Anh bạn của tôi mở một ngăn kéo của tủ đựng đồ của vợ anh và lấy ra một gói đồ nhỏ được bọc bằng vải lụa.
-- Cái này, anh ta nói, không phải là một gói đồ bình thường đâu, nó là đồ lót đấy!.
Anh vứt bỏ đi những giấy gói rồi nhìn ngắm những mảnh vải bằng lụa và ren.
-- Tôi mua gói đồ này khi lần đầu tiên hai vợ chồng tôi sang Nữu Ước chơi, cách đây chắc cũng 8, 9 năm gì rồi, nhưng vợ tôi đã chẳng bao giờ dùng đến. Cô ấy cứ muốn để dành cho một dịp đặc biệt nào đó. Vậy thì lúc này chính là lúc đặc biệt đây.
Anh ta đến gần chiếc giường và để thêm gói đồ ấy vào những thứ mà nhà quàn đã mang đến trước đó. Vợ anh ta vừa mới qua đời. Anh ta trở lại phía tôi và nói:
-- Cậu đừng bao giờ giữ bất cứ thứ gì cho một dịp đặc biệt bởi vì mỗi một ngày cậu còn sống là một dịp đặc biệt!
Tôi đã luôn luôn nhớ đến câu nói này vì nó đã làm thay đổi cuộc đời của tôi.
Giờ đây, tôi đọc sách nhiều hơn là trước kia và tôi chùi rửa ít lại. Khi tôi ngồi ở sau nhà thì tôi chiêm ngưỡng quang cảnh thay vì chỉ để ý đến những đám cỏ dại mọc trong vườn. Tôi dành thời gian của mình cho gia đình và bạn bè nhiều hơn thay vì chỉ biết làm việc quần quật. Tôi đã hiểu ra rằng cuộc sống này là một chuỗi kinh nghiệm để trân quý.
Từ đó trở về sau, tôi không còn để dành bất cứ thứ gì nữa cả. Tôi sử dụng bộ ly bằng pha lê cho mỗi ngày. Tôi mặc bộ đồ vest mới của tôi để đi chợ nếu tôi cảm thấy thích. Tôi không còn để dành loại nước hoa mà tôi ưa thích nhất cho chỉ những ngày lễ hội, mà hễ tôi thích là tôi dùng ngay. Những câu đại loại như "để bửa nào đó" hay là "sẽ có một ngày" đã dần dà biến mất đi trong từ ngữ thông thường của tôi. Nếu tôi muốn thấy, muốn nghe, hay muốn làm bất cứ điều gì mà cần thiết thì tôi sẽ làm ngay tức thì. Tôi không biết chắc vợ của anh bạn tôi sẽ làm gì nếu chị ấy biết ngày mai chị ấy sẽ không còn sống nữa, (một cái ngày mai mà chúng ta nên nhận lấy một cách dễ dàng!). Tôi nghĩ rằng chị ấy sẽ gọi thăm hết tất cả những người trong gia đình và tất cả những bạn bè thân thích của chị ấy. Cũng có thể chị ấy sẽ kêu những người bạn cũ đến để làm hòa hoặc để xin lổi nhau cho những chuyện họ đã phật lòng nhau trong quá khứ. Tôi thích hơn khi tưởng tượng đến hình ảnh chị ấy có thể sẽ đi ăn các món đặc sản Tàu, vì chị ta rất thích thức ăn Tàu.
Đó là tất cả những điều nhỏ nhặt chưa thực hiện được mà sẽ làm cho tôi rất bực mình nếu tôi biết rằng ngày giờ tôi còn được sống trên thế gian này đang được đếm trên đầu ngón tay. Tôi sẽ giận mình lắm khi tôi không còn dịp gặp lại những người bạn mà đáng lẽ ra tôi đã phải liên lạc lại với họ từ một ngày nào đó rồi. Tôi sẽ giận mình lắm khi tôi đã không viết thư thăm những người thân mà tôi đã có ý định sẽ viết một ngày nào đó. Tôi sẽ giận tôi lắm khi tôi đã không thường xuyên nói cho những người thân thương của tôi biết rằng tôi thật yêu thương họ biết bao ... Bây giờ tôi không hoãn lại bất cứ điều gì, tôi không dời lại hoặc để dành lại bất cứ những gì mà có thể mang lại niềm vui, tiếng cười cho những người hiện diện xung quanh tôi. Tôi luôn nói với tôi rằng mỗi một ngày là một ngày đặc biệt.
Mỗi một ngày, một giờ, một phút ... là quý báu!!
~~*~~
Ông Ngoại của tôi cũng thường hay nói "Có biết sống đến ngày mai không mà củ khoai để dành". Ngày xưa khi còn bé, tôi cứ tưởng khi ông ngoại nói vậy là có ý nói rằng có gì thì cứ hãy ăn cho hết đừng để dành sang ngày mai vì chẳng biết ngày mai có còn sống không để mà ăn. Thật ra cái ý nghĩa của nó rất sâu xa chứ chẳng phải quá tầm thường như tôi đã hiểu. Qua cái câu nói bình dị và vần điệu đó, ông ngoại tôi đã muốn nhắc nhỡ con cháu của ông một điều vô cùng quý giá, giống như chính tác giả của câu chuyện kể trên, đã muốn nhắn nhủ chúng ta rằng, "Mỗi một ngày là đặc biệt." Những gì có ích lợi và cần thiết để mang lại niềm hạnh phúc cho những người thân thương của mình mà mình có thể làm được trong ngày hôm nay thì đừng hẹn lại "ngày mai". Bạn bè tôi thường hay nói đùa với tôi rằng "Mày nhiều tiền quá hay sao mà cứ về Việt Nam hoài. Tao mà là mày thì tao sẽ lấy tiền đó để mua đầy hết tất cả những máy móc đồ đạc gì tao thích, ví dụ như một giàn máy computer hiện đại nhất với đầy đủ thiết bị tối tân nhất để tao có thể làm phim, thâu nhạc, ca hát ... vv" -- Tôi đã trả lời họ rằng, Ông Bà, Cha Mẹ và gia đình tôi là quan trọng hơn hết. Tôi muốn thăm gặp họ khi họ còn sống, chứ tôi không muốn trong suốt mấy chục năm khi tôi có thể về thăm họ nhưng tôi cứ nấn ná chẳng chịu về, mãi cho đến khi nhận được điện báo họ đã chết thì tôi mới lính quýnh chạy về để dự đám tang. Tôi thích nhìn thấy họ vui mừng khi gặp lại tôi hơn là nhìn thấy họ nằm chết dưới mồ. Khi họ chết rồi, dù tôi có giàu bao nhiêu, dù tôi có muốn về thăm họ mỗi tháng hay mỗi tuần, cũng chẳng còn ai nữa để mà tôi về thăm. Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những ý thích và ý niệm về cuộc đời khác nhau. Riêng bản thân tôi, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho những người thân thương của tôi là một việc làm vô cùng quan trong và ý nghĩa trong cuộc sống làm người ở thế gian này.
February 2005
**Anne Khanh-Van**