Bài số 5421-19-31262-vb3062618
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tài chính kế toán tại Pháp và Hoa Kỳ, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải
Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau
đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Tiếp theo, hồ
sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má và vợ chồng người em trai
đã chính thức định cư, đoàn tụ.
Mười ba năm trước đây, Khánh Vân có bài “30 Tháng Tư, Một
Ngày Để Yêu Quí Ba Hơn.” Mười ba năm sau, Anne Khánh Vân góp thêm bài viết mới,
với tựa đề gồm hai phần: Phần đầu đặt theo tên bài hát được dựng thành phim,
"I Can Only Imagine" và phần hai, lập lại tựa đề của bài viết cũ được
bổ túc bằng những uẩn ức lần đầu tuôn chảy...
***
Tối qua tôi tình cờ xem được cuồn phim
"I Can Only Imagine". Vào phim
là cảnh một cậu bé tai đeo ống nghe, vừa ủi máy cắt cỏ vừa nghe nhạc. Sau một lúc, bà cụ chủ nhà gọi cậu vào bảo,
"Thôi hôm nay cắt như thế đủ rồi cháu ơi!
Nghỉ thôi, vào bà cho tiền đây!"
Nhận tiền xong, cậu tung tăng phóng xe đạp
đi qua các xóm làng, tai vẫn đeo máy nghe.
Cậu ghé vào tiệm bán băng đỉa nhạc và dùng tiền vừa cắt cỏ mua thêm vài
cái.
Thoáng vài cảnh đầu cứ ngỡ cậu bé có một
đời sống yên vui hạnh phúc; nhưng không!
Khi về nhà… cậu có một ông bố với gương mặt lúc nào cũng đỏ rần và đã bị
biến dạng vì uống rượu nhiều. Ông thường xuyên hành hạ hai mẹ con cậu. Khi người
mẹ không còn chịu nổi và bỏ đi, để cậu ở lại với bố, cậu chỉ khoảng 10, 11 tuổi,
tiếp tục một mình đương đầu với người bố hung bạo, thường xuyên la mắng đánh đập.
Những hình ảnh trong phim và câu chuyện
tự dưng đưa tôi trở về quá khứ của ba mươi mấy năm về trước. Những năm tháng đen tối của nhiều mảnh đời… Ẩn
hiện, nổi chìm, quá khứ hiện tại…
Màn hình tivi lại sáng lên. Cậu bé trong
phim lớn lên, học trung học và chơi bóng bầu dục cho đội tuyển của trường. Và một ngày kia cậu bị gãy chân. Thương tích khá nặng nên cậu buộc ngưng chơi
bóng. Cậu phải tìm một môn học khác
không chạy nhảy va chạm để thay thế.
Thích âm nhạc từ bé, cậu chọn chuyển qua âm nhạc. Chống nạng vào lớp, cậu giải thích với cô
giáo vì sao cậu phải xin vào lớp cô giữa khóa.
Cậu xác nhận không biết hát và chỉ xin được giúp bất cứ việc gì cô giáo
cần cho lớp. Cô giáo cho cậu làm phần điều
chỉnh âm thanh vì cậu không cần đứng để làm việc. Một hôm cô giáo bất ngờ khám phá năng khiếu
ca hát của cậu khi cậu một mình hát nghêu ngao trong hội trường, tưởng không có
ai ở đó.
Cậu đã chống đối quyết liệt khi phát hiện
cô giáo đăng bản phân vai và bài hát của từng người cho buổi trình diễn tổng kết
cuối năm học. Đó là ngày mọi người ai
cũng bất ngờ khám phá một giọng hát hay hiếm hoi.
Người bố khám phá tài "tầm
phào" của con trai khi tình cờ đọc được mấy miếng quảng cáo ở những tiệm
ăn trong vùng. Về nhà, ông mắng con trai, "Mấy cái trò hát hò của mày có
kiếm được tiền đem cơm về để trên bàn không? Thực tế đi, đừng mơ mộng viển
vông nữa."
"Tại sao bố không tin là tôi có thể
hát? Hôm nay nhà thờ địa phương mời tôi hát, sao bố không đến nghe tôi hát thử
xem rồi hãy chế nhạo tôi?"
"Ta không muốn mất thời gian đâu…
Mơ với mộng!"
Dù con ông nay đã xong trung học, 18 tuổi,
ông vẫn còn thói quen hay đánh đập con.
Từ phía sau, ông phang cái dĩa đồ ăn vào đầu cậu con trai đổ máu… Hai
cha con họ đụng độ nhau lớn ngày hôm đó.
Có lẽ tức nước vỡ bờ, cậu con trai trút hết mọi đè nén bấy lâu,
"Tôi với bố hôm nay coi như xong.
Đáng lẽ tôi cũng đã bỏ đi từ lâu như mẹ.
Nhưng tôi đã ở lại vì tội nghiệp bố sẽ một mình. Nhưng hôm nay tôi cũng quá đủ. Tôi không còn cần ở lại với bố nữa. Bố không cần ai ở cạnh bên." Ngay hôm
sau, anh ta khăn gói, lên xe máy, ra đi… Bart gia nhập một nhóm chơi nhạc cụ
nhưng thiếu người hát, thành lập ban nhạc và bắt đầu là ca sĩ chính cho ban nhạc
từ đó.
Câu chuyện này không phải sản phẩm của
tưởng tượng mà là chuyện đời thật của ca sĩ Mỹ nổi tiếng Bart Millard mà chắc
chắn nhiều người trong quý vị đã biết.
Biết được thêm chi tiết đời sống sinh hoạt trước khi có tên tuổi của
Bart Millard, chúng ta càng thêm rõ con đường đến thành công nào cũng đầy chông
gai, thử thách; có khi cũng đong đầy nước mắt và đau thương,…
Bart Millard có tài hát, có khả năng viết
nhạc. Các buổi trình diễn của nhóm anh
luôn có rất nhiều người đến xem và ủng hộ.
Nhưng các nhà đánh giá và đầu tư băng nhạc vẫn thấy nhóm anh có gì thiếu
để có thể thực sự đi xa. Người đạo diễn,
đại diện nhóm nhạc của anh mà cũng là người thầy đã luôn sát cánh với Bart từ
những ngày đầu đã chuyện trò với Bart sau khi các nhà đánh giá chấm rớt nhóm của
anh.
"Có những lúc tôi thấy cậu viết được
những bài hát rất hay. Đang hát rất có hồn
thì tự dưng cậu như chạy trốn cái gì đó và những hứng khởi vụt tắt trong chính
cậu và trong cả khán thính giả. Cậu lẩn
trốn cái gì hở Bart?"
Ai cũng có những nỗi niềm riêng. Khi những
niềm riêng đó càng chất chứa nhiều đau thương và nhất là bất thường thì càng
khó thổ lộ. Không dám chia sẻ. Nói ra sợ người ta không hiểu, nói ra sợ người
ta cười chê, coi thường… Lưỡng lự một hồi, Bart ngập ngừng, "Bố cháu… bố
cháu…"
"Ông ta đã hành hạ cháu, đánh đập
cháu đúng không?" - Người thầy tiếp lời.
"Cháu phải sống với nó suốt đời,
chú biết không? Cháu phải che giấu nó suốt đời…"
"Không, Bart, cháu không phải che
giấu nó. Đừng chạy trốn nữa. Stop running from it. Face that fear. Let that
pain become your inspiration... Hãy đối diện với những sợ hãi đó. Hãy để cho những đau thương đó trở thành nguồn
cảm hứng của cháu…"
Mắt Bart bừng sáng. Người thầy như khai mở những góc tối thâm sâu
trong lòng anh ta…
*
Chuyện đời của cậu bé Bart Millard ngày
xưa có nhiều điểm giống chuyện đời của tôi.
Chỉ khác khi lớn tôi không thành ca sĩ nổi tiếng. Tôi có hay hát nghêu
ngao trong… khi tắm chứ không hát nghêu ngao trong hội trường và không được có
cô giáo tình cờ nghe và khám phá… tài năng.
Tôi viết, viết từ khi 8, 9 tuổi. Viết với tôi như một trị liệu. Những dòng chữ
cũng đong đầy những tâm tình nhưng thiếu nốt nhạc nên không thành ca khúc.
Chúng thành những câu chuyện, những chứng nghiệm, những chia sẻ. Tuy nhiên, như
Bart, tôi cũng vẫn còn lẩn tránh một số chuyện của quá khứ. Chọn lọc chỉ viết
những điều nên viết. Sợ viết ra một số
điều mà Bart cũng đã sợ và nghĩ mình sẽ phải giấu nó, phải sống với nó suốt đời…
Bart nghe lời thầy phải đối diện với những
sợ hãi và dùng những đau thương làm nguồn cảm hứng trong sáng tác, rót hồn vào
các bản nhạc để chúng thật sự sống, sống mạnh mẽ.
Bart xin phép ban nhạc về nhà giải quyết
một số việc cá nhân. Khi về nhà, cậu nhận
thấy có sự khác biệt. Sáng ra trên bàn thấy có bánh trái. Bart định bỏ đi ra cửa
thì bố gọi cậu lại mời con trai ngồi xuống ăn sáng. Bố cậu khoe những thức ăn ông vừa chuẩn bị. Nào là bánh, nào là thịt chiên… Bart ngạc
nhiên vì Bố cậu có đời nào nấu ăn. Trước
khi ăn, bố cậu còn đề nghị cầu nguyện.
Bart càng ngạc nhiên. Pha chút chế
ngạo, Bart lên tiếng, "Ủa, bố phát hiện ra Chúa hồi nào thế?"
Bố Bart kể lại ông đã bắt đầu nghe các
bài giảng trên Radio, mỗi Chủ Nhật. Ông
cũng đã đọc hết cuốn kinh thánh, tới lui đôi ba lần.
Những buồn hận về cha bị buộc chặt trong
lòng bấy lâu nay như được cắt dây bung mạnh ra ngoài. Bart chỉ căng thẳng đốp chát với bố cho thỏa
uẩn ức chứ không đón nhận những thay đổi nơi ông. Người bố hung hăng luôn nóng giận của cậu hôm
nay thật kiên nhẫn từ tốn. Ông cứ để cho con trai trút giận rồi lựa lời,
"Bố biết bố đã rất nông nổi. Có thể nào chúng ta chỉ chọn nhớ những kỷ niệm
vui về nhau được không?"
"Bố đùa à? Bố và tôi làm gì có kỷ
niệm vui để mà chọn. Những kỷ niệm tôi có về bố chỉ toàn những kỷ niệm kinh khủng
tồi tệ!" Bart ngừng một chút rồi
nói tiếp.
"Bố có nhớ tối hôm đó không? Bố đã đánh tôi rất dã man. Tôi đã khóc suốt
đêm hôm đó. Không phải khóc vì sợ mà cả vì đau. Đau cả một vùng bụng. Đau không
ngủ được. Ngày đó tôi bao nhiêu tuổi, bố có nhớ không? Chừng mười một tuổi
thôi… Một tuần bố đánh tôi bao nhiêu trận? Bốn năm trận?…" Và cậu bé ngày xưa nay đã lớn đó lại rươm rướm
nước mắt.
Buổi nói chuyện trung thực cần có giữa
hai cha con cuối cùng đã diễn ra. Họ nói
ra những gì cần nói cho nhau nghe. Những
điều sâu thẳm tận đáy lòng. Bố Bart nhẹ
nhàng nói, "Bố biết! Bố cũng đã từng khóc khi nhớ lại những lần mình đã
hành hạ con. Bố biết bố đã rất tệ hại. Chúa đã tha thứ cho bố, con tha thứ cho
bố được không?"
"Bố thật sự hỏi tôi tha thứ cho bố
à?" Nước mắt lưng tròng, Bart nhìn bố như không hiểu làm sao bố anh lại có
thể hỏi anh làm một điều mà có lẽ chỉ có ông Trời mới có thể làm được.
"Ta đã tưởng lời cầu nguyện của ta
được Thượng Đế lắng nghe và trả lời. Con
có nhận được các thư ta viết gửi cho con không?"
"Có, nhưng tôi xé bỏ hết!"
"Bố tưởng con có đọc thư và vì vậy
mà con trở về!"
Bart nhìn cha trả lời, "Chúa có thể
đã tha thứ cho bố, nhưng tôi thì không. Không thể!" và Bart bỏ đi.
*
Mười ba năm trước, một trong những bài
viết đầu tiên tôi viết gửi Việt Báo cho giải Viết Về Nước Mỹ là bài "30
tháng 4: Một Ngày Để Càng Yêu Quý Ba Hơn".
Ông bố trong chuyện của tôi cũng không kém ông bố của Bart nhưng có lẽ
tôi còn may mắn có được một số kỷ niệm đẹp với ông bố mình.
Ông là một kỹ thuật viên của không quân
VN, làm việc ngay trong phi trường Tân Sơn Nhất. Cuối Tháng Tư 1975, ông đã ngồi
trên chuyến bay cuối cùng có thể rời khỏi Việt Nam, nhưng rồi đã quyết định rời
bỏ chuyến bay, ở lại với vợ con. Năm đó tôi chỉ mới một tuổi khi Sài Gòn sụp đổ.
Và khi lớn khôn, trong hoàn cảnh cơ cực, tuyệt vọng của cả thành phố, tôi sẽ chỉ
được thấy một ông bố say sỉn, hung bạo.
Dù sao, tôi đã có được chút kỷ niệm đẹp hiếm hoi của ngày 30 tháng Tư. Đó
là nguồn sống nuôi cái con bé làm việc cực nhọc từ 7, 8 tuổi, ăn đòn tứ phía, vết
bầm này chưa tan thì vết bầm khác lại chồng lên. Tôi đã dùng các kỷ niệm đẹp dù ít ỏi để giúp
con bé còi cọp túng thiếu nhiều thứ có đủ sức mạnh thoát ra khỏi những cảnh sống
và tháng ngày đen tối, giúp nó có đủ nghị lực vượt qua khó khăn, lo cho gia
đình, đem gia đình ra khỏi vùng tối tăm đến với ánh sáng.
Mấy tuần qua, một số chú bác nhắc viết
thêm bài mới. Tháng Tư đã trở lại. Lạ một điều, không hiểu sao, với tôi, ngày
30/4 mới thật là ngày của Cha của mấy ông bố Việt Nam. Bởi với tôi, ngày 30/4 đó đã đánh dấu nhiều
hy sinh mất mát của mấy ông bố Việt Nam. Ngày mà nhiều người trong số họ đã già
dặn hơn, thấy rõ hơn giá trị của họ, vị trí quan trọng của họ, không chỉ trong
gia đình, trong xã hội, mà cho cả tương lai đất nước và dân tộc Việt Nam. Nó
cũng cho thấy sự mạnh mẽ dẻo dai, cố gắng và ý chí kiên cường của nhiều ông bố.
Cảm ơn các chú bác đã có lòng nhắc tôi
viết. Năm nay hình như tôi sẽ có nhiều điều để viết cho các ông bố Việt Nam, đặc
biệt là ông bố của tôi, nhân ngày của bố!
*
"Chúa đã tha thứ cho bố. Con có thể nào tha thứ cho bố được
không?"
Trong tức giận và khi muốn lại bỏ đi,
Bart tìm thấy thư của nhà thương gửi cho bố anh về tình trạng căn bệnh ung thư
tụy tạng. Có nghĩa ông đã khám phá bị ung thư mấy năm qua. Bart trở vào nhà tìm
bố thì thấy ông trong gara, đang tức giận chính mình và đập chiếc xe cổ mà ông
đã sửa sang lại để chờ Bart về cùng ông đi.
Ông té quỵ trong gara. Cuộc chiến
nội tâm phát ra thành hành động trong chính hai cha con đã bùng lên và trụi xuống. Đâu đó trong mớ cảm xúc và cảm thông đang xáo
trộn, hai bố con họ cuối cùng đã tìm được nhau.
Bart ngồi xuống cạnh chỗ bố nằm quỵ và hỏi,
"Bố sắp chết rồi đúng không?"
"Đúng, bố sắp chết!"
Những ngày sau đó họ bắt đầu mọi thứ lại
từ đầu. Họ bắt đầu tạo lại các kỷ niệm đẹp bị thiếu giữa hai cha con. Họ chuyện
trò với nhau như hai người đàn ông. Họ hỏi
thăm nhau chuyện tình cảm yêu đương. Bố Bart kể ông đã tìm nghe con trai hát
trên các đài radio. Ông hối hận khi đã chế nhạo con khi nó bắt đầu sự nghiệp ca
hát. Ông hối hận khi đã chà đạp những ước mơ của con. Ông kể cho Bart nghe lời
Chúa trong kinh thánh đã đã giúp ông nhìn ra mình tệ hại ra sao và ăn năn thế
nào. Ông muốn được dịp sửa lại những gì đã sai trong thời gian ít ỏi còn lại.
Bart soạn lại những đồ đạc cũ của anh và
tìm thấy cuốn nhật ký anh đã bắt đầu viết khi đi trại hè, mùa hè mẹ Bart đưa
anh đến trại và đã bỏ đi, không bao giờ trở về.
Những đêm ở trại, giờ tâm linh bên ánh lửa, người thầy đã giảng và tập
cho các em viết một câu, "Today, I choose to forgive... Hôm nay, tôi quyết
định tha thứ…" Dấu ba chấm vẫn chưa
bao giờ được điền tiếp... Cuốn nhật ký phủ dầy một lớp bụi…
Quên không dễ; tha thứ càng khó hơn nhất
là khi những người để lại những vết thương trong mình, những người hành hạ thân
xác mình suốt từ tấm bé, không ai khác chính là những người thân của mình, những
người đáng lẽ phải bảo vệ, che chở mình, tránh đi cho mình những đau thương. Mọi
thứ bị khắc sâu trong tâm trí và ám ảnh mãi đến lớn, không làm sao bôi
xóa. Quá khứ cứ dày vò. Khi thì như đã quên tất cả; lúc khác thì từng
chi tiết lại hiện lên rõ rệt như chỉ mới hôm qua. Chiến tranh nội tâm cứ diễn ra giữa nhớ và
quên, giữa tha thứ và cố chấp, giữa chấp nhận và chống trả.
Nếu con người ta có thể xóa đi những gì
không muốn giữ trong tâm trí dễ như mỗi khi ta muốn xóa đi một thứ gì đó không
cần giữ nữa trong thẻ nhớ của máy điện toán hay máy điện thoại... thì mọi thứ
trên đời này sẽ đơn giản biết là bao. Có
lẽ Thượng Đế tạo ra con người biết thương biết ghét, biết buồn biết vui, và có
khả năng nhớ khác với muôn loài là để chúng ta thử thách chính chúng ta chăng?
*
Today I choose to forgive… Hôm nay, tôi
chọn Tha Thứ…
Trên giường bệnh trước khi từ trần, bố
Bart nói đã hãnh diện về con trai ra sao và ông muốn con trai hãy theo đuổi ước
mơ. Ông giải thích ông đã không thực hiện được những ước mơ của mình nên đã
không ủng hộ các ước mơ của Bart. Nhưng ông đã thấy Bart khác ông; Bart đã tỏ
rõ có thể thực hiện những gì nuôi nấng và ông đã tin Bart sẽ có thể đi tiếp đoạn
đường còn lại và đến đích. Ông để lại bảo
hiểm nhân thọ giúp con có tiền chi phí hàng tháng, trong lúc còn phải theo đuổi
ước mơ và chưa có thu nhập.
Chỉ tưởng tượng thôi, không cần phải làm
thử hay sống thử chỉ một năm, hai năm, hay năm năm, mười năm, mười lăm năm… Khi
con người ta mất đi hết những gì quý giá nhất, quan trọng nhất và bị đá dồn xuống
tận cùng của tất cả, họ có thể trở nên điên loạn đến mức nào?
Nhớ lại rồi hiểu ra việc cả miền Nam Việt
Nam bị đẩy tới chỗ phải sụp đổ ra sao, tôi đã hiểu không chỉ riêng gia đình hay
bản thân mình. Cái con bé nhóc tì thời đó chỉ là một điển hình trong muôn ngàn
con bé thằng bé nhóc tì khác có cùng hoàn cảnh.
Chúng tôi là những nạn nhân của một thời đại. Những ông bố của chúng tôi
còn là những nạn nhân lớn hơn… Nhưng cũng đã gần nửa đời người trôi qua. Nhớ mãi, oán trách mãi có lợi gì?
Tôi đã thử nhiều lần và nhận thấy giữa
khóc và cười, cười dễ hơn. Khóc đòi hỏi
sự hợp tác của nhiều thứ quá. Nào là tuyến
lệ; rồi phải vận động các cơ cho đủ nhăn má, mắt, mặt, môi; rồi phải tạo nên âm
thanh, tạo tiếng nức nở; xong rồi phải nung nấu cảm xúc… Tất cả các thứ đó phải
diễn cùng lúc mới thành… khóc! Khó
quá! Mất công quá! Cười đến cái rẹt, nhanh hơn, dễ hơn, đỡ hao tốn
năng lượng thời gian hơn… Thôi thì quyết định cười thường xuyên hơn thay vì
khóc.
Cũng như thế, quên và tha thứ để yêu
thương dễ hơn, đỡ hại não hại tim hơn thay vì phải nhớ, cố chấp, và ghét bỏ…
Nói thì dễ vậy, nhưng khi làm thì không
chắc có sẽ dễ như vậy không! Có lẽ tha
thứ sẽ xảy ra và có dễ làm hay không còn tùy thuộc vào thái độ và những thay đổi
của đối tượng.
*
Sáng Chủ Nhật, ngày lễ Phục Sinh, tôi
đang ở xa nhà thì nhận tin nhắn của ông bố tôi (mà trong các bài viết trước tôi
hay gọi là tía Hai Lúa). Ông viết,
"Chiều nay Mimi về mấy giờ, có ăn tối với ba được không? Ba đãi."
Khánh Vân tôi là con gái rượu, tức là
con gái thường (được nhờ) đi mua rượu (và trả tiền dùm luôn) cho tía má. Cũng là chị Hai trong gia đình nên thường chi
phí cho cả nhà mỗi lần đi kéo ghế. Bởi vậy
nên khi được ai lên tiếng đãi, tôi rất mau mắn nhận lời (hihi chỉ nói đùa chút
cho vui thôi, chứ cho dù tía Hai Lúa đòi đãi, tôi vẫn trả tiền để là con gái rượu
sang…).
Tôi về kịp trước giờ ăn tối và cùng tía
Hai Lúa đi ăn vì má tôi vắng nhà. Khi ngồi ăn, ông kể "sáng nay nhà thờ
đông quá trời, chỗ đứng trong nhà thờ cũng không còn, nhiều người phải đứng tận
ngoài sân." Tía Hai Lúa tôi theo đạo
bên vợ chứ không phải đạo gốc. Ông đã từng
đùa phá kể chuyện hồi xưa còn trẻ học đạo khi bị ép và phải làm thì chỉ là
"con thờ lạy Chúa ba ngôi, con lấy được vợ, con thôi nhà thờ." Nghe tía kể chuyện sáng nay đi lễ, tôi đã
nghĩ bụng, "À, đâu phải ba chỉ đi nhà thờ khi có má ở nhà vì phải chở má
đi. Ông ấy ở nhà một mình vẫn tự đến nhà thờ dự lễ, ngày lễ trọng." Để một người đã từng mất hết niềm tin trong tất
cả có lại đức tin và chăm chỉ đi lễ, chăm chỉ cầu nguyện, chắc hẳn ông đã được
cứu rỗi và tìm thấy sự mầu nhiệm khi có đức tin và cầu nguyện.
Cũng như thế, khi má tôi không có nhà,
tía Hai Lúa tôi vẫn đều đặn đến văn phòng Boat People SOS mỗi thứ Sáu để làm
thiện nguyện giúp phân phát bánh trái rau quả cho các gia đình khó khăn. Ông
cũng đã có thể mượn lý do tòa-nhà ngoại giao (má Hai Lúa tôi) không có nhà và
ông không phải làm những việc mà bà đăng ký làm chứ chưa hẵn ông đã thích. Tôi đã từng nghĩ tía Hai Lúa tôi là người hơi
bị không mấy siêng nhất nhì thế gian. Nhưng tía Hai Lúa hôm nay của tôi đã
khác. Ông thích tham gia những việc xã hội. Ông quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh
mình và muốn là người hữu dụng không chỉ giới hạn trong gia đình mà cả trong bạn
bè, người quen. Ông tự túc, tự giác, làm
những gì tin mình cần làm, không cần phải có người hối thúc đưa tay lôi kéo ông
đi.
Khi tôi đem được má tía qua Mỹ, họ chưa
60 tuổi. Tía tôi tìm được việc làm ở tiệm Thrift Store bên kia đường, với mức
lương tối thiểu của tiểu bang $7.25 một giờ.
Ông đã kiên trì làm ở đó 6, 7 năm.
Cứ ngày ngày thu nhận các đồ đạc vật dụng được cho, sắp xếp theo loại
cho gọn gàng trong nhà kho, sửa lại nếu cần những gì hư nhẹ và còn dùng được… để
sau đó đồ được định giá và đem ra bán.
Ông cũng thường giúp khách hàng mang đồ nặng ra xe hoặc giúp khách hàng
lắp ráp những thứ hơi cần chút kỹ thuật. Tối đến, ông sẽ dọn dẹp lau chùi tiệm,
tắt đèn và đóng cửa. Một công việc mà
theo nhiều định nghĩa trong tiếng Việt là làm "cu-li", chắc chắn nhiều
người sẽ chê không muốn làm vì sĩ diện.
Nhưng tôi thấy ông tía Hai Lúa tía tôi lại có vẻ rất tự hào có được công
việc làm đó.
Riêng cá nhân tôi, tôi nhận thấy công việc
làm này vô giá vì nó đã giúp tía tôi hòa nhập vào đời sống và tư duy mới ở Mỹ. Tính tình ông đã thay đổi nhiều mà không hẵn
ai cũng nhận ra và thấy được giá trị, ngay cả chính ông. Trong thời gian làm việc ở đó, ông đã được
khám phá bị ung thư và phải chữa trị.
Ông vẫn đi làm và học cầu nguyện.
Mỗi ngày trong công việc, khi sắp xếp gọn gàng lại những ngổn ngang bừa
bộn xung quanh mình, cũng chính là dịp để ông suy gẫm và sắp xếp cho gọn gàng lại
những gì còn ngổn ngang bừa bộn trong chính tâm hồn và thể xác mình.
Ông cũng nhận thức rõ hơn và mạnh dạn
quyết định khi phải vứt bỏ đi những gì đã quá hư, không còn thích hợp, không
nên giữ. Cuối cùng lại, khi làm một công
việc mà ít người muốn nhận làm vì nó có vẻ quá thấp kém có lẽ cũng đã giúp cho
tía rèn luyện tính khiêm nhường, thấy mình nhỏ bé.
Hôm nay tía Hai Lúa tôi đã được nhận vào
làm cho hệ thống trường học của quận Fairfax.
Tôi giúp ông nộp đơn từ lúc mới qua Mỹ; sau đó nhờ bác Chí ở gần nhà,
người thầy đã dạy má tía tôi tiếng Anh trong nhiều năm qua, đã hướng dẫn thêm
nên đến văn phòng nhân sự nhắc chừng để họ biết mình vẫn kiên trì chờ đợi được
chọn.
Sau gần 8 năm, với nhiều hướng dẫn và
giúp đỡ, cuối cùng tía Hai Lúa tôi được nhận vào làm và gửi tới một trường học
cách nhà khoảng 30 dặm. Ông làm ca nhì, từ 3 giờ chiều đến 11 giờ tối. Tôi đã
hơi lo tía lái xe hơi yếu buổi tối, lại không rành nhiều đường sá; 11 giờ tối mới
tan ca lái về nhà, không biết ông có vững vàng đủ để nhận việc và làm lâu dài
không.
Khi xin nghỉ ở tiệm Thrift Store chỉ
cách nhà nửa dặm, từ nhân viên đến cấp trên và cả những người khách hàng thân
quen của tía Hai Lúa, ai cũng buồn và tiếc sẽ không còn dịp làm việc với tía
tôi nữa. Nhưng họ đều mừng là tía tôi bước lên được một bước cao hơn. Lương ông
lên $15 một giờ bắt đầu cho thời gian còn là nhân viên tạm. Nhân viên tạm có nghĩa trường học nào có nhân
viên chính thức bị đau bệnh hay nghỉ hè dài hạn và cần được bổ sung nhân viên
thì nhân viên tạm sẽ được điều đến đó tạm trám vô chỗ trống.
Tía tôi cứ như thế được chuyển đi vòng
vòng các trường học trong quận và mỗi nơi chỉ làm độ vài tháng. Các trường này
vẫn tương đối xa nhà. Ông vẫn kiên trì và vẫn thường xuyên lui tới nhắc chừng với
phòng nhân sự xin được điều về làm gần nhà khi điều kiện thích hợp. Sau gần một năm, với những phê bình tốt của
những quản lý ở từng trường cho làm thử việc, ông đã được về làm ở trường học
cách nhà 3 dặm và được gửi đi học cách sử dụng các máy móc hoặc kỹ thuật cần
thiết cho công việc để vào biên chế, chuẩn bị trở thành nhân viên chính thức.
Ông chỉ làm công việc dọn dẹp và bảo trì
trường học sau khi học trò tan trường. Vẫn là người bật hệ thống an ninh báo động
trừ trộm cắp, tắt đèn, đóng cửa... Một công việc cu-li như cách ông hay nói
nhưng ông rất hãnh diện và hài lòng về nó.
Phải đi bộ rất nhiều mỗi ngày, ông như vừa được tập thể dục và vừa được
phát lương. Ông làm ra tiền, không phải
nhờ cậy hay xin trợ cấp của ai. Cuối năm ông cũng có bản thuế và đóng thuế, để
dành vô an sinh xã hội và hưu trí như mọi công dân Mỹ.
Khi có người thân quen than không có việc
làm, tía tôi sẽ nói, "Trời ơi, dở nhứt là tui nè, mà tui vẫn còn được cho
việc để làm. Mấy người sẽ có việc dễ chắc nếu không kén chọn và cứ vui vẻ đón
nhận những gì được cho."
*
Năm 2001, ban nhạc rock Christian
MercyMe đã phát hành đĩa nhạc “I Can Only Imagine” do chính Bart Millard viết
và trình bầy. Bài hát nhanh chóng mang lại
tên tuổi cho Bart Millard và ban nhạc Christian MercyMe. Với giải thưởng Dove
cho “nhạc sĩ của năm”, hơn 2.5 triệu đĩa hát đã bán hết và năm 2018 đạt mức
đĩa hát Christian bán chạy nhất mọi thời
đại. Cũng trong năm 2018, câu chuyện thật về cha con Bart được dựng thành phim.
Trong buổi phỏng vấn của đài phát thanh
cơ đốc uy tín dành cho những người tài ba có tác phẩm xuất sắc, khi Bart nói là
chỉ chừng mười phút là anh viết xong bài
hát, người phỏng vấn biết tâm sự của Bart, cô bổ túc, "Không, anh không viết
nó trong chỉ mười phút. Anh đã đánh đổi
cả cuộc đời của anh để có được một tác phẩm tuyệt vời như vậy!" Bart ngừng lại một chút rồi nói, "My dad
was a monster, the only word for it. But
I saw God transformed him from someone I hated to someone I wanted to become… Bố
tôi đã như một con quái vật, không có chữ
nào khác để diễn tả. Nhưng tôi đã được
thấy Thượng Đế thay đổi con người của ông ta, từ người tôi vô cùng căm ghét trở
thành người tôi muốn được trở thành."
Đúng như Bart nói, tôi cũng đã từng thấy
Thượng Đế thay đổi con người của cha tôi.
I can only imagine what
it will be like
When I walk, by your side
I can only imagine what my
eyes will see
When your face is before
me
I can only imagine…
(Tôi chỉ có thể tưởng tượng sẽ ra sao
Khi tôi đi bên người
Tôi chỉ có thể tưởng tượng những gì sẽ nhìn thấy
Khi người đối mặt tôi…)
Mới đó, cuối tháng Tư năm nào, chàng Hai
Lúa trẻ trung rời khỏi chuyến bay tự nguyện ở lại với gia đình và Sài Gòn tan
nát. Sau đó, mọi niềm tin sụp đổ. Tuyệt vọng là lúc quỉ dữ có thể biến hình con
người thành hung hãn. Những rồi đức tin sẽ trở lại. Cứ cố gắng hết sức phần
mình, Thượng Đế sẽ biết và tiếp sức trong phần việc của ngài. Và ông tía Hai
Lúa ngày hôm nay của tôi đã trở thành một con người khác, một người mà tôi đang
thực sự hãnh diện.
Sáng nay, một ngày cuối tháng Tư năm
2019, Tía Hai Lúa đóng bộ bảnh bao, đi thi quốc tịch. Lái xe đưa ông đi, hai bố con truyện trò vui vẻ, có lúc còn dừng
xe bên đường “ngoạn cảnh”, chụp hình đám cây cối mà ông khen đẹp, không nhắc gì
về những bài học thi quốc tịch mà ông sắp trả bài. Bao năm qua, tự ông biết lo
lấy. Quan sát và theo dõi những thay đổi chậm rãi trong người cha đã cho tôi niềm
tin vào ông. Kết quả: Tía Hai Lúa của tôi được chúc mừng trở thành công dân Mỹ,
chỉ còn chờ ngày dự lễ tuyên thệ, lãnh bằng.
Sáng nay, một ngày cuối tháng Tư 2019, tôi đưa Tía Hai Lúa đi thi quốc
tịch.
Tôi viết bài viết này để mừng “công dân
Mỹ” Hai Lúa. Mừng ông bố đã vượt thoát bệnh ung thư và vượt được chính mình.
Bài viết nhỏ này cũng mong được gửi tới các ông bố ngày xưa ngày nay, các ông bố
giữa Nam và Bắc, các ông bố của thời chiến và thời bình, các ông bố còn ở lại
hay đã ra đi,… Các ông bố mà hôm nay các con đây đã hiểu nỗi thống khổ vô hình,
những đau thương mất mát một thời. Mong cha con chúng ta hãy cùng nhau trút bỏ
và cho qua đi những gì phải qua và cùng nhau bước tới.
*
"Ba mươi tháng Tư, một ngày để yêu
quý ba hơn" là tựa đề bài viết năm xưa. Ngày này, năm nay, tía Hai Lúa của
tôi thực sự thành một công dân Mỹ và vẫn đúng như xưa, tôi đang có thêm một ngày
30 tháng Tư để yêu quý ba hơn. Với tôi, đây
là ngày mà bao năm qua tôi vẫn hằng ước mơ, tưởng tượng.
Cám ơn ơn trên. Cám ơn nước Mỹ.
Cám ơn các bậc cha chú của thế hệ chúng
tôi.
Cám ơn Tía Hai Lúa của con.
Và chân thành cám ơn tất cả các cô chú
bác anh chị em độc giả khắp nơi đã luôn hỗ trợ Khánh Vân suốt nhiều năm tháng
qua. Cầu chúc tất cả chúng ta ngày ngày
được an vui thư thái.
Anne Khánh Vân
***
Đường dẫn bài
của tác giả đã viết về 30 tháng Tư trên Việt Báo online / Viết Về Nước Mỹ
30-4: Nhìn Lại! Nhìn Lại!
Nhìn Lại Nữa!
30 Tháng 4: Một Ngày Để
Quý Yêu Ba Hơn