà tôi đã lặng lẽ bay về, không cho ai biết một tin tức gì. Họ đâu có ngờ tôi đã làm cái điều mà tôi đã từng nói: "Con sẽ làm cho mọi người hú hồn, hú vía, nhảy lên vì vui sướng!"

Không khí cả nhà vui nhộn hẳn lên. Tiếng cười giòn giã vang lên như pháo tết. Người này hỏi điều này; người kia hỏi điều kia; còn tôi thì cứ phải liên tục trả lời… Riêng mẹ tôi thì chỉ lặng im đứng nhìn tôi và cười mãi không thôi. Tôi đọc được trong tâm tư của mẹ tôi lúc này, còn hơn là bắt được vàng, niềm vui sướng đã thấm sâu vào thấu đáy tim mẹ. Đứa con vàng ngọc của mẹ - mẹ thường gọi tôi như thế - sau bao năm tự lập nơi đãt khách quê người, tự bươn chải, lo lắng mọi thứ một mình, nay đã thành tài trở về thăm mẹ. Mẹ ở xa quá, có muốn giặt dùm con một cái khăn, một chiếc áo cũng không thể làm được, chỉ biết nhớ, biết thương, biết mong mõi… Tôi biết mẹ mong tôi lắm, mong tôi báo tin sẽ về thăm mẹ. Mẹ sẽ liền dẹp hết tất cả mọi công việc để đi đón tôi, để tạm ngưng công việc, để nghỉ ngơi, để được luôn ở bên tôi, cùng tôi đi khắp nơi... Mẹ tôi thường làm việc không biết nghỉ ngơi; ba tôi cũng coi ngó phụ công việc giúp mẹ, nhưng mẹ vẫn là rượng cột, chịu mọi trách nhiệm để công việc được thông suốt, để gia đình được đầy đủ, để ba chị em chúng tôi được học hành tốt. Tôi thương mẹ đã quá cực khổ từ khi chúng tôi còn tấm bé, nên muốn bù đắp vào những nỗi nhọc nhằn đó của mẹ bằng cách mang đến cho mẹ những nụ cười hài lòng, mãn nguyện. Tất cả những cố gắng và thành quả mà tôi đã gặt hái được cho đến nay luôn là để ba mẹ tôi được hạnh phúc, được hãnh diện về đứa con của họ.

*

Chuyến về thăm nhà lần này, tôi sẽ được ở bên gia đình lâu những 4 tuần; nhưng chỉ vừa mới qua ngày thứ hai, tôi đã thấy thời gian sao trôi quá nhanh!

Tôi xa nhà đã khá lâu. Mẹ tôi vui sướng khi thấy chị em chúng tôi lớn khôn, trưởng thành; nhưng mẹ nào biết trong lòng tôi cùng lúc ấy lại đang cảm thấy xót xa, khi thấy tóc của ông bà ngoại tôi đã gần như bạc trắng, còn mẹ thì làm việc đã có vẻ chậm hơn so với những ngày tháng trước, cứ phải đeo kính thì mới thấy rõ để làm mọi việc được chính xác; ngoài ra da mẹ cũng đã chớm nhăn và tóc mẹ cũng đã bắt đầu xuất hiện những sợi bạc. Tôi chỉ mong mẹ tôi được nghỉ ngơi và được đi chơi đó đây, bù vào những tháng ngày làm việc tất bật để lo cho gia đình.

Tôi theo chân ba mẹ đến thăm bà con nội ngoại, những người thân quen lâu năm của gia đình, kể cả các cô chú bác bạn bè của ba mẹ tôi. Ba mẹ cũng đã đưa tôi đến những nơi đang được phát triển, xây cất theo các chương trình "đô thị hóa, làm giàu đất nước," nhưng dường như mọi thứ chỉ là cái vẻ hào nhoáng bởi bên cạnh những tòa nhà cao tầng có vẻ giàu có hiện đại, vẫn còn rất nhiều những ngôi nhà xập xệ, nhơ nhuốt, và người ăn xin vẫn đầy đường… Nhưng sự nhộn nhịp của phố xá, mối thân tình khi người này tự nhiên trò chuyện với người kia… đã nhắc nhớ tôi thấy rõ một điều rằng dân tộc da vàng tóc đen của tôi luôn rất giàu tình người, luôn rất gần gũi, thân tình với nhau, sẵn sàng giúp đỡ cho nhau ở mọi góc phố…

Tôi thích khi được đi dưới bóng mát của những hàng cây xanh trên đường Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Phan Thanh Giảng, Duy Tân, Thống Nhất... Sau đó mẹ con tôi đã đi mua sắm bao nhiêu là thứ, những món quà kỷ niệm, ở các chợ Bến Thành, An Đông, Bà Chiểu, Tân Định… ở các dãy phố Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tự Do, Lê Lai… để khi trở sang Mỹ, tôi sẽ đem hơi ấm của quê hương trao tay cho những người con nước Việt đang phải sống ở những nơi thật xa xôi, nhưng trong lòng thì luôn ghi khắc hình bóng người mẹ Việt Nam.

Tôi thật biết ơn dòng sữa ngọt ngào đã nuôi tôi nên vóc nên hình, đã cho tôi có nhiều nghị lực, niềm tin bước vào đời, không lo lắng khi phải rèn luyện cho mình thêm cứng cáp. Chú chim non ngày xưa giờ đây đã vững vàng với đủ khả năng tung bay trong bầu trời xanh, lòng ngập tràn tin yêu hy vọng nơi tương lai tươi sáng.

Ôi quê hương Việt Nam, đãt nước nhỏ bé nhưng đã sinh ra những người con mà dù ở đâu cũng luôn ngóng mong ngày được trở về, nơi có lũy tre xanh, có con đường làng mát rượi, hay những góc phố thân quen chất chứa bao kỷ niệm…

"Ông ngoại ơi! Bà ngoại ơi!" - Ôi, sao tôi thương những tiếng kêu ấy. Tôi thường kêu như vậy thật to mỗi khi đi đâu về và gọi cửa nhà ông bà ngoại tôi. Tình thương yêu của ông bà, cha mẹ dành cho tôi như thấm sâu hơn vào tim những lúc tôi sung sướng thốt lên những âm thanh ấy. Ông bà nội của tôi thì đã mất từ khi chị em tôi còn nhỏ. Tôi đã nhớ, đã thương họ rất nhiều – Khi nghĩ đến đây, tôi lại cảm thấy thật sợ, sợ cái ngày đến phiên ông bà ngoại tôi cũng trăm tuổi già và ra đi thì tôi sẽ không còn có thể kêu to những tiếng thân yêu ấy. Tôi sợ lắm nên chỉ cầu mong sao ông bà cha mẹ tôi, mọi người luôn được bình yên khỏe mạnh.

Tôi thường nắm tay ông ngoại tôi và nói rằng :

- Ông ngoại đừng uống rượu nhiều, cũng không nên hút thuốc lào nữa, sẽ bị ho.

Thế là ông lại nói đùa với tôi:

- Không phải đâu, cháu nói thế là không đúng rồi, bà ngoại có nào hút thuốc lào nhưng lâu lâu cũng ho đấy chứ! “Điếu thuốc lào nâng cao sĩ diện, thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lao.”

Nghe xong tôi không sao nín được cười: "Trời ơi, làm gì có vụ… diệt trùng lao nữa ngoại!" Thế là ông ngoại tôi lại có dịp khúc khắc cười. Bà ngoại tôi tóc cũng đã bạc trắng, nhưng vì thương mẹ tôi nhiều việc nên bà cứ lụm cụm làm những việc lặt vặt để đỡ cực cho mẹ tôi. Bà thì thương mẹ tôi, mẹ tôi thì thương bà nên bà và mẹ cứ giấu việc của nhau để tránh cực cho nhau.

Còn ba chị em tôi thì bao giờ cũng vậy, gặp lại nhau thì luôn đùa giỡn với nhau suốt cả ngày, cho thỏa những tháng năm dài phải sống cách xa. Đêm đến lại ôm nhau ngủ chung như ngày xưa khi còn bé.

*

Thời gian về thăm nhà của tôi mấy chốc đã kết thúc…

Mẹ ơi, con chỉ muốn được ngồi mãi cạnh bên Mẹ, chuyện trò với Mẹ, tối tối lén chui vào mùng ôm mẹ ngủ, thỉnh thoảng lại vùi đầu vào lòng mẹ nũng nịu chờ nghe mẹ nói điều gì đó làm ấm lòng con… Nhưng rồi con lại phải chuẩn bị ra đi. Đã 28 ngày trôi qua, tuy đã cùng mẹ làm được nhiều việc nhưng con vẫn chưa làm hết những điều muốn làm với Mẹ. Con muốn mẹ biết có những đêm con buồn nhớ mẹ ra sao, có những giây phút con thèm cảm nhận cái cảm giác hạnh phúc khi được ở bên cha mẹ và các em ra sao,… và còn rất rất nhiều điều khác con muốn mẹ biết, nhưng dù không muốn thì cuối cùng con cũng phải lại thu gọn hành lý ra đi, đến một phương trời xa xôi, cách trở, để học hành làm việc, để rồi sáng chiều năm tháng đằng đẳng chờ mong cái ngày lại được trở về.

Ôi, sao tôi sợ cái giây phút khi phải chia tay. Hôm tôi về, cả nhà rộn ràng reo vui bao nhiêu thì hôm nay lại buồn bấy nhiêu. Những người thân của tôi cứ thay phiên nhau dặn dò tôi những điều chưa nói hết. Các em tôi soạn và giúp tôi thu xếp hành lý. Chúng thường biết rõ những thứ nào tôi sẽ để lại, những thứ nào tôi cần mang đi. Những tấm ảnh chụp khi cả nhà đoàn tụ, những món quà nơi xa tôi đã đem về… là những niềm vui còn sót lại để những khi ba mẹ nghe thiếu vắng tôi thì sẽ mở chúng ra xem. Các em tôi rất hiểu ý tôi, chúng không bao giờ nói gì nhiều trong cái giây phút ruột gan tôi đang xốn xang nếu điều ấy không làm tôi phải bật cười. Chúng tôi hiểu mọi điều nơi nhau qua ánh mắt. Chúng thương chị chúng lắm; chúng không muốn chị chúng lại ra đi như thế; nhưng chúng cũng biết rõ lý do vì sao chị chúng phải đi xa: cũng chính vì tương lai của chính chúng... Tôi thấu hiểu được điều đó nên không thể nhìn hai đứa em tôi, hay bất kỳ ai, lâu trong mắt được, bởi tôi sợ chính mình sẽ không kiềm chế được cảm xúc và tình cảm đang trào dâng trong lòng. Tôi cứ cố thúc mình "phải vui lên, phải vui lên!"

Tôi mong thời gian hãy đi chậm lại nhưng kim đồng hồ cứ vẫn thế chạy mãi không ngưng dù chỉ một chốc lát, để tôi có thể được hưởng thêm vài giây phút ở cạnh bên gia đình, cạnh những người thân yêu của tôi. Tôi sắp phải tạm biệt ngôi nhà dấu yêu của mình, tạm biệt con hẻm đã đưa tôi về, tạm biệt ngọn tháp nhà thờ buổi sáng đổ chuông kêu tôi thức giấc, tạm biệt tiếng còi xe lửa lúc nửa đêm… Lòng tôi đang rối lên, mọi thứ cứ như đang bị xáo trộn. Tôi không còn biết mình phải làm gì, nói gì, với ai, ra sao… Tôi chỉ còn biết nhìn từng người, mỉm cười thật tươi và pha trò để mọi người cùng cười vui với tôi. Tôi muốn họ sẽ chỉ nhớ về tôi với hình ảnh ấy, chứ không phải là Mimi buồn và khóc…

Tôi không muốn ông bà ngoại tôi phải ra sân bay đưa tôi đi, nên tôi đã cố gắng giữ bình tỉnh, ôm lấy ông bà, nói vài lời tạm biệt. Tôi dặn dò họ phải giữ gìn sức khỏe thật tốt để lần sau khi tôi lại về thăm, nhìn thấy ông bà khỏe mạnh tôi sẽ rất vui mừng và tôi sẽ nhớ thương ông bà không nguôi... Chỉ có thể nói đến đấy thôi thì tôi đã phải ngừng lại và bước đi. Tôi không thể nói thêm gì được nữa vì tôi biết mình sẽ bật khóc. Chú chó Nâu của tôi, hình như nó cũng cảm giác được rằng tôi sắp rời xa gia đình nên cứ quấn quít mãi dưới chân như muốn giữ tôi lại.

Chiếc taxi màu vàng đã đến và đợi tôi ở đầu ngỏ từ lúc nào. Hành lý của tôi đã được chất gọn gàng trong cốp xe. Tôi cùng mẹ ngồi taxi còn các em tôi, ba tôi và các cô chú, cậu mợ của tôi thì chạy xe gắn máy theo phía sau. Gió Saigon hôm nay sao thật mát và dễ chịu đến lạ thường. Tôi bỗng dưng muốn mình hóa thành một chú chim nhỏ, để khi nào muốn thì tôi có thể theo ngọn gió bay về bên những người thân yêu của mình.

Xe taxi chạy nhanh quá, tôi đã ra đến sân bay Tân Sơn Nhất mất rồi. Giây phút phải thật sự chia tay mọi người đã đến.

Tôi cố gắng bình tỉnh thêm một lần nữa và lại cười nhưng trong lòng thì nghẹn ngào. Tôi ôm chặt và hôn chào tạm biệt từng người. Mẹ tôi cứ xiết chặt lấy đôi tay tôi như không muốn phải rời xa chúng. Tôi biết rằng, nếu tôi để tay tôi trong tay mẹ mãi như thế thì cả đời mẹ tôi vẫn không buông ra. Ba tôi vịn vai mẹ nói như dỗ dành: "Thôi hãy để cho con nó đi!" Tôi nhẹ nhàng tháo tay mẹ ra:

- Mẹ phải làm việc ít lại để có thời gian nghỉ ngơi. Làm việc nhiều sẽ mau già, mau yếu. Con sẽ không vui đâu. Con sẽ chỉ vui khi đi bên mẹ mà mọi người cứ nói: “Ôi, sao hai mẹ con mà giống như hai chị em thế?” Thôi con đi nghen, khi đến nơi con sẽ báo về cho ở nhà biết.

Nhìn sang hai em lần cuối, tôi lại ôm chúng vào lòng và khe khẽ dặn: "Hai đứa ở nhà ngoan nhé và nhớ những điều chi dặn!"

- Con đi vô đi! - Mẹ tôi chỉ bảo thế rồi lặng im. Tôi biết nếu nói tiếp thì mẹ tôi sẽ khóc ngay thôi.

Niềm hy vọng và niềm tin "tôi sẽ còn trở về" đã cho tôi thêm sức mạnh. Tôi đã cười thật tươi và nói với mọi người: "Con sẽ lại về thăm nhà mà! Mọi người phải phấn khởi lên chứ!" Nói xong tôi đã mạnh dạn bước vào bên trong. Không nhìn lại phía sau lưng nhưng tôi biết rõ mọi người đang nhìn theo mình. Xong các thủ tục, tôi đi lên thang máy. Chẳng còn mấy giây nữa, khi chiếc thang máy sẽ chạy lên cao, những người thân của tôi sẽ khuất sau những bức tường ấy, tôi sẽ không còn trông thấy họ nữa… Tôi vội vẫy tay chào mọi người lần cuối. Ô hay, sao giờ đây mới thấy có một giọt nước mắt đang lăn tròn trên gò má nóng hổi... Tôi nào có khóc đâu, tôi không hề khóc…


11.2005
Anne Khánh Vân

Saturday, November 5, 2005

Làm Lành Vết Thương Xưa

Anne Khánh Vân
  
Chiếc phi cơ FR - 975 của chúng tôi lẽ ra đã phải rời phi trường Paris - Charles de Gaulle lúc 19 giờ để hướng về vùng trời Đông Nam Á, nơi có đất nước nhỏ bé mang hình dáng chữ S trên bản đồ; nhưng vào phút chót một bộ phận điện tử của phi cơ bị trục trặc nên giờ cất cánh đã bị dời lại 2 giờ sau.
Sáu mươi phút đầu đã chậm rãi trôi qua, giờ thứ nhì cũng sắp kết thúc, nhưng hơn bốn trăm người chúng tôi vẫn đứng ngồi la liệt ở khắp nơi trước chiếc cổng B-42. Vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy chúng tôi sắp được lên phi cơ. Các loa phát thanh lại vang lên: "Chúng tôi xin cáo lỗi cùng quý vị, phi cơ vẫn chưa được sẵn sàng để có thể khởi hành. Mong quý vị rộng lòng bỏ qua cho sự cố đáng tiếc ngoài ý muốn này của phi hành đoàn chúng tôi. Thức ăn và thức uống sẽ được mang ra phục vụ quý vị trong giây lát."
Mọi người bắt đầu thở dài và lo âu. Nếu chuyến bay bị hủy hoặc dời sang vài ngày sau thì sẽ cực và mất thời gian lắm, bởi không phải mọi người ai cũng ở ngay tại Paris, mà rất đông trong số chúng tôi đã đến từ khắp nơi, không chỉ trong nước Pháp mà cả những nước lân cận.
Phần đông hành khách của chuyến bay là người Việt. Ngồi đối diện tôi là hai ông bà đã khá lớn tuổi. Tôi đã đặc biệt để ý đến họ bởi cụ bà trông rất gầy yếu. Tôi cứ lo ngại và thầm hỏi làm thế nào bà có thể có đủ sức ngồi suốt hơn 18 giờ bay. Dãy ghế của tôi và của ông bà chỉ cách nhau khoảng hai mét. Trong thời gian chờ đợi, cụ ông đã đi đi lại lại và chuyện trò cùng tôi và những người ngồi gần quanh đó. Họ trở về Việt Nam để sống vì không thể tiếp tục chịu đựng nỗi nữa cái lạnh và sự cô đơn nơi đất khách quê người.
Cụ ông đã kể rằng, mỗi ngày bà ấy cứ ốm đi, ốm thật nhiều; đi bác sĩ khám thì hoàn toàn không thấy bà mắc bệnh gì nhưng bà chỉ ốm dần, ốm đến độ con cái phải lo sợ và không còn biết phải làm gì khác ngoài quyết định đưa ông bà trở về quê nhà. Mong rằng nơi ấy bà sẽ tìm lại được hơi ấm của quê hương, hơi ấm của đồng bào - là sức sống mà có lẽ cơ thể thật gầy yếu của bà đang cần. Những người con hiện đang sống ở Pháp của ông bà đã thật khó khăn khi phải để cho cha mẹ rời xa họ... nhưng giờ đây việc cứu sống bà quan trọng hơn cả. Họ đã đặt rất nhiều niềm tin và hy vọng trong chọn lựa ấy.
Một người đàn ông tuổi đã ngoài năm mươi, dáng vóc cao lớn, từng bước đi hơi khập khểnh tiến đến chỗ ông bà lớn tuổi đang ngồi. Không rõ ông mang quốc tịch gì nhưng ông không có vẻ là một người gốc Pháp. Trên khuôn mặt ông đã đeo một đôi kính lớn nhưng nó vẫn không che hết hai vết thẹo dài từ mắt xuống má, và từ miệng qua tai. Tay ông cầm hai mẩu bánh mì kẹp thịt và hai chai nước suối. Đến bên ông bà người Việt, ông dừng lại và đưa cho họ hai mẩu bánh mì cùng hai chai nước. Cụ bà chỉ vẫn nhìn thẳng ra phía trước và khẽ lắc đầu; nhưng cụ ông thì hơi ngạc nhiên ngước mắt nhìn lên phía người đàn ông và chỉ sang phần bánh mì và nước uống mà con gái họ đã lấy về cho họ. Người đàn ông gật gật đầu rồi tiếp tục bước đi.
Ông về chỗ ngồi của ông cách chỗ tôi vài ghế rồi chậm rãi dùng phần bánh mì của mình… Sau một lát, ông ta lại đứng lên và đi ngang qua chỗ hai ông bà. Ông nhìn họ mỉm cười và như muốn hỏi "Ông Bà có khỏe không?"… nhưng ông chỉ gật gật đầu rồi lại bước đi, không hề lên tiếng.
Từng giờ một cứ tiếp tục trôi qua và đến qua nửa đêm chúng tôi mới được lên phi cơ. Dù mệt mỏi nhưng mọi người chỉ mừng vui chứ không bực bội cho sự chờ đợi ngoài ý muốn vừa rồi. Sau đó phi cơ của chúng tôi đã về đến Việt Nam bình yên vô sự.
Hai mươi chín ngày sau, tôi lại rời Việt Nam để trở sang Pháp. Lần này chuyến bay của tôi thông suốt hơn, không bị trục trặc hay trễ nải chi nữa. Sau khi kết thúc mọi thủ tục xuất cảnh, tôi thong thả lên máy bay.
Khi đang loay hoay nâng chiếc vali xách tay hơi lố ký của tôi lên ngăn để hành lý phía trên của mỗi chỗ ngồi thì có một bàn tay rắn chắc, khỏe mạnh đã xuất hiện để đỡ phụ tôi. Khi quay sang nhìn nhân vật tốt bụng đang giúp mình để nói lời cảm ơn thì tôi đã vô cùng ngạc nhiên nhận ra chính "người đàn ông" ấy - người đã đưa cho ông bà lớn tuổi ngồi đối diện tôi bánh mì và nước uống bốn tuần trước. Sao lại có một sự trùng hợp lạ lùng đến như vầy, bởi một ngày có bao nhiêu là chuyến bay trở về Pháp và trong tuần có đến bảy ngày, vậy trong gần một tháng sẽ phải có đến cả trăm chuyến chứ không phải chỉ hai hay ba mươi chuyến thôi. Làm sao "người đàn ông" ấy lại có thể cùng đi và cùng về chung với tôi trong cùng một chuyến như vầy (?).
Tôi vừa nói cảm ơn ông vừa nhớ lại những diễn biến của cái hôm ngồi chờ hơn 5 giờ đồng hồ ở sân bay Paris - Charles De Gaulle. Tôi đã nhìn thấy ông ấy đi qua đi lại trước mắt mình không biết bao nhiêu lần. Giây phút này tôi mới có thể nhìn thấy rõ hơn khuôn mặt của ông. Ông trông rất hiền dù hai vết thẹo đã làm giảm đi nét tự nhiên và hiền từ của ông.
Ông chỉ ngồi cách tôi một chiếc ghế và vì còn sớm, hành khách chưa lên đủ, nên tôi đã bắt đầu trò chuyện cùng ông. Khi tôi vừa buông miệng nói một câu tiếng Pháp thì ông liền trả lời lại với một giọng nói thật khó nghe. Ông như cố uốn quai hàm của mình để phát ra từng âm thanh một. Tôi kiên nhẫn chờ ông nói hết những gì muốn nói mà lòng cảm thấy thật tội nghiệp ông ta làm sao. Chuyện gì đã xảy ra với ông? Chắc chắn ông đã trải qua một tai nạn rất nghiêm trọng chứ ông không phải là một người tàn tật bẩm sinh. Hai vết thẹo trên khuôn mặt ông đã ít nhiều nói lên điều đó.
Cuối cùng tôi đã nghe ra được những gì ông muốn nói. Ông không phải là người Pháp mà là người Hoa Kỳ và ông chỉ nói được tiếng Anh mà thôi.
Tiếng Anh của tôi lúc bấy giờ thì cũng không đến nỗi nào tệ nhưng vì từ khi ở Pháp, tôi không có dịp sử dụng tiếng Anh hàng ngày nên khi phải bắt đầu một câu chuyện, tôi phải ngừng lại một chốc để tìm từ trong bộ nhớ và ráp thành câu. Khi tôi nhắc lại cho ông nghe cái hôm mọi người đã chờ thật lâu tại phi trường Paris - Charles De Gaulle, mắt ông đã sáng lên và hỏi tôi, "Oh, vậy cô cũng đã đi chuyến bay của ngày hôm ấy ư? Ngộ nghĩnh thật nhỉ!?."
Vâng, đúng là "ngộ nghĩnh thật" bởi tôi luôn nghĩ, cuộc gặp gỡ nào cũng đều phải có cái "duyên" của nó. Không phải chỉ có duyên để làm cha mẹ, con cái, vợ chồng hay bạn bè của nhau mà kể cả những người mình chỉ gặp gỡ họ đôi ba phút trên đường phố, nói với nhau đôi ba câu… để rồi sau đó hình ảnh của người ấy cứ vẫn còn đọng lại dù người đã đi khuất… Chính vì luôn tin vào cái "duyên" ấy nên tôi đã không ngần ngại chuyện trò với "người đàn ông có vẻ rất đặc biệt" này.
Quả thật tôi đã có cái "duyên" gặp ông để được biết về câu chuyện và về con người đáng được khâm phục của ông.
Tất cả hành khách đã dần lên máy bay và lấp gần kín các chỗ ngồi lúc nãy vẫn còn trống, nhưng chỗ trống giữa tôi và "người đàn ông" ấy vẫn không thấy có ai đến. Máy bay cất cánh và câu chuyện của chúng tôi đã được bắt đầu.
Ông tên Larry H., hiện đang sống tại tiểu bang New York - Hoa Kỳ. Tôi thắc mắc:
- Từ New York chỗ ông, nếu tôi nhớ không lầm thì có chuyến bay bay thẳng về Việt Nam mà, tại sao ông phải ghé sang Pháp cho cực vậy?"
- Tôi mua vé máy bay trễ nên chẳng còn chuyến nào. Tôi lại phải có mặt tại Việt Nam với một số bạn bè trong thời gian đó, nên dù có phải đi lòng vòng và ngừng lại bao nhiêu chặng tôi cũng không ngại."
- Như vậy rõ ràng là mục đích chuyến đi của ông phải quan trọng lắm!"
Tôi còn muốn hỏi "người đàn ông" này bao nhiêu là điều nhưng cách ông cố gắng phát âm làm cho tôi cảm thấy e ngại. Tôi hoàn toàn không thể nào đoán biết được là khi phải cố gắng chuyển động hai quai hàm, ông có bị đau đớn gì không, thế là tôi đã quyết định hỏi ông một câu không được tế nhị cho lắm:
- Tôi xin lỗi ông trước khi hỏi ông điều này. Ông có cảm thấy thoải mái không khi phải phát âm? Ông không cảm thấy đau chứ? Nếu có thì chúng ta sẽ nói chuyện ít ít thôi vậy."
Ông mỉm cười và tiếp tục những cử động cũ:
- Không, tôi không hề cảm thấy đau. Được chuyện trò với cô tôi vui lắm, chỉ sợ cô không có đủ kiên nhẫn chờ nghe những gì tôi muốn nói thôi."
Tôi cũng mỉm cười và đáp lại lời ông:
- Ông đừng lo, tôi thường cũng kiên nhẫn lắm. Tôi cũng cảm thấy rất vui khi được nói chuyện cùng ông. Chúng ta có những 18 giờ đồng hồ lận mà. Chúng ta cứ trò chuyện cho đến khi nào mệt thì nghỉ, ông thấy sao?"
Ông gật gật đầu và chúng tôi lại tiếp tục. Ông kể:
- Tôi đã được giải phẫu 9 lần rồi. Những lần đầu tôi cảm thấy rất đau khi phải nói, có khi tôi lại bị đau buốt lên tận óc. Vì vậy mà tôi cứ phải trải qua hết cuộc giải phẫu này đến cuộc giải phẫu khác. Bây giờ thì sức khỏe của tôi tốt lắm rồi, rất tốt so với năm sáu năm về trước."
- Như vậy ông đã thật là can đảm đấy. Người ta chỉ bị giải phẫu một lần thôi là đã thấy mệt rồi. Tôi thấy ông vẫn khỏe và yêu đời lắm. Ông có thể nào kể cho tôi nghe vì sao ông đã bị giải phẫu không?"
- Chắc cô đã nhìn thấy những vết thẹo trên khuôn mặt của tôi. Tôi còn vài vết lớn như thế trên đầu và bên sườn. Trên người tôi thì hàng trăm vết thẹo, nhỏ, lớn, đủ mọi kích thước, những cái nhỏ li ti thì không thể nào đếm được… Tôi đã bị trúng mìn trong chiến tranh Việt Nam. Hiện giờ trong óc tôi vẫn còn một mãnh mìn nhưng vì nó không cản trở việc tôi tiếp tục sống nên các bác sĩ đã quyết định cứ để nó nằm yên như vậy, bởi nếu giải phẫu lấy ra thì nguy cơ tử vong của tôi sẽ là 99%."
- Ôi trời ơi, thì ra là vậy! Tôi thành thật xin ông hãy thứ lỗi cho khi đã để ông phải nhắc lại quá khứ đáng buồn này."
- Không, không sao cả. Cô không có lỗi chi vì tôi không còn cảm thấy buồn khi nhắc lại những chuyện của ngày xưa ấy. Chúng bạn tôi vẫn thường kể về những chuyện ngày xưa và cứ hô lên tôi là một vị anh hùng. Nhưng tôi nào có thấy mình là anh hùng. Tôi chỉ là một kẻ may mắn mà thôi!"
Chúng tôi phải tạm ngưng câu chuyện đang nói dỡ dang vì phi cơ phải ngừng lại ở Singapore để đón thêm khách. Phi cơ lúc này mới thật sự đầy. Sau khi được dùng xong nước uống và bữa ăn tối, chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện. Ông Larry bắt đầu hỏi:
- Nãy giờ nói chuyện mà tôi vẫn chưa biết tên cô là gì!"
- Thưa, ông có thể gọi tôi là Anne, như thế sẽ dễ dàng cho ông hơn."
- Chắc cô Anne sống ở Pháp phải không? Cô về Việt Nam thăm gia đình, tôi nghĩ vậy."
- Vâng đúng thế ạ! Tôi còn gia đình ở Việt Nam."
- Người Việt Nam giàu tình cảm thật, cô Anne nhỉ. Tôi rất quý mến người Việt Nam của cô. Đất nước và con người Việt Nam của cô thì thật nhỏ bé nhưng tình người thì lại mênh mông."
- Tôi xin thật cảm ơn ông cho những lời tốt đẹp đó."
- Có gì phải cảm ơn, bởi đó là sự thật kia mà."
- Hơn hai mươi lăm năm về trước, tôi cứ tưởng là tôi đã chết. Tôi đã nói lời trăn chối với bạn bè để họ về thưa lại với Bố Mẹ tôi… Nhưng rồi không hiểu sao tôi lại được ban tặng lại sự sống. Chắc hẳn vì tôi chưa hoàn thành sứ mệnh của mình."
- Vâng, ông nói đúng, mỗi người sinh ra sống ở thế gian này, ai cũng có riêng cho phần mình một sứ mệnh, chẳng của người nào giống của người nào; nhưng tôi tin chắc sứ mệnh của ông phải đặc biệt lắm!"
- Tôi chẳng biết mình có làm được gì lớn lao không, nhưng tôi cảm thấy hài lòng về những gì mình hiện đang làm. Những vết thương trên người tôi đang dần được lành lặn khi tôi giúp đỡ cho những người cũng tàn tật như tôi vậy và tôi tin rằng, những vết thương trên thân thể của họ cũng đang được lành lặn như những vết của tôi."
- Những lời nói của ông nghe thật hay ông Larry ạ!! Tôi thật hài lòng đã được gặp lại ông hôm nay để được chuyện trò cùng ông. Tôi đã bắt đầu để ý đến ông từ sau khi ông mang bánh mì và nước uống đến mời hai người Việt Nam lớn tuổi ngồi trước mặt tôi. Tôi đã nhận ra ngay ông là một con người rất đỗi nhân hậu. Ông có thể nào kể cho tôi nghe ông đến Việt Nam để làm gì không?"
- Tôi là thành viên của một Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam. Hội của chúng tôi có quỹ và những chương trình sang Việt Nam để giúp cho những người cựu chiến binh cũng tàn tật như tôi, gia đình của họ, và đặc biệt là các trẻ em, nạn nhân của chiến tranh. Nhiều lần trong năm, hội của chúng tôi có những người đại diện mang áo quần, thuốc men, thức ăn, dụng cụ học tập và nhiều thứ hàng tiếp tế khác về giúp cho những trường học, những trung tâm trẻ mồ côi - khuyết tật và những gia đình nghèo khó ở những vùng ngoại ô, xa xôi, hẻo lánh. Tôi đã cùng những người trong hội đến Việt Nam được 7 lần rồi và lần nào khi xong việc ra đi, tôi cũng đều mong sẽ còn dịp được trở lại Việt Nam. Đất nước Việt Nam của cô, dường như có một phần thân thể của tôi đã được gắn liền ở đó."
Càng nghe những lời ông Larry nói về những kỷ niệm, về những hoạt động hiện nay của ông, tôi càng cảm thấy khâm phục người đàn ông này. Khi bước đi, ông đi những bước khập khễnh không vững; khi nói chuyện thì ông nói thật khó khăn, phải sau một hồi thật lâu ông mới phát ra được hết những âm thanh ngọng nghiệu,… ấy vậy mà ông không màn mấy chục ngàn cây số. Ông vẫn cứ đi, đi hết lần này lại đi lần khác. Những bước đi của ông là những bước đi đem người này đến gần với người kia; bàn tay này cứ được nắm với bàn tay khác, để cái khoảng cách dù rộng cả nửa vòng trái đất, dù hai dân tộc ấy không có cùng một màu da và một giòng máu, họ vẫn cảm thấy cái vòng tròn ấy thật ra chỉ là một vòng tròn rất nhỏ - nhỏ vì nó chính là vòng tròn của tình thương, của hòa bình.
Khi tôi đang mãi mê đeo đuổi suy nghĩ của mình về ông Larry, về những gì ông cùng bạn bè đem đến cho dân tộc tôi… thì ông lại lên tiếng:
- Có một dạo, cứ nhắm mắt ngủ là tôi lại nhìn thấy những hình ảnh kinh khủng của bom đạn, của chết chóc. Tôi cứ có cái cảm giác mình thật tội lỗi và điều ấy không cho phép tôi được sống yên..."
Khi ông Larry nói đến đây, tôi đã mạn phép cắt ngang những lời tự trách móc của ông.
- Chiến tranh ư, nào ai có muốn bao giờ, bởi chiến tranh chẳng khi nào là đúng cả. Nó luôn để lại những vết sẹo thật sâu và thật đau trong lòng của những người bị thương. Ông đã chỉ phải làm những công việc của ông và hàng trăm ngàn người khác họ cũng đã phải làm những điều mà lúc bấy giờ là nhiệm vụ của họ. Nhưng đã mấy mươi năm trôi qua rồi còn gì, những gì thuộc về quá khứ không còn quan trọng nữa mà là những gì chúng ta hiện đang làm trong ngày hôm nay mới là đáng quý, đáng được lưu tâm đến. Tấm lòng và con tim của ông, cũng như của những bạn bè ông thật đáng được đề cao. Tôi vô cùng hân hạnh đã được biết ông, thưa ông Larry. Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến bay ngày hôm nay của tôi. Tôi xin cảm ơn ông rất nhiều, ông Larry ạ, vì nhờ ông, tôi đã có một cái nhìn khác về chiến tranh, về con người, về tình nhân loại..."
Ông Larry lấy ra cho tôi xem những bức hình ông đã chụp trong chuyến đi của ông. Ông đã cùng bạn bè đến những làng nghèo của thành phố Nha Trang, Hội An, và Huế. Ông đã thật hạnh phúc khi ôm các trẻ nhỏ trong vòng tay mình. Những bà mẹ thật già cũng đã cười thật tươi và ôm lấy ông. Những tấm hình khác thì ông lại đang cùng khóc với những người thương binh đồng cảnh ngộ. Họ như thật hiểu nhau, thương nhau; ôm nhau vào lòng và cùng cảm nhận được một điều quan trọng, họ chẳng qua chỉ là những đứa con của cùng một Thượng Đế.
18 giờ đồng hồ, thông thường tôi đã phải chờ đợi rất lâu, cứ như là phải đếm từng năm phút một vì trên máy bay không làm được gì nhiều ngoài đọc sách, xem phim, nghe nhạc hoặc ngủ những giấc ngủ chập chờn,... nhưng lần này 18 giờ ấy đã qua đi thật nhanh. Tôi như vẫn còn muốn được ông Larry kể thêm cho nghe bao nhiêu chuyện khác nữa nhưng máy bay đã hạ cánh.
Đã đến giờ chúng tôi phải chia tay nhau và đi về hai ngả. Tôi thì chuyển máy bay để về lại Lyon; còn ông Larry thì phải đi xa hơn, ông sẽ phải chờ đợi và lại tiếp tục ngồi máy bay thêm ít nhất là 6 giờ nữa thì mới đến được New York…
Tôi kéo chiếc vali bước đi, hòa vào dòng người mà trong lòng... bao nhiêu dư âm vẫn còn đọng lại.

 Anne Khánh-Vân