Anne Khánh Vân
Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, Anne Khánh Vân hiện sống tại miền Đông và làm việc cho AECOM, một công ty quốc tế. Cô là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Bài mới lần này của cô kể về buổi ra mắt sách của tác giả Andrew Wiest, cuốn “Vietnam’s Forgotten Army- Heroism and Betrayal in the ARVN” ở Virginia. “Ông Wiest thuộc lớp tuổi không can dự gì tới chiến tranh Việt Nam. Khánh-Vân cũng vậy. Nhưng giống mà cũng khác. Ông Wiest là người Mỹ. Việt Nam dù chiến tranh hay hoà bình, bất quá với ông chỉ là một đề tài... nghiên cứu.” Khánh Vân viết và biến tựa đề cuốn sách thành... câu hỏi.
Một tình cờ đặc biệt, nhân vật chính trong sách của Andrew West được kể trong bài này, ông Trần Ngọc Huế, là một trong ba diễn giả tại cuộc thuyết trình hội thảo về “Sự Thật Tết Mậu Thân 68” khai diễn tại Việt Báo Gallery trưa Thứ Bẩy tuần này.
*
Tựa đề "Vietnam's Forgotten Army - Heroism and Betrayal in the ARVN" của tác giả Andrew Wiest khiến Khánh-Vân tò mò… Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Khánh-Vân chỉ mới vào đời có... 8 tháng, chưa đạt mức "9 tháng dò dò biết đi." Làm sao hình dung nổi một quân lực bị bỏ quên của Việt Nam Cộng Hòa ra sao, rồi người anh hùng và kẻ phản bội trong cái quân lực ấy là thế nào.
Ra mắt sách “Vietnam’s Forgotten Army”:
Giáo sư sử học Andrew West và nhân vật chính trong sách,
Trung tá Trần Ngọc Huế cùng các đồng đội Việt Mỹ của ông.
Xem thêm về tác giả: Ông ta sinh năm 1961. Vậy là chiến tranh Việt Nam đã có từ trước khi ông ta vào đời. Lúc nó kết thúc, ông ta chỉ mới 14 tuổi, còn lâu mới đến tuổi nhập ngũ. Tuy hơn nhau cả chục tuổi, nhưng cái ông Wiest này và Khánh-Vân vẫn cùng lứa tuổi không thể dự phần vào cuộc chiến. A, thì ra ông ta thuộc một thế hệ mới của người Mỹ muốn nhìn lại chiến tranh Việt Nam. Để xem ông ta nhìn ra sao.
Chính điều này đã khiến Khánh-Vân quyết định đến dự buổi ra mắt sách của ông tại thành phố Falls Church, VA, Chủ Nhật, 17 tháng Hai, 2008 vừa qua.
*
Ngồi ở những hàng ghế đầu trong buổi ra mắt sách là các nhân vật quan trọng: Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, ông Thiếu Tướng hồi hưu Creighton Abrams –con trai cố Đại Ttướng Abrams, tư lệnh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam -ông Trung Tướng hồi hưu William J. Bolt - nguyên cố vấn đơn vị Hắc Báo tại Huế hồi Tết Mậu Thân, tác giả, các nhân vật chính trong sách, các đồng đội Việt - Mỹ của họ và giới truyền thông. Về phía người Việt, có giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, chị Dương Nguyệt Ánh… Phần đông khách đến tham dự ở độ tuổi chú bác của Khánh-Vân. Số ít người trẻ trang lứa Khánh-Vân, có thể đoán là con cháu của khách có mặt.
Cái đinh của buổi ra mắt sách dĩ nhiên phải chính là tác giả. Ông Andrew Wiest là một giáo sư tiến sĩ sử học có tiếng, đồng giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Tranh và Xã Hội tại đại học Southern Mississippi. Tại đại học, ông dạy về chiến tranh Việt nam và đã đích thân đưa các sinh viên của ông viếng thăm Việt Nam để tìm hiểu chiến trường của hơn 30 năm trước. Ông Wiest kể lại rằng tại Việt Nam, ông đã tình cờ gặp bác Phạm Văn Đính, một người từng là Trung Tá Trung Đoàn Trưởng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã đầu hàng cộng quân trong trận "mùa hè đỏ lửa" năm 1972 tại Quảng Trị. Trước khi phải đầu hàng, bác Đính từng được đại tướng Abrams -tư lệnh Mỹ tại VN- trao tặng nhiều huy chương cao quý của quân lực Mỹ. Đơn vị của bác Đính từng lập chiến công lớn tại nhiều chiến trường, từ trận đánh nổi tiếng Hambuger Hill (Đồi Thịt Băm, đã được dựng thành phim) tới trận Mậu Thân tại Huế.
"Tôi thấy ông ta đúng là một bí ẩn phải tìm hiểu," tác giả Andrew West kể rằng ông đã vận động mời được bác Đính từ Việt Nam sang Hoa Kỳ để trả lời phỏng vấn và chuyện trò đầy đủ hơn; đồng thời ông cũng đi hỏi rất nhiều người về bác Đính. "Tất cả đều bảo tôi nếu muốn hiểu rõ hơn về câu chuyện của Đính thì phải tìm cho ra một người tên Trần Ngọc Huế." Họ là đồng đội của nhau, từng chiến đấu bên nhau, nhưng kết thúc cuộc đời binh nghiệp khác nhau.
Tác giả Anne Khánh Vân và khoa học gia Dương Nguyệt Ánh.
Tác giả Andrew Wiest đã tìm bằng được bác Huế, phỏng vấn thêm hàng chục nhân chứng liên hệ, và bỏ ra 7 năm dài để hoàn tất tác phẩm "Vietnam’s Forgotten Army". Bìa cuốn sách có hình hai sĩ quan VNCH đứng bên nhau cùng nhận huân chương Mỹ do Tướng Abrams gắn thêm trên ngực áo đã mang đầy huân chương chiến công. Hai người ấy là bác Trần Ngọc Huế và Phạm Văn Đính, một người là anh hùng, một người là phản bội. Bác Huế đang sống tại Virginia; còn bác Đính thì sau khi thăm Hoa Kỳ, trở về Việt Nam và qua đời.
Buổi ra mắt sách và chuyện trò qua thứ tự nhiều mục, nhưng Khánh-Vân nhớ nhất khi người đồng đội Mỹ của bác Trần Ngọc Huế, cựu trung tá David Wiseman, kể lại những kỷ niệm cũ.
Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, Hạ Lào, 1971, sau khi Trung Đoàn trưởng Trần Ngọc Huế bị trọng thương, trung đoàn biệt kích Hắc Báo của bác đã bị bao vây. Để không gây cản trở cho đồng đội trên đường rút lui, bác Huế đã ra lệnh đồng đội hãy để bác lại một mình ở trận địa. Bác Huế bị bắt làm tù binh và mất tích. D. Wiseman sau đó đã về Mỹ và làm việc trong Tổng Hành Dinh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Mọi người cứ nghĩ bác Huế đã chết nhưng người đồng đội D.Wiseman này thì không tin như vậy. Vì luôn nhớ lời đã hứa với bác Huế sẽ giúp đỡ gia đình bác Huế nếu bác có mệnh hệ gì nên ông đã miệt mài dò tìm tung tích bác Huế, kể cả sau khi Saigon thất thủ 1975. Ông cứ mang hình bác Huế đến hỏi khắp các gia đình thuyền nhân và cựu quân nhân Việt Nam trong nước Mỹ, nhất là vùng Virginia...
Ròng rã gần 20 năm... giờ "linh" cuối cùng đã đến. Tháng 7, 1990, ông Wiseman dự một dạ tiệc dành cho Gia Đình Tù Nhân Chính Trị. Trong buổi tiệc, khi tấm ảnh bác Huế được chuyền đi từng bàn thì một cựu tù nhân, ông Ngô Đức Ấm -anh họ của bác Huế gái- đã nhận ra bác Huế và xác nhận với ông Wiseman rằng bác Huế bị tù 13 năm và đã được thả; hiện đang cư ngụ tại Saigon.
Bác Huế vô cùng xúc động khi nhận được thư của người đồng đội Mỹ. Ông Wiseman vẫn nhớ những thói quen cũ của bạn; ông hỏi trong thư viết cho bác Huế, "Ông còn hút thuốc Salem như trước không? Ông cần gì?" - Bác Huế trả lời: "Tôi chỉ cần tự do!"
Cựu trung tá Wiseman, sau đó đã huy động nhiều bạn bè, tiến hành làm thủ tục HO giúp mang bác Huế cùng gia đình sang Mỹ. Trong suốt thời gian chờ đợi được sang Mỹ, hàng tháng ông Wiseman đã lén lút gửi về cho bác Huế 100 đô để giúp bác sinh sống và làm giấy tờ. Hơn một năm sau, gia đình bác Huế lên máy bay sang Hoa Thịnh Đốn. Ông Wiseman đến thăm, một tay xách bao gạo, tay kia bao nước mắm...
Bác Huế đã mượn của State Department $4,000 đô để mua vé máy bay cho gia đình sang Hoa Kỳ. Không đầy một năm sau, gia đình bác Huế đã đi làm và hoàn lại $4,000 cho State Department. Năm 1992, bác Huế và gia đình đã được người Chỉ Huy Trưởng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ mời đến trong buổi lễ phục hồi 2 huy chương US Bronze và US Silver Star - Silver Star là huy chương cao quý nhất mà chính phủ Hoa Kỳ có thể trao tặng cho một người ngoại quốc.
Khánh-Vân nhìn bác Huế và người đồng đội Mỹ đứng bên nhau kể chuyện cũ mà lòng không khỏi xúc động. Những người đồng đội khác màu da, khác tiếng nói này thương quý và tương trợ nhau như anh em vì họ có cùng một lý tưởng và đã anh dũng chiến đấu, sống chết cho lý tưởng ấy.
Cầm cuốn sách trong tay, Khánh-Vân đọc lời tựa sách do Thượng Nghị Sĩ Jim Webb viết, "Câu chuyện của Trần Ngọc Huế và Phạm Văn Đính không là những câu chuyện dễ cảm nhận. Một người đã trả giá đắt cho lòng trung thành nhưng lòng luôn thanh thản về danh dự; người kia, ngược lại đã chọn con đường ít đau đớn hơn, nhưng lại phải đối diện với hồi cuối phức tạp."
Từng là một Thuỷ Quân Lục Chiến trong chiến tranh Việt Nam, Thượng nghị sĩ Jim Webb có nhiều bạn chiến đấu người Việt. Năm 1991, sau khi từ Việt Nam trở về, ông đã viết cho The New York Times "Our Saigon Friends Still Need Help" (By James Webb; Published: April 29, 1991, Kỷ niệm 30 tháng Tư 1991) và là một trong những ân nhân của chương trình HO. Tôi nhớ anh Lê Q. Tùy, người bạn thân gần với Thượng nghị sĩ, đã có lần kể với tôi như vậy.
TNS Jim Webb cũng là người đã ký thư can thiệp với Toà Lãnh Sự Mỹ ở Saigon, giúp Khánh-Vân trong 10 ngày có thể làm xong thủ tục đưa được ba má từ Saigon sang Hoa Kỳ để kịp dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ tháng 8 năm 2007. Trong buổi ra mắt sách, Khánh-Vân đã có dịp được cám ơn ông khi trò chuyện. Thật bất ngờ khi thấy vị Thượng Nghị Sĩ nguyên Bộ Trưởng Hải Quân, nhà văn, đạo diễn danh tiếng của nước Mỹ, không chỉ nói giỏi tiếng Việt mà còn biết... xem tướng. Ngay khi thấy Khánh-Vân tới chào, ông hỏi:
"Gia đình cô có phải gốc bắc 54 không... vì khuôn mặt cô có nét người bắc?" TNS Jim Webb vừa nói bằng tiếng Việt, vừa đưa tay lên diễn tả khuôn mặt.
Khánh-Vân thưa với ông rằng mình có mẹ là bắc kỳ 54 và ba là nam kỳ.
Nếu "nửa Nam nửa Bắc" như Khánh-Vân mà khuôn mặt lộ nhiều nét bắc kỳ hơn thì rõ ràng "gen" bắc kỳ hơi... trội. Chuyện này mà kể lại cho cho ông ngoại... bắc kỳ di cư của mình nghe, chắc ông ngạc nhiên lắm. Khánh-Vân nghĩ, và nhớ ông ngoại…
*
Sau khi đã rời khỏi buổi ra mắt sách, hình ảnh ông ngoại, khuôn mặt ông, vóc dáng ông, cùng mấy chữ "Anh hùng và phản bội" trong tựa đề cuốn sách, không hiểu sao vẫn theo Khánh-Vân mãi.
Trước hết, xin sơ lược về ông ngoại bắc kỳ di cư của Khánh-Vân.
Bỏ cả nhà cửa quê hương, di cư vào tận miền nam để lánh nạn mà lánh cũng không nổi. Đó là lời than của ông ngoại mà Khánh-Vân thường nghe từ nhỏ. Cái nạn mà ông ngoại muốn lánh là nạn cộng sản đang độc quyền cai trị cả nước theo kiểu của họ. Khi khôn lớn hơn, Khánh-Vân hiểu thêm vậy.
Trong số con cháu ông bà ngoại, có 4 người chết vì Cộng sản; những người còn sống sót thì đều đã ít nhiều ngồi tù. Có lần Khánh-Vân hỏi mẹ, "Tại sao ông ngoại chửi Cộng sản hoài vậy? Con có cảm tưởng ông ngoại đau cái gì dữ lắm..." Nghe mẹ kể lại những chuyện từ đời xửa đời xưa, Khánh-Vân mới phần nào hiểu thêm về ông ngoại của mình. Trước khi căm thù cộng sản, chính ông từng hoạt động với họ.
Đó là chuyện từ cái thời của "ba ngày lễ lớn", mà như bọn học trò cùng trang lứa tại Saigon sau 1975, Khánh-Vân từng phải học thuộc lòng. Đại khái, theo sử sách cộng sản, đó là ngày cách mạng tháng Tám, 19-8, ngày Việt Minh dành được chính quyền; tiếp theo là mùng 2 tháng 9 năm 1945, ngày "Bác Hồ" tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà; rồi tới ngày toàn quốc kháng chiến, ngày bùng nổ cuộc chiến tranh Pháp-Việt.
Vào cái thời xa xưa kể trên, vì thiết tha với viễn ảnh một nước Việt Nam Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc, ông ngoại đã hoạt động rất gắn bó với phía Việt Minh. Công việc của ông lúc ấy là trông coi thuốc men trong ngành quân y Pháp. Nhờ vị trí này, ông đã tìm mọi cách gom "thuốc tây" –thuốc men của Pháp- để chuyển ra chiến khu tiếp tế cho Việt Minh. Thuốc men trong bệnh viện thường xuyên được thay thế mỗi khi gần hết "đát". Vì trong nghề, ông biết số thuốc này vẫn còn hiệu nghiệm cả một năm sau ngày hạn. Thay vì phải huỷ thuốc, ông kín đáo gom lại. Số thuốc này được gửi giúp các anh em Việt minh đau bệnh trong rừng núi.
Trong vài năm cuối cuộc chiến, chính phủ kháng chiến của Việt Minh dần lộ diện là cộng sản, thi hành nhiều biện pháp tàn bạo. Hàng loạt sự việc không ngờ đã xảy ra và gia đình người thân của ông ngoại Khánh-Vân bị Việt Minh đối xử tồi tệ: đốt nhà, bắt người và chôn sống… Ông ngoại bắt đầu hiểu bộ mặt thật của Cộng Sản và căm thù từ đó.
Là dân miền Nam từng phải qua thời trung học dưới chế độ cộng sản, Khánh-Vân vốn dị ứng với hai tiếng "anh hùng." Nào "chủ nghĩa anh hùng cách mạng," nào "bộ đội anh hùng," "nhân dân anh hùng," nào "ra ngõ gặp anh hùng, vào nhà gặp dũng sĩ…" Mọi loa đài sách báo cứ thế mà ra rả suốt ngày, nghe tới phát ớn. Vậy mà không hiểu sao khi dự buổi ra mắt sách "Vietnam's Forgotten Army - Heroism and Betrayal in ARVN", mấy tiếng "anh hùng và phản bội" tự nhiên thấy sống động trở lại. Và khi nhớ ông ngoại, Khánh-Vân bỗng thấy mình muốn hỏi: Ông ngoại thân yêu của con, ông là anh hùng hay là kẻ phản bội?
Ông ngoại đã làm việc trong quân y viện Pháp để thu gom thuốc tây tiếp tế cho Việt Minh. Nhìn từ phía người Pháp, việc làm của ông là phản bội. Nhìn từ phía Việt Minh, việc làm của ông là anh hùng. Vậy là cùng một người, một việc, có thể vừa là anh hùng, vừa là kẻ bội phản, tuỳ theo cách nhìn từ hai phía khác nhau.
Ông đã từng cùng hoạt động với Việt Minh, từng là anh hùng theo cách nhìn của họ, nhưng rồi chính ông cũng đã rời bỏ họ. Khi Việt Minh chiếm miền Bắc, ông phải bỏ quê hương, mang cả gia đình di cư vào Nam và đã lên án "bọn Cộng Sản chỉ vắt chanh bỏ vỏ, không từ một thủ đoạn tàn ác nào để đạt được mục đích." Như vậy thì với cả hai phía, ông ngoại Khánh-Vân đều có thể vừa là anh hùng, vừa là kẻ bội phản.
Nhưng nếu câu hỏi "anh hùng hay phản bội" có thể đặt ra với ông ngoại bắc kỳ di cư của Khánh-Vân, tại sao lại không thể đặt ra cho Việt Minh Cộng Sản?
Hãy đối chiếu danh nghĩa, lời nói và việc làm. Từ 1945, họ gọi tên nước là "Việt Nam dân chủ cộng hòa" thêm cái đuôi dài thoòng "Độc lập tự do hạnh phúc." Từ 1975, họ đổi tên nước là "Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam." Thực tế trước cũng như sau, chỉ thấy một chế độ độc đảng, bầu cử kiểu đảng cử dân bầu, quốc hội dơ tay theo lệnh Đảng, toà án tuyên án theo lệnh Đảng. Quan chức bố uan chức con đều thành tư bản đỏ. Dân Saigon đang bàn tán vụ “cậu ấm đỏ” của một vị lãnh đạo mua trọn khu thương mại lớn với giá nửa tỷ đô la Mỹ. Cả guồng máy kinh tế chạy kiểu tư bản thời kỳ còn hỗn mang. Vậy là đối với những danh xưng mà chính họ tự nhận, họ là anh hùng hay phản bội?
Đảng cộng sản luôn tự xưng là Đảng của giai cấp công nhân, nông dân.
Công nhân trong nước đang bị những chủ hãng Đại Hàn, Đài Loan đối xử tàn bạo, đánh đập, mắng chửi. Khi phải đình công, kêu gọi sự can thiệp... họ không những không được nhận bất kỳ sự bênh vực nào mà còn bị nhà nước cho công an đàn áp những người công nhân biểu tình này.
Với nhà nước cộng sản, công nhân thực tế chỉ là một món hàng rẻ mạt để chiêu dụ đầu tư ngoài quốc, hoặc để "xuất khẩu lao động." Cả trăm ngàn công nhân nam nữ đã được xuất khẩu bừa bãi, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. Đâu rồi, cái đảng của công nhân?
Công nhân đã vậy, nông dân ra sao? Trong thời gian qua, bà con cô bác từ nhiều tỉnh thành như Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Bình Thuận, Bình Phuớc, Tiền Giang, An Giang... và ngay chính các quận trong Saigon, thường xuyên vô Saigon, ra Hà Nội khiếu kiện đất đai. Họ dựng các mái che nắng, giăng cao các biểu ngữ tỏ rõ sự phẫn nộ do bị áp bức, cưỡng chế, chiếm đoạt đất đai, nhà cửa... Tiếng kêu của họ, kêu hoài... không thấu... Hình ảnh những kỳ biểu tình này được phổ biến rộng rãi trên nhiều trang web.
"Đất đai ruộng vườn của chúng tôi bị ‘ép mua’ với giá không đủ làm lại chuồng bò..." - Nhiều bà con nông dân nằm lê lết ở góc đường Hoàng Văn Thụ và Hồ Văn Huê, đường đi từ phía sân bay Tân Sơn Nhất ra huớng Phú Nhuận, đã than thở như thế trong kỳ biểu tình hồi tháng 7 năm 2007 vừa qua. Nhiều người cho biết họ thuộc gia đình cách mạng, thương binh liệt sĩ; trong thời chiến họ từng là những bà mẹ lội núi băng rừng mang thức ăn cho chính những cấp lãnh đạo bây giờ. Vậy mà "các ông ấy đành lòng đối xử với chúng tôi như thế."
Các ông mà những người nông dân này nhắc đến, có bao giờ tự hỏi họ là anh hùng hay phản bội?
Sách vở cộng sản thường ca là Đảng ta dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc. Đánh Tây, đánh Mỹ, hai triệu người chết cũng chỉ vì hai tiếng độc lập. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, Ải Nam Quan, Bản Giốc đã thành đất Trung Quốc, vùng biển Trường Sa đã bị Trung Quốc công khai sát nhập vào quận Nam Sa. Thanh niên sinh viên biểu tình phản đối thì bị công an dẹp. Tệ đến mức có ông làm quan truyền thông tới chức Tổng Biên Tập mà chỉ vì đăng bài viết bảo vệ chủ quyền Trường Sa mà mất chức luôn.
Ngọn cờ độc lập của Đảng nay ở đâu? Anh hùng hay phản bội?
*
Tác giả sách "Vietnam’s Fogotten Army", ông Adrew Wiest thuộc lớp tuổi không can dự gì tới chiến tranh Việt Nam. Khánh-Vân cũng vậy. Nhưng giống mà cũng khác. Ông Wiest là người Mỹ, Việt Nam dù chiến tranh hay hoà bình, bất quá với ông chỉ là một đề tài... nghiên cứu. Là người Việt, dù sống bên Tây hay bên Mỹ, Việt Nam đối với Khánh-Vân vĩnh viễn là quê hương. Khánh-Vân không thể bình tâm "nghiên cứu" nó như một đề tài, mà luôn hướng về nó, với biết bao thương nhớ, lo âu.
Sau buổi ra mắt sách của ông Wiest, tôi đã có dịp chuyện trò với chị Dương Nguyệt Ánh, nhà khoa học của lục quân Hoa Kỳ mà tôi rất ngưỡng mộ. Hai chị em ngồi trước những hàng ghế trống trong hội trường, chị nói, "Cái quan trọng là mình đừng lệ thuộc vào ai." Câu nói của chị, cũng như cái tựa đề sách "Anh hùng và phản bội", lại lập tức làm Khánh-Vân nghĩ tới Việt Nam.
Ôi, cái đất nước thân thương trong tay một chế độ lừa bịp. Hơn nửa thế kỷ rồi, từ thời ông ngoại bắc kỳ di cư của tôi, nhiều thế hệ đã bị đánh thuốc độc bởi thứ chủ nghĩa kì dị tự xưng là khoa học. Biết đến bao giờ Việt Nam mới thật sự mạnh giỏi? Biết đến bao giờ người Việt mới có thể thật sự tự hào về đất nước của mình?
Biết đến bao giờ?
Anne Khánh Vân
1 comment:
Đã từ lâu, tưởng là quên được đề tài này: Anh hùng hay kẻ bội phản
Thời điểm nào thì quên được? Hay nó luôn luôn là một bài học của một dân tộc như dân tộc chúng mình, là luôn luôn phải sàng lọc những âm mưu phản bội của những tập đoàn hay của những quốc gia "nay bạn, mai thù".
Giá trị nào được xứng đáng cho là "core values" để có thể cho lên bàn cân mà đo lòng dạ? Tổ tiên đã dạy những bài học nào của hàng ngàn năm để cho hậu thế đo được lòng Trọng Thuỷ Mỵ Châu?
Có nên chờ đế đường cùng, xin tiên đế thì mới được chỉ cho rằng: "Giặc đang truy theo đường lông ngỗng ngay sau lưng!"
Post a Comment