Friday, December 24, 2021

Ladybug – Xin Sẽ Được?

Anne Khánh Vân
https://vvnm.vietbao.com/a247624/ladybug-xin-se-duoc-

*
Mấy ngày qua, khu vực Washington DC và vùng phụ cận gió bão khá nhiều. Nước từ thượng nguồn đổ dồn xuống làm mực nước các nhánh sông dâng lên cao. Nhiều hồ và suối, những nơi gia đình tôi thường lui tới vui chơi chèo thuyền bị nước tràn lên tuốt trên đường đi và bãi đậu xe ở phía ngoài, có nghĩa cao hơn mực nước bình thường độ hai-ba thước. Lá cây và các nhành cây khô nhỏ bị vướng trên những cành cây cao như có vẻ đã được máng lên thành từng hàng. Điểm dừng lại của chúng đánh dấu mức nước khi dâng cao nhất.

Khi trở lại Deep Creek Lake State Park ở Maryland, lối đi từ nơi đậu xe vào nơi gia đình tôi ngồi chơi hai tuần trước, nhiều ghế gỗ, và các trò chơi ở vườn chơi thiếu nhi play-ground vẫn còn vết bùn.

Từ nhà tôi đến đây lái xe khoảng hai tiếng. Tôi đã cầu nguyện từ những ngày trước và vẫn tiếp tục cầu nguyện suốt đoạn đường đi. Cầu nguyện và tin tưởng, nhưng không dám mong đòi điều mình xin được!

* Hai tuần trước…

Tháng Chín là tháng sinh nhật của gia đình tôi. Một tuần trước weekend sinh nhật của tôi, gia đình tôi đã đến Deep Creek Lake chơi. Quan cảnh nơi đây đẹp thơ mộng. Một trong những hồ đẹp nổi tiếng của Maryland. Rất đông du khách lui đến. Từ khi bị dịch Covid-19, nhiều người có khuynh hướng trở về với thiên nhiên. Dù vậy, mọi người tự ý thức và giữ giãn cách xã hội. Điều đó làm cảnh vui chơi ngoài trời nơi đây thêm bình an và trật tự. Nhịp độ sống như chậm lại…

Tôi ngồi ở băng ghế có bàn và lò nướng dành để pic-nic và nhìn ra phía bờ hồ cách đó khoảng bốn năm chục thước. Cọp nhỏ Khánh-An đang vọc nước, chơi với cát sỏi. Bác Hai thì đang đứng trên các ghềnh đá gần đó dạy cho Huy Khang cách cột lưỡi câu, gắn mồi, tung cần câu cá. Ông bà nội và ba mẹ Khánh An ngồi trên bờ gần đó phơi nắng… Khung cảnh như những đoạn phim quay chậm. Thỉnh thoảng có những chuyển động nhanh khi Cọp nhỏ Khánh-An chạy lên và kêu “Má Hai xuống nước chơi với An.” Tôi không mang theo đồ ngắn nên chỉ muốn ngồi trên bờ ngắm cảnh, thư giãn và đọc sách chứ không xuống nước. Khánh-An liên tục kèo nài nên tôi gấp lại cuốn sách đang đọc và đi xuống phía bờ nước. Nước hồ rất trong. Có thể thấy cá bơi lượn. Hai má con tôi lội trong nước tìm những miếng đá đẹp như thói quen mỗi khi chơi trong nước. Thỉnh thoảng má tôi kêu mọi người tụ lại chụp hình. Nếu có ai đang quay phim sẽ thấy cảnh hai má con Cọp nhà tôi nhảy tung lên, chân không chạm nước. Tíc-tắc đó sẽ đứng lại, hiện trên một tấm hình. Chơi nhảy dưới nước một hồi lâu, hai má con Cọp nhà tôi lại lên bờ, chơi với sỏi cát.

Mặt trời xuống, nước bắt đầu lạnh; mọi người chuẩn bị khăn gói ra về. Khi lái xe đi được khoảng nửa tiếng, tôi phát hiện bông tai một bên không còn nữa. Tôi bần thần không tin vào sự thật. Giây phút đó trong tôi dường như đứng lại dù âm thanh và mọi chuyển biến xung quanh đang xôn xao không ngừng. Mỗi người trong xe đoán và gợi ý một vài điều. Trời cũng đã bắt đầu tối, không thể quay trở lại. Mà dù vẫn còn sớm, trời vẫn còn sáng và có thể trở lại, làm sao biết phải tìm nơi nao…

* Chuyện Đôi Bông Tai...

Thụt lùi thời gian hai mươi mấy gần ba mươi năm về trước, khi tôi còn ở Pháp…

Đôi bông không phải hột xoàn, cũng không phải bằng vàng. Chỉ đơn giản là một cặp bọ cánh cam (tiếng Pháp gọi là Coccinelle), được làm bằng đá turquoise lam thạch và bạc. Tôi mua lúc còn đi học. Lúc đó Châu Âu chưa đổi tiền, nước Pháp vẫn còn dùng tiền Quan (Franc). Tôi đã mua nó khoảng ba mươi Quan ở tiệm Natures et Découvertes.

Tôi không mấy thích đá quý như hột xoàn hay những loại mắc tiền tương tự. Những loại này thường làm người ta điên đảo đảo điên. Khi không đang tự do, nhận đeo mấy thứ đó vô liền mắc nợ thiệt lâu. Rồi lỡ vì lý do gì đó hết thích hay hết hạp với người trao mấy cái của nợ đó, cũng đâu có giữ lại tụi nó cho đặng. Đùa chút cho vui chứ tôi yêu thích loại đá thiên nhiên bình dị ít tiền hơn. Không phải vì chúng rẻ tiền hơn mà vì ngoài những màu sắc vô cùng phong phú, mỗi loại có tính chất vật lý hóa học khác nhau; chúng đem lại ích lợi tinh thần một cách diệu kỳ.

Tôi thích nhiều loại đá và đặc biệt rất thích lam thạch (Turquoise). Mỗi khi nhìn thấy màu xanh lam của nó, tôi tươi tắn hẵn lên. Tuy kích thước của miếng lam thạch hình bọ cánh cam này chỉ nhỏ cỡ đầu ngón tay út, nhưng màu xanh lam của nó đủ làm khuôn mặt mình tươi sáng lên. Sự vui tươi tự tin đó dường như tự nó mang lại nhiều may mắn và suông sẻ trong việc làm hằng ngày.
Tôi có nhiều bông tai khác nhau và thường thay đổi tùy theo y phục (phụ nữ mà!), nhưng từ khi được biết thêm sự tích của bọ cánh cam ở Châu Âu, tôi đã thích bông tai bọ cánh cam lam thạch này đặc biệt hơn và chỉ đeo nó từ ngày đó.

Trong năm, khi thấy bọ cánh cam xuất hiện là dấu hiệu những ngày tháng lạnh đã đi qua và Xuân đang đến. Ngày nay, khi bọ cánh cam thường được sử dụng như một phương pháp hữu cơ để loại trừ những loại sâu phá hoại cây trái vườn tược thì hàng trăm năm trước, trước khi thuốc trừ sâu ra đời, những người làm nông phải phụ thuộc vào bọ cánh cam để diệt trừ sâu rầy và bảo vệ mùa màng. Dân gian còn nói khi được một con bọ cánh cam đậu lên người là dấu hiệu của sự may mắn.

Vậy rồi có khi nào các bạn đã thắc mắc tại sao chúng có cái tên tiếng Anh thật quý phái dễ thương “bọ Công Nương” (Ladybug)?

* Ladybug

hình minh họa

Theo truyền thống, vào thời Trung cổ, dịch hạch từ côn trùng nhỏ như rệp vừng đã tấn công mùa màng và đe dọa Châu Âu rơi vào nạn đói. Người dân đã cầu nguyện xin Đức Mẹ Maria can thiệp giúp đỡ. Lời cầu nguyện của họ đã được đáp lại khi một đám mây côn trùng nhỏ màu đỏ cam với những lốm đốm đen bay đến và ăn hết sâu bệnh. Đó là những con cánh cam. Để biết ơn, người dân đã đặt cho chúng cái tên danh dự "bọ Đức Mẹ" (Our Lady’s Beetle). Theo thời gian, tên này đã được rút ngắn thành "ladybeetle" hoặc "ladybird", và ở Hoa Kỳ bọ cánh cam đã được gọi ladybug. Từ điển Oxford cũng đã nhắc đến Ladybird và Ladybug lần đầu tiên năm 1674.

Hai mươi lăm qua, mỗi sáng khi tôi đeo đôi bông tai này vào và bắt đầu một ngày mới, tôi luôn tin tưởng có hai vị thiên thần nhỏ cánh cam của Đức Mẹ đồng hành với mình khắp mọi nơi, trong mọi việc làm. Chúng nhìn thấy những chặn đường tôi đã đi qua; chúng trải qua mọi thử thách chung với tôi; chúng giúp tôi thêm vững tin và đi lên phía trước; chúng cùng tôi nhìn lại những thành quả và dặn mình những bài học cần ghi nhận cho tương lai… Chúng lớn lên, trưởng thành và già dặn đi cùng tôi. Chúng trở thành một phần của sự hiện hữu của tôi ở trường thế gian này!

Không dễ để có thể giữ một đồ vật gì đó trong suốt 25 năm nhất là khi chúng nó bé tí ti và mình thì cứ liên tục đi từ chỗ này sang nơi khác. Không phải vì em ấy chỉ tương đương mấy chục quan nên tôi không nên cảm thấy mất mát. Những gì chúng tôi đồng hành với nhau bao nhiêu tháng năm qua không thể đánh giá bằng tiền hay so sánh với hột xoàn. Hôm nay, tôi như thể thất lạc một phần quan trọng thiêng liêng của mình, một đứa em tinh thần của mình. Không biết em nó đang lăn lóc ở góc nào, có bị đất cát bụi đường hay giày dép ai giẫm đạp lên không. Em nó chắc chắn không muốn bị ở đó một mình, nhưng em nó không thể tự về lại nhà… Nghĩ đến đó tôi không thể chịu nổi!

Đang tìm trong sỏi cát trong nước


* Cầu Nguyện

Trên phần đường đi còn lại và cả buổi tối khi về nhà, tôi mở máy phone thụt lùi lại thời gian, và xem lại từng hình chụp buổi chiều hôm đó. Tôi mường tượng lại những nơi mình đã đứng, đã ngồi, đã đi qua,… Cố gắng giới hạn từ lúc nào chỉ còn lại một bên bông tai để từ đó truy ra vị trí đã bị rớt chiếc bông tai. Kết quả cho thấy em ấy đã cất cánh bay… trong lúc tôi ở dưới nước. Rớt ở đâu trong nước thì có lẽ chỉ có Trời mới biết được vì tôi đã đi lung tung và nhảy lội khắp nơi với Khánh An. Tôi cũng có trợt chân té khi đứng lên một miếng đá lớn khi đứng lên nó chụp hình.

Gia đình tôi lần đầu tiên biết chuyện xuất xứ của đôi bông tai. Ai cũng ngạc nhiên khi biết tôi đã giữ được nó hơn hai lăm năm qua. Khánh An cứ xít xoa lấy làm tiếc vì đã kêu nài tôi xuống nước chơi; nếu không chắc tôi đã không bị rớt bông tai trong nước. Tôi không muốn Khánh An buồn nên an ủi Khánh An, mà cũng là động viên cho chính mình, “Cái này như là tai nạn, mình đâu có muốn đâu con. Nhưng má Hai tin chiếc bông tai đó sẽ nghe mình nếu mình nói chuyện với nó, Mình cũng sẽ cầu nguyện và má Hai tin má Hai sẽ tìm lại được.” Khánh An mạnh mẽ trả lời, “An cũng cầu nguyện với má Hai và An cũng tin má Hai sẽ tìm lại được.”

Một đêm khó ngủ trôi qua, một ngày khác trôi qua, một tuần trôi qua… và đáng lẽ cuối tuần đó tôi trở lại ngay Deep Creek Lake State Park để thử tìm, nhưng lại là sinh nhật của tôi và của Khánh An, nguyên cuối tuần bận rộn nên không đi được. Mấy ngày qua trời cũng mưa gió bão bùng. Không biết mọi thứ bị ngập lụt, dời đổi, cuốn trôi ra sao.

Thật ra, tôi cũng đã từng thử tìm mua lại một hai đôi nữa đề phòng trường hợp bị thất lạc. Mỗi lần có dịp về Pháp, tôi luôn trở lại tiệm Natures et Découvertes và hỏi thăm. Cũng lạ là họ không bao giờ có lại mẫu đôi bông cánh cam lam thạch đó. Tôi cũng đã thử tìm trên cả internet. Có rất nhiều bông tai ladybug màu đỏ, màu cam, bằng vàng, bằng bạc, đủ loại nhưng cũng vẫn không bao giờ thấy một đôi lam thạch ladybug tương tự. Có vẻ hai em ladybug lam thạch tôi có hoặc là độc nhất vô nhị, còn không thì chắc cũng rất ít. Vì vậy mà từ đó tôi đã luôn giữ chúng rất rất kỹ và cũng vẫn chỉ đeo chúng nó đi khắp nơi, không mang những bông tai khác.

Cũng may là tôi ít khi đánh mất cái gì. Có những lúc tôi đã để quên hay làm rớt gì đó và tôi luôn tìm lại được. Một lần hy hữu tương tự là khi cái lắc bằng đá Malachite của tôi bị mẻ một miếng khi tôi đang ở nhà. Đá malachite là đá lông công hay còn gọi là khổng tước thạch. Miếng đá cũng nhỏ tí như đầu ngón út. Tôi phát hiện một miếng bị mẻ sau khi xong việc dọn dẹp trong bếp. Nhà không lớn lắm nhưng cũng không quá nhỏ, từ phòng này sang phòng kia, vô ra bếp không biết bao nhiêu lần làm việc, rửa dọn, nấu nướng. Miếng mẻ malachite đó có thể rớt và nằm ở bất cứ góc kẹt nào trong nhà và trời cũng đã tối. Ngay tức khắc, tôi buông miệng cầu nguyện xin tìm lại được. Tôi cũng nói chuyện với miếng đá mẻ đó, không muốn nó bị lạc lõng nằm đâu đó một mình và mong nó giúp tôi tìm ra. Sau khi đi lanh quanh trong nhà nhìn nơi này, tìm nơi kia, tôi ngồi xuống ghế salon để nghỉ một chút. Khi vừa đặt tay xuống ghế thì liền chạm vô miếng mẻ malachite, cứ y như có một thiên thần đã đi tìm giúp mình và để nó ngay chỗ mình có thể chạm vào.

Có những điều thế gian không thể hiểu. Có những điều thế gian không thể giải thích!

Lần này dĩ nhiên tôi cũng đã cầu nguyện rất nhiều, nhưng vẫn lo ngại khó tìm lại được. Xác suất tìm được lại em nó chỉ một phần tỷ tỷ như tìm kim đáy biển. Có những lúc không dám nuôi nhiều hy vọng, ý nghĩ tìm một đôi khác thay thế đã len lõi vào tâm tư tôi. Song, ngay tức khắc tôi không cho phép mình được suy nghĩ như vậy. Lạ lắm, không phải chỉ với đồ vật mà với con người cũng vậy thôi. Khi mình luôn nâng niu trân quý cái gì đó nhất thì mình sẽ luôn có/còn nó. Nhưng một khi không còn cảm thấy quý một cái gì đó nữa và có ý nghĩ muốn có cái khác để thay thế thì luật loại trừ sẽ tự động khiến những gì mình không còn quý nữa biến mất.

Nghĩ đến đó tôi sợ không tìm lại được chiếc cánh cam thất lạc, liền gạt bỏ ý nghĩ mua một đôi tương tự… Tôi chỉ nhất tâm nhất quyết cầu nguyện và xin tìm lại được!

* Trở Lại...

Đã tìm đươc...

Một tuần sau sinh nhật của tôi là sinh nhật tía tôi. Sau khi cơm nước chuyện trò với gia đình và trao đổi quà cáp xong xuôi, tôi rủ anh hai lặng lẽ trở lại Deep Creek State Park. Trên đường đi hai anh em liên tục cầu nguyện… Sau hai tiếng lái xe, khoảng bốn giờ rưỡi chiều chúng tôi đến nơi.

Mấy hôm nay mưa bão liên tục. Nước đã dâng tràn lên cao và cũng đã rút. Tôi trở lại bàn đã ngồi hai tuần trước. Rồi từ đó định hướng đi ra bờ nước. Khi ở nhà mường tượng cảnh nơi đây, mọi thứ có vẻ nhỏ hơn thật nhiều. Đến nơi, đứng đây giữa đất trời, cảnh vật nhân lên quá lớn, nước trời mênh mông. Không biết ngừng lại nơi đâu, bắt đầu tìm ở li tấc nào.

Những viên sỏi nhỏ như được sàn lại sau các gợn sóng nổi lên trên bề mặt của cát. Tôi đã mong chiếc bông tai trôi lên bờ cát và nằm lẫn với sỏi đá trong khoảng mấy chục thước lui tới của tôi hai tuần trước. Hai anh em tôi chia khoảnh ra tìm trong từng bước đi. Vừa tìm tôi vừa cầu nguyện. Tôi cầu xin với Đức Mẹ, với Phật, với tất cả các vị bồ tát. Tôi nói với chiếc đôi bông còn lại, "Hãy gọi em đi, hãy nói với em giúp mình tìm lại được em, mang lại em về nhà..."

Sau ba mươi phút, những người vui chơi ở bờ nước lần lượt ra về. Chỉ còn lại một cặp vợ chồng trẻ chơi banh gần chỗ chúng tôi. Họ có vẻ để ý việc chúng tôi đi lòng va lòng vòng, lui cui tìm kiếm gì đó trong sỏi cát hơn nửa giờ qua. Chúng tôi vẫn chưa thấy có màu xanh lam xen kẽ trong sỏi cát.

Tôi như trở lại với thực tại và không còn dám mong nghĩ mình sẽ tìm lại được chiếc bông tai bị rơi hai tuần trước. Trong đầu tôi bỗng trỗi lên bao suy nghĩ “nếu mình không tìm lại được em nó thì sao? nếu mình không bao giờ được nhìn lại nó nữa thì sao? nếu mình thật sự mất nó thì sao?...”

Cơn dịch sâu bệnh mấy trăm năm trước mà ladybug đã bay đến giúp ăn sâu bệnh làm tôi liên tưởng đến đại dịch Covid-19 hiện tại. Quả thật, trong gần hai năm qua khi đại dịch Covid-19 hoành hành thế gian đã có quá nhiều mất mát và hàng trăm hàng triệu những sự ra đi đột ngột không ai kịp chuẩn bị. Nếu lỡ ngày mai chúng ta mất đi một cái gì đó hoặc mất một ai đó vô cùng quý giá không gì ở thế gian có thể thay thế thì sao? Ai trong chúng ta sống hôm nay và có chuẩn bị hôm nay là ngày cuối? Chỉ một chiếc bông tai mà tôi còn chưa sẵn sàng để cho nó dễ dàng “ra đi”!

Có những dịch bệnh có thể nhìn thấy. Cũng có những loại dịch bệnh không thể nhìn thấy; chúng ở trong tư tưởng, trong tâm linh,…

Trong “Hiệu Lực Cầu Nguyện”, thiền sư Thích Nhất Hạnh có giảng về y khoa cộng nghiệp. Chúng ta đã tìm thấy rằng có những yếu tố chữa trị ngoài sắc và ngoài danh, tức là ngoài cả thân lẫn tâm. Bệnh tật của chúng ta có thể đến từ một nguyên do không phải từ tâm hay từ thân của chúng ta. Ảnh hưởng đó có thể đến từ rất xa chúng ta, trong không gian cũng như trong thời gian. Tới từ trong không gian ví dụ người thương của chúng ta ở quê nhà không có hạnh phúc thì ở đây chúng ta bệnh; hoặc là người ta thử bom nguyên tử ở đại dương Châu thì bên này chúng ta cũng vì việc thử bom nguyên tử đó mà bị bệnh. Ảnh hưởng đó cũng có thể đến từ trong thời gian, ví dụ hôm nay chúng ta bệnh thì có thể hai mươi đời về trước, tổ tiên chúng ta đã làm một điều không lành. Hoàn cảnh, thời gian và không gian có ảnh hưởng đến ta như vậy.

Những nguyên do của bệnh là ở trong tâm, trong thân, và chúng còn ở trong một môi trường lớn lao hơn đó là môi trường của tâm thức cộng đồng. Khi tâm thức cộng đồng bệnh, chúng ta sẽ bệnh theo. Mà tâm thức cộng đồng xã hội ngày nay đang bệnh lắm. Chỉ cần nhìn, chỉ cần nghe, chỉ cần tiếp xúc với một số người là chúng ta bệnh. Vì vậy chúng ta phải biết phòng hộ và chuyển hóa cho chúng ta. Muốn vậy, chúng ta phải tạo ra một tâm thức cộng đồng để bảo vệ chúng ta. Khi chúng ta trở về với chính chúng ta, khi chúng ta có chánh niệm, biết quán chiếu, biết sàn lọc, chọn lựa, chúng ta có thể đóng lại cánh cửa có thể nhận bệnh và mở ra những cánh cửa của tăng thân.

Y khoa cộng nghiệm hay y khoa nhất tâm (medicine of grand mind) là tâm thức cộng đồng, trong đó có tâm thức của các vị bồ tát, của chư bụt, và của chúng ta. Trong nhất tâm có phần chân tâm và phần vọng tâm. Điều gì xảy ra trong không gian và thời gian đều có ảnh hưởng đến cái nhất tâm này. Những cái xảy ra có thể rất xa trong không gian và cũng như thời gian. Cũng giống như sức hút và sự vận chuyển của mặt trăng ảnh hưởng đến thủy triều ở trái đất, dù hai tinh cầu này cách xa nhau rất xa. Sức khỏe của chúng ta cũng vậy. Đừng nói chỉ những người ở gần ta, cả những người ở xa ta ngàn dặm vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.

Trong giai đoạn y khoa cộng nghiệp này, ngoài việc chữa bệnh bằng kiến thức y khoa, với thuốc men và máy móc, còn cần phải cầu nguyện và chữa bằng trái tim. Nhiều bác sĩ thời nay trước khi đến phòng mạch làm việc đã bắt đầu biết ngồi thiền, luyện tập hơi thở, tĩnh tâm, và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Trong tâm mình phải có năng lượng của thương yêu, của cầu nguyện thì sức khỏe cuả người mình thương mới có thể phục hồi được. Khi mình chế tác năng lượng của từ và bi trong tâm mình thì năng lượng đó trước hết là chữa trị cho chính mình, và sau đó là chữa cho người thương của mình. Năng lượng đó nằm trong tâm thức cộng đồng. Trong cái nhất tâm đó có những khối năng lượng rất lớn, nếu chúng ta biết dùng năng lượng của từ quán và bi quán của chúng ta mà xúc cảm…

* Xin Sẽ Được?

Cuối tháng chín, tiết trời và nước không còn ấm như mấy tuần lễ trước. Chân đã lạnh. Tôi rùng mình, rời khỏi nước, đi lên bờ cát, rứt mình ra khỏi những suy nghĩ miên man, giữa chuyện của mấy trăm năm trước và chuyện ngày nay…

Càng suy nghĩ, tôi chỉ càng vững tin vào sức mạnh của sự cầu nguyện. Tôi thì thầm thưa chuyện với Bề Trên:

-- Thưa Phật, thưa Chúa, thưa Đức Mẹ, thưa các thánh, thưa các vị bồ tát… trong không gian, trong nước, trong cát… Con biết gần hai năm qua, chúng con đã ít nhiều học được những bài học mới, nhận ra được giá trị của những điều chúng con lờ mờ không rõ trước kia. Hầu hết chúng con đã cầu nguyện rất nhiều, xin cho con người sớm được chữa lành, hết bệnh tâm, hết bệnh thân. Vắc-xin đã được tìm ra, và rất nhiều chúng con đã được chữa lành… Mấy tuần qua con có xin cả việc tìm được con cánh cam lam thạch của con đi lạc… Con biết lời cầu xin đó lố bịch lắm và chắc Phật, Chúa, Đức Mẹ, các vị bồ tát… đã cười con lắm mấy hôm nay. Nhưng con không ngừng xin xỏ đâu. Con không tìm được thì con sẽ không ra về…

Tôi ngồi suy ngẫm một chút và nghĩ, có thể chiếc bông tai rớt ở miếng đá tôi đã trợt chân té… Tôi lại xuống nước đi tới đi lui và cúi xuống nhìn vào nước. Nước ở vòng quanh miếng đá to đó bỗng dưng trong lên. Một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu, “có thể đó là dấu hiệu” chăng?

Sỏi cát ở xung quanh phiến đá cách mặt nước khoảng hai tấc. Tôi gọi anh Hai đến gần và nhờ anh thử hốt sỏi cát xung quanh phiến đá trút lên miếng đá xem có khi nào tìm lại được con cánh cam của tôi không.

Tay đàn ông của anh da dầy và cứng, chịu lạnh giỏi hơn tay tôi (hihi). Anh thò tay vào nước và cứ hốt sỏi cát thảy lên miếng đá. Phải mà biết, sẽ đem theo cái rổ nhỏ như người ta đi đãi vàng thì chắc sẽ dễ làm hơn. Anh Hai làm vậy khoảng bảy lần thì một miếng bạc hiện ra và đúng là hình dáng phía sau của cánh cam lam thạch.

Tôi nhảy tung mừng rỡ. Hai vợ chồng chơi banh gần đó cũng chạy đến muốn biết câu chuyện mà chắc 45 phút đồng hồ qua họ đã thắc mắc.

Anh hai cầm chiếc bông tai vừa tìm được lên. Chiếc kia nằm trên tai tôi. Hai vợ chồng họ nhìn thấy tôi gỡ chiếc bông trên tai và cho nó “re-unite” tái hợp với chiếc vừa tìm được trong nước.

Chúng tôi thuật lại chuyện, thụt lùi từ hai tuần trước tới giây phút đó… Họ không ngớt kêu “Oh my God, really, oh my God, Thanks God…”

Tôi chưa bao giờ hạnh phúc hơn giây phút đó trong cuộc đời mình… Và dường như tôi cũng vẫn chưa nhận thức ra chuyện gì vừa diễn ra!

Có những điều thế gian không thể hiểu. Có những điều thế gian không thể giải thích!

Con xin cảm ơn Phật, cảm ơn Chúa, cảm ơn Đức Mẹ, cảm ơn tất cả các vị Bồ Tát…
Cầu xin cho tất cả chúng ta sớm được an lành.

Anne Khánh Vân

Tuesday, February 9, 2021

Thiên Lý Tương Ngộ

https://vvnm.vietbao.com/a247535/thien-ly-tuong-ngo

Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tài chính kế toán tại Pháp và Hoa Kỳ, hiện sống và làm việc ở miền Đông Hoa Kỳ. Tham gia VVNM từ những năm đầu của giải thưởng, tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện "Duyên Nợ Với Nước Mỹ".  Đây là bài VVNM mới nhất của cô gửi đến Việt Báo ngày 30 Tết, cùng lời chúc Tết gửi đến các tác giả và độc giả Viết Về Nước Mỹ: “Kính chúc quý cô chú bác anh chị và các bạn thân thương gần xa năm mới Tân Sửu 2021 được nhiều phước đức, an lành, sức khỏe và may mắn.”

* Mới Cũ

Những ngày gần cuối năm, chúng tôi nhận một ngôi nhà “mới” (của mình và “cũ” của người ta) không có đồ đạc và cần sắm sửa một vài thứ căn bản. Đồ mới, đồ đẹp thì ai lại không mê, nhưng ngặt nỗi đâu phải cái gì thích cũng đều có khả năng mua mới.  Quần áo giày dép nào thích có khi còn nán đợi sale giảm giá vài ba lần mới mua, huống hồ những thứ đồ lớn với giá tiền gấp cả trăm lần…Phải thực tế và biết mình hỏng phải “First Daughter” (con gái lớn của tổng thống) mà là con gái lớn của cái anh Hai Lúa nhà kia từng làm việc ở tiệm Thrift Store (tiệm bán đồ của mấy nhà dư giả “biếu”).  

Đã 10h giờ tối, nằm trong túi ngủ (sleeping bag) trải trên sàn nhà (vì chưa có giường), tụi tôi “đi dạo” trên mạng xem có ai trong vùng rao bán gì hấp dẫn không. Có một quảng cáo chỉ vừa mới đăng chừng 5 phút rất ngắn gọn: “Bộ bàn ăn 8 ghế gỗ và da – giá $395, bán bởi chủ nhà”.  

Nhìn hình kèm lời quảng cáo phải nói là có cảm tình liền.  Nguyên bộ bàn nhìn rất chắc và rất đẹp. Có vẻ là đồ “hiệu” thiết kế chứ không phải đồ sản xuất hàng loạt. Da bọc nệm lại còn màu xanh là màu tôi yêu thích. Qua hình thấy còn rất mới. Chúng tôi xem quảng cáo tới lui, vừa thích thú vừa lo ngại có khi nào người chủ nhà có đăng lộn giá (?). Dù không phải hàng mới tinh và dù bộ bàn ghế có làm bằng loại bột gỗ ép chứ không phải gỗ cây đi chăng nữa, giá $395 phải nói là quá thấp cho một bộ bàn ghế như trên hình. Mấy hôm nay chúng tôi có đi dạo quanh những tiệm bán đồ nội thất.  Tùy mới hay đã dùng, tùy kiểu, tùy tên hiệu, tùy kích thước, tùy chất lượng và vật liệu, tùy số lượng ghế đi chung với bàn… giá mỗi bộ bàn ăn bằng gỗ xê dịch từ $500 tới mười mấy hai ba chục ngàn.

Vì đã qua 10 giờ tối nên chúng tôi không gọi điện thoại, cũng không dám nhắn tin ngại điện thoại có thể gây tiếng động sẽ làm phiền.  Sáng sớm hôm sau chúng tôi mau mau gọi điện thoại, tỏ bày đã muốn liên lạc ngay từ tối hôm qua nhưng đợi đến sáng. Chúng tôi khen bộ bàn ghế trông rất đẹp và muốn được xem và mua.  Người phụ nữ như có vẻ im lặng lắng nghe rồi từ tốn trả lời, “Quý vị thật lễ độ và tinh mắt. Đúng là tối qua chúng tôi đã đăng quảng cáo hơi trễ, cứ nghĩ chắc sẽ không ai thấy cho đến trễ hơn hôm nay. Bộ bàn ghế đúng rất tốt và đẹp.”  Bà chủ nhà hỏi chúng tôi có thể nào đến trước 5 giờ chiều cùng ngày không. Chúng tôi mau mắn sắp xếp công việc và theo địa chỉ bà cho, đến ngay sáng hôm đó.

Nhà họ không mấy xa chỗ chúng tôi nhưng thuộc khu có gác cổng. Khi đến cổng phải trình căn cước và cho biết đến nhà địa chỉ nào, chủ nhà tên gì. Người gác cổng đã biết trước tên của chúng tôi.  Mọi thứ phải ăn khớp với lời báo trước của chủ nhà.  Có nghĩa tất cả những ai ra vào khu dân cư này đều được biết trước chứ không có ngạc nhiên; không có chuyện người lạ thình lình gõ cửa.  

Cánh cổng sắt lớn mở ra và chúng tôi chậm rãi lái xe vô trong. Không cần tả chi tiết chắc quý vị vẫn có thể hình dung cảnh nhà cửa và trang hoàng vườn tược từ cổng đi vô từng con đường nhỏ phía trong đẹp và gọn gẽ ra sao.  Trừ Châu Âu, ít thấy nhà mái ngói bên Mỹ.  Ở đây, cảnh nhà mái ngói bên các hồ nước với nhiều cây cổ thụ trông rất lạ và đẹp mắt.  Nhà nào dường như cũng nhìn ra bờ hồ. Tôi đã từng mơ có một ngôi nhà bên bờ hồ để tha hồ thả hồn rong chơi với thiên nhiên và sáng chiều viết lách (… khi về hưu, vì bây giờ sáng chiều vẫn còn phải đi làm, hihi). Cảnh đẹp với toàn “dream house” này làm chúng tôi (nhất là tôi) quên mất mình đang đi xem mua một bộ bàn ghế cho một ngồi nhà còn đang trống không!

Đến nơi, người phụ nữ ngoài 50 tuổi đi ra lịch sự chào đón chúng tôi.  Bước vào nhà họ, tôi không khỏi trầm trồ bởi những đồ trang trí mắc tiền.  Nào là đàn piano, nào là tranh và bao nhiêu là tủ bàn ghế thuộc loại thiết kế đặc biệt. Nhìn xuyên qua bức tường kiếng phía sau phòng khách là hồ nước và cây cối… Mọi thứ đẹp một cách lạ thường. Bà đưa chúng tôi đi qua phòng ăn gia đình và bộ bàn trên hình quảng cáo tối qua hiện ra ở trước mắt.  Nó lớn hơn là chúng tôi đã hình dung. Phải công nhận bộ bàn ghế thật đẹp và gần như mới.  Bàn ăn trong phòng ăn gia đình có lẽ luôn là món đồ nội thất ở tình trạng mới nhất trong nhà.  Dường như nó nhằm để trưng hơn là để dùng. Vì ăn uống hàng ngày thường diễn ra tại bàn ăn trong nhà bếp; bàn ăn gia đình trong dinning room thường chỉ dùng khi có khách hoặc cho những ngày lễ đặc biệt.  

Tôi nghĩ thầm bộ bàn ghế này ít nhất phải chục ngàn, cớ sao họ lại đăng bán chỉ $395?  Mà tại sao lại phải bán?  Chắc chắn không phải vì cần tiền mà bán. Họ cũng không có vẻ dọn nhà và không chở đi được. Một cảm giác bình an toát ra từ ngôi nhà và người chủ nhà.  Tối qua tôi có thấy vui trong lòng khi tìm được một bộ bàn ghế đẹp với giá gần như chỉ tượng trưng. Nhưng giờ đây khi đứng trước khung cảnh này, trong nhà một gia đình người Mỹ khá giả và xa lạ, tôi trở nên vô cùng thắc mắc tại sao những chuyện này đang diễn ra và tại sao bộ bàn ghế đang thật đẹp và ăn khớp với mọi trang hoàng trong nhà lại tự nhiên phải đi nơi khác (?)!

Nếu là người Việt với nhau thì chắc chúng tôi đã mạnh miệng hỏi thêm… một lô câu hỏi.. . ủa cái này… ủa cái kia… (hihi). Với người Mỹ thì mình phải giữ kẽ một chút, không dám quá thân thiện và hỏi những điều có thể hơi cá nhân và gây khó trả lời.  Thế nên chúng tôi chỉ khen nhà bà, khu nhà bà ở và nói chuyện xã giao rằng chúng tôi cũng vừa mới đến vùng này và nhận thấy mọi người nơi đây thật hiền hòa thân thiện; các sinh hoạt cũng đỡ bận rộn hơn nhiều so với vùng Thủ Đô ở phía bắc.  Chúng tôi không dám hỏi chi tiết về bộ bàn ghế.  Chẳng lẽ lại đi hỏi “Ủa sao bộ bàn ghế của bà đẹp vậy mà bà lại đi bán mà còn bán rẻ như thế?”  Mau mau xin phép đem về đi chứ còn hỏi tới hỏi lui cái gì nữa.  Nói đùa chút thôi chứ chúng tôi cũng có hơi ngại không chắc giá đăng là đúng $395.  Chắc họ phải đăng thiếu ít nhất một con số không ở đằng sau (?!).  Chúng tôi chưa kịp nói tới chuyện giá cả thì bà bắt đầu chuyện trò.

Bà cảm ơn chúng tôi đã mau mắn sắp xếp đến trước 5 giờ và giải thích, “Chúng tôi không có ý hối thúc quý vị đến gấp nhưng vì chiều nay chúng tôi phải ra sân bay.”

“Ô, chắc ông bà đi xa nghỉ lễ cuối năm?” Chúng tôi bắt đầu đối thoại qua lại thật vui vẻ.

“Không, chúng tôi không đi xa nghỉ lễ mà là đón người từ xa đến mừng lễ với chúng tôi.”

“Chắc các con ông bà được nghỉ lễ về nhà ha?”

“Đúng là các con, nhưng chúng không trở về mà là mới đến…”  Ngộ chưa, các con… mà lại không phải trở về (come back) mà là mới đến (newly come)… Bà nói tiếp,

“Chúng tôi vừa nhận ba đứa con mới, 3, 5 và 6 tuổi. Có lẽ chúng đến cùng xứ sở với quý vị… Chúng sẽ đến Mỹ và về nhà chiều nay…” Nghe đến đó, chúng tôi mở tròn mắt và nói, “Ôi chao, thật vậy sao, bà xin một lúc những ba đứa con nhỏ về nuôi?  

Bà như hiểu ý chúng tôi e ngại cho sự vất vả không chăm nổi, liền tiếp tục, “Vợ chồng tôi cũng có ba đứa con sinh ba. Ba cô nàng nay đã lớn và vào đại học. Chúng tôi đã quen cảnh chăm cho ba đứa con cùng một lúc ra sao.”

“Ôi! Tuyệt vời chưa.  Vậy chúng có đến từ Việt Nam không? Chúng tôi là người Việt Nam.”

“À... vậy thì chúng chỉ ở gần đất nước nguyên thủy của quý vị thôi.  Chúng đến từ Indonesia.”

Ôi chao ơi, phải nói là chúng tôi vô cùng bất ngờ.  Không thể tưởng có thể có người xin một lúc ba đứa bé nhỏ về nuôi, lại còn ngay trong mùa dịch, khó khăn biết bao để ra vào nước Mỹ. Chúng tôi vẫn chưa liên hệ được chuyện ba đứa bé và bộ bàn thì bà nói tiếp, “Nếu không có dịch Covid thì chúng tôi đã sang Indonesia để đón chúng về. May thay có dịch vụ có thể đưa ba đứa bé sang dùm.  Ba đứa bé này đang rất cần giúp đỡ nên chúng tôi đã quyết định không chờ hết mùa dịch hay chờ lâu thêm để thực hiện. Chúng tôi đã sắp xếp mọi thứ sẵn sàng cho ba bé về ở nhưng còn thiếu chỗ để bàn học và để dạy cho cả ba cùng lúc nên đã quyết định xin phép bộ bàn này nhường chỗ cho các bạn nhỏ của chúng ta có chỗ ngồi học…”  

À, thì ra là vậy!  

Chúng tôi cứ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nuôi một đứa con đã mệt, sanh đôi càng cực hơn, họ có tới sanh ba. Cứ tưởng những người cha mẹ này sẽ phải mừng lắm khi ba cái “của nợ” (như người Việt Nam mình hay đùa nói) đã lớn vì sẽ được nghỉ ngơi và hưởng thụ, không còn phải bận rộn, mệt nhọc… Đằng này họ lại đi rinh về ba đứa nhỏ khác để tiếp tục nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương...  Đó là chưa kể bao nhiêu là thời gian phải cho đi và những tốn kém vật chất.

Bà kể tiếp, “Lúc vợ chồng tôi dọn về đây, chồng tôi đã đặt với hãng Biedermeier tái tạo một bộ bàn ghế vừa với kích thước phòng cơm gia đình nhà và màu da ghế cũng hạp với màu tranh và sơn tường. Hy vọng nó cũng sẽ hạp với nhà của quý vị.”  

Tôi để ý lắng nghe từng lời bà nói nhưng không nghe bà kể chồng bà đã trả bao nhiêu tiền khi đặt bộ bàn ghế.  Có lẽ bà tế nhị, nhưng tôi hơi ngại, lỡ bà đăng lộn giá thì… không biết làm sao luôn á vì chúng tôi chỉ có trong túi vừa đủ số tiền đăng trên quảng cáo.  Chúng tôi tìm cách đặt câu hỏi để nghe bà xác nhận lại giá trước khi rinh bộ bàn đi. Chứ còn hấp tấp rinh ra, đến khi trả tiền không có đủ thì lại rinh vô… sẽ hơi kỳ à nha. “Có phải bà đăng bán $375 không, thưa bà?” Chúng tôi giả bộ hỏi.  Bà ngừng lại như mườn tượng cái quảng cáo. Bà bình thản trả lời, “Ô, thật vậy sao? Tôi nhớ đã đăng $395 mà.  Để tôi xem lại xem.”  

Chúng tôi cười lại với bà và trả lời rằng chúng tôi chỉ đùa để nghe bà xác nhận giá. Chúng tôi cũng thú nhận khi nhìn thấy bộ bàn ghế thì đã nghĩ chắc bà đã đăng nhầm giá rồi.  Bà trả lời, “Không, vợ chồng tôi quyết định chỉ bán $395 thôi. Chúng tôi cũng mong bộ bàn ghế này sẽ được về căn nhà nào nó có duyên. Về phần chúng tôi thì một khi các bé về đến nhà thì chúng tôi sẽ bận rộn, vì vậy chúng tôi đã suy nghĩ và quyết định đưa bộ bàn đi trước khi rước các cháu về. Và chỉ muốn đổi lấy vừa đủ số tiền mua mấy bàn học cho ba đứa bé.  Quý vị đã đến đúng thời điểm cần thiết.  Nếu quý vị thích bộ bàn và nó hạp với nhà của quý vị thì đây đúng là một trao đổi công bằng và hoàn hảo.”  

Bà ấy thật vui. Chúng tôi cũng thật vui và không thể ngờ những gì bà vừa nói. Tôi nghe rành rành mọi thứ mà vẫn chưa tin vào sự thật.  Tôi không biết nó công bằng ở chỗ nào trong đầu bà, nhưng với tôi, rõ ràng sự trao đổi này không thể nào so sánh với một mua bán bình thường cho được.  

* Cuộc hành trình đi “mua” bộ bàn ghế của chúng tôi càng lúc càng lý thú…

Chúng tôi đưa cho bà bốn tờ $100 đô. Bà cầm lấy và nói, “Ngay bây giờ tôi không có tờ $5 để thối, chút nữa tôi sẽ thối lại sau nhe. Bây giờ mình thử ra xe đo xem.”  Bà đem ra cái thước đo và vừa đi ra xe chúng tôi vừa chuyện trò, “Trước kia vợ chồng tôi cũng có chiếc xe như của hai vị để chở ba đứa nhỏ đi học, và nhất là mỗi lúc chúng đi chơi bóng và đi chung với các bạn học, chở dùm thêm mấy đứa, nên phải luôn có xe lớn.  Nhưng tôi e rằng xe sẽ không đủ chỗ cho cả bộ bàn.  Chắc phải đi hai lần.”  Quả thật! Diện tích mặt bàn hơi lớn. Nhiều lắm là chỉ chở được tám cái ghế nếu sắp xếp giỏi.  Khi chúng tôi bắt đầu khiêng các ghế đi ra thì bà điện thoại nói chuyện với ai đó.  Nãy giờ không thấy chồng bà dù bà hay nhắc ông.

​Khi chúng tôi đang sắp xếp ghế vô xe thì một người đàn ông Mỹ lớn tuổi hơn đi về. Chúng tôi nhìn thấy ông mà lòng hơi lo lo.  Có khi nào ông về và ngăn cản chuyện mua bán không? “…ủa, ai cho bà bán đồ khi tôi đi vắng? Mà bán bao nhiêu? $395? Bộ điên sao? $395 không đủ cả tiền chở…”  Khi trong đầu chúng tôi hiện lên bao nhiêu là câu hỏi thì người đàn ông tiến về phía chúng tôi, tự giới thiệu là người chồng và chào chúng tôi.  Ông lấy trong bóp ra và đưa cho bà chủ nhà tờ tiền $5 đô.

Chúng tôi có nói với bà rằng bà không cần phải thối $5 đô. Ấy vậy mà bà vẫn nói chuyện với chồng bà đang đi đâu đó và chắc đã nhờ ông ghé qua đổi tiền trước khi về nhà. Tôi càng lúc càng khâm phục hai vợ chồng người Mỹ này.  Họ thật rõ ràng và tự trọng.  Họ không “xin” $5 đô kia vì họ đã quyết định bán đúng $395.

Trong khi chồng bà ra vô phụ chúng tôi mang những ghế còn lại ra xe thì bà đi vô và mang ra một tờ giấy.  Bà mở cho chúng tôi xem và nói, “Kèm với bộ bàn ghế, tôi rất muốn tặng quý vị tờ bill này để làm kỷ niệm vì nó có tóm tắt “khai sinh” của bộ bàn ghế từ năm 1880, nhưng vì tờ bill có nhiều món hàng khác chúng tôi đã đặt làm chung với bộ bàn nên không đưa tờ bill cho quý vị được.  Đây là tên kiểu mẩu của bộ bàn nếu quý vị có nhu cầu mua thêm gì khác cho cùng kiểu. Tôi sẽ gửi thêm một số thông tin cho quý vị sau.”

Ôi chao ơi, tôi vừa nhìn thấy trên tờ bill ghi 8 cái ghế 8 ngàn đô và cái bàn 10 ngàn đô, chưa cộng thuế. Địa chỉ của họ khi đặt làm bộ bàn ghế trước khi về Florida là Holywood. Ngày tháng giao hàng là tháng 12 năm 2018. Có nghĩa bộ bàn về ở nhà họ chỉ vỏn vẹn hai năm.  

Lúc chuyện trò, bà có nhắc cái tên "Biedermeier", nhưng lúc đó tôi mà biết chữ đó viết làm sao thì lăn đùng chết liền.  Nhờ nhìn tờ bill tôi mới biết tên hiệu đó là Biedermeier, và dỉ nhiên nó cũng hoàn toàn xa lạ đối với tôi.  Hihi…  Trong đời tôi, có lẽ tôi chưa bao giờ mua đồ hiệu nào mà nhiều tiền đến như vậy. Dỉ nhiên là trừ cái nhà, cái xe… nhưng mấy thứ đó lớn hơn và được dùng thường xuyên hàng ngày, và cũng có thể trả trong vòng 15 hay 30, hoặc ít nhất là 5 năm lận kia mà. Hihi

*  Chuyển Kiếp…

Chúng tôi chở tám cái ghế về nhà trước, và sau đó thuê xe có thùng rộng, loại xe cho thuê để dọn nhà, và trở lại chở cái bàn đi sau; thong thả xong mọi thứ trước khi ông bà phải đi ra sân bay đón ba người bạn nhỏ mới của họ về nhà.

Bộ bàn ghế đã về nhà chúng tôi.  Nó rất vừa vặn, ăn khớp và đẹp mắt trong dinning room của nhà chúng tôi.  Cứ như nó cũng đã được tái tạo cho nhà của chúng tôi vậy.  Nó đã đi lanh quanh, dạo chơi đông tây nam bắc, ngừng ở mỗi nơi nó được định sẽ ngừng… gần 150 năm trước khi ngừng lại ở nhà của chúng tôi. Chúng tôi cứ càng ngẫm nghĩ thì càng thấy mọi chi tiết thật kỳ diệu.

Tôi chợt nhớ câu nói của nhà bác học Albert Einstein:

“Chúng ta có thể sống và không nhìn thấy có gì là phép lạ, hoặc nhìn thấy tất cả mọi thứ đều là phép lạ.”  (“You can move through life seeing nothing as a miracle, or seeing everything as a miracle.”)

Chuỗi của những sự nhiệm màu (hay kỳ diệu hay phép lạ) đã và đang tiếp tục diễn ra khiến chúng tôi muốn thụt lùi về từ đầu và tìm hiểu biết thêm về gốc tích của bộ bàn ghế đặc biệt này.

Nhà thiết kế Biedermeier ở miền Nam nước Đức. Những cây gỗ ở rừng Black Forest đã được nhà thiết kế Biedermeier chuyển kiếp trở thành những bộ bàn ghế cho những nhà quý tộc bắt đầu từ những năm 1815.

Riêng bộ bàn ghế này thì ra đời năm 1880. Sau đó một nhà tỷ phú nào đó ở khu Thousand Oaks ở California đã mua bộ bàn ghế này vào những năm đầu 1900… Qua nhiều lần chuyển kiếp và tái sinh, bộ bàn đến với gia đình ông bà người Mỹ này năm 2018. Và đúng vào chiều ngày Giáng Sinh, nó đến nhà chúng tôi…

Mỗi vật hay mỗi cá thể trong cuộc đời này luân chuyển và trải qua nhiều kiếp khác nhau. Qua những lần đổi kiếp như vậy đều có giá trị riêng của nó trong quan hệ và hoàn cảnh của kiếp sống đó.


* Tái Sinh…

Từ tháng ba năm 2020, khi mùa dịch bắt đầu, như phần đông chúng ta khắp nơi, tôi cũng làm việc từ xa, không cần lui tới văn phòng hàng ngày như thường lệ.  Lịch sử nhân loại đã chứng minh, khi văn minh và sự tham lam, kiêu ngạo của loài người đến một đỉnh điểm nào đó, theo quy luật, sẽ có những sự kiện tai ương xảy ra để nó sẽ phải ngừng lại, đi chậm lại.  Trong suốt bốn năm qua, có những lúc tình hình thời sự làm chúng ta đã phải xin phép Phật Chúa cho nghỉ tu năm phút...  Rồi từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trong những mất mát, như nhiều thứ khác, nhiều giá trị tốt xấu thật hư hiện lên.  Dường như con người có dịp sống chậm lại, biết thận trọng hơn, biết quán chiếu và chánh niệm từng cử chỉ, hành động, lời nói và việc làm hơn…

Trong gần hai tháng qua, khi biến thể của Covid-19 xuất hiện, nhiều người ra đi hơn. Trong số những người thân quen bạn bè gần xa của gia đình tôi, cũng có một vài người đột ngột ra đi… Hằng ngày tôi thường nhắc nhớ chính mình: Thời buổi dịch bệnh này, ai còn được mạnh khỏe, có cơm ăn áo mặc, có mái che nắng gió tuyết sương... là một Diễm Phúc và mỗi giây phút chúng ta được hiện hữu là một Phép Lạ (miracle). Chúng ta hãy học biết khiêm nhường. Đổi cách suy nghĩ và thói quen hay đòi hỏi (expectation) thành biết trân quý (appreciation), biết trân quý từng thứ nhỏ được có và sống bớt vật chất, bớt tham lam, bớt hơn thua… Không ngừng cảm tạ Bề Trên mỗi giây phút cho tất cả những gì chúng ta được nhận.  Tập sống yêu thương tha thứ như hôm nay là ngày cuối. Vì không biết khi nào giờ của mình đến và mình sẽ phải ra đi bỏ lại mọi thứ sau lưng…

Bộ bàn ghế đã về nhà chúng tôi được sáu tuần nay.  Mỗi lần đi qua nhìn bộ bàn, tôi không thể nào ngưng nghĩ về vô vàn điều kỳ diệu bên trong. Tôi đã ngồi xuống, và quyết định khai bút viết mở hàng một bài viết, nói về câu chuyện của chính nó, về những mầu nhiệm chúng ta được lãnh nhận mỗi giây phút.

Một câu hỏi đến trong đầu, rồi lại câu thứ hai…

Ai trong chúng ta sẽ mạnh dạn cho (gần như) không một bộ bàn ghế giá trị hai chục ngàn đô? Chúng ta có sẽ tiếc không?  Có nhiều cách để chúng ta có thể đổi nó lấy vài ngàn dễ dàng, chứ không phải chỉ $395.  Nhưng chắc chúng ta quên, khi đến giờ chúng ta phải ra đi, chúng ta sẽ phải bỏ lại mọi thứ, không chỉ bàn ghế, nhà cửa, công danh, sự nghiệp, người thân gia đình… và quan trọng hơn hết là mạng sống không thể mua hay đổi được bằng tiền.

Ai trong chúng ta, nếu có khả năng tài chính, thời gian, và sức khỏe… sẽ muốn xin ba đứa con nuôi về nuôi cùng một lúc.  À mà ba đứa cùng lúc có thể hơi nhiều, thôi thì hai đứa thôi vậy?  Hay là chỉ tập tành xin một đứa thử xem sao?  Còn không thì chúng ta có thể bảo trợ một gia đình nghèo khó nào đó ở một đất nước nào đó và giúp đỡ họ khi chúng ta có thể, chứ không cần phải chính thức nhận nuôi ai thường trực tại nhà.

Hai vợ chồng ông bà người Mỹ xa lạ kia quả thật không coi trọng vật chất.  Như họ đã nói khi chuyện trò với chúng tôi, “Chúng tôi đã luôn nhận được rất nhiều ơn phước.  Chúng tôi có bổn phận chia sẻ chúng với những người cần và chúng tôi rất hạnh phúc khi có thể làm những gì có thể.”

Họ đã chứng tỏ điều đó khi “1 bán 99 cho” chúng tôi bộ bàn ghế thật đẹp kia.

Họ đã chứng tỏ điều đó khi xin cùng một lúc ba đứa con khác giòng máu khác màu da về nuôi khi ba đứa con ruột của họ đã lớn… và ngay trong mùa dịch khi mọi thứ phải ngừng lại… Có vẻ không có gì có thể ngừng lòng bác ái nhân từ của gia đình họ.

Họ cứ vẫn tiếp tục gieo những hạt giống phước đức dù chưa hẵn khi họ làm những gì họ làm họ đã làm với mục đích tích lũy phước đức cho chính họ… Và có lẽ nhờ vậy mà phước đức của họ càng lớn hơn.

Khi con người ác độc, tham lam, dối trá… chúng lây lan như dịch bệnh.  Khi chúng ta thanh thản, nhẹ nhàng, bình an, và hạnh phúc, chúng ta sẽ toát ra sự bình an và hạnh phúc. Chính lúc đó, chúng ta đang tích lũy phước đức, và cho dù chúng ta không cố gắng, không ráng sức, không nổ lực làm cho những người chung quanh, ông bà, cha mẹ, con cháu mình hạnh phúc, nhưng chính thái độ ung dung đó, an nhàn đó đã khiến họ thấy bình an và hạnh phúc khi sống bên cạnh chúng ta.  Cứ như thế mọi người bình an, thế giới bình an.

Lời Phật nói: Tái sinh là một quá trình xảy ra trong từng giây từng phút. Chúng ta chết đi và sinh ra trở lại trong từng phúc từng giây. Có thể chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã già nhưng chúng ta còn rất trẻ, vì chúng ta luôn vừa được sinh ra.  Có ai trong chúng ta tìm lại được chúng ta 5 phút về trước không? Chúng ta luôn luôn mới, chúng ta luôn luôn được sinh ra.  ​

Ai trong chúng ta cũng có lúc lạc khỏi chính mình, và cùng lúc cũng rất thường xuyên, chúng ta lại nhận những cái rất lạ trở thành mình…

Bộ bàn ghế chúng tôi vừa nhận được, có người sẽ cho là cũ, nhưng nó lại hoàn toàn mới với chúng tôi, vì vừa tái sinh trong nhà chúng tôi. Tái sinh trong mắt của chúng tôi, hòa chung nhịp đập và hơi thở hàng ngày của chúng tôi.

Trong suy nghĩ này, những bạn hữu người thân đã ra đi của chúng ta, họ không ra đi, không biến mất, không mất. Họ đã tái sinh trong chúng ta qua những kỷ niệm có với chúng ta, qua những thói quen tốt mà chúng ta học được, qua tình thương yêu mà họ đã để lại cho chúng ta.

Món quà chúng tôi được nhận từ gia đình ông bà Mỹ này không phải chỉ bộ bàn ghế giá trị gần hai chục ngàn đô. Đó là hữu vi.  Món quà lớn hơn vô giá đó là cách sống và cách chia sẻ và tích lũy phước đức. Những giá trị vô hình đó đã “tái sinh” trong chúng tôi…

Anne Khánh Vân

Feb 9, 2021

https://vvnm.vietbao.com/a247535/thien-ly-tuong-ngo