Wednesday, November 30, 2005

Chiếc Lá Cuối Cùng

Anne Khánh Vân


Sức mạnh tinh thần - Sức mạnh tình yêu
*
Tình yêu... có khả năng làm cho con người ta sống lại, nó mang lại cho họ sự ấm áp và niềm hạnh phúc; họ cảm thấy vui sống và cảm thấy mãi luôn tươi trẻ dù thời gian có trôi qua,...

Nàng vẫn nằm đấy - trên chiếc giường đơn; vẫn trước khung cửa sổ ấy, nhìn sang bên kia vườn; vẫn còn một chiếc lá, chiếc lá cuối cùng…

Nàng đã yếu dần từ nhiều tuần qua. Nàng chỉ còn đủ sức trở mình khi cần chứ không thể tự ngồi dậy nếu không có người đỡ. Mùa Thu đã đến và cũng đã sắp qua đi. Lá cây vàng rực của vài tuần trước đang thưa dần vì những cơn gió lạnh buốt thổi xuống từ phía Tây Bắc. Lò sưởi trong gian phòng nhỏ của nàng, lửa vẫn bập bùng cháy từ ngày này sang ngày nọ nhưng hơi ấm của nó dường như vẫn không đủ sức bảo vệ lồng phổi của nàng khỏi cái lạnh đang tấn công. Bác sĩ cho biết phổi của nàng đã rất yếu, nó như chẳng còn muốn hoạt động và có thể ngưng bất cứ lúc nào; nàng khó có thể qua được mùa đông năm nay. Từ hơn sáu tháng qua, bác sĩ đã cố gắng chữa trị cho nàng nhưng nàng vẫn chỉ mỗi ngày một xanh xao, gầy yếu, không hy vọng.

- Hôm nay bên ngoài nắng tốt lắm, em có nhìn thấy không? Em có muốn ra ngoài đi dạo cùng anh không?

Nàng khẻ mỉm cười và lắc đầu vì không thể dù rất muốn. Nàng luôn vui hẳn lên mỗi khi có chàng đến thăm. Họ đã bắt đầu kết bạn với nhau từ ngày nàng vào Đại Học Mỹ Thuật Ontario. Chàng là một giáo sư hội họa trẻ tuổi. Những ngày đầu tiên khi họ mới quen nhau, chàng đã nhiều lần nói, “Em đẹp hiền diệu như mùa thu của Canada vậy, càng nhìn thì chỉ càng muốn yêu… mùa thu hơn… nhưng trong đôi mắt em luôn ẩn chứa một chút nỗi buồn của những ngày cuối thu. Đó là điều gì vậy?” Câu hỏi ấy chưa bao giờ được nàng trả lời. Có lẽ chính nàng cũng không rõ ý nghĩa của nỗi buồn ẩn chứa trong đôi mắt mình để trả lời câu hỏi. Chàng đã chỉ tiếp tục nhìn sâu vào đôi mắt ấy và nói: "Anh sẽ dần khám phá ra nó và sẽ nói cho em nghe nhé.


Những mùa học sau họ đã bắt đầu yêu nhau. Họ rất yêu mùa thu. Mỗi lần thu đến, cứ sau những giờ học, họ thường đi vào những cánh rừng ở ngoại ô Ontario để ngắm cảnh, vẻ tranh, chụp hình.

- Ngoài ngắm cảnh mùa thu, em còn thích ngắm gì khác?

- Em yêu thích ngắm lửa, bởi lửa vừa làm cho người ta e ngại, run sợ luôn cố giữ một khoảng cách, nhưng nó lại vừa khiêu khích, khuyến rũ khiến họ cứ muốn tiến lại mỗi lúc một gần hơn. Lửa đốt cháy, thiêu hủy đi tất cả; nó biến những gì có thật, những gì còn hiện hữu trong một giây phút trước trở thành tro bụi và không còn tồn tại nữa trong một giây phút sau. Trong lúc đang bừng cháy ấy, lửa giúp ta quên đi mình đang là ai và mình đang ở nơi đâu; ta có thể tưởng tượng những điều vô cùng tuyệt đẹp; ta có thể trở thành một con người khác, ở một nơi chốn khác, thần tiên hơn, thơ mộng hơn; và ta có thể làm bất cứ điều gì ta mong muốn trong những giây phút huyền diệu đó.

Anh có thấy tình yêu cũng giống như lửa không anh? Có phải tình yêu cũng vừa làm cho con người ta rùng mình hoảng sợ muốn quảnh mặt bước đi, nhưng cùng lúc nó cũng có gì đó khiêu khích họ, khiến họ thèm muốn; họ không còn lo nghĩ chi nữa và chỉ muốn lao mình vào yêu đương, như những con thiêu thân cứ lao thân xác nhỏ bé của chúng vào ánh lửa mặc cho có sẽ bị thiêu hủy. Tình yêu có khả năng làm cho con người ta sống lại, nó mang lại cho họ sự ấm áp và niềm hạnh phúc; họ cảm thấy vui sống và cảm thấy mãi luôn tươi trẻ dù thời gian có trôi qua,… Nhưng tình yêu đôi khi có thể giết chết họ, nó hủy hoại họ, nó làm họ trở nên đau khổ, già nua, gầy héo,… Ai thật sự biết yêu thì có lẽ sẽ yêu thích chiêm ngưởng ánh lửa, anh có nghĩ như thế không?!

- Anh sẽ xây một ngôi nhà bên một bờ hồ. Ngôi nhà ấy sẽ là ngôi nhà của người anh yêu. Vào mùa xuân, xung quanh nhà sẽ có muôn hoa đua nỡ với muôn màu sắc. Mùa hè cây cối sẽ xanh tươi, muôn chim líu lo ca hót, mặt hồ nước sẽ trong xanh, in bóng của những hàng cây. Khi thu sang, từ ngôi nhà sẽ nhìn thấy lá cây muôn màu của cánh rừng đối diện. Đông đến mọi cảnh vật sẽ sáng trong, huyền ảo, diệu kỳ... Trong ngôi nhà ấy, lửa sẽ luôn sống để sưởi ấm cho từng khoảng không khí người yêu anh hít thở; mọi cảnh vật xung quanh sẽ chỉ đong đầy tình yêu để trong mắt người anh yêu bao giờ cũng chỉ là niềm vui, là hạnh phúc; nàng sẽ không bao giờ lo âu, sẽ không bao giờ buồn dù chỉ một thoáng chốc...

Hai người đã yêu nhau thắm thiết. Tâm hồn họ như chỉ là một. Họ dường như luôn cảm nhận và thấu hiểu mọi thứ từ nhau kể cả những điều sâu kín nhất trong trái tim của mỗi người.


Khi lên năm học thứ 4 thì nàng bắt đầu ngã bệnh. Ban đầu chỉ là một vài ngày vắng mặt nhưng sau đó là hàng tuần nàng không thể đến lớp và cuối cùng nàng đã phải xin tạm thôi học. Mùa thu năm nay nàng không thể cùng người yêu đi ra ngoài như những mùa thu trước. Nàng mong muốn được nói tiếng ... yêu anh ... nhưng nàng đã ngã bệnh, nàng cứ e ngại vì tình yêu của mình mà làm đau lòng người khác nên chỉ tiếp tục giữ kín mọi tình cảm bên trong. Nàng chỉ nằm đấy, hướng mắt ra ngoài nhìn từng chiếc lá vàng cứ lặng lẽ rơi.

- Rồi em sẽ khỏe, rồi em sẽ lại cùng anh đi dạo, rồi em sẽ tiếp tục vẽ, chúng ta sẽ lại cùng nhau ngắm lửa, chúng ta sẽ mãi luôn bên nhau...

- Lá vàng cứ rơi chẳng ngừng, như sức lực của em cũng đang dần vơi cạn, em cảm thấy mình yếu quá, ngoài cả sức tưởng tượng của em… Có lẽ khi lá vàng rơi hết, khi mùa thu ra đi, thì em cũng sẽ tạm biệt anh ra đi…

Chàng xiết chặt đôi tay nhỏ bé, mềm yếu vừa hơi cóng lạnh của nàng vào bàn tay mình, “Em đừng nói quẫn như thế, em sẽ không đi đâu cả bởi em còn rất nhiều thứ phải sống, em phải cùng anh đi hết đoạn đường đời này, chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu thôi cơ mà. Anh yêu em vô cùng, anh cần có em bên mình, em không thể đi đâu được.”

Quả đúng, tình yêu có thể mang đến cho người ta niềm hạnh phúc vô biên nhưng nó cũng có thể cướp đi sự sống của họ nếu một nửa mình yêu không còn hiện hữu nữa. Nếu nàng thổ lộ nàng thật yêu chàng vô cùng thì liệu chàng có hạnh phúc hay sẽ đau khổ, nhưng có lẽ nàng phải thốt lên những âm thanh tuyệt vời ấy dù chỉ một lần vì chàng cần được nghe chúng. Chàng đã chờ đời từ bấy lâu nay.


Chỉ còn vài tuần nữa là đông sẽ đến. Nếu lời của bác sĩ đã nói đúng thì thời gian nàng còn ở phía trước thật ngắn ngủi. Khi nghĩ đến điều ấy trái tim chàng đau nhói. Chàng không thể sống thiếu người phụ nữ ấy được. Chàng sẽ không thể!! Ngày ngày cứ lần lượt trôi qua; thời gian chẳng chịu ngừng lại; gió vẫn thổi lạnh buốt; những chiếc lá vàng óng ánh vẫn tiếp tục rơi; càng gần đông mặt trời càng đi nhanh hơn, trời càng mau tối và khung cảnh trông thật buồn. Những chiếc lá vàng cứ thưa dần và có thể đếm được... nàng vẫn nhìn chúng mỗi sáng sớm khi chàng đến thăm và thầm hy vọng chúng hãy đừng rơi hết.

- Chỉ còn vài chiếc lá nữa thôi anh ạ, có phải em sẽ chỉ còn ở bên anh vài ngày nữa thôi không anh? Anh sẽ đừng buồn nhé. Nếu chúng ta đã vui vẻ đón nhận cái ngày chúng ta được quen nhau, được làm bạn của nhau thì chúng ta cũng phải vui vẻ đón nhận cái ngày phải chia tay nhau, cái gì rồi cũng phải kết thúc, ai rồi cũng phải chia tay nhau thôi, phải không anh? Anh phải đừng buồn thì em mới yên lòng... Anh hứa với em được chứ!?

Chàng chẳng hứa một điều gì, chàng chỉ an ủi đông viên nàng hãy vững tin, đừng nghĩ đến những chuyện bi quan, nàng sẽ khỏe thôi, nàng sẽ lại khỏe như trước.

Đêm qua đã có một cơn bão lớn, nhiều cây cối đã ngã. Sáng nay tuy trời có nắng nhưng thời tiết bên ngoài vẫn rất lạnh, lạnh những âm 8 độ C dù vẫn chưa sang đông. Chưa thấy chàng đến, lòng nàng nôn nao... chàng không có mặt nơi đây để cùng nàng khám phá số mệnh của những chiếc lá cuối cùng, chúng có vẫn còn nằm yên ở đấy? Chắc chắn chúng đã rụng rơi; làm sao chúng có đủ sức chống chọi sau một cơn bão lớn như đêm qua. Nhưng lạ lùng thay, khi nhìn ra ngoài, vẫn còn một chiếc lá nằm nguyên ở vị trí cũ, nó trông thật đẹp làm sao, đẹp hơn bao giờ hết. Trong tâm tưởng nàng lóe lên một niềm hy vọng, nàng như chợt sống lại.

Sáng sớm hôm sau chiếc lá ấy còn ở nguyên vị trí cũ, vẫn trên cành cây ấy, chẳng có gì thay đổi và những ngày sau cũng thế. Nàng càng vui và càng thêm hy vọng thì càng mong người yêu hãy mau đến để cùng nàng chia sẻ tâm tình này... Một tuần đã trôi qua, trong nàng, từng phần thân thể như đang được truyền lại sức sống.




Người ta đã khám phá ra xác của một chàng trai trẻ ngã quỵ ngay bên cạnh một thân cây cũng đã bị ngã. Người chàng phũ đầy lá vàng khô; bên cạnh chàng là những dụng cụ vẽ. Có người đã trông thấy, từ một vài tuần nay, hàng đêm, khi mọi người đã yên giấc ngủ thì chàng trai ấy đã xuất hiện để vẽ gì đó trên bức tường ngay phía sau những nhánh cây trong vườn. Anh ta đã vẽ lại những nhánh cây mà ngày nào người anh yêu cũng nhìn sang. Trên những nhánh cây ấy có một chiếc lá, chiếc lá duy nhất, chiếc lá cuối cùng, chiếc lá mà người anh yêu đã đặt bao nhiêu tin yêu, hy vọng,... Nàng đã luôn cố gắng từng ngày đấu tranh với bệnh tật bởi nàng rất muốn sống, sống để yêu chàng, sống để thực hiện hết những gì cả hai đã từng mơ ước. Chàng biết rõ điều ấy nên càng yêu nàng hơn; chàng đã yêu nàng rất nhiều, yêu vô cùng, yêu đến quên cả bản thân mình, yêu đến quên cả cái lạnh tàn khốc bên ngoài đã tấn công chính lồng phổi của chàng sau bao đêm thức trắng để vẽ kịp bức tranh của tình yêu, bức tranh của hy vọng... để rồi chính cơn bão của đêm hôm ấy đã mang chàng đi, nó đã mang chàng ra đi vĩnh viễn.

Khi được kể lại mọi sự việc, nàng như chết lịm và không còn có thể bật tiếng khóc. Tại sao chàng lại phải ra đi? Tại sao định mệnh lại khắt nghiệt đến như thế? Nàng vẫn chưa kịp nói tiếng yêu anh. Nếu chàng đã vẻ bức tranh ấy để giúp nàng có thêm tinh thần, thêm niềm tin, thêm sức mạnh để có thể tiếp tục sống, nhưng nếu sống thiếu chàng thì cuộc sống nào còn đẹp? Nhưng nàng phải sống, phải sống thật ý nghĩa vì sự sống ấy chàng đã tặng nó cho nàng.

Giờ đây nàng như đã thật sự cảm nhận được hơi ấm của lửa từ phía lò sưởi, hơi ấm của tình yêu. Mắt nàng khẽ nhắm để cảm nhận được cái ấm áp đang thấm sâu vào cơ thể cóng lạnh của mình. Nó xuyên qua làn da của nàng đi vào trong từng tế bào, từng bắp thịt; nó đi vào trong xương tủy của nàng, đi vào lồng phổi của nàng và cuối cùng đã dừng lại ở trái tim nàng,… Trái tim nàng đang chan chứa tình yêu cho chàng, và tình yêu đó sẽ mãi như là những ngọn lửa cháy hoài không bao giờ tắt.

Những tháng năm sau đó sức khỏe của nàng đã dần được hồi phục. Phổi nàng dù không hoàn toàn lành lặn nhưng nó đã hoạt động đủ để nàng có thể tiếp tục sống. Nàng đã đi học lại và đã trở thành giáo sư dạy vẽ. Đã hơn 27 năm trôi qua, nàng nay đã có tuổi; nàng vẫn chỉ yêu mỗi chàng trai ấy. Nàng vẫn ở trong gian phòng nhỏ ngày xưa. Hàng đêm nàng vẫn nằm đấy - trên chiếc giường đơn, ngắm nhìn những ánh lửa. Mỗi sáng khi thức giấc nàng vẫn nhìn ra khung cửa sổ ... Bên kia vườn, vẫn những nhánh cây và chiếc lá ấy - chiếc lá cuối cùng chàng đã để lại cho nàng. Hình dáng của nó như một quả tim vậy, chính trái tim của chàng; nó luôn ở đó; nó luôn yêu nàng dù không gian và thời gian có đang chia cách hai nửa yêu nhau...


Để nhớ cô Trang 1987
Virginia, cuối Thu 2005
Anne Khánh Vân

Tuesday, November 15, 2005

Hồi Hương Bất Ngờ

Anne Khánh Vân


Dấu hiệu cài dây an toàn bật sáng. Phi cơ đang chuẩn bị hạ cánh. Người phi công chính thông báo chỉ còn 15 phút nữa phi cơ sẽ đáp xuống lãnh thổ Việt Nam. Giờ địa phương là 2 giờ trưa. Thời tiết nắng ráo - 34 độ C. Hàng trăm ánh mắt như rực sáng sau chuyến bay dài hướng nhìn ra phía cửa sổ. Việt Nam đây rồi! Quê hương xứ sở thân yêu của chúng tôi đây rồi. Bên dưới hiện ra màu cây cối xanh tươi, màu đất nâu hơi đo đỏ, và tất nhiên, ở đó là những con người da vàng tóc đen thân quen…

Đã đợi được hơn 20 giờ dài ròng rã, giờ chỉ thêm 15 phút nữa là sẽ đến nơi, nhưng dường như chẳng ai còn đủ kiên nhẫn... Sự mệt mõi trên khuôn mặt của mọi người như đều tan biến. “Đại gia đình… người Việt” trên chiếc phi cơ AA930, ai cũng nôn nao háo hức vì sắp được gặp lại những người thân yêu.

Tim tôi bắt đầu các nhịp đập dồn dập. Lòng tôi không chỉ bồn chồn, xúc động vì được trở lại quê hương sau bao tháng năm xa cách, mà nó còn hồi hộp đến khó tả…bởi trong gia đình chẳng ai biết tôi sắp về đến nơi...

"Chỉ còn vài phút thôi, vài phút nữa thôi mà!" – Tôi cứ tự nhủ mình như vậy để nén vào lòng nỗi nôn nao. Cuối cùng bánh xe của chiếc phi cơ đã chạm xuống mãnh đất thân yêu. Bỗng những tiếng vỗ tay giòn giã vang lên. Chẳng biết sự phấn khích ấy nhằm để cám ơn phi hành đoàn đã hoàn thành tốt "sứ mệnh" của họ, hay đó là niềm vui được trở về quê nhà của mọi người.

Xuống phi cơ, đợi xuất trình giấy tờ, qua các khâu hải quan, tìm lấy hành lý ... sau 2 giờ đồng hồ, cuối cùng tôi đã ra khỏi các cánh cửa kiếng và hòa vào đám đông của đoàn người đi đón thân nhân. Tôi lên chiếc xe taxi và đưa bác tài xế địa chỉ... Lên xe ngồi mà lòng tôi không thôi hớn hở mừng vui. Tôi đang thực hiện những điều mà tôi đã chuẩn bị từ bao tuần qua và đêm nào trước khi ngủ cũng thử hình dung chúng sẽ diển tiến ra sao… Tôi sẽ về đến nhà một cách bất ngờ, để cả nhà ai cũng phải hú hồn rụng tim trố mắt ngạc nhiên mừng rỡ. Khi ấy niềm vui sẽ được nhân lên gấp bội, nhất là ông bà ngoại và mẹ tôi.

Chiếc taxi dần đưa tôi đi qua những con đường thân thương quen thuộc - những con đường mà tôi đã bao năm đi dưới bóng mát của hàng cây khi đến trường - giờ đây nó đang sắp đưa tôi về lại với ngôi nhà dấu yêu, nơi tôi đã chào đời.

Kia rồi, cây cột điện vẫn nằm ở cái vỉa hè thân quen ngày xưa. Nó cứ vẫn đứng yên lặng lẽ (tất nhiên), nhưng tôi thì thấy nó như luôn ngóng chờ ngày tôi trở về. Đã bao lần tôi cùng chúng bạn úp mặt vào nó đếm: năm, mười, mười lăm, hai mươi… trong trò chơi trốn tìm. Vẫn đó cây si ở đầu ngõ, nhưng bây giờ trông nó có vẻ già hơn, cao hơn…

Xe taxi không thể đi sâu vào trong nên phải dừng lại ở đầu hẻm 179/…/… Nguyễn Thông nối dài. Tôi lấy ra tờ 5 đô-la. Bác tài xế nhìn và bảo: "Chỉ 30 ngàn thôi, tức 3 đô-la là dư lắm rồi." - Bác tài xế trạc tuổi ba, tôi thầm nghĩ, nếu ba cũng chạy taxi thì có lẽ sẽ vui lắm và chiều tối về nhà sẽ kể chuyện cho vợ con ba nghe về những mẩu chuyện "bất ngờ" trong ngày chạy xe của ba. Tôi đáp lời bác tài xế: "Bác không phải thối, con xin biếu bác hết để uống cà-phê. Bác chỉ cần đổi ra tiền Việt Nam dùm con thôi." Bác hơi lưỡng lự nhưng rồi đã cười, cảm ơn và nhận lấy tờ tiền. Chiếc taxi không thể đậu lâu ở đầu con hẻm nhỏ nên bác chỉ có thể mang hộ vali của tôi để vào sát bờ đường dù rất muốn giúp tôi mang chúng vào tận nhà. Bác có vẻ không an tâm nên tôi trấn an: "Sẽ có người ra phụ con mang vali vào nhà mà, bác đừng lo."

Tôi đang lay hoay lấy chiếc áo khoát và giỏ xách tay thì nghe tiếng kêu:

- Ủa, Mimi mới về hả con? Sao chỉ có mỗi mình con vậy? Không ai đi đón con sao?

- Dạ, con muốn tự mình về để cả nhà ngạc nhiên.

- Vậy sao? Vậy để cô mang đồ về nhà cất rồi trở ra phụ con.

Cô Lài - người ở sát cạnh nhà ngoại tôi - vừa đi chợ về. Nói chuyện với cô mà lòng tôi cứ thầm mong trong nhà tôi đừng ai ra đây vào lúc này để tôi có thể về đến tận cửa. Mọi người sẽ ồ lên. Như thế mới thích. Mọi người chỉ còn cách xa tôi hai con hẻm nhỏ nữa thôi. Tôi thật mong mọi chuyện sẽ được diển tiến như thế.

Cô Lài chưa trở ra thì có thêm một bác hàng xóm khác ngừng lại nhìn tôi và hỏi:

- Ai sao giống Mimi thế, con vừa về hả?

- Dạ vâng. Bác khỏe không ạ?

- Bác khỏe lắm! Còn con thì… thay đổi nhiều quá, người lớn ra, xinh gái ra…nhưng bác vẫn nhận ra con bé Mimi ngày xưa… Ủa, mà sao chỉ một mình vậy nè? Ba mẹ đâu?

- Dạ con không báo cho ở nhà biết. Con muốn về thình lình cho vui…

- Con nhỏ này thiệt… Rồi bây giờ làm sao mang vali vào nhà? Để bác phụ cho nhe.

- Dạ con cảm ơn bác, có cô Lài sẽ ra tới bây giờ để phụ con…

Chuyện trò với những người hàng xóm thân quen mà lòng tôi không khỏi nôn nao, háo hức. Nếu vào cửa sau của nhà ngoại thì chỉ mất khoảng 300 mét nữa thôi, tôi tính toán, còn cửa trước thì phải quẹo thêm một con hẻm - xa hơn khoảng 200 mét. Nên đi cửa nào đây? Tôi cứ phân vân...

Cái xóm nghèo của tôi ngày xưa sao hôm nay thấy nó đẹp và đáng yêu lạ lùng. Có lẽ vì tôi sắp được gặp lại những người thân yêu ruột thịt của mình trong ấy. Quá hồi hộp nên tôi có vẻ bối rối. Như có tiếng gọi "Mẹ ơi, mẹ ơi!" từ trong ruột gan tôi; chỉ còn vài phút nữa thôi con sẽ hoàn tất cuộc vui hồi hương bất ngờ lý thú này; mọi người hãy ở trong nhà chờ con nhe, đừng ai "bất tử" đi ra đây nghen.

*

Sau đó, tôi đã nghe cả nhà tôi kể lại rằng: Thằng Tí con cô Lài, khi nhìn thấy tôi nói chuyện cùng mẹ nó, nó đã nhanh chân chạy vô nói với mẹ tôi:

- Bác Nhi ơi, bác Nhi ơi, chị Mimi về kìa…

Nhưng mẹ tôi lúc bấy giờ lại đang tối mắt, tối mũi với công việc. Mẹ tôi đang cho máy cắt hàng trăm chiếc áo đầm trẻ con để chia cho các cô thợ ráp. Khi nghe một đứa cón nít cứ đi theo nói léo nhéo chuyện gì đâu đâu chẳng ra làm sao, mẹ tôi đã xua nó đi vì cho rằng nó đang trêu mẹ tôi:

- Chị Mimi đâu đây mà con cứ nói nhảm thế? Con đi chỗ khác chơi cho bác làm việc!

Thằng Tí vẫn không chịu buông mẹ tôi ra, nó tiếp tục:

- Con nói thiệt mà! Chị Mimi ngoài kia kìa!

Nhưng mẹ tôi vẫn cho nó là nói giỡn và đuổi nó đi. Thế là nó chỉ cười và chạy đi. Nhưng chốc lát sau nó lại chạy đến bên mẹ tôi và kêu:

- Bác Nhi ơi, chị Mimi đang về kìa, bác Nhi ra đi!

- Làm gì mà có chị Mimi nào ở đây. Cái thằng này hôm nay nó làm sao không biết, cứ nói gì lung tung, lộn xộn quá đi!

Tội nghiệp thằng bé. Nó đã bỏ công làm "liên lạc viên… miễn phí", ấy vậy mà còn bị mẹ tôi không tin và la cho. Chắc nó tức lắm! Thế là nó lại chạy ra chỗ tôi đang đứng cạnh mấy cái vali. Nó chẳng nói chẳng rằng là đã kêu mẹ tôi và bị la. Nó cứ đến và nắm lấy tay tôi. Cái thằng cũng lạ thật! Ngày tôi đi, nó còn nhỏ lắm. Hôm nay chắc nó phải hơn 7 tuổi. Vậy mà nó vẫn nhớ tôi rõ!

Không có nhiều người hàng xóm qua lại nữa vì hình như mọi người vẫn còn đang nghỉ trưa – tôi đoán thế và trong bụng thầm mừng: Càng ít người trông thấy tôi càng ít "nguy cơ" "bí mật" bị lộ... Thằng Tí vẫn đứng cạnh, mặt tươi rói và nhìn tôi. Trong bụng tôi bắt đầu "đánh trồng". Nó reo lên như không còn đủ kiên nhẫn đợi cô Lài trở ra dù chỉ vài phút và muốn tôi phải vào nhà liền… Khi tôi bắt đầu kéo chiếc vali lớn và nhờ thằng Tí kéo hộ chiếc vali nhỏ thì… thấy mẹ tôi chạy ra, tiếp sau đó là hai em và ba tôi. Đã có một người lớn nào đó ở cuối hẻm nhìn thấy tôi nên chạy vào kêu mẹ tôi: "Không ai ra phụ con bé, đồ đạc tùm lum, nào vali giỏ xách, đang khệ nệ khiêng về kìa…" - Đến lúc đó cả nhà tôi mới hối hả chạy ra. Trên vẻ mặt của mọi người lộ rõ sự ngạc nhiên, vui sướng. Thằng Tí lúc này mới hớn hở, cười toe toét. Mẹ tôi chạy đến ôm chầm lấy tôi vào lòng và cười ra nước mắt. Lúc này đã có nhiều người phụ khiêng vali về nên tôi đã nhanh chân chạy về trước. Đến trước chiếc cổng sắt lớn, tôi đập vào cửa và kêu to: "Ngoại ơi, ngoại ơi, mở cửa cho con đi, con nè, Mimi nè, mở cửa cho con lẹ lên!"

Ông bà ngoại tôi nãy giờ ở trong nhà, thấy cả nhà cứ rộn lên nhưng vẫn chưa biết có thật là cháu Mimi của ông bà đang ở ngoài đầu ngõ hay không. Nhìn thấy tôi bằng xương bằng thịt rồi, mọi người mới vỡ lẽ, nãy giờ hóa ra cái thằng Tí đã nói thật. Ông bà ngoại tôi lính quýnh mở then cài và mở rộng 2 cánh cửa. Tôi ôm chầm lấy ông bà ngoại vào lòng và nghẹn ngào. Như dỗi hờn, tôi nấc lên: "Tại sao con cứ phải đi xa, tại sao con không được ở gần bên ông bà?"

Mọi người đã vô nhà; tôi ôm lấy từng người mừng rở vì lúc nãy tôi chỉ kịp ôm lấy mẹ tôi và chạy đi. Mọi người mừng vui hơn tôi, vẫn chưa ai tin vào mắt mình; vì có ai nào ngờ từ nửa vòng trái đất mà tôi đã lặng lẽ bay về, không cho ai biết một tin tức gì. Họ đâu có ngờ tôi đã làm cái điều mà tôi đã từng nói: "Con sẽ làm cho mọi người hú hồn, hú vía, nhảy lên vì vui sướng!"

Không khí cả nhà vui nhộn hẳn lên. Tiếng cười giòn giã vang lên như pháo tết. Người này hỏi điều này; người kia hỏi điều kia; còn tôi thì cứ phải liên tục trả lời… Riêng mẹ tôi thì chỉ lặng im đứng nhìn tôi và cười mãi không thôi. Tôi đọc được trong tâm tư của mẹ tôi lúc này, còn hơn là bắt được vàng, niềm vui sướng đã thấm sâu vào thấu đáy tim mẹ. Đứa con vàng ngọc của mẹ - mẹ thường gọi tôi như thế - sau bao năm tự lập nơi đãt khách quê người, tự bươn chải, lo lắng mọi thứ một mình, nay đã thành tài trở về thăm mẹ. Mẹ ở xa quá, có muốn giặt dùm con một cái khăn, một chiếc áo cũng không thể làm được, chỉ biết nhớ, biết thương, biết mong mõi… Tôi biết mẹ mong tôi lắm, mong tôi báo tin sẽ về thăm mẹ. Mẹ sẽ liền dẹp hết tất cả mọi công việc để đi đón tôi, để tạm ngưng công việc, để nghỉ ngơi, để được luôn ở bên tôi, cùng tôi đi khắp nơi... Mẹ tôi thường làm việc không biết nghỉ ngơi; ba tôi cũng coi ngó phụ công việc giúp mẹ, nhưng mẹ vẫn là rượng cột, chịu mọi trách nhiệm để công việc được thông suốt, để gia đình được đầy đủ, để ba chị em chúng tôi được học hành tốt. Tôi thương mẹ đã quá cực khổ từ khi chúng tôi còn tấm bé, nên muốn bù đắp vào những nỗi nhọc nhằn đó của mẹ bằng cách mang đến cho mẹ những nụ cười hài lòng, mãn nguyện. Tất cả những cố gắng và thành quả mà tôi đã gặt hái được cho đến nay luôn là để ba mẹ tôi được hạnh phúc, được hãnh diện về đứa con của họ.

*

Chuyến về thăm nhà lần này, tôi sẽ được ở bên gia đình lâu những 4 tuần; nhưng chỉ vừa mới qua ngày thứ hai, tôi đã thấy thời gian sao trôi quá nhanh!

Tôi xa nhà đã khá lâu. Mẹ tôi vui sướng khi thấy chị em chúng tôi lớn khôn, trưởng thành; nhưng mẹ nào biết trong lòng tôi cùng lúc ấy lại đang cảm thấy xót xa, khi thấy tóc của ông bà ngoại tôi đã gần như bạc trắng, còn mẹ thì làm việc đã có vẻ chậm hơn so với những ngày tháng trước, cứ phải đeo kính thì mới thấy rõ để làm mọi việc được chính xác; ngoài ra da mẹ cũng đã chớm nhăn và tóc mẹ cũng đã bắt đầu xuất hiện những sợi bạc. Tôi chỉ mong mẹ tôi được nghỉ ngơi và được đi chơi đó đây, bù vào những tháng ngày làm việc tất bật để lo cho gia đình.

Tôi theo chân ba mẹ đến thăm bà con nội ngoại, những người thân quen lâu năm của gia đình, kể cả các cô chú bác bạn bè của ba mẹ tôi. Ba mẹ cũng đã đưa tôi đến những nơi đang được phát triển, xây cất theo các chương trình "đô thị hóa, làm giàu đất nước," nhưng dường như mọi thứ chỉ là cái vẻ hào nhoáng bởi bên cạnh những tòa nhà cao tầng có vẻ giàu có hiện đại, vẫn còn rất nhiều những ngôi nhà xập xệ, nhơ nhuốt, và người ăn xin vẫn đầy đường… Nhưng sự nhộn nhịp của phố xá, mối thân tình khi người này tự nhiên trò chuyện với người kia… đã nhắc nhớ tôi thấy rõ một điều rằng dân tộc da vàng tóc đen của tôi luôn rất giàu tình người, luôn rất gần gũi, thân tình với nhau, sẵn sàng giúp đỡ cho nhau ở mọi góc phố…

Tôi thích khi được đi dưới bóng mát của những hàng cây xanh trên đường Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Phan Thanh Giảng, Duy Tân, Thống Nhất... Sau đó mẹ con tôi đã đi mua sắm bao nhiêu là thứ, những món quà kỷ niệm, ở các chợ Bến Thành, An Đông, Bà Chiểu, Tân Định… ở các dãy phố Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tự Do, Lê Lai… để khi trở sang Mỹ, tôi sẽ đem hơi ấm của quê hương trao tay cho những người con nước Việt đang phải sống ở những nơi thật xa xôi, nhưng trong lòng thì luôn ghi khắc hình bóng người mẹ Việt Nam.

Tôi thật biết ơn dòng sữa ngọt ngào đã nuôi tôi nên vóc nên hình, đã cho tôi có nhiều nghị lực, niềm tin bước vào đời, không lo lắng khi phải rèn luyện cho mình thêm cứng cáp. Chú chim non ngày xưa giờ đây đã vững vàng với đủ khả năng tung bay trong bầu trời xanh, lòng ngập tràn tin yêu hy vọng nơi tương lai tươi sáng.

Ôi quê hương Việt Nam, đãt nước nhỏ bé nhưng đã sinh ra những người con mà dù ở đâu cũng luôn ngóng mong ngày được trở về, nơi có lũy tre xanh, có con đường làng mát rượi, hay những góc phố thân quen chất chứa bao kỷ niệm…

"Ông ngoại ơi! Bà ngoại ơi!" - Ôi, sao tôi thương những tiếng kêu ấy. Tôi thường kêu như vậy thật to mỗi khi đi đâu về và gọi cửa nhà ông bà ngoại tôi. Tình thương yêu của ông bà, cha mẹ dành cho tôi như thấm sâu hơn vào tim những lúc tôi sung sướng thốt lên những âm thanh ấy. Ông bà nội của tôi thì đã mất từ khi chị em tôi còn nhỏ. Tôi đã nhớ, đã thương họ rất nhiều – Khi nghĩ đến đây, tôi lại cảm thấy thật sợ, sợ cái ngày đến phiên ông bà ngoại tôi cũng trăm tuổi già và ra đi thì tôi sẽ không còn có thể kêu to những tiếng thân yêu ấy. Tôi sợ lắm nên chỉ cầu mong sao ông bà cha mẹ tôi, mọi người luôn được bình yên khỏe mạnh.

Tôi thường nắm tay ông ngoại tôi và nói rằng :

- Ông ngoại đừng uống rượu nhiều, cũng không nên hút thuốc lào nữa, sẽ bị ho.

Thế là ông lại nói đùa với tôi:

- Không phải đâu, cháu nói thế là không đúng rồi, bà ngoại có nào hút thuốc lào nhưng lâu lâu cũng ho đấy chứ! “Điếu thuốc lào nâng cao sĩ diện, thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lao.”

Nghe xong tôi không sao nín được cười: "Trời ơi, làm gì có vụ… diệt trùng lao nữa ngoại!" Thế là ông ngoại tôi lại có dịp khúc khắc cười. Bà ngoại tôi tóc cũng đã bạc trắng, nhưng vì thương mẹ tôi nhiều việc nên bà cứ lụm cụm làm những việc lặt vặt để đỡ cực cho mẹ tôi. Bà thì thương mẹ tôi, mẹ tôi thì thương bà nên bà và mẹ cứ giấu việc của nhau để tránh cực cho nhau.

Còn ba chị em tôi thì bao giờ cũng vậy, gặp lại nhau thì luôn đùa giỡn với nhau suốt cả ngày, cho thỏa những tháng năm dài phải sống cách xa. Đêm đến lại ôm nhau ngủ chung như ngày xưa khi còn bé.

*

Thời gian về thăm nhà của tôi mấy chốc đã kết thúc…

Mẹ ơi, con chỉ muốn được ngồi mãi cạnh bên Mẹ, chuyện trò với Mẹ, tối tối lén chui vào mùng ôm mẹ ngủ, thỉnh thoảng lại vùi đầu vào lòng mẹ nũng nịu chờ nghe mẹ nói điều gì đó làm ấm lòng con… Nhưng rồi con lại phải chuẩn bị ra đi. Đã 28 ngày trôi qua, tuy đã cùng mẹ làm được nhiều việc nhưng con vẫn chưa làm hết những điều muốn làm với Mẹ. Con muốn mẹ biết có những đêm con buồn nhớ mẹ ra sao, có những giây phút con thèm cảm nhận cái cảm giác hạnh phúc khi được ở bên cha mẹ và các em ra sao,… và còn rất rất nhiều điều khác con muốn mẹ biết, nhưng dù không muốn thì cuối cùng con cũng phải lại thu gọn hành lý ra đi, đến một phương trời xa xôi, cách trở, để học hành làm việc, để rồi sáng chiều năm tháng đằng đẳng chờ mong cái ngày lại được trở về.

Ôi, sao tôi sợ cái giây phút khi phải chia tay. Hôm tôi về, cả nhà rộn ràng reo vui bao nhiêu thì hôm nay lại buồn bấy nhiêu. Những người thân của tôi cứ thay phiên nhau dặn dò tôi những điều chưa nói hết. Các em tôi soạn và giúp tôi thu xếp hành lý. Chúng thường biết rõ những thứ nào tôi sẽ để lại, những thứ nào tôi cần mang đi. Những tấm ảnh chụp khi cả nhà đoàn tụ, những món quà nơi xa tôi đã đem về… là những niềm vui còn sót lại để những khi ba mẹ nghe thiếu vắng tôi thì sẽ mở chúng ra xem. Các em tôi rất hiểu ý tôi, chúng không bao giờ nói gì nhiều trong cái giây phút ruột gan tôi đang xốn xang nếu điều ấy không làm tôi phải bật cười. Chúng tôi hiểu mọi điều nơi nhau qua ánh mắt. Chúng thương chị chúng lắm; chúng không muốn chị chúng lại ra đi như thế; nhưng chúng cũng biết rõ lý do vì sao chị chúng phải đi xa: cũng chính vì tương lai của chính chúng... Tôi thấu hiểu được điều đó nên không thể nhìn hai đứa em tôi, hay bất kỳ ai, lâu trong mắt được, bởi tôi sợ chính mình sẽ không kiềm chế được cảm xúc và tình cảm đang trào dâng trong lòng. Tôi cứ cố thúc mình "phải vui lên, phải vui lên!"

Tôi mong thời gian hãy đi chậm lại nhưng kim đồng hồ cứ vẫn thế chạy mãi không ngưng dù chỉ một chốc lát, để tôi có thể được hưởng thêm vài giây phút ở cạnh bên gia đình, cạnh những người thân yêu của tôi. Tôi sắp phải tạm biệt ngôi nhà dấu yêu của mình, tạm biệt con hẻm đã đưa tôi về, tạm biệt ngọn tháp nhà thờ buổi sáng đổ chuông kêu tôi thức giấc, tạm biệt tiếng còi xe lửa lúc nửa đêm… Lòng tôi đang rối lên, mọi thứ cứ như đang bị xáo trộn. Tôi không còn biết mình phải làm gì, nói gì, với ai, ra sao… Tôi chỉ còn biết nhìn từng người, mỉm cười thật tươi và pha trò để mọi người cùng cười vui với tôi. Tôi muốn họ sẽ chỉ nhớ về tôi với hình ảnh ấy, chứ không phải là Mimi buồn và khóc…

Tôi không muốn ông bà ngoại tôi phải ra sân bay đưa tôi đi, nên tôi đã cố gắng giữ bình tỉnh, ôm lấy ông bà, nói vài lời tạm biệt. Tôi dặn dò họ phải giữ gìn sức khỏe thật tốt để lần sau khi tôi lại về thăm, nhìn thấy ông bà khỏe mạnh tôi sẽ rất vui mừng và tôi sẽ nhớ thương ông bà không nguôi... Chỉ có thể nói đến đấy thôi thì tôi đã phải ngừng lại và bước đi. Tôi không thể nói thêm gì được nữa vì tôi biết mình sẽ bật khóc. Chú chó Nâu của tôi, hình như nó cũng cảm giác được rằng tôi sắp rời xa gia đình nên cứ quấn quít mãi dưới chân như muốn giữ tôi lại.

Chiếc taxi màu vàng đã đến và đợi tôi ở đầu ngỏ từ lúc nào. Hành lý của tôi đã được chất gọn gàng trong cốp xe. Tôi cùng mẹ ngồi taxi còn các em tôi, ba tôi và các cô chú, cậu mợ của tôi thì chạy xe gắn máy theo phía sau. Gió Saigon hôm nay sao thật mát và dễ chịu đến lạ thường. Tôi bỗng dưng muốn mình hóa thành một chú chim nhỏ, để khi nào muốn thì tôi có thể theo ngọn gió bay về bên những người thân yêu của mình.

Xe taxi chạy nhanh quá, tôi đã ra đến sân bay Tân Sơn Nhất mất rồi. Giây phút phải thật sự chia tay mọi người đã đến.

Tôi cố gắng bình tỉnh thêm một lần nữa và lại cười nhưng trong lòng thì nghẹn ngào. Tôi ôm chặt và hôn chào tạm biệt từng người. Mẹ tôi cứ xiết chặt lấy đôi tay tôi như không muốn phải rời xa chúng. Tôi biết rằng, nếu tôi để tay tôi trong tay mẹ mãi như thế thì cả đời mẹ tôi vẫn không buông ra. Ba tôi vịn vai mẹ nói như dỗ dành: "Thôi hãy để cho con nó đi!" Tôi nhẹ nhàng tháo tay mẹ ra:

- Mẹ phải làm việc ít lại để có thời gian nghỉ ngơi. Làm việc nhiều sẽ mau già, mau yếu. Con sẽ không vui đâu. Con sẽ chỉ vui khi đi bên mẹ mà mọi người cứ nói: “Ôi, sao hai mẹ con mà giống như hai chị em thế?” Thôi con đi nghen, khi đến nơi con sẽ báo về cho ở nhà biết.

Nhìn sang hai em lần cuối, tôi lại ôm chúng vào lòng và khe khẽ dặn: "Hai đứa ở nhà ngoan nhé và nhớ những điều chi dặn!"

- Con đi vô đi! - Mẹ tôi chỉ bảo thế rồi lặng im. Tôi biết nếu nói tiếp thì mẹ tôi sẽ khóc ngay thôi.

Niềm hy vọng và niềm tin "tôi sẽ còn trở về" đã cho tôi thêm sức mạnh. Tôi đã cười thật tươi và nói với mọi người: "Con sẽ lại về thăm nhà mà! Mọi người phải phấn khởi lên chứ!" Nói xong tôi đã mạnh dạn bước vào bên trong. Không nhìn lại phía sau lưng nhưng tôi biết rõ mọi người đang nhìn theo mình. Xong các thủ tục, tôi đi lên thang máy. Chẳng còn mấy giây nữa, khi chiếc thang máy sẽ chạy lên cao, những người thân của tôi sẽ khuất sau những bức tường ấy, tôi sẽ không còn trông thấy họ nữa… Tôi vội vẫy tay chào mọi người lần cuối. Ô hay, sao giờ đây mới thấy có một giọt nước mắt đang lăn tròn trên gò má nóng hổi... Tôi nào có khóc đâu, tôi không hề khóc…


11.2005
Anne Khánh Vân

Saturday, November 5, 2005

Làm Lành Vết Thương Xưa

Anne Khánh Vân
  
Chiếc phi cơ FR - 975 của chúng tôi lẽ ra đã phải rời phi trường Paris - Charles de Gaulle lúc 19 giờ để hướng về vùng trời Đông Nam Á, nơi có đất nước nhỏ bé mang hình dáng chữ S trên bản đồ; nhưng vào phút chót một bộ phận điện tử của phi cơ bị trục trặc nên giờ cất cánh đã bị dời lại 2 giờ sau.
Sáu mươi phút đầu đã chậm rãi trôi qua, giờ thứ nhì cũng sắp kết thúc, nhưng hơn bốn trăm người chúng tôi vẫn đứng ngồi la liệt ở khắp nơi trước chiếc cổng B-42. Vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy chúng tôi sắp được lên phi cơ. Các loa phát thanh lại vang lên: "Chúng tôi xin cáo lỗi cùng quý vị, phi cơ vẫn chưa được sẵn sàng để có thể khởi hành. Mong quý vị rộng lòng bỏ qua cho sự cố đáng tiếc ngoài ý muốn này của phi hành đoàn chúng tôi. Thức ăn và thức uống sẽ được mang ra phục vụ quý vị trong giây lát."
Mọi người bắt đầu thở dài và lo âu. Nếu chuyến bay bị hủy hoặc dời sang vài ngày sau thì sẽ cực và mất thời gian lắm, bởi không phải mọi người ai cũng ở ngay tại Paris, mà rất đông trong số chúng tôi đã đến từ khắp nơi, không chỉ trong nước Pháp mà cả những nước lân cận.
Phần đông hành khách của chuyến bay là người Việt. Ngồi đối diện tôi là hai ông bà đã khá lớn tuổi. Tôi đã đặc biệt để ý đến họ bởi cụ bà trông rất gầy yếu. Tôi cứ lo ngại và thầm hỏi làm thế nào bà có thể có đủ sức ngồi suốt hơn 18 giờ bay. Dãy ghế của tôi và của ông bà chỉ cách nhau khoảng hai mét. Trong thời gian chờ đợi, cụ ông đã đi đi lại lại và chuyện trò cùng tôi và những người ngồi gần quanh đó. Họ trở về Việt Nam để sống vì không thể tiếp tục chịu đựng nỗi nữa cái lạnh và sự cô đơn nơi đất khách quê người.
Cụ ông đã kể rằng, mỗi ngày bà ấy cứ ốm đi, ốm thật nhiều; đi bác sĩ khám thì hoàn toàn không thấy bà mắc bệnh gì nhưng bà chỉ ốm dần, ốm đến độ con cái phải lo sợ và không còn biết phải làm gì khác ngoài quyết định đưa ông bà trở về quê nhà. Mong rằng nơi ấy bà sẽ tìm lại được hơi ấm của quê hương, hơi ấm của đồng bào - là sức sống mà có lẽ cơ thể thật gầy yếu của bà đang cần. Những người con hiện đang sống ở Pháp của ông bà đã thật khó khăn khi phải để cho cha mẹ rời xa họ... nhưng giờ đây việc cứu sống bà quan trọng hơn cả. Họ đã đặt rất nhiều niềm tin và hy vọng trong chọn lựa ấy.
Một người đàn ông tuổi đã ngoài năm mươi, dáng vóc cao lớn, từng bước đi hơi khập khểnh tiến đến chỗ ông bà lớn tuổi đang ngồi. Không rõ ông mang quốc tịch gì nhưng ông không có vẻ là một người gốc Pháp. Trên khuôn mặt ông đã đeo một đôi kính lớn nhưng nó vẫn không che hết hai vết thẹo dài từ mắt xuống má, và từ miệng qua tai. Tay ông cầm hai mẩu bánh mì kẹp thịt và hai chai nước suối. Đến bên ông bà người Việt, ông dừng lại và đưa cho họ hai mẩu bánh mì cùng hai chai nước. Cụ bà chỉ vẫn nhìn thẳng ra phía trước và khẽ lắc đầu; nhưng cụ ông thì hơi ngạc nhiên ngước mắt nhìn lên phía người đàn ông và chỉ sang phần bánh mì và nước uống mà con gái họ đã lấy về cho họ. Người đàn ông gật gật đầu rồi tiếp tục bước đi.
Ông về chỗ ngồi của ông cách chỗ tôi vài ghế rồi chậm rãi dùng phần bánh mì của mình… Sau một lát, ông ta lại đứng lên và đi ngang qua chỗ hai ông bà. Ông nhìn họ mỉm cười và như muốn hỏi "Ông Bà có khỏe không?"… nhưng ông chỉ gật gật đầu rồi lại bước đi, không hề lên tiếng.
Từng giờ một cứ tiếp tục trôi qua và đến qua nửa đêm chúng tôi mới được lên phi cơ. Dù mệt mỏi nhưng mọi người chỉ mừng vui chứ không bực bội cho sự chờ đợi ngoài ý muốn vừa rồi. Sau đó phi cơ của chúng tôi đã về đến Việt Nam bình yên vô sự.
Hai mươi chín ngày sau, tôi lại rời Việt Nam để trở sang Pháp. Lần này chuyến bay của tôi thông suốt hơn, không bị trục trặc hay trễ nải chi nữa. Sau khi kết thúc mọi thủ tục xuất cảnh, tôi thong thả lên máy bay.
Khi đang loay hoay nâng chiếc vali xách tay hơi lố ký của tôi lên ngăn để hành lý phía trên của mỗi chỗ ngồi thì có một bàn tay rắn chắc, khỏe mạnh đã xuất hiện để đỡ phụ tôi. Khi quay sang nhìn nhân vật tốt bụng đang giúp mình để nói lời cảm ơn thì tôi đã vô cùng ngạc nhiên nhận ra chính "người đàn ông" ấy - người đã đưa cho ông bà lớn tuổi ngồi đối diện tôi bánh mì và nước uống bốn tuần trước. Sao lại có một sự trùng hợp lạ lùng đến như vầy, bởi một ngày có bao nhiêu là chuyến bay trở về Pháp và trong tuần có đến bảy ngày, vậy trong gần một tháng sẽ phải có đến cả trăm chuyến chứ không phải chỉ hai hay ba mươi chuyến thôi. Làm sao "người đàn ông" ấy lại có thể cùng đi và cùng về chung với tôi trong cùng một chuyến như vầy (?).
Tôi vừa nói cảm ơn ông vừa nhớ lại những diễn biến của cái hôm ngồi chờ hơn 5 giờ đồng hồ ở sân bay Paris - Charles De Gaulle. Tôi đã nhìn thấy ông ấy đi qua đi lại trước mắt mình không biết bao nhiêu lần. Giây phút này tôi mới có thể nhìn thấy rõ hơn khuôn mặt của ông. Ông trông rất hiền dù hai vết thẹo đã làm giảm đi nét tự nhiên và hiền từ của ông.
Ông chỉ ngồi cách tôi một chiếc ghế và vì còn sớm, hành khách chưa lên đủ, nên tôi đã bắt đầu trò chuyện cùng ông. Khi tôi vừa buông miệng nói một câu tiếng Pháp thì ông liền trả lời lại với một giọng nói thật khó nghe. Ông như cố uốn quai hàm của mình để phát ra từng âm thanh một. Tôi kiên nhẫn chờ ông nói hết những gì muốn nói mà lòng cảm thấy thật tội nghiệp ông ta làm sao. Chuyện gì đã xảy ra với ông? Chắc chắn ông đã trải qua một tai nạn rất nghiêm trọng chứ ông không phải là một người tàn tật bẩm sinh. Hai vết thẹo trên khuôn mặt ông đã ít nhiều nói lên điều đó.
Cuối cùng tôi đã nghe ra được những gì ông muốn nói. Ông không phải là người Pháp mà là người Hoa Kỳ và ông chỉ nói được tiếng Anh mà thôi.
Tiếng Anh của tôi lúc bấy giờ thì cũng không đến nỗi nào tệ nhưng vì từ khi ở Pháp, tôi không có dịp sử dụng tiếng Anh hàng ngày nên khi phải bắt đầu một câu chuyện, tôi phải ngừng lại một chốc để tìm từ trong bộ nhớ và ráp thành câu. Khi tôi nhắc lại cho ông nghe cái hôm mọi người đã chờ thật lâu tại phi trường Paris - Charles De Gaulle, mắt ông đã sáng lên và hỏi tôi, "Oh, vậy cô cũng đã đi chuyến bay của ngày hôm ấy ư? Ngộ nghĩnh thật nhỉ!?."
Vâng, đúng là "ngộ nghĩnh thật" bởi tôi luôn nghĩ, cuộc gặp gỡ nào cũng đều phải có cái "duyên" của nó. Không phải chỉ có duyên để làm cha mẹ, con cái, vợ chồng hay bạn bè của nhau mà kể cả những người mình chỉ gặp gỡ họ đôi ba phút trên đường phố, nói với nhau đôi ba câu… để rồi sau đó hình ảnh của người ấy cứ vẫn còn đọng lại dù người đã đi khuất… Chính vì luôn tin vào cái "duyên" ấy nên tôi đã không ngần ngại chuyện trò với "người đàn ông có vẻ rất đặc biệt" này.
Quả thật tôi đã có cái "duyên" gặp ông để được biết về câu chuyện và về con người đáng được khâm phục của ông.
Tất cả hành khách đã dần lên máy bay và lấp gần kín các chỗ ngồi lúc nãy vẫn còn trống, nhưng chỗ trống giữa tôi và "người đàn ông" ấy vẫn không thấy có ai đến. Máy bay cất cánh và câu chuyện của chúng tôi đã được bắt đầu.
Ông tên Larry H., hiện đang sống tại tiểu bang New York - Hoa Kỳ. Tôi thắc mắc:
- Từ New York chỗ ông, nếu tôi nhớ không lầm thì có chuyến bay bay thẳng về Việt Nam mà, tại sao ông phải ghé sang Pháp cho cực vậy?"
- Tôi mua vé máy bay trễ nên chẳng còn chuyến nào. Tôi lại phải có mặt tại Việt Nam với một số bạn bè trong thời gian đó, nên dù có phải đi lòng vòng và ngừng lại bao nhiêu chặng tôi cũng không ngại."
- Như vậy rõ ràng là mục đích chuyến đi của ông phải quan trọng lắm!"
Tôi còn muốn hỏi "người đàn ông" này bao nhiêu là điều nhưng cách ông cố gắng phát âm làm cho tôi cảm thấy e ngại. Tôi hoàn toàn không thể nào đoán biết được là khi phải cố gắng chuyển động hai quai hàm, ông có bị đau đớn gì không, thế là tôi đã quyết định hỏi ông một câu không được tế nhị cho lắm:
- Tôi xin lỗi ông trước khi hỏi ông điều này. Ông có cảm thấy thoải mái không khi phải phát âm? Ông không cảm thấy đau chứ? Nếu có thì chúng ta sẽ nói chuyện ít ít thôi vậy."
Ông mỉm cười và tiếp tục những cử động cũ:
- Không, tôi không hề cảm thấy đau. Được chuyện trò với cô tôi vui lắm, chỉ sợ cô không có đủ kiên nhẫn chờ nghe những gì tôi muốn nói thôi."
Tôi cũng mỉm cười và đáp lại lời ông:
- Ông đừng lo, tôi thường cũng kiên nhẫn lắm. Tôi cũng cảm thấy rất vui khi được nói chuyện cùng ông. Chúng ta có những 18 giờ đồng hồ lận mà. Chúng ta cứ trò chuyện cho đến khi nào mệt thì nghỉ, ông thấy sao?"
Ông gật gật đầu và chúng tôi lại tiếp tục. Ông kể:
- Tôi đã được giải phẫu 9 lần rồi. Những lần đầu tôi cảm thấy rất đau khi phải nói, có khi tôi lại bị đau buốt lên tận óc. Vì vậy mà tôi cứ phải trải qua hết cuộc giải phẫu này đến cuộc giải phẫu khác. Bây giờ thì sức khỏe của tôi tốt lắm rồi, rất tốt so với năm sáu năm về trước."
- Như vậy ông đã thật là can đảm đấy. Người ta chỉ bị giải phẫu một lần thôi là đã thấy mệt rồi. Tôi thấy ông vẫn khỏe và yêu đời lắm. Ông có thể nào kể cho tôi nghe vì sao ông đã bị giải phẫu không?"
- Chắc cô đã nhìn thấy những vết thẹo trên khuôn mặt của tôi. Tôi còn vài vết lớn như thế trên đầu và bên sườn. Trên người tôi thì hàng trăm vết thẹo, nhỏ, lớn, đủ mọi kích thước, những cái nhỏ li ti thì không thể nào đếm được… Tôi đã bị trúng mìn trong chiến tranh Việt Nam. Hiện giờ trong óc tôi vẫn còn một mãnh mìn nhưng vì nó không cản trở việc tôi tiếp tục sống nên các bác sĩ đã quyết định cứ để nó nằm yên như vậy, bởi nếu giải phẫu lấy ra thì nguy cơ tử vong của tôi sẽ là 99%."
- Ôi trời ơi, thì ra là vậy! Tôi thành thật xin ông hãy thứ lỗi cho khi đã để ông phải nhắc lại quá khứ đáng buồn này."
- Không, không sao cả. Cô không có lỗi chi vì tôi không còn cảm thấy buồn khi nhắc lại những chuyện của ngày xưa ấy. Chúng bạn tôi vẫn thường kể về những chuyện ngày xưa và cứ hô lên tôi là một vị anh hùng. Nhưng tôi nào có thấy mình là anh hùng. Tôi chỉ là một kẻ may mắn mà thôi!"
Chúng tôi phải tạm ngưng câu chuyện đang nói dỡ dang vì phi cơ phải ngừng lại ở Singapore để đón thêm khách. Phi cơ lúc này mới thật sự đầy. Sau khi được dùng xong nước uống và bữa ăn tối, chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện. Ông Larry bắt đầu hỏi:
- Nãy giờ nói chuyện mà tôi vẫn chưa biết tên cô là gì!"
- Thưa, ông có thể gọi tôi là Anne, như thế sẽ dễ dàng cho ông hơn."
- Chắc cô Anne sống ở Pháp phải không? Cô về Việt Nam thăm gia đình, tôi nghĩ vậy."
- Vâng đúng thế ạ! Tôi còn gia đình ở Việt Nam."
- Người Việt Nam giàu tình cảm thật, cô Anne nhỉ. Tôi rất quý mến người Việt Nam của cô. Đất nước và con người Việt Nam của cô thì thật nhỏ bé nhưng tình người thì lại mênh mông."
- Tôi xin thật cảm ơn ông cho những lời tốt đẹp đó."
- Có gì phải cảm ơn, bởi đó là sự thật kia mà."
- Hơn hai mươi lăm năm về trước, tôi cứ tưởng là tôi đã chết. Tôi đã nói lời trăn chối với bạn bè để họ về thưa lại với Bố Mẹ tôi… Nhưng rồi không hiểu sao tôi lại được ban tặng lại sự sống. Chắc hẳn vì tôi chưa hoàn thành sứ mệnh của mình."
- Vâng, ông nói đúng, mỗi người sinh ra sống ở thế gian này, ai cũng có riêng cho phần mình một sứ mệnh, chẳng của người nào giống của người nào; nhưng tôi tin chắc sứ mệnh của ông phải đặc biệt lắm!"
- Tôi chẳng biết mình có làm được gì lớn lao không, nhưng tôi cảm thấy hài lòng về những gì mình hiện đang làm. Những vết thương trên người tôi đang dần được lành lặn khi tôi giúp đỡ cho những người cũng tàn tật như tôi vậy và tôi tin rằng, những vết thương trên thân thể của họ cũng đang được lành lặn như những vết của tôi."
- Những lời nói của ông nghe thật hay ông Larry ạ!! Tôi thật hài lòng đã được gặp lại ông hôm nay để được chuyện trò cùng ông. Tôi đã bắt đầu để ý đến ông từ sau khi ông mang bánh mì và nước uống đến mời hai người Việt Nam lớn tuổi ngồi trước mặt tôi. Tôi đã nhận ra ngay ông là một con người rất đỗi nhân hậu. Ông có thể nào kể cho tôi nghe ông đến Việt Nam để làm gì không?"
- Tôi là thành viên của một Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam. Hội của chúng tôi có quỹ và những chương trình sang Việt Nam để giúp cho những người cựu chiến binh cũng tàn tật như tôi, gia đình của họ, và đặc biệt là các trẻ em, nạn nhân của chiến tranh. Nhiều lần trong năm, hội của chúng tôi có những người đại diện mang áo quần, thuốc men, thức ăn, dụng cụ học tập và nhiều thứ hàng tiếp tế khác về giúp cho những trường học, những trung tâm trẻ mồ côi - khuyết tật và những gia đình nghèo khó ở những vùng ngoại ô, xa xôi, hẻo lánh. Tôi đã cùng những người trong hội đến Việt Nam được 7 lần rồi và lần nào khi xong việc ra đi, tôi cũng đều mong sẽ còn dịp được trở lại Việt Nam. Đất nước Việt Nam của cô, dường như có một phần thân thể của tôi đã được gắn liền ở đó."
Càng nghe những lời ông Larry nói về những kỷ niệm, về những hoạt động hiện nay của ông, tôi càng cảm thấy khâm phục người đàn ông này. Khi bước đi, ông đi những bước khập khễnh không vững; khi nói chuyện thì ông nói thật khó khăn, phải sau một hồi thật lâu ông mới phát ra được hết những âm thanh ngọng nghiệu,… ấy vậy mà ông không màn mấy chục ngàn cây số. Ông vẫn cứ đi, đi hết lần này lại đi lần khác. Những bước đi của ông là những bước đi đem người này đến gần với người kia; bàn tay này cứ được nắm với bàn tay khác, để cái khoảng cách dù rộng cả nửa vòng trái đất, dù hai dân tộc ấy không có cùng một màu da và một giòng máu, họ vẫn cảm thấy cái vòng tròn ấy thật ra chỉ là một vòng tròn rất nhỏ - nhỏ vì nó chính là vòng tròn của tình thương, của hòa bình.
Khi tôi đang mãi mê đeo đuổi suy nghĩ của mình về ông Larry, về những gì ông cùng bạn bè đem đến cho dân tộc tôi… thì ông lại lên tiếng:
- Có một dạo, cứ nhắm mắt ngủ là tôi lại nhìn thấy những hình ảnh kinh khủng của bom đạn, của chết chóc. Tôi cứ có cái cảm giác mình thật tội lỗi và điều ấy không cho phép tôi được sống yên..."
Khi ông Larry nói đến đây, tôi đã mạn phép cắt ngang những lời tự trách móc của ông.
- Chiến tranh ư, nào ai có muốn bao giờ, bởi chiến tranh chẳng khi nào là đúng cả. Nó luôn để lại những vết sẹo thật sâu và thật đau trong lòng của những người bị thương. Ông đã chỉ phải làm những công việc của ông và hàng trăm ngàn người khác họ cũng đã phải làm những điều mà lúc bấy giờ là nhiệm vụ của họ. Nhưng đã mấy mươi năm trôi qua rồi còn gì, những gì thuộc về quá khứ không còn quan trọng nữa mà là những gì chúng ta hiện đang làm trong ngày hôm nay mới là đáng quý, đáng được lưu tâm đến. Tấm lòng và con tim của ông, cũng như của những bạn bè ông thật đáng được đề cao. Tôi vô cùng hân hạnh đã được biết ông, thưa ông Larry. Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến bay ngày hôm nay của tôi. Tôi xin cảm ơn ông rất nhiều, ông Larry ạ, vì nhờ ông, tôi đã có một cái nhìn khác về chiến tranh, về con người, về tình nhân loại..."
Ông Larry lấy ra cho tôi xem những bức hình ông đã chụp trong chuyến đi của ông. Ông đã cùng bạn bè đến những làng nghèo của thành phố Nha Trang, Hội An, và Huế. Ông đã thật hạnh phúc khi ôm các trẻ nhỏ trong vòng tay mình. Những bà mẹ thật già cũng đã cười thật tươi và ôm lấy ông. Những tấm hình khác thì ông lại đang cùng khóc với những người thương binh đồng cảnh ngộ. Họ như thật hiểu nhau, thương nhau; ôm nhau vào lòng và cùng cảm nhận được một điều quan trọng, họ chẳng qua chỉ là những đứa con của cùng một Thượng Đế.
18 giờ đồng hồ, thông thường tôi đã phải chờ đợi rất lâu, cứ như là phải đếm từng năm phút một vì trên máy bay không làm được gì nhiều ngoài đọc sách, xem phim, nghe nhạc hoặc ngủ những giấc ngủ chập chờn,... nhưng lần này 18 giờ ấy đã qua đi thật nhanh. Tôi như vẫn còn muốn được ông Larry kể thêm cho nghe bao nhiêu chuyện khác nữa nhưng máy bay đã hạ cánh.
Đã đến giờ chúng tôi phải chia tay nhau và đi về hai ngả. Tôi thì chuyển máy bay để về lại Lyon; còn ông Larry thì phải đi xa hơn, ông sẽ phải chờ đợi và lại tiếp tục ngồi máy bay thêm ít nhất là 6 giờ nữa thì mới đến được New York…
Tôi kéo chiếc vali bước đi, hòa vào dòng người mà trong lòng... bao nhiêu dư âm vẫn còn đọng lại.

 Anne Khánh-Vân  

Thursday, August 25, 2005

Ánh Dương Trong Buổi Hoàng Hôn


Anne Khánh Vân

Xin được cám ơn đôi mắt xanh của Lilie, 
vì trong đôi mắt xanh ấy tôi đã
nhìn thấy một tia sáng, tia sáng của niềm tin, 
của hy vọng và của sự sống!

***
Bên nhau…

Một cơ duyên đặc biệt đã sắp xếp cho
 tôi đến với công việc thiện nguyện ở viện dưỡng lão Antoine Charias.

Cha Emmanuel K. là một tu sĩ dòng Đa Minh. Khi còn ở Strasburg, công việc của cha là sinh hoạt và giúp đỡ giới trẻ, nhưng khi chuyển về vùng tôi ở, cha là Cha linh hướng cho viện dưỡng lão Antoine Charias. Hằng ngày cha đi thăm hỏi những người đau yếu, những ai có chuyện buồn, và xức dầu cho những vị sắp "từ giã thế gian ra đi". 

Mỗi Chủ Nhật, Cha Emmanuel K. tổ chức Thánh lễ cho những vị cao niên này tại nhà nguyện nằm trong khuôn viên của viện. Số lượng các vị cao niên dự lễ có thể lên đến trăm người nếu vào ngày ấy tất cả các ông bà đều khỏe mạnh và muốn rước lễ. Một số người Thiên Chúa giáo đã về hưu trong vùng tình nguyện thay phiên nhau có mặt vào mỗi sáng Chủ Nhật để giúp Cha Emmanuel K. đưa các vị cao niên từ phòng xuống nhà nguyện dự lễ. Vì số lượng người thiện nguyện chưa nhiều nên phải mất rất nhiều thời giờ trước mỗi Thánh lễ mới đưa được tất cả các cụ xuống nhà nguyện. Trong một lần trò chuyện cùng Cha và được biết về điều này tôi đã xin phép Cha Emmanuel K. đến viện dưỡng lão để có thể phụ giúp chút ít việc gì đó. Tôi vẫn còn nhớ câu trả lời của Cha lần trò chuyện ấy:

-- Cám ơn con gái có thiện chí, nhưng Bố chỉ sợ con gái không đẩy nổi họ vì chỉ có một vài vị nhỏ con như con gái thôi, số đông còn lại tuy đã lớn tuổi nhưng họ vẫn còn "nặng ký" lắm.

Nghe xong, tôi đã cười cùng Cha và nói: "Thì Bố cứ cho con đến thử, con nhắm đẩy được ai thì sẽ đẩy người đó, còn ông bà nào… ‘bự’ con quá thì con sẽ để dành cho những người khác hoặc con đẩy họ chậm chậm, chắc cũng không đến nỗi nào."

Thấy tôi có vẻ hăng hái, Cha Emmanuel K. không nỡ từ chối. Thế là ngay sáng Chủ Nhật tuần ấy tôi đã có mặt tại nhà nguyện của viện dưỡng lão Antoine Charias lúc 7 giờ 30.

Ngày đầu tiên tôi được giới thiệu làm quen với tất cả những người làm việc thiện nguyện khác. Sau đó Cha Emmanuel K. đưa tôi đi một vòng để chỉ cho biết các lối ra vô, các văn phòng, các công-tắc điện, máy mở nhạc lễ và những nơi cất giữ Chuông, Chén Thánh, Bánh Thánh và Rượu Nho... Cha nói là để sau này tôi có thể giúp Cha chuẩn bị Thánh lễ.

Khi vào đến phía trong của nhà nguyện, nơi chánh điện, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy phía trước bàn tế lễ hoàn toàn "trống không”, không có những hàng ghế như các nhà thờ khác; một số rất ít ghế cá nhân thì lại bị xếp sát vô vách tường. Cha Emmanuel K. giải thích cần phải để trống và xếp ghế như thế bởi các ông bà đến dự lễ phần đông ngồi xe lăn.

Sau đó tôi cùng Cha Emmanuel K. băng qua một khu vườn nhỏ để sang các dãy lầu nơi các vị cao niên có mỗi người một phòng. Họ ở hai tầng 2 và 3. Những ngày trời đẹp và ấm áp, chúng tôi có thể đưa các vị cao niên xuống lầu và đẩy họ đi ngang qua khu vườn nhỏ này trước khi đến nhà nguyện. Nhưng vào mùa đông trời lạnh thì không thể cho các vị cao niên đi ra ngoài, vì vậy mà thay vì chỉ cần xuống tầng trệt thì phải xuống thêm một tầng nữa phía dưới, từ đó sẽ có một đường hầm hơi lên dốc dẫn thông sang nhà nguyện. Đường hầm này sẽ được sưởi ấm vừa đủ để các vị cao niên đi bên trong không bị lạnh.

Khi lên tầng lầu của các vị cao niên, sự việc đầu tiên làm tôi để ý là hầu hết các nữ y tá khi nói chuyện với các cụ, ai nấy đều nói tiếng rất lớn. Chắc hẳn vì phần đông các vị cao niên không ai còn nghe rõ!

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi có mặt ở một viện dưỡng lão, bởi ông bà Nội Ngoại của tôi dù lớn tuổi, họ vẫn ở nhà của họ, với các con cháu của họ, nên tôi chưa bao giờ có dịp đến một viện dưỡng lão nào để có thể tận mắt nhìn thấy mọi thứ nơi ấy ra sao.

Cha Emmanuel K. đưa tôi đi một vòng. Vừa đi Cha vừa giới thiệu và giải thích sơ qua những gì tôi cần biết. Điều Cha dặn kỹ nhất là trước khi đẩy xe cho các cụ đi, phải nói thật rõ rằng họ sẽ được đưa xuống nhà nguyện để dự Thánh lễ Chủ Nhật và phải được các cụ đồng ý dù các cô y tá đã cho chúng tôi biết cụ nào muốn dự lễ, cụ nào không.

Tôi bắt đầu buổi làm việc đầu tiên ở khu A và B. Khi bước vào căn phòng nhỏ số 235, một cụ bà có vẻ đã sẵn sàng để tôi đẩy xe lăn của bà xuống nhà nguyện. Cụ có lẽ đã ngoài 80 tuổi. Tuy khuôn mặt và hai cánh tay đầy nếp nhăn và thân hình gầy yếu, nhưng đôi mắt bà vẫn còn rất linh động. Với cuốn sách đang đọc còn cầm trên tay, bà nói: "Tôi đã sẵn sàng được một lúc rồi!" Tôi tươi cười nhìn bà: "Vậy thì con sẽ đẩy bà xuống nhà nguyện ngay bây giờ."

Trong khi tôi cúi xuống giúp bà để chân lên chỗ gác và mở cái cài bánh xe ra thì bà bắt đầu hỏi chuyện: "Tôi tên Bernadette, còn tên cô là gì? Có lẽ cô là người mới phải không vì tôi chưa bao giờ thấy cô nơi đây." Bà có vẻ rất vui.

Trên đoạn đường đi, tôi tiếp tục chuyện trò cùng bà, nhưng vì chưa biết phải tiếp chuyện với những người lớn tuổi ở đây ra sao, tôi đã hơi e dè. Tôi chỉ hỏi bà những câu đại loại như "Tối qua bà ngủ có ngon không? Trong tuần qua bà làm gì, vui không?..." Bà hớn hở khoe với tôi hôm qua bà được cô cháu ngoại ẵm đứa con chỉ vài tháng tuổi đến thăm nên bà vui lắm.

Khi xuống đến nhà nguyện, tôi phụ với những người thiện nguyện khác xếp các xe lăn lại thành từng hàng và chừa ra một lối đi ở mỗi dãy xe lăn để lát nữa mang Bánh Thánh đến cho từng người. Vì không tự đứng lên được, các cụ sẽ rước lễ ngay tại chỗ ngồi.

Xếp xe của bà Bernadette vào chỗ và cài lại bánh xe xong, tôi chào bà và trở lên lầu để tiếp tục đưa người thứ hai xuống nhà nguyện. Bà cụ này chỉ vừa mới thức giấc vì tối qua khó ngủ. Cô y tá chưa sửa soạn cho bà xong nên tôi sang giúp một phòng khác.

Các phòng ở đây, phòng nào cũng nho nhỏ, giông giống nhau với chiếc giường nệm và một cửa sổ lớn để các "chủ nhân" có thể nhìn thấy bầu trời. Tuy nhiên mỗi phòng vẫn có một vẻ riêng. Có phòng được kê thêm tủ sách nhỏ, hoặc máy nghe nhạc, tivi... Đặc biệt là phòng nào cũng thấy nhiều hình ảnh gia đình được bầy trên kệ tủ hoặc treo trên tường. Có lẽ những hình ảnh gia đình người thân như quây quần xung quanh đã giúp các cụ ông cụ bà bớt lẻ loi cô đơn.

Sau Thánh lễ, chúng tôi lại đẩy xe lăn cho các cụ về phòng. Trên mỗi xe đều có ghi tên và số phòng của từng người, giúp những thiện nguyện viên mới đến phụ việc như tôi biết phải đưa ai về lại phòng nào.

*
Nhớ nhau…

Thời gian đầu làm việc tại viện dưỡng lão, Chủ Nhật nào tôi cũng thấy mình như được nhận thêm những hiểu biết đặc biệt mới lạ, khác hẳn những điều thường nghe, thường thấy ở những nơi như công sở, trường học, khu vui chơi, giải trí, phố xá,... những nơi đông giới trẻ.

Khám phá đầu tiên là các vị cao niên luôn rất kiên nhẫn khi nghe ai nói điều gì. Không phải vì già yếu chậm chạp mà vì các cụ biết dùng thời gian để thật sự lắng nghe. Có lẽ nhờ vậy, khi họ lên tiếng thì đó sẽ là những lời thật đáng giá cho người nghe chứ không phải chỉ là nói cho có.

Dĩ nhiên trong số những vị cao niên này, không phải ai cũng còn tỉnh trí và minh mẫn. Có nhiều vị không nhớ những gì họ chỉ vừa mới làm cách đó vài phút. Có khi họ cũng chẳng nhận thức được họ đang làm gì.

Có lần tôi đã chứng kiến một cụ bà ngồi trước một chiếc tách nhỏ, bên trong có hai mẩu đường. Bà cứ cầm chiếc muỗng nhỏ và liên tục khuấy. Một cô y tá phải đến nói với bà: "Cụ ơi, chờ một chốc khi café nguội thì con sẽ rót cho bà ngay. Trong ly bà chưa có café mà!" Bà cụ có nghe, có ngừng lại, nhưng rồi lại tiếp tục khuấy muỗng trong cái tách trống chưa có café.

Đã nhiều lần xảy ra những chuyện đáng buồn chỉ vì tâm trí họ dường như lúc tỉnh, lúc mê, mọi thứ như lẫn lộn. 
Các cụ còn liên lạc với gia đình đều trông chờ đến Chủ Nhật và dậy thật sớm để chuẩn bị. Họ luôn luôn áo quần chỉnh tề từ 7 giờ sáng để ngồi chờ con cháu xuất hiện, thường vào khoảng 8, 9 hay 10 giờ, để đưa họ về nhà chơi. Nhưng không phải Chủ Nhật nào con cháu họ cũng rảnh để đến thăm hoặc đưa họ ra ngoài. Biết vậy nhưng các cụ vẫn cứ chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng với hy vọng sẽ có người đến thăm.

Một nữ y tá, sau khi nhận điện thoại của người nhà bà Terese, đến báo cho bà biết: "Hôm nay bà sẽ không có người thân đến thăm," thì bà ta òa khóc: "Tai sao chúng nó không đến thăm tôi? Chúng không còn thương tôi nữa sao?" Đứng gần đó, nghe được những tiếng kêu khóc của bà Tesese, tôi không sao cầm được nước mắt. Cô y tá hỏi: "Bà đã ăn mặc đẹp rồi, bà có muốn xuống nhà nguyện để dự lễ không?" Sau một hồi lặng thinh, bà có vẻ đồng ý và tôi đã đưa bà xuống nhà nguyện. Nhưng đang trong giờ lễ thì bà ta lại òa khóc và hỏi "Tại sao con tôi không đến thăm tôi? Đã 3 tuần lễ rồi còn gì. Tôi muốn chúng đến thăm tôi."

Trong những trường hợp như vậy, đã có hướng dẫn rằng người ngồi gần bà nhất phải mau chóng chạy đến và đẩy bà ra khỏi nhà nguyện để dỗ dành, kẻo các cụ ông cụ bà khác cũng òa khóc theo thì cả nhà nguyện sẽ... rối lên.

Khi nghe tiếng khóc của bà Terese, tôi đang đứng phía cuối nhà nguyện, vội vã chạy tới, nhưng một bà thiện nguyện kế cận đã kịp thời chạy đến đẩy xe của bà ra phía xa, cố dỗ bà nín nhưng không thành công, đành phải đưa bà về lại phòng. Dỗ các cụ trong lúc họ đang khóc là biệt tài của Cha Emmanuel K. Cha luôn trầm tĩnh và kiên nhẫn đến lạ thường. Cha biết nói những điều người đang buồn cần được nghe, nhưng lúc này cha đang bận làm lễ.

Bà Terese đã được đưa về phòng từ lâu nhưng tiếng khóc thút thít tội nghiệp của bà làm tôi ray rứt mãi. Tôi cứ nghĩ nếu bà ấy là mẹ của mình thì thì mình phải làm gì. 

Phải chăng Thượng Đế khi để con người phải trải qua sự già nua là vì Ngài muốn thử thách tình yêu thương giữa những người từng thân yêu với nhau?

*
Trẻ lại…

Làm việc tại viện dưỡng lão được một thời gian, tôi bắt đầu biết sơ sơ hoàn cảnh từng người. Người lớn tuổi nhất lúc bấy giờ là một cụ bà gốc Nga, 126 tuổi; các cụ ông cụ bà khác, phần đông là người da trắng, ở tuổi từ 75 đến ngoài 90.

Trong số những vị cao niên ở đây, có nhiều cụ ông cụ bà trông đẹp tựa những ông tiên, bà tiên mà tôi từng được xem trong các phim truyện thần thoại, cổ tích. Với mái tóc bạc phơ, nét mặt hiền hậu, nhân từ, miệng luôn nở nụ cười; họ luôn khiến tôi muốn đến gần để thăm hỏi.

Nhưng ngược lại, cũng có một vài vị, họ không chỉ xấu xí vì già nua mà (thật lòng nói thì) khuôn mặt và bộ dạng của họ dễ làm người mới nhìn phải kinh hoảng.

Một lần đang vội đi lo việc, tôi thình lình nghe một giọng lạ: "Chào cô bé!" Tiếng nói trầm đục vang lên từ một góc hành lang mờ tối. Quay lại, tôi thấy một khuôn mặt nhăn nhúm xấu xí đến dễ sợ. Đó là một cụ ông đang ngồi trên xe lăn ngay bên hành lang. Từ khuôn mặt dị dạng của ông cụ, có hai hố mắt sâu hoắm khác thường hình như đang nhìn tôi. Thấy tôi lên tiếng chào, ông cụ tỏ vẻ ngạc nhiên "A. Cô thiên thần bé nhỏ, hôm nay cô khỏe không?" Giọng ông cụ tuy trầm đục khó nghe nhưng lịch sự. Vậy mà tôi vẫn không dám bắt chuyện thêm mà vội vã bỏ đi.

Suốt buổi làm việc, tôi không thể quên được khuôn mặt dễ sợ của ông cụ. Tôi tự hỏi không biết cụ ông đó đã bao nhiêu tuổi. Không biết khi còn trẻ cụ có "đẹp trai" không, chứ bây giờ trông cụ hơi… "ớn". Chắc ông cụ đã già cả trăm tuổi. Trời ơi! Nếu sống được đến tuổi ấy, không biết chính mình sẽ ra sao, nếu mặt mũi coi cũng ... "ớn" như vậy thì mọi người sẽ nhìn mình ra sao? Ông cụ gọi mình là "Cô thiên thần bé nhỏ" vậy mà mình vẫn quay đi, chối từ lời chào hỏi chân tình tử tế ấy?

Suốt tuần lễ sau đó, cứ nghĩ tới ông cụ là tôi cảm thấy áy náy, hổ thẹn. Già nua, nhăn nheo, bệnh tật là một chặn đời đâu ai tránh khỏi. Trong viện dưỡng lão, đâu phải chỉ toàn những ông tiên, bà tiên. Nhưng hãy nhìn Cha Emmanuel K. kìa. Có gì là "kinh khủng" đâu. Tôi chưa một lần bắt gặp cha hoảng hồn hay khiếp vía! Tôi thường tự hỏi làm thế nào mà bao giờ Cha cũng luôn tươi vui và nhìn thẳng vào mắt các ông các bà lão suốt cả thời gian đối thoại. Cha luôn bình tĩnh và không hề có vẻ chán hay sợ mà ngược lại như thấu hiểu được nỗi lòng của những vị cao niên này.

Ngay chủ nhật sau đó, khi trở lại viện dưỡng lão, tôi có ý mong gặp "ông cụ… xấu trai." Không thấy bóng dáng ông cụ ngoài hành lang, tôi hỏi thăm. Cha Emmanuel K. bảo tôi, "A, chắc là con nói ông cụ Bob, ông cụ dễ thương lắm." Nghe Cha nói, tôi quyết định tìm đến phòng của cụ Bob. Khi đến trước phòng, tôi khẽ nhắm mắt lại và đếm vài chục giây rồi mới bước vào. Cụ đang đăm chiêu ngồi một mình nhìn trời đất, nghe tiếng tôi chào hỏi, bỗng vui tươi hẳn lên. Cái miệng móm xọm của cụ hé cười. Hình như hôm nay trông cụ hơi "đẹp trai" hơn… chút xíu vì tôi không còn cảm thấy mình muốn… bỏ chạy. Chuyện trò với cụ, tôi được biết cụ đã 97 tuổi. Nhắc lại lần gặp vội vã ngoài hành lang, cụ nói lúc đó cụ ngạc nhiên khi thấy tôi đi qua, nên mới lên tiếng gọi tôi là cô bé.

Thì ra, tất cả những người đến làm việc thiện nguyện tại viện dưỡng lão Antoine Charias đều lớn tuổi, hầu hết đã ngoài 60, chỉ có mình tôi là trẻ nhất. Tôi chỉ mới 25, 26 tuổi vào những ngày tháng ấy. Nghe cụ nói, tôi mới hiểu ra vì sao các vị cao niên trong viện dưỡng lão thường nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên.

Chuyện trò với ông cụ hồi lâu, tôi hỏi: "Cụ ơi, bây giờ điều gì là điều cụ mong muốn hơn cả?" Cụ trả lời bằng giọng thật hiền từ, thong thả: "Tôi muốn được trẻ lại như cô, để làm lại nhiều việc mà trước đây tôi đã làm hỏng vì khờ dại, hoặc sống tốt hơn những gì tôi đã trải qua vì không biết cách sống."

Vâng! Cụ ông 97 tuổi ấy, như nhiều ông bà lớn tuổi khác, đã trả lời như vậy.

Thời gian trước khi vào làm thiện nguyện trong viện dưỡng lão, tôi cũng đang có vài chuyện buồn. Có lúc từng suy nghĩ bi quan như bao người chán đời khác là "chết phứt cho rảnh nợ".

Nghe ông cụ nói, tôi thấy mình tỉnh ra. Ông cụ 97 tuổi bệnh tật này đâu có muốn chết cho rảnh nợ. Nếu những người già nua này còn muốn trẻ lại để được sống thêm thì tại sao đang còn trẻ như tôi mà lại muốn chết chỉ vì chút khó khăn phiền muộn? Tôi thật quá ngốc nghếch khi không biết quí cái quí nhất mình đang có là “tuổi trẻ”, và từng ngày đang được sống mạnh khỏe.

*
Cảm thông…

Trong thời gian làm việc thiện nguyện tại viện dưỡng lão Antoine Charias, tôi thấy các cụ ông cụ bà ở đây tuy cũng đau, cũng khổ nhưng còn sướng hơn hoàn cảnh các ông già bà cả ở quê hương mình. 

Tôi nhớ một cụ bà bán hành lá ở một xóm chợ mà tôi đã có dịp chuyện trò trong một lần về thăm lại quê hương.

Với thân hình nhỏ thó, tiều tụy, dường như mọi thứ như đã co rút lại vì già nua, bà ấy phải ngoài 80 tuổi. Bà kể rằng ngày nào cũng vậy, bà mua vài bó hành to của những người bán sỉ để phân ra bán lẻ kiếm vài ngàn tiền lời mua bát cơm. Khi tôi hỏi: "Mỗi ngày bà cần lời bao nhiêu thì bà sẽ có cơm ăn và hài lòng?" Bà trả lời: "Vài ba ngàn thôi con ơi, bà có ăn gì nhiều đâu." Vài ngàn đồng Việt Nam chỉ bằng vài xu Mỹ.

Cụ bà xấu số ấy không hiểu vì sao lại không có con cháu chi cả khi tôi hỏi thăm về những người thân của bà. Cũng có thể bà đã từng có con cái nhưng con cái của bà đã không còn nữa, hoặc họ cũng nghèo khó quá, hoặc bà đã bị lãng quên chăng... nên bà không muốn nói ra điều ấy với tôi? Sau đôi lời chuyện trò và biếu bà một số tiền, tôi chào bà ra đi nhưng không sao thôi nghĩ về bà.

Hình ảnh "bà bán hành lá" đã khiến tôi đem lòng cảm phục. Bà cũng có thể nằm đó chờ chết và không thiết tha gì đến sự sống, nhưng người mẹ Việt Nam ấy đã không làm như vậy. Ngày nào bà còn đi lại được, tuy đã rất già yếu, bà vẫn cố gắng tự lo liệu cho bản thân mình để không phải làm phiền ai. Giờ đây khi tôi nhớ lại khuôn mặt ấy, thân hình ấy thì chắc bà đã từ giã thế gian. Sống cả một kiếp người để rồi những ngày cuối đời phải chật vật như vậy, quả thật quá đáng thương.

Tôi ước mong Việt Nam ta sớm có được chế độ biết chăm lo cho những người già cô đơn và mọi người đều luôn nhớ về ông bà cha mẹ của mình, ăn ở tử tế với những người già cả.

*
Vắng Mặt…

Chuyện "bỗng nhiên thấy vắng mặt" là chuyện thường xuyên xảy ra ở viện dưỡng lão. Các cụ có thể đau, yếu hơn, nên phải nằm tại giường, không thể đi dạo ngoài hành lang; còn không thì… họ đã… "vĩnh biệt" viện dưỡng lão.

Một lần trở lại thăm ông cụ Bob 97 tuổi, tôi thấy phòng cụ đã có người khác ở. Hỏi thăm Cha Emmanuel K. về ông Bob, cha cho biết ông đã mất cách đó mười ngày và lễ an táng đã được làm vào một ngày trong tuần nên tôi không biết. Viện dưỡng lão thường tránh làm lễ an táng vào Chủ Nhật vì ngày ấy là ngày tất cả các ông các bà đi lễ, không nên gợi lên trong tâm trí họ rằng họ cũng có thể… sắp chết. Dù có nhiều người rất biết cách đón nhận cái chết, nhưng cũng còn rất nhiều người khác dù đã được giúp đỡ, họ vẫn không thể sẵn sàng, khi nghe tin ai đó trong viện mà họ biết vừa chết thì họ sẽ hoảng lên.

Không bao lâu sau tin ông Bob ra đi, Cha Emmanuel K. lại báo cho tôi thêm một tin buồn khác. Hôm thứ hai đầu tuần, vào khoảng sau 11 giờ đêm, một cô y tá trực đã gọi điện đến và mời Cha hãy vui lòng đến viện. Bà Bernadette muốn gặp Cha lần cuối và xin được Cha xức dầu cho bà. Chỉ nghe Cha nói đến đây tôi đã kêu lên:

-- Ôi, Bố đừng nói là bà Bernadette cũng đi… rồi nhe. Con thương bà ta lắm. Bà ấy rất dễ mến. Bà là người con đã đưa xuống nhà nguyện vào ngày làm việc đầu tiên. Bà còn khỏe lắm, chưa thể chết được.

-- Bố cũng nào vui đâu con gái. Bố cũng không khỏi bàng hoàng và thương tiếc dù mình là người luôn cố chuẩn bị tinh thần cho những người sắp… ra đi. Tối thứ hai ấy bà Bernadette đã nói với Bố rằng khi sắp ngủ, bà bỗng cảm thấy như "sắp đến… giờ", vì vậy mà bà đã nhấn chuông và nhờ cô y tá liên lạc với Bố và những người thân của bà. Khi Bố đến, bà còn rất tỉnh táo. Khi Bố cho kêu những người thân của bà vô đứng quanh giường, bà vẫn cười. Bố xức dầu, đọc kinh cầu nguyện cho bà tới một giờ khuya. Hai giờ sáng thì bà ấy trút hơi thở cuối cùng bên cạnh những người thân. Lễ an táng được tổ chức hôm thứ Năm. Bố có định liên lạc báo cho con biết, nhưng nghĩ lại thấy có lẽ không nên, vì ngày an táng cũng là một ngày thường, con phải bận đi làm.

*
Xanh trời hy vọng…

Thời khóa biểu của chúng tôi luôn được thay đổi thường xuyên, không ai làm mãi ở một khu. Không rõ có phải là để các cụ không phải nhìn hoài những khuôn mặt "quen thuộc" của chúng tôi hay là để chúng tôi không phải cứ tuần nào cũng nhìn những khuôn mặt "quen thuộc" của các cụ.

Tôi còn nhớ rõ ngày đầu tiên khi phiên của tôi được chuyển sang khu C và D. Người đầu tiên tôi gặp là Lilie, một cụ bà 76 tuổi, ở khu D. Phòng bà rất thoáng và sáng. Một gian phòng đơn sơ, rất ít đồ đạc. Tôi vào và tự giới thiệu: "Con là Anne, hôm nay con sẽ đưa bà xuống nhà nguyện." Bà hướng mắt đến phía tôi, đôi mắt xanh thiệt đẹp và vui như nụ cười của bà: "Tôi là Lilie, hãy gọi tôi là Lilie nhé. Cô còn trẻ lắm phải không, cô Anne?" - "Dạ, con 26 tuổi ạ!"

Lilie rất thích nói chuyện. Tôi có cảm giác bà là người yêu đời nhất trong số những người tôi đã gặp nơi đây. Trên suốt đoạn đường từ phòng bà xuống nhà nguyện, bà liên tục kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện. Xong lễ, tôi lại đẩy xe đưa Lilie về phòng. Bà rất thích dự lễ của Cha Emmanuel K. Khi biết tôi là người gốc Việt, bà thăm hỏi về các thắng cảnh ở Việt Nam rồi nói: "Cha Emmanuel rất vui tính và hát rất hay. Cha quả là một con người của yêu thương. Cũng nhờ viện dưỡng lão này có được Cha Emmanuel K. và cô đến làm việc mà tôi đã có dịp biết thêm về dân tộc Việt Nam của cô."

Khi lên đến phòng bà, đẩy xe đưa bà vào phòng, tôi hỏi: "Bà muốn ngồi quay ra phía cửa sổ hay là cửa ra vào?" Câu trả lời của bà đã làm tôi sửng sốt: "Cô muốn để tôi quay ra hướng nào cũng được vì tôi hoàn toàn không nhìn thấy gì cả." Tôi giật mình nhìn sang khuôn mặt của bà. Ôi! chẳng lẽ Lilie lại bị lòa sao? Tôi nào hay biết! Tôi thật vô ý quá! Hèn gì không thấy có Ti Vi trong phòng. Có lẽ vì tôi cứ đi đứng phía sau chiếc xe lăn nên không nhìn thấy được khuôn mặt của bà thường xuyên để nhận ra bà bị lòa. Và cũng có lẽ vì bà có đôi mắt xanh thật đẹp, sáng trong và hiền diu nên tôi không thể nào ngờ là chúng bị lòa. Tôi vội vàng xin lỗi bà và vẫn để bà quay ra phía cửa sổ, nơi mở ra một bầu trời trong xanh, quang đãng. Thấy tôi tỏ vẻ áy náy, bà chỉ mỉm cười rồi luôn miệng nói cám ơn tôi đã giúp bà đi lễ và đã chuyện trò cùng bà. Bà nói bà rất vui

Tôi còn đang hơi bối rồi và chuẩn bị rời phòng bà thì bà lên tiếng nói tiếp:

-- Tôi rất thích cái tên Anne của cô, Anne.

-- Dạ, con xin cảm ơn bà nhiều. Anne cũng là tên Thánh của con, mẹ của Đức Mẹ Maria!

Khi nghe bà Lilie nói thích tên Anne, tôi chợt nhớ đến bà người Nga lớn tuổi nhất, vì tên bà ấy cũng hơi giống tên tôi: Anna. Tôi hỏi bà Lilie có biết bà Anna không. Thật ngạc nhiên khi được nghe Lilie kể thêm nhiều chuyện thú vị khác:

-- Tôi khâm phục bà Anna lắm. Cách đây hơn 3 năm khi tôi mới đến đây, lần đầu tiên chuyện trò với Anna, tôi hoàn toàn không biêt Anna đã 123 tuổi. Bà ấy sao mà hồn nhiên, tươi vui đến lạ thường và điều đặc biệt là bà còn rất sáng suốt.

-- Lilie, bà cũng sẽ sống lâu như bà Anna đó, con tin chắc như vậy, vì bà cũng tươi vui không kém gì bà Anna. - Tôi đáp lời bà Lilie.

-- Cảm ơn Anne, nhưng tôi không hề sợ chết đâu Anne ạ. Cô có biết Bernadette không? Bernadette đã chết cách đây vài tuần, thọ 80 tuổi. Còn tôi, tôi đã chết một lần hồi năm ngoái.

Tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi đã cố tránh không nhắc đến sự ra đi của bà Bernadette với Lilie cũng như tránh nói với tất cả các ông các bà khác, vậy mà chính Lilie đã can đảm nhắc đến để thương tiếc. Thế rồi Lilie còn “khoe” chính bà đã từng chết một lần. Tôi đang thắc mắc định hỏi ý bà muốn nói gì thì Lilie tiếp tục:

-- Năm vừa rồi tôi bị cao huyết áp. Tôi đã chết đi vài phút và sống lại. Khi chết, tôi đã có thể "nhìn thấy" tất cả những gì mà khi sống tôi chỉ có thể "thấy" bằng óc tưởng tượng. Tôi đã được nhìn thấy tất cả các màu sắc, tôi nhìn thấy ánh sáng, tôi thấy nụ cười và nước mắt, tôi nhìn thấy sự sống… và tôi cũng đã khám phá ra chết thật sự chẳng có gì đáng sợ. Nó như một sự cởi bỏ, giải thoát nên cảm giác rất nhẹ nhàng, thanh thản, bình yên… Tôi đã sẵn sàng để có thể chết bất cứ lúc nào. Thế gian này như một trường học và chúng ta đến đây để học hỏi hoặc thực hành những gì đã học được trước đó để thu nhận kinh nghiệm, để trở nên "đầy đủ"… và khi học xong thì chúng ta sẽ "ra trường" và rồi sau đó sẽ có thể "trở lại" để lên lớp, học tiếp.

Bản thân tôi lúc đó đang sống cảnh vừa đi làm vừa đi học mệt muốn chết mà nghe bà Lilie ví kiếp người với lớp học, cũng không thể không cười. Giọng bà bỗng dịu dàng khác thường:

-- Anne à, cô biết không, trong lần "chết" ấy, tôi đã gặp lại cha mẹ tôi và "biết mặt" họ. Chúng tôi lại quây quần bên nhau… Vì vậy tôi không còn nghĩ chết là một sự chia ly. Có thể chỉ tạm chia tay những người còn sống, nhưng lại là một sự xum họp với những người đã chết trước. Và cứ như thế, mọi người rồi sẽ đến ngày được xum họp với những người thân yêu.

Những điều Lilie nói thật đáng để suy ngẫm, chúng càng quý giá vì chính bà đã "sống" những điều ấy để nói lên được như vậy. Chỉ trong đôi ba phút, tôi bỗng thấy mình như đã "giàu" hơn rất nhiều. Tôi cảm ơn Lilie đã chia sẻ với tôi những điều bà đã "sống" khi "chết". Tôi cũng mừng khi thấy Lilie đã "sẵn sàng". Tuy vậy, để cuộc chuyện trò được kết thúc một cách vui vẻ hơn, tôi nói với bà:

-- Con có nghe nói là hình như người nào nếu đã "chết hụt" thì sẽ sống lâu lắm. Lúc nãy con nói bà sẽ sống lâu vì bà rất vui tươi như bà Anna. Bây giờ biết thêm bà đã từng "chết hụt", con biết bà sẽ còn sống lâu hơn nữa kia.

Bà Lilie cười, cảm ơn, và chúng tôi chào nhau.

Trở về nhà nguyện mà tôi không sao thôi nghĩ về bà Lilie. Bị mù lòa mà sao bà lại có thể lạc quan yêu đời đến như thế! Có phải vì bà không trông thấy gì cả của thế gian nên mới vui và lạc quan được vậy, chứ bà mà thấy hết sự đời thì... chán lắm thì thôi 😀. Không. Không thể nghĩ bi quan đến vậy. Có được đôi mắt sáng khi chào đời là diễm phúc cho cả một kiếp người. Chính bà Lilie cũng xúc động biết bao khi kể là bà đã “nhìn thấy” tất cả trong khoảnh khắc bà lạc vào cõi chết. Bà đã nhìn thấy sự sống mà những người sáng mắt được diễm phúc nhìn thấy mỗi giây phút.

Tôi thật khâm phục bà Lilie và sực nhớ câu nói nổi tiếng của John Milton: "Đui không phải là khổ, không chịu được cảnh đui mới là khổ." Bà Lilie đã chấp nhận khuyết tật bẩm sinh của bà, và đã chẳng bao giờ phải than van hay trách cứ gì ai. Nhờ vậy bà lạc quan, thong dong tự tại hơn cả những người may mắn có được đôi mắt sáng.

Hoàn cảnh dù tệ hại đến đâu tự nó không phải là địa ngục. Nói theo một vị thầy tâm linh trong sách Phật giáo Tây Tạng mà tôi từng được đọc, địa ngục hay a tỳ ngạ quỉ gì đó ở ngay trong tâm mình, khi cái tâm cố chấp không chịu hoà thuận với hoàn cảnh thực tại.

*
Trân quý sự sống!

Mỗi khi đến các ngày lễ trọng như Phục Sinh hay Giáng Sinh, Cha Emmanuel K. thường mời một số bạn bè, người thân hoặc các Cha, các Thầy trong Dòng đến tham dự Thánh lễ ở nhà nguyện Antoine Charias. Cha muốn bầu không khí được vui nhộn hơn so với các ngày lễ Chủ Nhật khác để các ông các bà nơi đây thấy được rằng hôm ấy là một ngày thật đặc biệt vì có nhiều thân khách đến thăm các ông bà.

Trong số những người đến dự, có một bà quen biết đã bảo tôi "Chị chỉ ở trong đó có vài giờ mà đã thấy... xuống tinh thần quá chừng. Mấy người làm thiện nguyện ở đây đều lớn tuổi, họ chưa 8, 9 chục tuổi nhưng cũng đã ở tuổi về hưu, chỉ thấy có mỗi mình em là trẻ, vậy sao em ở đây cả năm mà không xuống tinh thần?"

Nghe bà hỏi, tôi chỉ cười cho qua.

Thật ra, khi mới vào làm việc tại đây, tôi chẳng hề tinh thần hay nghị lực như mọi người đã tưởng. Đang có sẵn cả lô chuyện buồn, tôi đã từng có lúc chán đời hơn, khi chỉ thấy toàn những khuôn mặt "sắp về với Chúa". Sự thật là vậy! Nhưng sau khi đã có dịp thăm nom, trò chuyện, chia sẻ buồn vui với các cụ trong viện, tôi cảm thấy chính mình mới thật là may mắn khi được có mặt ở viện dưỡng lão này.

Từ sau khi tâm tưởng được "soi sáng", tôi đã luôn nôn nóng mong mau đến Chủ Nhật để được trở lại viện. Tôi thật hăng hái và vui sướng khi được gặp lại những khuôn mặt "già nua xấu xí" ấy. Tôi không quay mặt đi nữa mà cứ để cho các ông các bà nhìn tôi cho đến khi nào họ "chán" thì thôi. Từ lúc nào không biết, tôi thấy mình đã trở nên rất ư lạc quan. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi biết mình có đôi chút hữu ích, khi mang được dăm ba niềm vui, thân ái tới với những người già cả sắp lìa xa trần thế; và phần thưởng vô giá mà họ tặng lại tôi là bài học trân quý sự sống.

Khi đã hiểu ra được giá trị của sự sống, tôi yêu đời đến mức không còn ai có thể làm cho tôi chán đời được nữa kể cả "Thần Chết." Từ đây, dù phải ở trong một hoàn cảnh đen tối tới mức nào đi nữa, tôi luôn tin là mình có thể tìm ra được một tia sáng. "Một cánh cửa đóng lại, nhưng còn cái cửa sổ." Đó là mặt tích cực trong bất cứ vấn đề khó khăn, rắc rối, phiền não nào. Vui cũng sống, buồn cũng sống, vậy thì tại sao lại phải sống buồn? Tôi hoàn toàn sống cho từng giây từng phút của hiện tại. Tôi không muốn mất thời gian lùi về quá khứ để luyến tiếc; tôi cũng không muốn mơ mộng viển vông (dù khi ngủ tôi rất hay nằm mơ 😊), tưởng tượng những chuyện chưa thành của tương lai, vì khi làm như thế tôi sẽ vô tình quên sống với hiện tại của mình.

Gần hai năm làm thiện nguyện tại Viện Dưỡng Lão là thời gian quý báu nhất cho tuổi đôi mươi của tôi. Những gì tôi được ban tặng tại đây không thứ vật chất nào có thể so nổi.

Từ khi phải rời xa viện dưỡng lão Antoine Charias, tôi thường nhớ tới bà Bernadette và ông Bob, và mỗi lần đụng chuyện giận đời, tôi lại thấy có đôi mắt xanh của bà Lilie vui vẻ nhìn mình. Chính đôi mắt xanh mù loà bẩm sinh của bà đã nhắc tôi nhìn thấy lại ánh sáng của hiểu biết, niềm tin, và giá trị sự sống!

Tôi xin được chân thành cám ơn Cha Emmanuel K., người đã tạo điều kiện cho tôi có mặt ở Viện Dưỡng Lão Antoine Charias; xin cám ơn tất cả các cụ ông, cụ bà, những người đã kể cho tôi nghe bao mẩu chuyện lý thú, đã tặng cho tôi những bài học hữu ích, những ý tưởng cao cả.


Nhớ về những năm tháng khó phôi pha.
Virginia, Tháng 8, 2005.

Anne Khánh Vân