Hãy tìm sẽ gặp,
Hãy gõ cửa sẽ mở cho,
(Mathêu 7:7)
~*~
Hãy gõ cửa sẽ mở cho,
(Mathêu 7:7)
~*~
Mìtôm đang chạy chơi bỗng té cái đụi. Mìtôm khóc hu hu và kêu "Mẹ Châu ơi!" Chúng ta đã hàng trăm lần chứng kiến những cảnh tương tự. Những lúc gặp khó khăn hay nguy hiểm, dường như phản ứng chung của mọi người là gọi "Mẹ ơi!" Cho những chuyện nghiêm trọng hơn, khó khăn ngoài khả năng lo liệu hay có thể giải quyết của con người thì chúng ta sẽ làm gì? Ai sẽ cầu nguyện? Mà cầu nguyện làm sao kia chứ?
Tôi được đi nhà thờ và được dạy cầu nguyện từ hồi còn rất bé: Cầu cho con được mạnh khỏe. Cầu cho con được bình an... Cầu cho những người thân thương của con được no ấm... Cầu nguyện trở thành một thói quen thường ngày, nhưng thật ra, ý niệm về việc cầu nguyện trong tôi còn rất mơ hồ... Có lẽ vì còn ở cạnh cha mẹ, có lẽ vì còn nhỏ, chưa phải trải qua chuyện gì ngoài khả năng tự lo liệu... nên cầu nguyện có lẽ chỉ là...bỏ ống, để dành đó. Cho đến khi rời xa nhà, ở xa mọi người thân, trải qua nhiều sự đời, lời cầu nguyện mang ý nghĩa cụ thể hơn.
*
5 giờ rưởi chiều một ngày hè, tôi tan sở và ra trạm xe bus đợi lấy xe đến trường cho lớp học buổi tối. Lục đếm mớ tiền keng: Ôi chết, chỉ còn 70 xu. Vé xe bus những 1 đồng 10 xu! Trời mùa hè, 5 giờ chiều nắng còn chang chang, trời nóng gần 110 độ F (tức tương đương 43 độ C). Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm ấy. Tất cả các giải pháp có thể làm cứ rần rần chạy trong đầu tôi: Chạy nhanh qua ngân hàng gần đó rút tiền... và như vậy sẽ có khả năng hụt xe, trễ lớp; còn không thì cứ làm liều lên xe đại và nói với ông tài xế xe là "tui hổng có đủ tiền", ông ta sẽ có thể nói to lên cho cả xe nghe và những người trên xe sẽ có thể gom lại cho tôi phần tiền tôi thiếu; còn nếu sợ xấu hổ và không rút được tiền thì đi bộ đến trường và dỉ nhiên tôi sẽ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để đến nơi... Đang phân vân và hoang mang, lo lắng, chưa biết phải làm sao thì tôi bỗng ngừng lại và kêu "Đức Mẹ ơi! Con phải làm sao đây?"
Lúc đó, mẹ tôi thì ở tuốt bên kia vòng trái đất, tôi mới chân ướt chân ráo qua Mỹ, ở một nơi chỉ có một người quen: Đức Mẹ! May quá Đức Mẹ ở mọi nơi, tôi kêu cứu cầu may... Đức Mẹ ơi, giúp con nghĩ ra cách tốt nhất với! Dù hổng biết Đức Mẹ sẽ giúp làm sao, tôi cứ vừa toan tính trong đầu, vừa lẩm bẩm như thế.
Khoảng một phút trôi qua. Một chiếc xe hơi ngừng lại ở ngay trạm xe bus. Cửa kiếng xe hạ xuống. Cô gái lái xe người Mỹ hỏi tôi, "Cô đi đâu? Lên tôi chở dùm cho. Trời hôm nay rất nóng." Nếu là một người đàn ông ngừng xe lại thì chắc chắn tôi sẽ không lên xe... Đức Mẹ ý tứ ghê! Cô gái Mỹ trắng hiền hòa dễ thương đó đã chở tôi đến trường. Suốt buổi học, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Không phải là một tình cờ. Chẳng có chuyện gì trên đời này là tình cờ! Cô gái đó đã không tự nhiên ngừng xe lại hỏi thăm thôi. Bằng một cách nào đó, Đức Mẹ đã gửi cô ấy đến. Tôi tin chắc như thế! Đức Mẹ đã nghe tôi kêu và đáp lời dù khó khăn tôi gặp phải chẳng đáng chi, nhưng tôi đã lo sợ và thật sự kêu vội Đức Mẹ.
Sau lần được "chứng tỏ" đó tôi đã thấy rõ sự nhiệm mầu của lời cầu nguyện. Cầu nguyện cũng giống như gửi một tin nhắn lên trời. Ông Trời nhận tin, sắp xếp những gì cần thiết, và trả lời. Tôi thấy rõ mình đã được nhìn thấy, mình đã được lắng nghe và mình đã được đáp lời dù sự hiện diện của tôi vô cùng nhỏ bé so với cái thế gian mênh mông bao la với vô vàn sinh linh Thượng Đế đã tạo nên.
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu cho chúng con.
Hơn
ba chục năm trước, khi tôi xuống thuyền vượt biên. Thuyền ra khơi
không bao lâu thì bị rượt theo và bắn lủng thuyền. Mọi người trên
thuyền buông lời cầu nguyện. Người đạo Chúa thì thiết tha kêu cầu Đức
Mẹ; người đạo Phật thì kêu cầu Phật Bà. Tiếng kêu cầu dần một lớn, dần
một đều đặn, không ngưng. Thuyền bị kéo vào bờ. 130 người vào trại
giam. Tôi đã không hiểu tại sao kết quả của sự cầu nguyện tối hôm ấy là
130 người "được" vào trại giam. Lúc ấy tôi chưa 10 tuổi. Tôi đã trách
Đức Mẹ tại sao không giúp thuyền tôi thoát mà lại để cho thuyền bị kéo
vào và mọi người phải vô tù.
Thấy được sự linh thiêng và nhiệm mầu của sự cầu nguyện, tôi càng thận trọng hơn trong lời cầu nguyện. Tôi cũng thận trọng hơn trong cách cầu nguyện.
Sau
này, tôi đã hiểu ra. Thuyền tôi sức chứa chỉ 80 người thôi. 50 người
kia là những người đi gian. Thuyền bị quá trọng tải, ra ngoài kia sóng
lớn, khi bão bùng nổi lên... phần nhiều 130 người đó sẽ chìm mình trong
đại dương... Có nghĩa, Đức Mẹ và Phật Bà đã giúp 130 người chúng tôi, dù
giải pháp không hoàn hảo, nhưng nó đã cho lại cho chúng tôi mạng sống
và thời gian chuẩn bị cho một dự án và kết quả tốt hơn.
Có
những lúc, lời đáp của bề trên không hoàn toàn ăn khớp với điều mình
cầu xin. Đừng vội trách Thượng Đế. Đừng vội mất niềm tin nơi Thượng
Đế. Chỉ là vì chúng ta chưa nhìn thấy hết ý sâu xa của Ngài.
Thấy được sự linh thiêng và nhiệm mầu của sự cầu nguyện, tôi càng thận trọng hơn trong lời cầu nguyện. Tôi cũng thận trọng hơn trong cách cầu nguyện.
Trước kia, có khi tôi đã cầu nguyện một cách máy móc mà không thật sự hiểu ý nghĩa của sự cầu nguyện. Khi còn bé, tôi đã cầu nguyện để mình cảm thấy bình yên chứ chưa hẵn cầu nguyện vì cần xin một cái gì đó. Nhưng khi cầu xin một điều gì đó, việc cầu nguyện sẽ giống như khi làm đơn xin một cái gì đó (xin thẻ xanh chẳng hạn), mình phải biết làm đơn như thế nào (mẩu đơn nào, viết cái gì trong đơn), và làm đơn rồi thì phải gửi cho ai (sở di trú hay sở cấp bằng lái xe DMV - làm đơn ba chớp ba nháng, gửi đơn tầm bậy tầm bạ, đơn không bao giờ được nhận, thì sẽ không bao giờ có thẻ xanh!).
Khi cầu nguyện hay cầu xin cũng vậy, mình phải biết mình xin ai, mình xin cái gì, và thân phận của mình đang ở vị trí nào, đang ra sao, có sẽ được chấp nhận hay không? Người
cầu xin phải chuẩn bị cho mình phương tiện để cầu khẩn, một ngôn ngữ để
cầu khẩn, tín hiệu của cầu khẩn, thái độ của sự cầu khẩn.
Một người
con đói khát, xin cha của mình chén cơm thì cha của mình
không thể cho mình ăn cát được. Tương tự như vậy, khi người con dốt nát khẩn cầu
cha mình dạy dỗ cho mình những điều khôn ngoan, minh bạch, cho mình
những tri thức thì cha của mình sẽ chắc chắn không thể cung cấp cho mình
những điều u tối được. Người mà mình đi xin đó có thể là bố, là thầy, là tổ tiên, hay Thượng Đế, Trời Phật… Nếu mình xin tổ tiên, hay xin Thượng Đế một con chim đẹp thì tổ tiên hay Thượng Đế sẽ cho một con chim đẹp chứ không thể cho một con rắn độc. Mình phải biết nhìn nhận và tin tưởng đấng mà mình xin đó sẽ có lòng thương và quảng
đại để ban phát cho mình cái mình cần.
Thái độ của người xin phải biết mình đang ở đâu để có thể được nhận những ân sủng mà mình đang cầu xin. Cũng có thể hiểu là khi ở vùng đất quá cao thì nước sẽ không thể chảy lên đến được… vì nước thường chỉ chảy đến vùng đất thấp. Có nghĩa nếu mình ở vị trí khiêm nhường nhỏ bé thì ân sủng sẽ chảy đến… Chứ còn mình kiêu kỳ, kiêu ngạo quá thì coi bộ hơi khó cho ông Trời gửi giúp đỡ đến. Ổng muốn gửi nước đến mà phải chạy ống nước lên thiệt cao thì cũng hơi tốn kém cho ông Trời. Ổng sẽ nói mày leo cột điện cao quá, mày xuống thấp chút dùm tao cái… thì họa may ra tao còn gửi nước tới giúp mày được.
Xin cũng phải có ngôn ngữ của kẻ xin. Xin không thể nào im lặng được. Xin không thể nào vô cảm được. Xin phải chân thành, phải diễn tả được cái cần thiết của cái mình muốn xin. Ví dụ như khi mình gặp nguy hiểm và gọi 911 thì lời nhắn phải cụ thể, rõ ràng. Nếu không, nhân viên 911 sẽ không thể hiểu và biết gửi giúp đỡ nào thích hợp đến để cứu cấp kịp thời.
Mỗi lần tôi xin và được đáp lời, tôi biết cách cầu nguyện và cầu xin hơn. Tôi cũng hiểu hơn ý nghĩa của lời đáp.
Vài tuần trước, khi tâm trí tôi vướng vào một mối lo toang không có cách chi tự tháo gỡ, tôi không biết đi đâu bèng đi vào phòng cấp cứu (cho biết với người ta). Tôi đã tưởng mình không còn sức đứng, nhưng khi vào trong, sau khi được chăm sóc, tôi đã cảm thấy mạnh mẽ hơn rõ rệt. Tôi cảm nhận được sự hiện hữu của Đức Mẹ, người mẹ mà tôi thường kêu cầu.
Tôi đến Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội - Nhà thờ Công giáo La Mã lớn nhất Hoa Kỳ và Bắc Mỹ, và cũng là một trong mười nhà thờ lớn nhất trên thế giới. Vương Cung Thánh Đường có 70 nhà nguyện và thánh thất có liên quan đến các dân tộc, các nền văn hóa, và những nơi Đức Mẹ đã hiện ra và làm phép lạ. Tôi đến đây thường xuyên nên mỗi lần đến luôn có cảm giác gần gũi thân quen như "về nhà". Tôi quỳ gối ở từng nhà nguyện nhỏ trong Vương Cung Thánh Đường.
Tôi đến Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội - Nhà thờ Công giáo La Mã lớn nhất Hoa Kỳ và Bắc Mỹ, và cũng là một trong mười nhà thờ lớn nhất trên thế giới. Vương Cung Thánh Đường có 70 nhà nguyện và thánh thất có liên quan đến các dân tộc, các nền văn hóa, và những nơi Đức Mẹ đã hiện ra và làm phép lạ. Tôi đến đây thường xuyên nên mỗi lần đến luôn có cảm giác gần gũi thân quen như "về nhà". Tôi quỳ gối ở từng nhà nguyện nhỏ trong Vương Cung Thánh Đường.
Tôi não ra lời cầu nguyện cho rõ ràng, chính xác: Đức Mẹ hãy giúp con có đủ sức mạnh và sáng suốt đi đúng đường, đến đúng nơi, gặp đúng người, làm đúng việc.
Trong vòng bảy ngày liên tục ngày đêm cầu nguyện, tôi đã có lối thoát cho khó khăn gặp phải. Không chỉ thế, kết quả còn ngoài sự chờ đợi! Đức Mẹ đã luôn luôn có mặt khi tôi khẩn cầu giúp đỡ.
Nếu đã có lúc bạn nghi ngờ sự hiện diện của Thượng Đế, đừng nghi ngờ. Nếu đã có lúc bạn nghĩ Thượng Đế không thấy bạn, không nghe bạn, không đáp lời bạn - Hãy tin tưởng hơn vì Chúa đã nói, "Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa, sẽ mở cho." (*) Cánh cửa đóng không có nghĩa mình không thể vào trong. Mình hãy gõ và hãy biết cách xin, cánh cửa sẽ mở ra cho chúng ta.
Tin tưởng ở Thượng Đế, tôi được bình an, bạn cũng sẽ được bình an! Chúng ta sẽ biết kiên trì và chấp nhận; chúng ta sẽ sống khiêm nhường và hiền hòa; chúng ta sẽ biết để ý và quan tâm đến mọi người và mọi thứ xunh quanh; chúng ta sẽ biết cách sống đúng với đạo làm người... Và khi đó, khi chúng ta cầu xin, Thượng Đế sẽ lắng nghe và đáp lời...
~*~
(*) Thánh Mathêu là một trong 12 vị môn đệ của Chúa. Ngài là một người thu thuế và làm sổ sách nên rất sòng phẳng và chính xác với những con số. Để viết lại được những lời tin mừng trên: "Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ mở cho," ngài đã chứng kiến và thấy được sự công bằng và minh bạch trong lời dạy và việc làm của Chúa trong thời gian ngài theo làm môn đệ của Chúa.
Khi viết lại "Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ mở cho" ngài đã ẩn dụ trong đó ý niệm về sự công bằng và chính xác. Tại sao xin sẽ được, tại sao tìm sẽ gặp, tại sao gõ cửa đi sẽ mở cho? Khi xin với ý chí và lòng can đảm, xin có nổ lực và có mục đích, xin với lòng tự tin và dũng cảm, thì khi người mình xin là bố của mình, mẹ của mình, thầy của mình, thánh của mình, Chúa của mình, Phật của mình... các bậc đó sẽ không từ chối. Các cánh cửa sẽ mở ra.
Chúa đã nói: Các ngươi cứ làm phần của các người, ta sẽ làm phần của ta.
"Behold your vocation; He hath done all things well; teach ye all nations."
http://www.nationalshrine.com/site/c.osJRKVPBJnH/b.4719297/k.BF65/Home.htm
3 comments:
Văn phong của em càng lúc càng hay, lôi cuốn độc giả quá trời, mà còn giúp họ biết cách Cầu rồi (50% của sự Cầu Nguyện). Sau này em viết thêm 50% còn lại (Nguyện) là perfect 100%. Người đọc vừa biết cách Cầu xin mà cũng biết luôn cách Nguyện hứa tu sửa thì sẽ làm đẹp lòng Bề Trên và lời Cầu Nguyện của họ sẽ linh ứng hơn.
Thích câu: "Ổng sẽ nói mày leo cột điện cao quá, mày xuống thấp chút dùm tao cái… thì họa may ra tao còn gửi nước tới giúp mày được". Heheh
Khi làm người, Chúa thích tự xưng mình là CON NGƯỜI nhất. CON NGƯỜI không chỉ là danh xưng có từ thời tiên tri Đaniel để chỉ về Thiên Chúa mà CON NGƯỜI, viết hoa là Nhân Loại nữa.
Chúng ta "Xin" bởi chúng ta "tin": tin vào Chúa và tin vào Con Người.
Và như thế thì khi xin chúng ta đã được rồi. Và nếu xin thì được là gì nếu không phải là hạnh phúc phải không?
Nhân loại hôm nay có nhiều người không tin vào Thiên Chúa, cũng chẳng tin vào con người do đó mà nhiều người mất phương hướng, không có lý tưởng sống. Họ như chiếc thuyền dập dềnh ngày hai buổi lên xuống theo thuỷ triều . . . và đích đến của thuyền đời họ chính là bãi cạn mà họ xuất phát!
Tin vào Chúa, tin vào Mẹ là muốn nên giống Mẹ, giống Chúa nên ta sẽ một đời phấn đấu sống yêu thương, phục vụ và dâng hiến như các Ngài bởi ta tin chắc điểm đến của ta sẽ là Đấng Phục Sinh.
Vậy thì ai tin vào Chúa và con người thì còn sợ gì lạc lối nữa bời kẻ tin có Chúa làm hải đăng hay bắc đẩu cho thuyền đời mình rồi.
Biền trần gian luôn có đầy phong ba bão tố nhưng ta cứ ra sức chèo chống mãi rồi cúng có lúc biển lặng sóng êm. . . và rồi thuyền ta về bến hạnh phúc."
Khánh Vân ơi,
Đọc bài viết này của em rồi anh an tâm về em lắm.
P H.
Post a Comment