Sunday, October 15, 2006

Privacy: Quyền Riêng-Tư "- Giữa “Ta" và "Tây"

Anne Khánh Vân


*
Sáng nay khi vừa đến bàn làm việc, một đồng nghiệp người Việt của tôi đã tỉ tê tâm sự:

- Thằng David nhà chị càng ngày càng khó dạy em ơi! Tối qua, chị vừa vào phòng nó, chưa kịp nói với nó những điều muốn nói thì nó đã la cho chị một trận: "Sao mẹ vào phòng con mà không gõ cửa? Con có bao giờ tự động vào phòng ba mẹ như thế không? Con đang làm một việc riêng, không muốn bị quấy rầy thình lình như vậy!" - Nghe nó ào ào nạt nộ mà chị phát nổi nóng lên, nhưng nghĩ lại thì... nó nói cũng đúng. Chị cũng vô ý, thường tỉnh bơ đi vô phòng nó mà không hề gõ cửa. Chắc cậu nhỏ bực mình chị từ lâu rồi. Thế là chị đã ráng dằn "cục nóng" của mình lại và từ tốn nói: "Mẹ là mẹ của con, mẹ có thể vào phòng con khi mẹ cần chứ, mẹ con mình đâu có gì phải giữ bí mật."   Tưởng nói thế là xong ai dè nó còn hăng hơn: "Mẹ là mẹ của con, đúng, nhưng đâu có nghĩa mẹ muốn gì thì cứ làm nấy. Thí dụ con cũng thình lình vào phòng ba mẹ khi ba mẹ đang bận việc không muốn có ai vào quấy rầy thì ba mẹ sẽ làm sao?"   Thấy không khí bắt đầu căng và chị cũng hết lý nên xin lỗi nó đóng cửa đi ra. Em coi, nó chỉ mới mười bẩy tuổi hơn, con cái sanh bên này là vậy, tụi nó cứ chơi với Mỹ nên càng ngày càng có cách hành xử của Mỹ, rồi cứ hở một chút là so sánh: "Thằng John bạn con nhà nó thế này, con Sylvia bạn con nhà nó thế kia..." Mai mốt nó mà lớn hơn một chút nữa thì chắc là nó sẽ giảng lại "moral" cho mình mà không hề do dự. Chị luôn thích con gái hơn là vì vậy. Chúng ngoan hơn, biết nghe lời hơn, và chắc chắn sẽ không dám cãi cha cãi mẹ như thế. Con trai tụi nó lì và khó nói gì đâu, nhất là đến cái tuổi mười sáu, mười bảy này.

- Con nào chắc cũng vậy thôi chị à! Em thấy David nó "lý sự" cũng đâu có... hoàn toàn sai.   Tôi vừa khe khẽ cười vừa "thủng thẳng" trả lời chị. - Mười bảy tuổi hơn thì coi như mười tám rồi còn gì, tuổi ta mình thì đã mười chín. Hồi xưa ông ngoại em mười tám tuổi là đã có bà ngoại em rồi đó chứ bộ. Chị tập coi David như một người đàn ông đi là vừa rồi. Nó đã đến cái tuổi muốn được đối xử như một người lớn chứ không phải như một đứa con nít. Mình không còn có thể so sánh tụi nhỏ bên này với cái thời của mình ngày xưa bên Việt Nam được nữa đâu.

Chị đồng nghiệp này, tôi gọi chị bằng "Chị" vì chị thích thế hơn, nhưng chị bằng đúng tuổi mẹ tôi. Chị lập gia đình và có con muộn nên con trai chị thua tôi cũng gần 17 tuổi. Chị thường "phong" cho tôi chiếc ghế "trọng tài" mỗi khi mẹ con chị có điều bất hòa hoặc hiểu lầm nhau, bởi chị nghĩ số tuổi của tôi nằm gần khoảng giữa độ tuổi của hai mẹ con chị và tôi cũng là "người ngoài cuộc" nên sẽ có cái nhìn công bằng, khách quan hơn. 

Thật vậy, những khi chị "có chuyện" như câu chuyện tương tự sáng nay, lần nào nghe chị kể chuyện tôi cũng... lúc thì đặt mình vào vị trí của chị, lúc thì đặt mình vào vị trí của đứa con trai để ít nhiều hiểu được tâm trạng của họ; và theo tôi nhận thấy thì nguyên nhận khiến hai mẹ con chị thường xuyên tức giận có lẽ là vì thiếu sự cảm thông và chấp nhận lẫn nhau giữa hai thế hệ không sinh ra và lớn lên trong cùng một xã hội và môi trường. 

*

Không thể phủ nhận rằng trong số trẻ con Mỹ, có một số trẻ có những thói quen mà đối với người Việt thì có lẽ "không chấp nhận được". Chúng có thể cãi lại cha mẹ một cách tự nhiên khi bất đồng ý kiến chứ không "giữ mồm giữ miệng," nhẹ nhàng chọn lời để nói, hoặc giữ im lặng; nhưng có những điều chúng cũng có thể đúng và có lý khi biện hộ cho bản thân, nhất là khi vấn đề có liên quan đến quyền-riêng-tư-cá-nhân của chúng. Tuy nhiên khi "quá" tôn trọng quyền-riêng-tư-cá-nhân của con trẻ thì tai hại cũng khó đo lường. Báo chí thường nhật vẫn thỉnh thoảng đăng những tin tức mà khi đọc xong ai cũng phải mở tròn mắt và thốt lên: "Thật vậy sao?" 

Vâng, thật vậy đấy! Chính vì được ngồi một mình yên ổn trong phòng, không ai nhìn thấy chúng đang làm gì, đang "đi" đâu qua chiếc máy computer, và nhất là không ai "dám" quấy rầy chúng thình lình... mà khi vô tình phát hiện được thì mới vở lẽ con mình đã thuộc một băng đảng nguy hiểm, đã nghiện ngập heroin, hoặc thường vào những site "cấm dưới vị thành niên", còn không thì lại hàng ngày ngồi "chat" với những nhân vật đã ngoài 50, 60 tuổi nhưng giả dạng thanh niên mới lớn vì họ đặc biệt "mê" những cô bé mới lớn... Thế là các cơ quan tình báo FBI tự dưng lại sinh thêm việc. Họ cũng "giả dạng" lại những cô gái 13, 14 tuổi này để làm "mồi" đi "săn" những nhân vật mà bên ngoài trông cũng có vẻ "bình thường" nhưng bên trong thì lại thật "bệnh hoạn".

Khi sống trong một xã hội với nhiều văn hóa khác biệt nhau và cũng tương đối phức tạp như một xã hội Mỹ, sẽ rất khó nếu muốn duy trì những thói quen "đặc sệt" hoặc "cứng ngắc" của một dân tộc, và cũng không dễ chút nào nếu không muốn "bị" ảnh hưởng những cái xấu, hoặc những phong tục, tập quán, thói quen khác. Trong những trường hợp này, nếu cha mẹ theo dỏi con cái một cách khéo léo và dùng quyền làm cha làm mẹ đối với chúng một cách "lịch sự" thì có lẽ cha mẹ sẽ dễ dàng hướng dẫn được con trẻ trong việc chọn lựa những gì nên ảnh hưởng, những gì nên noi theo, và những gì nên tránh, không bắt chước, để nên người...

*

Một cô bạn người Việt khác của tôi cũng thường than phiền về người mẹ, vì dù anh chị em cô ai cũng đã ngoài ba mươi, gần bốn mươi tuổi, thế nhưng mỗi khi có thư từ gửi về nhà, bất kể là hóa đơn hay thư tình,... người mẹ đều mở ra xem trước rồi mới đưa lại cho từng người trong nhà. Anh chị em cô rất giận và đã nhiều lần nói thẳng với người mẹ rằng họ không thích như thế nhưng người mẹ vẫn "chứng nào tật nấy". Dù biết các con không bằng lòng, bà vẫn chỉ trả lời: "Ngày xưa bà ngoại cũng luôn kiểm tra thư từ của mẹ như thế!" - Nhưng có lẽ cái thói quen, câu trả lời và cách "bảo vệ" con ấy của người mẹ không còn hợp thời và hợp lý nữa nên cuối cùng anh chị em cô đã dần dà dọn ra ở riêng vì không còn có thể chấp nhận và chịu đựng được nữa tính tình và sự độc đoán của người mẹ.

So với thời phong kiến thì con người (và đất nước) Việt Nam đã có nhiều thay đổi và tiến bộ; tuy nhiên vẫn còn những bậc cha mẹ vẫn giữ thói quen và quan niệm xưa cũ. Họ thường dùng quyền cha mẹ để áp đặt con cái vì cho rằng: "Áo mặc làm sao qua khỏi đầu!" Nhưng với kiểu cách độc tài như thế thì e rằng thành viên trong gia đình sẽ không chỉ không gắn bó với nhau mà những đứa con còn cần được uốn nắn khuyên bảo sẽ hư đốn mau hơn vì chúng sẽ không bao giờ muốn nghe và cố gắng làm hài lòng những người chúng "không ưa". 

 Viết đến đây tôi chợt nhớ một câu đã nghe được trong cuốn phim vừa xem hôm qua: "Được làm cha mẹ không phải là một cái quyền mà là một món quà."

*

Nhớ lại ngày xưa khi còn bé, nhà tôi tuy rộng và cũng có hai gian lầu nhưng anh chị em tôi chỉ có mỗi người một góc học tâp chứ không có được mỗi người một phòng riêng, vì dường như cách xây cất nhà cửa và sắp xếp phòng ốc của Việt Nam ngày xưa là như thế. Thời trẻ con thì chắc ai cũng có những điều tò mò, thắc mắc, muốn tìm hiểu, hoặc hoàn toàn không đồng ý với cha mẹ vì... "hình như là họ không hề hiểu mình", nhưng những điều ấy chỉ mãi là những "bí mật" không bao giờ dám nói ra với ai vì cứ sợ mình sẽ bị rầy la. Tôi cũng là một trẻ nhỏ với những "bí mật" như thế và tôi đã tìm cách "giải tỏa" những tâm sự của mình bằng cách viết nhật ký - người bạn đáng tin cậy nhất; nhưng tôi còn nhớ rõ rằng vì chỗ ngồi viết nhật ký không được kín đáo cho mấy do không có 4 bức tường che quanh, nên tôi cứ phải chờ đến tận khuya khi cả nhà ai cũng đi ngủ hết rồi thì mới mang "người bạn thân" ấy ra để "trò chuyện"; tuy vậy, dù đã giữ kỹ cuốn nhật ký như giữ một báu vật, tôi vẫn luôn lo sợ sẽ có ngày "kho báu" của mình bị phát hiện. 

Nói tóm lại, tôi không nhớ rằng mình đã có những cảm giác an toàn cho những thứ gọi là "riêng-tư-cá-nhân". Về sau này, khi có dịp nghiên cứu, đi sâu vào những vấn đề tâm lý, tôi mới biết những tình trạng như thế thường có ảnh hưởng lâu dài và không tốt đến tâm lý và tính cách của con trẻ khi lớn lên. Những người trưởng thành này sẽ có khuynh hướng chịu đựng mọi thứ, giữ kín mọi thứ, không thích đối thoại, thiếu niềm tin nơi người đối diện, trở nên trầm lặng, thụ động, chỉ thích an phận chứ và không dám đấu tranh, xông lên... 

Cũng may là khi lớn lên một chút, tôi đã rời khỏi Việt Nam và được sống và học tập trong một môi trường mà tôi luôn được khuyến khích: "Hãy phát biểu ý kiến!" "Hãy thong thả và tự nhiên nói rõ hơn suy nghĩ của mình!" "Nét mặt như đang còn thắc mắc một điều gì chưa được thuyết phục, hãy thổ lộ suy tư của mình đi, đừng lo sợ và giấu kín mọi thứ bên trong như thế!"... Vâng, chính nhờ vậy mà tôi đã chui ra được khỏi cái "vỏ ốc" của mình. Tôi đã cất cánh bay, rời khỏi những trang nhật ký nhỏ nhoi, tù túng. Tôi đã trở nên mạnh dạn hơn, tự tin hơn, cởi mở hơn, dễ hòa đồng và thích nghi hơn, và tôi cũng đã biết rõ hơn cách phải làm sao để người khác phải tôn trọng quyền phát biểu ý kiến của mình và lắng nghe những gì mình muốn nói. Tôi đã biết tạo ra cho mình một giá trị và điều ấy thật vô cùng quan trọng đối với tôi. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con cái nhận thấy chúng được tôn trọng vì chúng có quyền-riêng-tư-cá-nhân của chúng, khi ấy chúng sẽ tự tin và thoải mái tâm sự, chia sẻ với cha mẹ những điều cần thiết mà không cần cha mẹ phải dò hỏi, điều tra. Hãy xem con mình như một người bạn!

*

Trở lại quá khứ mười mấy năm về trước, khi tôi vừa đến Pháp và vào lớp Toán-Logic, ngày được phát lại bài kiểm tra đầu tiên chính là lần đầu tiên trong đời tôi có dịp suy nghĩ và so sánh về vấn đề quyền-riêng-tư-cá-nhân giữa "Ta" và "Tây". 

Trước khi trả lại bài kiểm, thầy giáo đã nói: "Tôi sẽ chỉ gọi tên và thông báo số điểm của những ai được hơn 98 điểm để các bạn trong lớp vỗ tay hoan nghênh." Sau khi kêu tên một số người, những người còn lại, ông chỉ đến từng bàn, đưa lại bài kiểm tra cho họ với bề mặt có ghi điểm được úp xuống dưới. 

Vì đó là lớp học đầu tiên và mọi thứ lúc bấy giờ vẫn còn là mới lạ đối với tôi nên tôi thường quan sát những diễn biến xung quanh để không vô tình làm điều chi "khác người". Các bạn xung quanh, người nào khi nhận lại bài kiểm tra cũng đều he hé mở những tờ giấy ấy lên để xem điểm. Không người nào có thể nhìn thấy điểm của người nào. Lần ấy tôi được thầy kêu tên nên bài phát lại được mở lên ngay trước mặt, nhưng nếu tôi đã bị điểm 60 (là tệ lắm) thì dù khi phát thầy có úp bài xuống chắc tôi cũng lật ào bài kiểm tra lên để xem điểm chứ sẽ không hề biết phải xem "hi hí" như những bạn trong lớp. 

Khi sang Mỹ, tôi lại thấy các thầy cô giáo cũng có cách phát bài kiểm tra như thế. Lúc bấy giờ tôi mới ngỡ: "Chỉ có Việt Nam ta là khác người!" - Tôi nhớ ngày xưa khi đi học, mỗi lần có bài kiểm tra được phát ra, thầy cô giáo ít khi nào đưa lại bài kiểm tra đến tay từng học trò mà thường là một trò nào đó trong lớp sẽ đi phát bài lại cho các bạn. Dỉ nhiên người phát bài này sẽ biết hết điểm của từng người trong lớp. Khi đọc hạng cũng thế, người hạng nhất được kêu tên thật to đã đành, người hạng "bét" cũng được kêu tên thật lo. Trong khi ở Mỹ hay Pháp như tôi đã thấy, việc thông báo điểm/hạng là một vấn đề vô cùng quan trọng và tế nhị. Từng trò sẽ gặp riêng thầy để biết điểm của mình, và nếu trò ấy đã hơn 18 tuổi thì kể cả cha mẹ cũng không còn quyền hỏi thầy điểm/hạng của con. Giữa bạn bè, hỏi điểm của nhau cũng là một điều rất "bất lịch sự" trừ khi người kia tự nói điểm của mình cho bạn biết   vì nó đã thuộc về những chuyện riêng-tư-cá-nhân của bạn ấy.  

Việt Nam mình hiện giờ có thay đổi cách phát bài kiểm tra và báo điểm hay không, tôi không rõ, nhưng thời tôi đi học là thế. Dường như không ai để ý đến vấn đề riêng-tư-cá-nhân của mỗi người. Những từ ngữ ấy dường như rất xa lạ đối với người Việt Nam. Tôi không nghĩ khi làm như thế là các thầy cô giáo có hậu ý hay ác ý, nhưng thiết nghĩ, sự vô tình đó nào có lợi, bởi sự xấu hổ khó làm con người ta cố gắng mà đôi khi còn có tác dụng ngược lại; chỉ sự tôn trọng cùng lời động viên chân thành mới giúp thu nhặt được kết quả mong muốn.

*

Vẫn vấn đề "Privacy", nhưng giữa những người yêu nhau, "Ta" khác "Tây" ra sao?
Như người Việt mình thường hay nói: "Chẳng thà ở xa mỏi chân, chứ đừng ở gần mà mỏi miệng;"  nhưng theo tôi nhận thấy thì, ở gần sẽ không chỉ mỏi miệng thôi mà còn mỏi cả mắt, cả tai, cả thần kinh... khi không có được một sự hòa hợp tốt. Tuy nhiên đối với các cặp vợ chồng trẻ mới cưới ở Việt Nam thì chuyện "ra riêng" có lẽ chưa thuận lợi, dễ dàng. Ở nước ngoài, quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu "lành mạnh" hơn hẵn so với ở Việt Nam có lẽ là nhờ các cặp vợ chồng trẻ mới cưới, nếu trước đó chưa dành dụm đủ tiền để khi cưới có thể mua nhà ngay thì họ sẽ thuê apartment ở để bảo vệ "privacy" của họ, để họ được sống thoải mái. Sau đó họ sẽ dành dụm tiền để sở hữu một apartment, hoặc mua một ngôi nhà nho nhỏ, rồi dần dà sẽ mua nhà to hơn...

Hằng ngày khi người chồng đi làm về, người vợ có thể sẽ muốn ôm hôn chồng mình và ngọt ngào hỏi: "Anh có mệt không? Công việc của anh hôm nay ra sao? Anh có nhớ em nhiều không?..." và người chồng cũng có thể sẽ muốn ôm hôn lại vợ mình và ngọt ngào trả lời: "Anh rất nhớ em, em yêu!" Hoặc bất kỳ lúc nào khi một trong hai người muốn có những cử chỉ âu yếm dành cho nhau, họ sẽ ngại không dám hoặc mất bớt cảm hứng nếu có sự hiện diện của cha mẹ chồng hay bất kỳ ai khác. Thế là dù tình cảm của  hai vợ chồng có tình tứ, ướt át bao nhiêu, hứng thú hay thói quen, những cử chỉ ân cần, âu yếm hay những lời nói ngọt ngào muốn dành cho nhau, hằng ngày cứ dần giảm đi do hoàn cảnh xung quanh tạo nên; họ sẽ dần trở nên khô khan và cuối cùng sẽ "giống như cặp vợ chồng già"... Đó là chưa kể nếu không may người mẹ chồng hơi khó tính, để ý từng chút, bắt bẻ từng ly thì chắc cô con dâu sẽ sống mà "ngộp thở" lắm nếu phải chung đụng với người mẹ chồng hằng ngày. 

Xin mở ngoặc một chút ở đây. Sở dỉ tôi đã dùng lại chính xác những chữ "cặp vợ chồng già" mà mọi người vẫn thường hay dùng khi muốn nói một quan hệ đã có bề "khô khan" là vì tôi thấy người Việt Nam mình, chỉ cần có tuổi một chút thôi thì... "Già rồi, anh em gì nữa mà anh em!" và đương nhiên là làm gì có chuyện chạm tay nhau trước mặt mọi người. Thế là tôi lại so sánh các ông bà người Việt mình với các ông bà Tây Mỹ. 

Với thói quen của người Á Đông chúng ta, nhất là những vị đã hơi có tuổi, họ thường không thích biểu lộ mọi thứ một cách công khai. Kín đáo đôi lúc cũng có cái đẹp và cái hay riêng của nó; tuy nhiên, tôi thấy có gì là sai hay xấu đâu khi thể hiện tình yêu thương cho nhau, dỉ nhiên là đừng quá lố bịch. Tôi đã có dịp làm việc và tiếp xúc với khá nhiều người lớn tuổi Tây Mỹ. Họ cũng rất cần có được những phút giây tự do, riêng tư để dành cho nhau chứ không phải lúc nào cũng muốn có con cháu đông dúc quây quần. Dù đã ngoài 70, 80 tuổi, họ vẫn tay trong tay khi đi ra ngoài. Họ vẫn luôn gọi nhau bằng những âm thanh ngọt ngào, trìu mến như mật: Sweetheart/Honey hoặc Chéri/Chérie... Họ vẫn yêu nhau "hết chỗ nói" vì "tình yêu làm gì có tuổi"... mà ngược lại dường như là "tuổi càng lớn yêu nhau càng đậm!"  Vậy tại sao các ông bà có tuổi Việt Nam ta lại cứ e ngại gọi nhau dù chỉ là những tiếng "Anh" "Em" và không dám nắm tay nhau khi đi dạo? Tại sao các ông bà cứ nghĩ: "Người ta sẽ cười!" mà không nghĩ: "Người ta thèm được như thế!"(?) Thật vậy, bọn trẻ chúng tôi, mỗi khi ra ngoài và nhìn thấy những cảnh "ấm áp" như thế, chúng tôi cứ trầm trồ và hạnh phúc lây với cái hạnh phúc của họ: "Hai ông bà này đáng yêu quá, mong rằng khi già mình cũng sẽ được như vậy!" - Phải chăng các ông bà Tây Mỹ này, nhờ họ đã biết cách "xây" một bức tường vô hình xung quanh và biết cách bảo vệ những thứ gọi là riêng-tư-cá-nhân nên họ đã có thể sống thật với những gì trái tim thúc đẩy? 

*

Nói tóm lại, ở độ tuổi nào, ở hoàn cảnh nào, ở lãnh vực nào... con người cũng cần có được những thứ gọi là quyền-riêng-tư để thoả mãn nhu cầu tình cảm, tâm lý cá nhân. Thay đổi là những cái mà con người thường hay e ngại; tuy nhiên nếu đó là một thay đổi tốt thì cũng nên cố gắng và chấp nhận thay đổi; và nếu cái cũ là dở, là chưa hay thì cũng nên chấp nhận loại bỏ, bởi nếu chỉ "rập khuôn" và dùng phương pháp "độc đoán" từ thời đại này sang thời đại khác thì e rằng chúng ta sẽ bị bỏ rơi lại phía sau cùng dù chúng ta có không chấp nhận những diễn tiến xung quanh, bởi theo lịch sử phát triển của nhân loại thì loài người luôn tranh đấu để vươn đến những cái hay, những cái đẹp của văn minh hiện đại.

Anne Khánh Vân

Monday, September 25, 2006

"Việt Kiều" Khác Gì "Việt Nam"?


Anne Khánh Vân


Mỗi lần có dịp về thăm nhà, tôi thường đi thăm lại những bạn bè thân quen cùng các thầy cô giáo cũ. Hôm ấy đến thăm cô Lang, vừa ngồi xuống chiếc ghế mây ở phòng khách đơn sơ nhà cô, chưa nói được gì nhiều, thì cô đã hỏi tôi: "Vân, con muốn uống gi? Nước ngọt lon hay nước suối?" Tôi thong thả và vô tư trả lời: "Cô cho con nước gì cũng được ạ, miễn là nước đun sôi như gia đình mình thường ngày dùng là con uống hết!"

Cô Lang chỉ vừa đứng lên để vào nhà bếp; nghe tôi trả lời cô liền quay lại nhìn tôi cười và bảo:

"Vậy con đâu phải là Việt kiều!" Tôi tròn xoe mắt nhìn cô: "Ủa, vậy chứ Việt kiều uống gì hở cô?" "Việt kiều kỹ lắm, chỉ uống những loại nước chưa bao giờ khui, vẫn còn nhãn hiệu, chứ không uống nước dù đã lọc và đun sôi rồi đâu cô nương ơi!"

Tôi ngạc nhiên quá. Có lẽ vì chưa bao giờ có dịp tiếp Việt kiều nên "nào hay biết". Cô Lang giải thích:

- Năm ngoái cô có người dì họ ở Thụy Sĩ về, đến thăm ông nhà cô. Khi dì vừa vào đến nhà, cô chưa kịp mang nước trà ra mời thì dì ấy đã lôi ra trong giỏ sách chai nước suối để phạch lên bàn rồi nói: "Đi đâu cũng phải nhờ tụi nhỏ chở theo một kết nước suối; dì chỉ uống được nước suối mà thôi!"

Tôi bắt đầu thấy sao sao... nên mở tròn mắt hơn và hỏi cô Lang: "Dù nước đã lọc và đun sôi rồi dì cô vẫn không uống được sao?" Cô Lang kể tiếp:

- Nếu dì ấy uống được thì đâu còn chuyện để nói. Đằng này, dù cô có nói là nước uống nhà cô đã được lọc và đun sôi nhưng người dì vẫn chỉ: "Thôi để dì dùng nước của dì được rồi!" làm cô và cả ba cô thấy ngượng quá. Chắc dì nghĩ nước lọc đun sôi nhà cô chưa an toàn vệ sinh và chắc là nhà cô cũng không có những loại nước có nhãn hiệu và chưa khui nên bà đã mang theo nước của bà cho chắc ăn. Mà thật sự thì hồi nào tới giờ nhà cô có bao giờ dùng đến nước suối đâu, cho nên nếu hôm ấy người dì mà có đòi uống nước suối thì cô cũng chẳng chạy đi mua kịp để về mời bà. Từ sau hôm ấy, cô đã luôn dự trữ sẵn trong nhà một số nước suối để lỡ Việt kiều mà có đột xuất đến thăm thì mình cũng làm phải phép hiếu khách.

- Ôi trời ơi, vậy sao!? Con về Việt Nam cũng nhiều lần rồi và lần nào con cũng có uống nước lọc và đun sôi như tất cả những người thân ở đây nhưng có bao giờ con gặp "sự cố" nào đâu!

- Thế nên cô mới nói con không phải là Việt kiều! Có lẽ con là trong số ít đó, chứ khá nhiều Việt kiều giống như người dì của cô. Họ tuyên bố thẳng thừng: "Việt Nam cái gì thấy cũng mất vệ sinh, không dám đụng vô, cứ uống nước lon hay nước suối là chắc ăn nhất."

Rời nhà cô Lang ra về mà chuyện người dì của cô cứ làm tôi phải mãi suy nghĩ. Hóa ra trong mắt người Việt trong nước, "Việt kiều" là như thế?! Mọi người cứ luôn phải "chuẩn bị" từ "tinh thần" cho đến "vật chất" trước khi đón tiếp Việt kiều sao? Nếu quả đúng thế thì thật đáng buồn chứ nào vui!

Đồng ý rằng, hàng quán ở Việt Nam không phải hàng nào cũng đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Có nhiều hàng quán khi nhìn vô thấy phía dưới chân ngập tràn rác rến làm cho (từ trước khi trở thành Việt kiều) tôi đã không dám bước vào dù quán ấy có ngon bao nhiêu (vẫn thấy ơn ớn nuốt không trôi). Vì vậy mà một khi đã chưa được đun sôi, chưa được nấu chín hoặc chưa được rửa sạch thì chính người Việt trong nước cũng vẫn có thể "ôm bụng chạy " chứ đâu riêng gì Việt kiều.

Người dì ấy đã quá bi quan cho một thứ và cũng hơi quá chủ quan cho thứ kia. Nước suối "còn nguyên" nhãn hiệu chưa bao giờ khui vẫn có thể là nước suối giả nếu mua nhầm của những kẻ cố tình làm những việc thiếu lương tâm kia mà, bởi chính tôi đã từng bị mua xăng có pha nước trong một lần xe hết xăng giữa đường khi trời đã tối!

Có thể, người dì của cô Lang, vì đã từng bị "Tào Tháo đuổi" do thiếu thận trọng khi ăn uống ngoài phố chợ, nên từ sau đó bà đã có ác cảm và sợ hết tất cả những hàng quán bên ngoài, thì tôi sẽ rất cảm thông với bà.

Trước lần về ấy của tôi vài tháng, gia đình cậu tôi có về thăm ông bà ngoại tôi. Nhỏ em cô cậu của tôi khi kể lại chuyện ông bà nội nó tiếp đãi "Việt kiều" ra sao, nó đã vừa kể vừa trách yêu bà nội: "Bà nội phân chia giai cấp lắm đó chị, với 'Việt kiều' bà nội đối xử khác, với 'Việt Cộng' bà nội đối xử khác!"

Nghe nhỏ em nói mà tôi vừa buồn cười vừa thắc mắc nên hỏi: "Tai sao em lại nói thế?" Nhỏ em vừa liếc liếc về phía bà nội nó vừa trả lời tôi:

- Thì hễ Việt kiều về là bà nội cho máy lạnh chạy, Việt kiều mà đi thì máy lạnh cũng đi theo luôn! Tụi em mà đòi nội mở máy lạnh lại thì nội nói: "Mình ở nóng quen rồi con, cho máy lạnh chạy sao thấy nó cứ lạnh ngắt, rồi nhà cửa cứ phải đóng kín mít khó chịu quá!" Bà nội nói vậy nhưng em nghĩ lý do chính chắc không phải vậy đâu mà là vì mỗi lần máy lạnh chạy, bà nội thấy kim đồng hồ điện cứ chạy ro ro nên bà nội sốt ruột đó thôi; vì vậy mà mỗi lần qua thăm nội, mấy người "Việt Cộng" này phải chịu nóng đó chị.

Cả nhà cười ào và tôi cũng cười, nhưng trong lòng thì hơi thấy ngài ngại vì bản thân mình cũng là một "Việt kiều"; hơn nữa, con bé chỉ mới mười ba tuổi mà đã biết để ý nhận xét sự khác biệt trong cách bà nội nó đối xử với "Việt kiều" và "Việt Cộng".

Thế là một lần nữa tôi đã lại nghĩ ngợi. Tôi bắt đầu đi sâu vào mọi thứ để tìm hiểu và so sánh xem Việt kiều thật sự khác gì Việt Nam và vì sao lại có sự "phân chia giai cấp" ấy!

Có phải vì Việt kiều tân tiến hiện đại hơn chăng, nên nếu không "giống" sẽ bị chê bai lạc hậu? Hay vì Việt kiều có nhiều tiền hơn, nên nếu không tiếp đãi sang trọng thì sẽ bị chê khinh nghèo hèn?

Trong buổi chuyện trò ở nhà cô Lang, cô có kể cho tôi nghe một số chuyện có liên quan đến Việt kiều mà bản thân cô và một số bạn bè người thân khác của cô đã có dịp chứng kiến và nhận xét. Lợi dụng trong lúc chủ đề nói về "Việt kiều" đang sôi nổi, tôi đã hỏi cô Lang: "Bây giờ cô hãy quên con là Việt kiều đi nhe, nhìn chung, cô nhận thấy Việt kiều ra sao hở cô?"

Cô Lang có hơi lưỡng lự nhưng cuối cùng cũng đã chia sẻ với tôi:

- Việt kiều có nhiều người rất dễ thương; họ hiểu cao biết rộng và có khi cũng rất giàu nhưng rất khiêm tốn, rất đáng trọng. Bên cạnh đó cũng có nhiều người kiêu ngạo đến đáng sợ dù bên ấy chỉ làm "cu li" hoặc lãnh tiền trợ cấp của chính phủ chứ không phải tiền do mình đóng thuế hay làm ra. Nhưng nói thế cũng không công bằng, bởi chính dân Việt Nam ở ngay Việt Nam đây cũng vậy, có tiền một chút hoặc làm được gì hơn thiên hạ một chút thì cứ làm như là "ghê gớm" lắm, phải ăn trên ngồi trước, phải người thưa kẻ bẩm! Có dịp đến những nơi ăn chơi sẽ càng thấy rõ. Có nhiều người tiền không biết làm đâu ra mà thật nhiều. Họ xem tiền như rác nên tung tiền rất "mát mắt" - Việt Kiều (dù có tiền) chắc vẫn phải chơi không lại... Thấy cũng đáng sợ lắm!

Tôi thì chưa có dịp đến những nơi ăn chơi để tận mắt nhìn thấy những điều ấy, nhưng nếu sự thật đúng như những gì cô Lang đã nhận xét thì không biết có nên đi vào chi tiết "Việt kiều khác gì Việt Nam" không, nếu cả hai cơ bản có những điểm giống nhau? Như vậy, có phải đâu đó trong một số người Việt Nam đã có chút máu: "Thích làm le, thích 'khè' thiên hạ"?

Sống ở đâu thì cũng là người Việt, khác nhau chăng chỉ là mãnh đất và tên gọi của nơi chốn ấy. Và các tên gọi ấy có thể là Hà Nội, Huế, Saigon, hay vượt ra khỏi ranh giới của Việt Nam là những nơi như Pháp, Úc, Mỹ, Canada...là những nơi mà hiện có nhiều người Việt đang sinh sống. Nhưng dù sống ở đâu thì vẫn giòng máu da vàng tóc đen ấy đang tuôn chảy trong người chứ đâu vì cái tên gọi của xứ sở mới ấy làm giòng máu của mình thay đổi! Vậy tại sao lại có sự cách biệt từ tính cách đến cách đối đãi giữa kẻ ở, người đi?

Có phải là vì thói quen, vì môi trường? Thử nghĩ xem, trước kia, khi chưa rời khỏi mãnh đất khô cằn, bùn lầy, nghèo khó ấy, cũng phải ăn bắp ăn khoai, nước ao nước giếng; cũng phải đầu trần, chân đất; cũng phải nhà lá, giường chiếu, mành the; cũng phải xe bò, xe đạp, xe thồ... nhưng vẫn sống được, có lẽ vì... quen! Khi rời đất mình đi qua đất khách, ban đầu vì "chưa quen" nên nhìn quanh thấy gì cũng "ngộ": "Dân Saigon ngộ quá!" hoặc "Dân Tây ngộ quá!", nếu không muốn nói có nhiều cái thấy thật "kỳ", thật "chướng mắt", thật "không thể chấp nhận được"... Thế vậy mà với thời gian, mình cũng đã trở thành những con người với những cái "kỳ", cái "ngộ", những cái "chướng mắt" và "không thể chấp nhận" ấy... Có phải thế không?

Bình thường thì trước khi về Việt Nam độ chừng 30 ngày, muốn "an toàn" thì phải đi chích đủ thứ ngừa. Nào là ngừa đau bụng, ngừa thương hàn, cảm, cúm, sốt rét, siêu vi gan A hoặc B,...vv. Ngoài ra còn phải mang theo bao nhiêu là thuốc men phòng khi đau sẽ có thuốc uống. Phần tôi vì lười và vì thấy sao cả một danh sách dài những thứ phải chích, ngán quá, nên lần nào tôi cũng "liều mạng" không đi chích... nhưng lần nào về tôi cũng đều khỏe mạnh (Xin Trời thương hãy tiếp tục cho con được như thế, chứ con không muốn phải "bị" chích đâu!). Khi biết thế người nhà tôi đã nói, có lẽ vì tôi thường về, "vi trùng Việt Nam" vẫn còn "quen mặt" nên "dễ dãi" không "tấn công" tôi. Nhưng chắc không hẳn là thế đâu, bởi những ngày đầu, sau một ngày dạo chơi ngoài phố, tối về nhà, tôi cứ bị đau cổ họng rồi ho hù hụ, còn mắt thì hơi sưng lên và đổ đầy ghèn. Tôi biết là do ngoài đường có nhiều khói bụi và cơ thể vì "hết quen" nên đã "phản ứng" "dữ dội". Những ngày sau đó, cổ họng tôi dần bớt đau và mắt cũng bớt sót và ít đổ ghèn. Có lẽ vì cơ thể tôi đã bắt đầu "quen lại" và nhờ tôi đã mang "khẩu trang" (Hình như cái ấy được gọi như thế!). Nói chung là những người thân của tôi khi ra đường, họ làm thế nào thì tôi cũng làm thế đấy.

Trở về Việt Nam, tôi chẳng sợ nếu có phải uống nước hơi phèn hay ăn gạo hơi mục; ngủ giường tre hay phải nằm mùng tôi vẫn cứ ngủ ngon; ra đường có phải "trùm kín mít", vẫn vui!... Nếu có sợ thì tôi chỉ sợ nếu mình "được" "phân biệt", dù rằng sự phân biệt ấy là vì tôi được người nhà thương, lo lắng sợ tôi đau nếu tôi đã mất bớt thói quen chứ không vì tôi là "Việt kiều" nên họ quan tâm hơn... Nhưng khi được đối đãi "đặc biệt" hơn như thế, nhìn lại những người thân xung quanh mình, lòng tôi không an vui. Tôi có thể tự nhận biết, mọi người khi nhìn Việt kiều, họ sẽ thấy Việt kiều "hơi khác" họ vì hoặc là da dẻ trắng trẻo hồng hào đẹp hơn, hoặc cách ăn mặc sang trọng, đắt tiền hơn, hoặc tiền trong túi cũng "dầy" và "nặng" hơn,...

Chính những cái "hơn" đó làm cho tôi càng cảm thấy thương cho những người thân vẫn còn thiếu thốn chưa được sung sướng như mình. Tôi sợ họ buồn và tủi nên càng không bao giờ muốn "phô trương" những gì mình chỉ vì may mắn hơn nên có hơn họ.

Hãy khiêm tốn nhe con! Cha đã nói với tôi như thế và đã kể cho tôi nghe một câu chuyện thật mà ông biết. Người đàn ông ấy rất thành công và giàu có trên đất Mỹ.

Mọi thứ của ông ta đều hay chỉ mỗi điều rất kiêu căng phách lối và thường hay chê khinh một cách rõ rệt những ai thua kém ông. Thế rồi đùng một hôm ông ta bị tai nạn xe cộ rất nghiêm trọng, toàn thân bất toại. Không làm ra tiền nữa mà cứ phải chi tiêu thật tốn kém cho thuốc men, chữa trị và bao nhiêu thứ linh tinh khác. Từ nhà lớn, khang trang, gia đình ông đã phải bán đi, dọn xuống ở nhà nhỏ hơn và cuối cùng chỉ thuê được một căn hộ vừa đủ diện tích để sinh hoạt. Sức khỏe, tiền bạc, lợi danh... mọi thứ tiêu tan.

Tôi biết cha không có ý kể lại nỗi đau hay mất mát của người khác. Cha chỉ muốn dùng câu chuyện ấy để nhắc nhở con cái hãy nên nhớ rằng: Trời thương Trời rộng rãi Trời cho dễ và cho nhiều thì khi Trời "giận" Trời lấy lại cũng chẳng khó bao nhiêu.

"Mất gốc" là những tiếng rất thường nghe khi người Việt mình có ý nói đến thế hệ thứ hai hoặc thứ ba, vì sang Mỹ khi còn quá nhỏ, hoặc được sinh ra trên đất khách, sau đó trong quá trình trưởng thành, do bị ảnh hưởng nặng những phong tục, tập quán, thói quen, cách sống của quốc gia mới ấy, "phần trăm" Việt Nam trong người họ còn lại rất ít.

Có khá nhiều các em nhỏ chỉ có thể hiểu nhưng không nói được tiếng mẹ đẻ, viết càng không. Chúng không hiểu biết nhiều về văn hóa Việt Nam hoặc chẳng ăn được mắm nêm hay nước mắm... Tuy nhiên cha mẹ các em vẫn luôn cố gắng giúp con cái họ hướng về cội nguồn dù việc ấy không phải dễ khi không đang sống tại Việt Nam, bởi dù trong ruột có "trắng", bên ngoài vẫn "vàng" và nếu thình lình có ai đó hỏi những điều cơ bản liên quan đến Việt Nam mà các em cứ "trơ ra"... thì dân bản xứ sẽ cười chê: "Sao mày là người Việt mà chẳng biết gì về xứ Việt Nam của mày thế?"... Nhưng thử xem, có phải chuyện "mất gốc" chỉ xảy ra với Việt kiều thôi hay không!

Một người bác họ của tôi, năm ngoái đã về thăm quê hương sau hơn 30 năm xa cách, khi tôi hỏi bác có thấy Việt Nam thay đổi nhiều không thì bác đã trả lời:

- Chỉ cần người dân ai cũng nói thêm tiếng Hàn và ăn Kim-chi nữa thôi thì Việt Nam sẽ trở thành xứ Hàn!

Tôi nghe xong cứ tưởng bác nói đùa, nhưng ngẫm nghĩ thì thấy bác nói cũng không sai. Đi đâu, làm gì, tôi cũng đều nghe mọi người nhắc đến hai chữ "Hàn quốc". Từ áo, quần, vải vóc, giày dép, kiểu tóc, nữ trang, gương đeo mắt, mỹ phẫm, giỏ sách, đồ dùng học trò... đến các trung tâm dạy tiếng Hàn, dịch vụ mai mối lấy chồng Hàn, rồi chương trình giới thiệu sản phẩm, phim ảnh trên tivi... Lớn, nhỏ, cái gì cũng "Đại Hàn". Như thế có phải văn hóa Việt dường như đang bị Hàn hóa hay không? Có người đã nói rằng: "Việt Nam đang bị Đại Hàn "xâm lăng" bằng văn hóa một cách tinh vi." Không biết điều ấy có là quá đáng?!

Những người Việt Nam đang sống xa xứ, mỗi người ra đi với một lý do riêng, nhưng không còn ở trong nước không có nghĩa là không yêu quê hương; và cũng tương tự, không phải cứ còn ở trong nước, không phải là "Việt kiều", là còn giữ nguyên gốc, là có yêu quê hương, là thật sự một con người Việt Nam.

Yêu quê hương, với tôi, là mong muốn và làm những điều tốt đẹp cho dân, cho nước dù mình có đang sống xa tận nơi đâu. Dù "Việt Nam" hay "Việt kiều" thì chúng ta cũng luôn là con cháu Lạc Hồng. Tôi chỉ mong tất cả nơi nào có con người Việt Nam đang sinh sống, điều kiện sống được tương đối tốt giống nhau và hình ảnh nơi ấy luôn được đẹp, luôn luôn chứa đựng văn hóa Việt Nam, để giữa "Việt kiều" và "Việt Nam" không có sự khác biệt.


Anne Khánh Vân

Chuyện Làm Nails Ở Mỹ

Anne Khánh Vân

Thảo bạn tôi lại vừa mua thêm một ngôi nhà. Vợ chồng cô ấy chẳng biết có phải vì đang "tới thời" hay vì "hạp tuổi" với nhau hay không mà hai người cứ ngày càng khấm khá. Nếu với đà này chắc tôi sẽ phải đi dự tân gia nhà mới của vợ chồng Thảo dài dài chứ không phải chỉ đôi ba lần mà thôi. Ngôi nhà hiện vợ chồng Thảo đang ở trị giá khoảng bảy trăm ngàn, căn thứ nhì sẽ cho thuê này trị giá gần năm trăm ngàn.
Trên đường đến nhà mới của Thảo, tôi cứ miên man suy nghĩ, "Sau lần này về chắc mình sẽ bỏ việc, bỏ học... đi làm nails như Thảo!" Bởi, từ ngày hai đứa tôi quen nhau ở lớp cuối cùng của ESL, tôi thì học lên tiếp các lớp chuyên ngành, còn Thảo thì ngưng học ra làm nails, nhưng chỉ vài năm trôi qua, Thảo tiền vô như nước, cứ hết xe mới, tiệm mới rồi lại nhà mới... còn tôi thì... mọi thứ vẫn cũ, vẫn với lối sống đơn giản, để có thể vừa đi làm vừa nuôi mình đi học; rồi khi ra trường, với thêm một mảnh bằng trên tay, lương bổng có thể sẽ tăng lên được một vài chục ngàn mỗi năm nhưng đó vẫn chỉ là thu nhập hàng tháng của Thảo sau khi đã tổng kết sổ sách.
Tôi cứ thế, mang hết điều này rồi lại đến điều khác ra để so sánh, nhưng sau cùng thì hình ảnh của những ngày đầu khi tôi vừa mới sang Mỹ đã quay trở lại như một cuốn phim.
Thời gian ấy vì ở cùng với gia đình của hai người chú họ mà các thím ai cũng làm chủ một hai tiệm nails, tôi đã được "động viên" đi làm nails. Tôi nhớ hoài cái đêm sau khi các thím và những bạn bè trong giới làm nails của họ kể đủ thứ chuyện, nói đủ thứ điều để "dẫn dắt" tôi vào nghề, tôi đã lo sợ suốt cả đêm ấy. Bởi, tôi cứ nghĩ, chỉ vài tuần trước đó khi chưa rời bỏ công việc cũ, tuy không phải là một "bà chủ" nhưng mình cũng đã làm việc văn phòng với một người thư ký riêng; Pháp tuy không giàu bằng Mỹ nhưng cũng là một đất nước văn minh, hiện đại, tự do, dân chủ mà tôi cũng đã rất yêu thích. Nếu sang Mỹ không phải để theo đuổi dược ngành nghề mà mình thích, thì thôi xin trở về lại nơi mình đã ra đi dù lương tôi lãnh được có thể ít hơn thu nhập của những người thợ làm nails bên này. Cứ phân vân suy nghĩ về sự thay đổi lớn ấy mà thần kinh tôi gần như rơi vào cơn khủng hoảng. Sau đó, để không mất lòng các thím, tôi đã tìm lý do thật hợp tình, hợp lý để không phải "gia nhập" vào "thế giới" của họ. Về sau này, Thảo cũng đã vài lần rủ tôi hùn hạp mở tiệm nails. Nói chung là "cuộc chiến làm nails hay không" đã diển ra trong tôi khá nhiều lần, nhất là những lúc tài chính đang eo hẹp, nhưng lần nào rồi thì tôi cũng còn may mắn có thể nói với mình "không" để vẫn tiếp tục đi con đường mình đã quyết tâm chọn.
Tôi ngừng suy nghĩ khi xe đã dừng trước nhà mới của Thảo. Cười chào gương mặt rạng rỡ của bạn nhưng lòng thì vẫn ngập tràn ưu tư. Tôi đã tự nhủ: "Cứ thử mình thêm lần này nữa xem sao!"
Nhà Thảo sang trọng thật. Địa điểm cũng rất tốt. Vừa đi tham quan mà tôi cứ vừa thèm, vừa nôn, "Phải chi mình cũng có được một ngôi nhà với một khoảng đất trống như thế thì tha hồ mà trồng hoa, trồng quả, treo lồng chim, làm hòn non bộ với suối nước chảy, và những cây kiểng trong apartment của tôi chắc cũng sẽ hạnh phúc lắm khi được sống ngoài trời.
Thế rồi tối hôm ấy, khi về nhà và lên giường ngủ, nhìn một vòng xung quanh gian phòng nhỏ của mình - chỉ những đồ đạc đơn sơ, những kệ sách bên chiếc bàn học với máy PC,... tôi bắt đầu đặt ra hàng loạt các câu hỏi.
Có phải cái khổ triền miên của con người là vì mình cứ thường xuyên đi so sánh và không vui khi người ta có... mà mình không có..., để rồi hằng ngày cứ phải "vật lộn" với những "trận chiến," "kiếm tiền" để mua cho bằng được những thứ mình chưa có,...(??) Nhưng ngập tràn của cải vật chất có giải quyết được những vấn đề tinh thần hay không? Có thật nhiều tiền, liệu có thật là sướng hay chưa?
Qua những bạn bè và một số người thân chia sẻ thì ngành nails là một ngành nghề mà khi đi sâu vào trong sẽ rất phức tạp và một khi đã "bước vào rồi thì sẽ rất khó ra". Đó cũng chính là điều đã khiến tôi luôn phân vân e ngại "không dám... bước vào"; cứ sợ rằng rồi đây ước mơ, lý tưởng của cuộc đời mà mình đã hằng nuôi nấng ấp ủ từ những ngày còn bé thơ sẽ bị chôn vùi, lãng quên; nhưng bên cạnh mối lo ngại ấy, tôi cũng rất thắc mắc, không biết nghề làm nails thật sự có "cái gì" trong ấy mà mọi người đã phải nói "bước vào rồi thì sẽ rất khó ra"? 
Thế là tôi đã quyết định đích thân mình làm một cuộc "điều tra".
*
Ngoài Thảo, cô bạn rất có tình và rất "biết cách sống" của tôi, đây là một vài nhân vật làm nails điển hình mà tôi rất quý trọng.
Cô Oanh, ở Chicago, người Quảng Nam, tính tình hiền hòa, cởi mở. Tôi đã tình cờ quen cô trong một chuyến bay Saigon Los Angeles. Trò chuyện với người phụ nữ chân chất ấy, tôi đã biết chồng cô là người Saigon; nghe tin cha mẹ chồng bị bệnh, cô thay chồng về thăm. Người con gái lớn của cô đang học năm thứ 3 đại học y khoa, con gái thứ nhì thì mới vào học y tá, còn cậu con trai út còn học high school. Chồng cô thương tật, ngồi xe lăn, nên không phụ được cô nhiều; một mình cô phải đi làm lo cho cả nhà.
Thấy tôi tròn xoe mắt khi biết một mình cô cáng đáng chuyện gia đình, cô cười thật tươi:
- Vợ chồng ăn ở có tình có nghĩa với nhau hay không là những lúc gặp tai họa. Đâu phải người ta gặp hoạn nạn mà mình bỏ bê. Ngày xưa khi chồng cô chưa thương tật, chồng cô cũng đã lo cho gia đình chu đáo và hết lòng thương yêu vợ con. Thời chiến chinh, ổng rủi ro bị mìn, cụt chân, nhưng dù thế nào thì đó vẫn là chồng mình, cha của các con mình...
Tôi thầm khâm phục con người của cô Oanh, thắc mắc không biết cô làm gì mà có thể gánh vác chuyện gia đình và cho các con ăn học tốt như vậy. Như hiểu được những thắc mắc của tôi, cô tâm sự:
- Ngày xưa cô là giáo viên dạy toán, nhưng sang Mỹ cô phải đi làm nails vì lớn tuổi rồi đâu còn học hành gì được. Nhiều khi phải ngồi ôm chân mấy đứa Mỹ đáng tuổi con mình hoặc một bà Mỹ đen to gấp đôi mình, kỳ cọ, sơn rửa móng chân cho họ, cô cũng cảm thấy tủi thân lắm, nhưng khi nghĩ đến các con, nghĩ đến chồng, đời sống của gia đình, rồi những người thân còn nghèo khó bên Việt Nam... cô đã quên đi cái mặc cảm đó và riết rồi cũng quen.
- Cháu thật phục cô! Chú và các con cô chắc quý yêu cô lắm; rồi sẽ đến ngày các con cô ra trường, đi làm và lo lại cho cô, khi đó cô sẽ không còn phải làm việc cực nhọc nữa, cô sẽ được đền bù thật xứng đáng.
- Cô cũng đã nghĩ như vậy. Cũng mừng là mấy đứa con của cô đứa nào cũng rất hiếu thảo và biết suy nghĩ. Chúng nó thấy cô cực nên cũng rất thương cô và càng cố gắng học hành hơn...
*
Chị Xinh, 39 tuổi, ở San Francisco, được bạn bè xếp hạng thành công ở Mỹ đã chia sẻ:
- Hồi chị và ông xã mới qua Mỹ, hai đứa cũng cực lắm. Cả hai đều làm phục vụ nhà hàng. Làm nhà hàng được một thời gian thì chị đi học làm nails vì thích làm nails từ hồi còn bên Việt Nam. Dù tiếng Anh không rành, thi rớt lên rớt xuống, nhưng cũng phải ráng lấy cho được cái bằng nails để đi làm yên bụng. Không có bằng, lỡ văn phòng lao động đi kiểm tra và phát hiện mình hành nghề không có giấy phép thì sẽ bị phạt không còn có thể làm nails được nữa. Bên Mỹ này là vậy em biết rồi, đâu ra đó đàng hoàng, dù chỉ là cái nghề làm móng tay móng chân cũng phải có bằng cấp! Ông xã chị thì học được và chịu khó nên sau một thời gian dài miệt mài, ổng đã ra trường và tìm được công việc cũng rất tốt, có được bảo hiểm sức khỏe cho vợ con. Còn chị thì sau một thời gian tích cóp, dành dụm được chút tiền, chị đã mua được một tiệm nails nhỏ với chỉ 3 thợ. Sau đó chị lại tiếp tục dành dụm và mua được thêm hai tiệm lớn hơn. Ai cũng phải từ "cu-li" mà lên, chị đã từng cực khổ nên rất quý những gì tạo nên được. Nói là có hai căn nhà nhưng đã phải là nhà của anh chị đâu, hàng tháng vẫn còn phải trả tiền góp mà. Nghề làm nails này chắc em cũng đã nghe, đâu có làm hoài được; đau phổi chết sớm em ơi!   Ông anh họ của chị làm nails đã hơn mười năm, vừa mới phát hiện bị phổi khô, ổng sợ quá giải nghệ rồi da mặt mình cũng càng ngày càng xấu nữa; vì vậy mà còn làm được ngày nào thì chị cố gắng ngày đó; dành dụm và bỏ vô hai căn nhà như là "bỏ heo" vậy, mai mốt lớn tuổi sẽ đỡ cực và còn phải cho con gái học lên đại học."
Khi tôi hỏi, "Có bao giờ chị cảm thấy mặc cảm khi làm nghề này?"   Chị Xinh trả lời:
- Người Việt mình thì luôn có chí vươn lên, cho nên nghề nails không phải là cái nghề để có thể ngẩng cao đầu khi nói "Tôi làm nails," nhưng nếu ai cũng làm những công việc văn phòng thì ai sẽ làm những công việc chân tay. Nghề nào cũng là nghề; ai cũng phải làm việc để sinh sống; mình không ăn cắp, ăn trộm gì của ai là được rồi; chẳng nên mặc cảm làm gì. Nhưng đâu phải chỉ người Việt mình làm nails đâu em, Mỹ trắng cũng làm nails, người Hoa, Đại Hàn, Phi, Mễ, Ấn-Độ, Châu Âu, Châu Phi... biết bao nhiêu người làm nghề nails. Thật sự làm nails cũng có cái thú của nó. Làm cho người khác đẹp thì mình cũng vui, lại có tiền nữa!
- Chị hài lòng nhất về điều gì trong các thành quả của chị trong thời gian qua?   Tôi hỏi thêm.
- Làm ra tiền dễ mà xài cũng dễ thì suốt đời sẽ chẳng có được gì hết, em đồng ý không! Hồi đó chị qua Mỹ là đi theo gia đình chồng. Sau này khi làm ăn có tiền, đời sống ổn định, thoải mái, chị đã bảo lãnh được cha mẹ chị và hai đứa em qua đây. Hai đứa em chị hiện vừa phụ chị coi tiệm vừa đang học đại học cái ngành tụi nó thích. Ba má chị đã có được đời sống khá sung túc và vui vầy bên con cháu; chị cũng đã xây được cho bà ngoại một căn nhà nhỏ ở Bến Tre. Tuy là chị làm nails, nhưng chị đã làm được những điều chị mong ước, nên chị cũng cảm thấy hài lòng về mình.
*
Trường hợp của cô Oanh là một trong nhiều trường hợp mà tôi đã được biết - khi người mẹ, người vợ, phải "hy sinh đời mình" cho chồng, cho con; phải chịu khó làm nails để kinh tế của gia đình được dễ chịu, để các con họ được ăn học thành tài. Tuy nhiên, bên cạnh những lý do làm nails vì kinh tế, làm nails còn là một chọn lựa vì yêu thích như với chị Xinh và ngoài ra làm nails cũng còn vì không thể đi học chữ được như trường hợp của em Hiếu, 23 tuổi, ở Virginia hay của nhiều thanh niên nam nữ khác mà tôi đã có dịp gặp gỡ.
Em Hiếu vui sướng khi đã giúp được cha mẹ ở Biên Hòa xây được căn nhà mới từ tiền em dành dụm được với nghề thợ nails. Tôi gặp Hiếu cũng trong một lần về thăm nhà. Ngồi cạnh Hiếu trên máy bay, em cứ hớn hở kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện rồi lấy hình nhà mới của ba mẹ em ra cho tôi xem. Em chuyện trò:
- Em bắt đầu đi làm nails từ hồi 18 tuổi, lúc đó em vừa đi học chữ và vừa học làm nails; khi em học xong high school thì em cũng thi lấy bằng nails luôn và hành nghề thiệt sự từ đó.
- Em còn trẻ vậy sao không ráng học lên nữa mà ngừng ở high-school, uổng vậy?   Tôi hỏi.
- Em biết có nhiều người chỉ ước mong qua được Mỹ để được đi học, nhưng em thì... học chữ không vô chị ơi! Em cũng cố gắng lắm nhưng khi nghĩ tới cha mẹ và anh chị em còn nghèo khổ bên nhà, đã dốt chữ sẵn em càng học không vô. Có lẽ em không có khiếu học chữ mà chỉ có khiếu làm đẹp cho người ta thôi. Em đang học thêm nghề uốn tóc nữa, để mai mốt làm đỡ cực và đỡ hại sức khỏe hơn là làm móng...
Khi nhìn đôi bàn tay hay bàn chân đã hoàn tất thật đẹp, nếu không rõ các công đoạn người thợ làm nails phải thực hiện, chúng ta sẽ không thể hình dung được công phu mà người thợ làm nails phải dành cho từng người khách. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình làm mười ngón tay, mười ngón chân cho một người khách, người thợ làm nails còn phải ngửi thêm cái mùi khó chịu của một thứ hóa chất, ngoài ra phải hít thở bụi của bột và của móng khi mài dũa chúng.
Khi làm việc, các thợ làm nails phải đeo khẩu trang, và salon nails nào cũng phải được trang bị hệ thống quạt gió hút hơi bên trong; tuy nhiên vì phải ngồi làm việc trực tiếp với hóa chất và hít thở bụi từ sáng đến chiều, từ ngày này sang ngày khác, và năm này sang năm nọ, nên dù có được bảo vệ bởi khẩu trang hay quạt thông gió, họ vẫn phải hít thở những độc khí ấy vào phổi dù không hề cảm giác thấy.
*
Cô Hai ở New Jersey - qua Mỹ được 6 năm và hành nghề nails cũng được gần 6 năm - để mau có đủ điều kiện và khả năng tài chính mang các con còn kẹt lại bên Việt Nam sang Mỹ học, cô tỏ bày:
- Hồi còn ở Saigon cô là giáo viên dạy văn cấp 3, ngoài cô ra ở tiệm này còn có một thầy dạy toán và một cô dạy văn khác. Đây là một trường hợp "hiếm có" khi trong cùng một tiệm có tới những 3 người có thể gọi là "có trình độ". Bởi phần đông thợ nails trẻ của các tiệm khi còn ở quê nhà họ chỉ học hết cấp 2, nhiều lắm là cấp 3. Ban đầu khi mấy cô chú trẻ ở tiệm này chưa biết có "thầy cô" trong tiệm, mỗi lần có gây cấn về chuyện dành giựt khách, chúng chửi nhau tục tĩu lắm mà không hề biết ngượng; nhưng sau khi biết là mọi lời nói và tác phong của chúng đều được cô và những người khác để ý đánh giá thì chúng đã dần dà cẩn thận và biết giữ mồm giữ miệng hơn. Đâu phải vì làm nails mà bị khinh miệt; có bị hay không là tùy vào mình. Làm bác sĩ, kỹ sư... mà thiếu nhân cách thì cũng có ai tôn trọng đâu. Không phải tự nhiên mà bị người chê khinh và cũng chẳng phải tự nhiên mà được người tôn trọng!
Như cô Hai và nhiều người đã xác định thì phần đông thợ làm nails là những người khi còn ở Việt Nam không có khả năng hoặc điều kiện học nhiều, nên khi sang Mỹ, chỉ mỗi việc học tiếng Anh ESL cũng đã là một việc rất khó đối với họ, và nếu phải vào đại học để được trở thành "những người trí thức" thì việc ấy càng khó hơn. Tuy nhiên như ông bà ta đã nói "Có chí thì nên," "Có công mài sắt có ngày nên kim," nhưng làm thế nào số giới trẻ người Việt - ít học nhưng muốn học - mới sang Mỹ này có thể "nuôi chí" trở thành "những người trí thức" nếu gia đình và môi trường xung quanh không tạo điều kiện và khuyến khích con em họ cắp sách đến trường (?!).
Trên hầu hết báo chí Việt ở khắp nơi, cũng như ở những thương xá Việt Nam, đâu đâu cũng có quảng cáo: "Cần gấp thợ nails!" Làm nails dường như đã trở thành một phong trào; người qua sau cứ bắt chước những người đến trước; còn người cũ thì rủ rê, lôi kéo những người vừa mới sang: "Thôi đi làm nails đi, dễ làm mà lại có tiền lắm, đi học làm chi vừa lâu vừa cực!"
Nếu khi còn ở Việt Nam, các thanh niên nam nữ này không làm ra tiền hoặc có đi làm và lương hàng tháng chỉ trong khoảng vài ba triệu đồng (trên dưới 100 đô Mỹ) thì giờ đây chỉ cần vừa thực tập làm nails và vừa cố gắng lấy được bằng nails, để rồi sau một thời gian thật ngắn mỗi tuần sẽ kiếm được ít nhất là 400 đô và với ngày tháng số tiền ấy cứ dần tăng. Khi thói quen làm ra tiền nhanh, dễ và nhiều được hình thành trong họ rồi thì bạn trẻ nào sẽ còn muốn "bỏ nghề" để đi học chữ (?!).
*
Bác T., 74 tuổi, nhận xét về giới trẻ làm nails:
- Ngành nghề nào cũng có người tốt, ngư6ời xấu. Biết rằng không phải ai làm nails cũng đều đáng chê bởi có nhiều người dù ít học, họ vẫn giữ được tư cách và phẩm chất của họ và họ đã làm được những việc lớn, có ích, từ đồng tiền kiếm được. Những người này rất đáng được trân trọng. Nhưng vì ngành Nails kiếm được tiền,  nên cũng có những cô  chú choai choai  rất phách lối, đua đòi. Chúng xem tiền như rác, nhìn trời bằng nửa con mắt... Cứ hôm nay chạy xe Mercedes, ngày mai thấy bạn đi xe mới thì mình cũng phải mua BMW hay Lexus đời mới nhất. Hết tóc xanh rồi sang tóc đỏ. Áo quần, đồ dùng,... mọi thứ phải là hàng hiệu hoặc loại mắc tiền nhất; hột xoàn thì càng phải "to hơn" để có được cảm giác "hơn nhau"! Con gái nhưng có cô miệng cũng phì phèo thuốc lá và và luôn miệng chưởi thề. Chính vì những hình ảnh như thế mà người ta dễ có thành kiến, ác cảm và đánh giá thấp giới làm nails là vậy...
Anh D., kỹ sư điện ở Texas kể:
- Vợ tui ngày xưa là một thôn nữ rất hiền dịu nết na. Khi tui về Cần Thơ cưới cổ mang qua đây, thời gian đầu chung sống với nhau, tụi tui rất hạnh phúc; nhưng sau đó khi cổ đi làm nails và giao lưu với chúng bạn cùng nghề, con người cổ đã hoàn toàn thay đổi: Cổ chỉ còn nghĩ tới tiền! Khi bắt đầu làm ra nhiều tiền hơn lương kỹ sư lâu năm của tui, cổ đã ra vẻ khinh khi tui rõ rệt. Có một lần cổ đã nặng lời: "Ông chỉ là một thằng nhà quê lỗi thời, không biết ăn xài, không biết chịu chơi; suốt ngày đi làm về chỉ biết ôm con rồi cái nhà..." Tui nhìn cổ mà đau sót lòng. Từ ngày đó tui đã biết cổ không còn là vợ của mình nữa và thiệt đúng vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó cổ đã đòi ly dị và đi ở với một anh chàng làm nails cùng tiệm. Ngày xưa cổ là một "thôn nữ" còn tui thì "việt kiều có giá", ngày nay cổ là một cô gái "tân thời" còn tui... chỉ một "gã nhà quê". Đời thật khôi hài và tiền là như thế, nó làm cho con người ta "mờ" hết cả mắt và có thể thay đổi từ trắng sang đen.
Những điều bác T. đã nêu ra hay chuyện của anh D., quả thật đáng tiếc. Nhưng hy vọng đó chỉ là những trường hợp cá biệt của một phần rất nhỏ trong cộng đồng người Việt chúng ta.
*
Cô Q. hiện ở Springfield - trước khi sang Mỹ định cư, cô cũng là giáo viên chuyên văn, chú là hiệu trưởng trường, gia đình cô ở Đà Lạt. Cô chú có 3 người con, hiện cả 3 đang học đại học.
Thời gian đầu khi mới sang Mỹ, vì người em chồng có tiệm Nails, cô và hai người con gái đã phải ra đấy tập làm kiếm tiền, nhưng sau một thời gian ngắn cô Q. đã ngưng vì không chịu được môi trường làm việc cũng như cái mùi khó ngửi của chất nước pha bột; hai người con gái của cô sau đó cũng đã ngưng không làm nails nữa. Cô Q. hiện bán thức ăn nấu sẵn ở một supermarket, chú thì nhân viên bưu điện, còn các con thì phục vụ nhà hàng sau giờ học. Thu nhập của cả nhà có ít hơn so với khi ba mẹ con còn làm nails nhưng cô Q. vui lòng như thế vì "không có mối nguy hiểm nào đe dọa." Cô Q. nói:
- Dường như nhà nào bây giờ cũng có ít nhất là một người làm nails, thậm chí có nhiều người bên Việt Nam chỉ muốn tìm mọi cách sang được Mỹ để đi làm nails "hái tiền."  Muốn làm nghề gì cũng được, nhưng thỉnh thoảng cần phải ngừng lại, ngước lên để "nhìn" và "suy nghĩ". Hãy làm sao để người Việt Nam luôn có được một niềm tự hào. Như khi đối diện một người Nhật, chắc ai cũng đồng ý là không cần biết người Nhật đó mang chức vị hay có ngành nghề gì, tự động trong thâm tâm chúng ta có ngay một sự kính nễ cho người ấy vì ai cũng biết nước Nhật là một đất nước văn minh, hiện đại, trình độ dân trí rất cao!
*
Trong một lần trò chuyện cùng giáo sư xã hội học T. Trần của một đại học thuộc Virginia, ông đã chia sẻ một vài suy nghĩ về vấn đề người Việt làm nails ở Mỹ. Tôi xin được mượn những lời nhận định của ông để kết thúc "chuyến phiêu lưu" tìm hiểu ngành làm nails ở Mỹ của mình.
- Nếu người Việt phục vụ người Việt thì dù đó có là một công việc cực nhọc nhất, độc hại nhất, bẩn thỉu nhất,... như nghề "chui móc cống, lượm rác, móc bọc..." ở Việt Nam chẳng hạn, thì chẳng ai cho rằng đó là nghề đáng phải mặc cảm và tất nhiên chẳng ai chê bai, lên án; nhưng nếu cũng công việc ấy, hoặc những công việc "đỡ" hơn, mà người Việt phải làm để "phục vụ" cho những dân tộc khác thì dân mình thường có vẻ "nóng ruột!"  Nhưng hãy thử nhìn một ví dụ cụ thể này. Chắc hẳn mọi người đều biết rõ, hàng ngày vẫn có những nhân viên người Mỹ đến nhà của mọi người dân để dọn rác, bất kể người dân ấy mang chủng tộc hay màu da gì... Nếu đã không có khả năng học cao thì dù có là người Mỹ da trắng họ vẫn phải làm công việc dọn rác, quét đường như những người ít học khác và đối với những công nhân ngành vệ sinh Mỹ này, họ không hề xem đó là một "vấn đề" - cả khi họ hốt rác của những gia đình người Việt. Dân chúng Mỹ có chê cười những nhân viên hốt rác da trắng này khi thấy họ phải hốt rác cho những người dân da vàng ở nhờ xứ họ? Chắc là không! Như vậy, tại sao lại cho rằng người Việt làm nails là làm một công việc "tồi tệ"?
- Theo tôi - giáo sư tiếp tục - tất cả mọi ngành nghề đều có giá trị riêng của nó và người làm việc có niềm tự hào của riêng họ. So với những sắc dân khác, thì cộng đồng người Việt nói riêng hay người Châu Á ở Mỹ nói chung, phần lớn là thành phần trí thức (theo US Census Bureau), đó cũng là một điều đáng để dân ta có thể hãnh diện. Thế giới văn minh hiện đại, con người tự do bình đẳng, nếu chúng ta chịu khó học tập để nâng cao trình độ hiểu biết thì đó luôn là một điều đáng được động viên, cổ vũ, nhưng nếu một khi đã không có khả năng và người làm việc đã chấp nhận làm công việc của họ, thì chúng ta chỉ nên tôn trọng chọn lựa nghề nghiệp của họ mà thôi...
*
Thật vậy, trong mỗi người chúng ta, ai cũng có những khả năng và giá trị riêng, những ước mơ và chân lý sống riêng, cũng như cách nhìn nhận và đánh giá sự việc khác nhau. Với người này thì có thể bằng cấp, địa vị, danh tiếng là quan trọng; nhưng với người khác thì có thể là bạc tiền, sự giàu sang; người khác nữa thì lại có thể là sức khỏe, tình yêu thương,...
Trường hợp nào thì chúng ta cũng đều có những cái hơn nhau và thua nhau, vì vậy điều quan trọng, theo tôi nghĩ, chỉ là lòng tự trọng và sự tôn trọng lẫn nhau.

Anne Khánh Vân

Monday, July 17, 2006

Hoa Thịnh Đốn Mưa Bão Cúp Điện


Anne Khánh-Vân
July 16, 2006
*

Những tuần qua, khung cảnh vùng tôi ở cứ như cảnh tượng "Mưa Ngâu Tháng Bảy" bên nhà. Mặt trời ló dạng thì mọi thứ còn sáng lên được một chút, nhưng đến khoảng 2, 3 giờ chiều thì trời đất bắt đầu âm u. "Ông Trời buồn" nên cứ giông tố, nước đổ không ngưng. Sấm chớp cứ dọc ngang trời làm hôm ấy đang ủi áo quần, tôi đã phải nhổ điện bàn ủi vì sợ nó sẽ bị chạm điện và nổ như một người hàng xóm đã từng bị trước kia. Tivi, máy hát, máy PC, mọi thứ tôi cũng đều tắt chỉ để lại một vài ngọn đèn. Thấy gió cứ càng mạnh, sấm sét cứ càng lúc càng ầm ì thật lớn và thật dài, nhà mình ở lại "hơi cao" nên tôi đã bắt đầu "quíu". Linh tính sẽ bị cúp điện nhưng chưa kịp thắp đèn cầy thì điện đã cúp thật. Lúc ấy cũng đã 10 giờ tối, may là cơm nước đã xong xuôi nên sau một hồi lòng vòng tới lui trong bóng đêm, tôi đã quyết định đi ngủ sớm để đỡ phải sốt ruột ngồi đợi điện có lại.

Vào giường ngủ, tôi cứ đinh ninh trong đêm sẽ có điện, nhưng đến mãi sáng hôm sau, khi đồng hồ báo thức đã reo lên bảo tôi dậy đi làm, điện cũng vẫn chưa có. Sáng ấy không tắm được vì không có nước nóng; còn dùng nước "không nóng" thì lại quá lạnh dù đã sang Hè. Phải đốt đèn cầy để đánh răng, rửa mặt... Những thứ điểm tâm nóng ưa thích của mọi ngày được thay thế bằng những thứ không cần phải hâm. Bước ra khỏi apartment, thang máy không hoạt động, chỉ có hành lang và lối đi cầu thang là có đèn (điện từ máy phát điện xơ-cua). Thế là tôi đã phải "tập thể dục" buổi sáng nhiều hơn thường ngày: Chạy bộ thêm 16 tầng lầu. 

Làm việc trong Washington DC thì ít ai lái xe đi làm vì vào những giờ cao điểm lái xe vào đấy sẽ như vào "mê hồn trận". Như phần đông mọi người, tôi cũng đi xe bus và metro đến chỗ làm. May quá, xe bus còn chạy bằng xăng, nếu không chắc nó cũng nằm lì một chỗ. Đến sở làm, điện vẫn còn, nhân viên vẫn có mặt đông đủ. Có lẽ vì nhờ văn phòng của chúng tôi nằm gần "Nhà" của Tổng Thống Bush, chứ khu tôi ở, cách xa hơn 15 phút, thì chẳng có điện từ suốt đêm qua.

Chiều ấy tôi được về sớm (lúc 2 giờ) vì đường metro ra vào DC bị nhiều xáo trộn do có vài chỗ bị nước lụt và mất điện. Quả thật đã có nhiều xáo trộn nên tôi đã mất hơn 1 giờ mới về đến nhà thay vì thông thường chỉ mất khoảng từ 20 đến 30 phút. Về đến nơi, vẫn chưa có điện! Tôi lại phải "tập thể dục" 16 tầng lầu, nhưng lần này thì mệt hơn vì phải bước lên; vì vậy mà cứ "leo" được 4 tầng lầu thì tôi lại ngừng lại một chút để... thở. "Ham" ở cao cho sang và ngắm cảnh cho sướng, bây giờ mới thấy ..."thấm".

Lớp học tối ấy của tôi có một bài thi nhưng trường cũng đã đóng cửa vì mất điện. Tôi và chúng bạn rủ nhau đi ăn ngoài nhưng phải lái xe đi tìm những nhà hàng có điện chứ không ăn được tiệm quen ở gần trường vì nó cũng trong tình trạng... "mờ ão". 

Trở về nhà, đang rầu rĩ chưa biết làm gì thì điện đã sáng lên lúc 8 giờ tối; có nghĩa các bác thợ điện đã phải mất 22 giờ đồng hồ mới sửa lại được trạm điện bị cháy. Tuy thế là lâu lắm đấy nhưng vẫn đáng mừng và thật cảm ơn các bác thợ điện vì chắc họ đã phải làm việc dưới mưa suốt cả ngày. Sự việc này chưa bao giờ xảy ra nên mọi người có thể hiểu được mức độ trầm trọng của những thiệt hại do giông bão, sấm sét gây ra.

*

Ngày hôm sau, trời vẫn mưa nhưng điện không bị cúp. Tình cờ có vài đứa bạn bên Cali gọi sang thăm, tôi đã kể cho chúng nghe "sự việc khó tin" này. Nghe xong chúng đã trêu tôi: - Đã bảo qua bên này ở đi cho vui mà cứ lưu luyến mãi cái vùng quê đó. Chỉ có nhà quê mới bị vậy chứ Cali - thủ đô của người Việt, làm gì có chuyện cúp điện, càng không có chuyện cúp điện lâu đến thế.

Mấy đứa bạn bên Việt Nam của tôi thì còn "làm phách" hơn; chúng chọc quê: 
- Ôi trời, Mỹ mà lạc hậu thế sao" Thôi về Việt Nam ở đi! Việt Nam bây giờ hết cúp điện rồi và cái gì cũng có!

Nghe xong, tôi cũng trêu lại bọn họ: 

- Các người cứ giỏi mà làm tàng đi! Miền bắc Cali cách đây không lâu cũng mưa dầm, đất lở, đường sập; Việt Nam thì thiên tai lũ lụt triền miên... "Chuyện nhà" mình không chịu lo, cứ lo đi chọc quê người khác. Đừng ham... cười người hôm trước, hôm sau người cười cho bây giờ!

Nhân dịp đó, tôi đã nhớ lại những trận thiên tai khó quên trong thời gian qua.
Cơn sóng thần Tsunami xảy ra hôm 26 tháng 12 năm 2004, quét sạch các vùng bờ biển của Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... làm thiệt mạng tổng số 283,106 người nhưng có thể hơn, khoảng 500,000 người đã trở thành những kẻ vô gia cư. 

Và có thể nói "nhẹ hơn" là những trận bão lụt Katrina - Rita xảy ra vào tháng 8 năm 2005 ở vùng trung nam nước Mỹ. Gần hết cả thành phố New Orleans của tiểu bang Louisiana đã bị nhận chìm trong biển nước. Hàng chục ngàn người phải leo dần lên nóc nhà chờ được cứu và hàng trăm ngàn người đã phải tản mát đi khắp nơi.   

Tiếp theo sau đó là trận động đất ở Pakistan vào tháng 10, 2005, giết chết 80.361 người. 

Miền Trung Việt Nam  mới tháng 5 vừa qua thì lại bị trận bão Chanchu. Hàng trăm người đã thiệt mạng và mất tích và cả trăm ngàn người đã phải di tản để lánh nạn. Thiên tai lại gây thêm tan tóc cho những người dân miền Trung bất hạnh.

Khi xảy ra những trận thiên tai, lũ lụt như thế mới thấy con người vẫn luôn thật nhỏ bé dù mức độ văn minh hiện đại của họ có đã đi xa đến đâu. Khi Trời Đất "nổi giận" thì quả thật kinh hoàng.

Thấy người ta, dù giàu sang bao nhiêu, dù bề thế bao nhiêu, tự dưng sáng mở mắt dậy mọi thứ tiêu tan chẳng còn gì; còn mình nhà cửa vẫn còn, công việc vẫn nguyên, mạng sống chưa có gì đe dọa... mới "hú hồn" thấy mình quả còn may mắn. Nhờ thế tôi lại thêm yêu đời, thêm hăng say trong công việc và chỉ hài lòng với những gì hiện đang có... bởi ngày mai không biết chuyện gì sẽ xảy ra; nếu hoang phí thời giờ, bạc tiền để xa hoa, đua đòi, để làm những điều vô nghĩa thì sẽ có lúc phải hối tiếc!

*

Đã hai ngày sau hôm cúp điện, nhưng trời vẫn mưa hoài, mưa mãi không chịu ngưng. Tôi ngán quá, muốn trách ông trời nhưng lại sợ ông mà giận thêm rồi mưa dai dẳng nữa thì chắc... chết! Bởi, dù sao thì khu tôi ở cũng còn đỡ, chỉ bị cúp điện; có nhiều vùng, ngoài bị cúp điện, nước còn ngập đến ngang bụng, nhiều nhà cửa bị hư hại vì cây bị bứng gốc đổ vào nhà. 

Ngày hôm sau nữa trời giông nặng hơn và lại sấm sét thật nhiều. Điện lại bị cúp khi tôi vừa về đến nhà lúc 5 giờ 30. Muốn gọi điện thoại đặt tiệm bán Pizza gần nhà mang đến cho một chiếc bánh nhưng cũng không gọi được vì điện thoại nhà không hoạt động, điện thoại tay thì lại mất sóng. Nhưng nếu tôi mà gọi được thì anh chàng nào đó phải xui xẻo lắm mới bị giao bánh cho nhà tôi. Tôi chắc hẳn sẽ phải bồi dưỡng công giao bánh cho anh ta gấp ba, gấp bốn lần vì anh đã phải chạy bộ những 16 tầng lầu để giao bánh cho tôi tận cửa. Và khi vào nhà mở bánh ra thì bánh sẽ vừa nguội và biết đâu cũng chẳng "còn nguyên" vì không chỉ người mua đói bụng mà người giao bánh bụng cũng... đói(!). Nhưng đó chỉ là chuyện của... giả tưởng, bởi chưa chắc gì tiệm Pizza đã có điện để nướng bánh. Thực tế tôi đã phải nấu nhanh một lon súp gà để "giải quyết" cái bao tử đang cồn cào. Cũng may là bếp núc ở nhà là bếp gas, chứ nếu là bếp điện thì không biết làm sao mà nấu. 

Nói chung, cả thời gian cúp điện tôi đã chẳng làm được gì nhiều vì nhỏ lớn thứ gì cũng cần phải có điện mới hoạt động. Tôi chợt nhớ đến chiếc máy laptop còn cục pin chưa dùng. Mở máy ra, ngồi gõ lọc cọc được khoảng hai giờ thì cục pin xạc cũng cạn điện. Bấy giờ khi phải thật sự ngồi nhìn trời đất, tôi mới bỗng thấy mình thật tách rời với thế giới, xa cách với tất cả mọi người.

Tôi đi xuống tầng tiếp tân để hỏi thăm tình hình khi nào sẽ có điện lại. Ngac nhiên thay, mọi người ai cũng thật thân mật với nhau. Họ cười nói, chuyện trò thật vui; kể cho nhau nghe bao nhiêu là chuyện chứ không phải chỉ những câu chào hỏi vội vã để phải "chạy" ngay sau đó - như tôi vẫn hàng ngày nhìn thấy. Những thanh niên nam nữ trẻ cũng tụ lại trò chuyện nhưng họ có vẻ quay quắt, bực tức, bất bình cứ như là "một ngày không gặp được người yêu là chịu không nổi" và "người yêu" của họ chính là chiếc máy PC. Họ cần lên mạng để xem tin tức, để đi mua hàng, để rảo giá, để nghe nhạc, để Chat với bạn bè, hoặc để trao đổi thư tín với người yêu hay những người thân quen. Những việc làm đó đã trở thành những thói quen hàng ngày và chúng không thể thiếu. 

Ôi! biết được thế rồi tôi mới lấy làm "yên bụng" vì mình cũng chưa đến nỗi nào "bất bình thường" khi cảm thấy như bị tách rời với thế giới. Vậy mà đã có một dạo, tôi nhớ lại, biết bao nhiêu bà mẹ đã phải trông hàng tháng trời mới nhận được tin tức của những đứa con ở xa từ một bác đưa thư. Thật thương cho các bà mẹ của cái thuở chưa có điện thoại đường dài và chưa dùng được e-mail ấy.

*
Tối hôm nay thì khu nhà tôi mọi thứ đã hoạt động lại bình thường; nhờ vậy mà tôi mới có thể ngồi đây viết lại những điều mình suy nghĩ trong đêm tối của hai hôm cúp điện tuần trước. Lần cúp điện thứ nhì ấy đã kéo dài những 25 giờ đồng hồ. 25 giờ phải chờ đợi mới thấy nó lâu làm sao. "Tệ thật!" tôi cũng đã có lúc không còn kiên nhẫn chờ những người sửa điện được thêm nữa và đã thốt lên như thế. 

Nhưng cũng chính nhờ "phải" ngồi đợi có điện lại chứ không thể làm gì khác được mà tôi đã có dịp tưởng tượng và đặt câu hỏi: Mọi người sẽ ra sao nếu điện vĩnh viễn không bao giờ có lại" 

Vì quá lệ thuộc vào những phương tiện công cụ hiện đại, con người dường như đã mất bớt sự siêng năng và lòng kiên nhẫn, kể cả mối thân tình, những quan hệ cơ bản giữa con người với con người. Thứ gì cũng muốn "phải ngay tức khắc" và chỉ nói cho nhau nghe những điều thật cần thiết vì ai cũng "bận rộn" với cái "thế giới" riêng của mình. Nói một cách khác, dường như con người đang từng bước biến thành những người máy như các vật dụng xung quanh họ.

Nếu giả dụ một ngày nào đó có một "viễn thạch khổng lồ" (asteroid) rơi vào quả đất và con người phải trở về với "thời đại Nguyên Thủy", tôi sẽ ra sao, các bạn sẽ ra sao, con người chúng ta sẽ ra sao nhỉ" Không nhiều thì ít chắc mọi người sẽ "nổi điên" lên chăng" Hay mọi người sẽ bớt tranh đua nhau, bớt làm phiền lòng nhau, bớt đem những khổ đau đến cho nhau" Thay vào những nhu cầu về vật chất, mọi người sẽ biết thương yêu nhau hơn, đùm bọc, gắn bó và rộng rãi với nhau hơn, thời gian dành cho nhau cũng sẽ nhiều hơn và từ đó chúng ta sẽ được sống trong bình yên vui sướng hơn" 

Nếu sẽ như thế thì tại sao chúng ta lại phải chờ đến khi "bị" trở về với "thời đại Nguyên Thủy" mới làm được điều đó" 

Anne Khánh Vân

Tuesday, May 2, 2006

Học Vấn Là Công Cụ "Tự Vệ" Hữu Hiệu


Anh Khánh Vân


Khi đến một quốc gia nào đó để sinh sống, làm việc, học tập,... khó khăn đầu tiên mà hầu như người di dân nào cũng ít nhiều gặp phải đó là khó khăn về nghe, hiểu hoặc nói tiếng bản xứ. Nhưng một khi đã hòa nhập vào được với mọi sinh hoạt và thông thạo ngôn ngữ mới ấy rồi thì có còn gặp khó khăn nào khác?

Khi vừa từ Châu Âu di cư sang Hoa Kỳ, tôi đã vào làm việc cho một ngân hàng. Ngân hàng ấy có thể ví nó như một nước Mỹ thu nhỏ bởi trong tổng số gần 3.000 nhân viên được bao gồm đủ mọi sắc dân: Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Phi Luật Tân, Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Mễ Tây Cơ, các sắc dân trong khối Trung Đông, Châu Phi và nhiều sắc dân khác...

Công việc hàng ngày của tôi lúc bấy giờ là theo dõi, kiểm tra một số tài khoản của ngân hàng trung ương thông qua các hoạt động của những ngân hàng chi nhánh trên toàn quốc. Tuy lúc bấy giờ tôi chỉ là một cư dân mới của Hoa Kỳ và là nhân viên mới của ngân hàng, nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh cũng như khả năng chuyên môn của tôi cũng tương đối vững nhờ vốn kiến thức và kinh nghiệm thu nhận được trong thời gian học tập và làm việc ở Châu Âu và cũng nhờ tôi may mắn được thường xuyên đi du lịch.

Lần ấy, khi vào làm việc được hơn 3 tháng, tôi đột xuất cần đi bác sĩ; khi báo cho người supervisor biết tình trạng, ngày hẹn khám bệnh và xin được lấy vài giờ của số giờ nghỉ bệnh hàng năm (sick leave) thì cô ấy đã trả lời:

- Nếu cô vắng mặt thì phải lấy giờ trong ngày nghỉ hàng năm (vacation) chứ tôi không thể giải quyết cho cô lấy giờ nghỉ bệnh.

Tôi nghe mà vô cùng ngạc nhiên; thấy sao "kỳ" quá nên tôi đã hỏi cô supervisor rõ hơn:

- Dù tôi vắng mặt để đi bác sĩ chứ không phải để nghỉ hè đi chơi, tôi vẫn không được phép dùng những giờ nghỉ bệnh của mình sao?

- Cũng như nhau thôi, người ta đã nói với tôi như thế.

Trở về bàn làm việc của mình mà trong lòng tôi chẳng vui vì biết người supervisor chỉ "phịa" ra cái luật "lạ lùng" ấy để làm khó tôi, bởi tôi đã đọc rất kỹ những luật lệ của công ty cũng như những quyền lợi dành cho nhân viên trong cuốn Employee Benefits mà tôi đã được phát vào ngày làm việc đầu tiên. Tôi rất bực mình, bởi nếu chấp nhận cái "điều luật" mà cô supervisor nói hôm nay có nghĩa là cứ mỗi lần cần đi bác sĩ thì tôi phải chịu mất bớt những giờ nghỉ vacation vốn đã ít của mình; nhưng dù bực mình, tôi vẫn không thể hình dung cảnh tôi sẽ cự nự hay lời qua tiếng lại với cô ấy như một người đồng nghiệp gốc Ấn Độ đã làm vào tuần trước.

Tôi gọi điện thoại sang văn phòng Human Resources (HR) và xin nói chuyện với người đã cho tôi thi tuyển, đã xem xét hồ sơ, phỏng vấn và nhận tôi vào làm việc. Tôi trình bày sự việc bằng những câu hỏi rằng nếu tôi cần đi bác sĩ trong giờ làm việc vì văn phòng bác sĩ cũng sẽ đóng cửa khi tôi tan sở, thì tôi có thể nào dùng giờ nghỉ bệnh của mình được không? Ông ấy đã cười và ung dung trả lời: "Dĩ nhiên là được chứ! Quyền lợi nghỉ bệnh đã được lập ra nhằm đáp ứng những nhu cầu như trường hợp của cô đấy mà! Người cấp trên nào cũng đều biết rõ điều ấy. Cô gặp khó khăn gì ư? Hãy cho chúng tôi biết để nếu cần thì chúng tôi sẽ can thiệp." Chỉ nghe nói đến đây thì đầu tôi đã bớt "căng". Tôi cố tình hơi lên giọng, lập lại chính những câu nói của ông để trả lời: "Không, ông không cần phải can thiệp gì cả, tôi không hề gặp khó khăn nào. Tôi chỉ muốn biết chắc hơn những quyền lợi của tôi mà thôi. Xin cám ơn ông nhiều."

Tôi biết cô supervisor đã ít nhiều nghe được cuộc nói chuyện điện thoại vừa qua của tôi với bên HR và cô ta đã không ngờ rằng tôi "gan" hơn phần đông những nhân viên khác. Thật vậy, dù chỉ mới vào làm việc nhưng tôi đã nhiều lần để ý và nhận thấy rằng, hầu như nhân viên nào ở đây cũng có thói quen chấp nhận mọi thứ một cách dễ dàng chỉ vì họ không phải là người bản xứ. Biết là mình cũng hơi "liều mạng", nhất là chỉ mới vào làm việc, nhưng chính vì còn mới nên tôi càng không muốn tạo cho người supervisor có thói quen hiếp đáp tôi như thế. Tôi biết là có một số người vì lười nên thường lạm dụng lý do đi bác sĩ để trốn việc nghỉ ở nhà ăn lương, nhưng đâu phải ai cũng thế và lần ấy lại là lần đầu tiên tôi xin vắng mặt và chỉ vắng mặt vài giờ. Hơn thế nữa, cô supervisor đã nhìn thấy tận mắt tôi đau thật ra sao. Tôi không phải là một nhân viên lười hoặc làm việc dỡ bởi chỉ mới một tuần trước đó, người Manager của tôi và của cả cô supervisor, bà B. Turner, đã mời tôi vào phòng làm việc của bà để có lời ngợi khen rằng tôi làm việc rất có phương pháp, hiệu quả cao, dù chỉ mới đến làm việc mà tôi đã tìm ra không ít lỗi trong các công thức của hệ thống; bà ta rất hài lòng khi trong đội ngủ nhân viên của bà đã có thêm tôi. Sau đó bà đã báo cho tôi biết tôi đã ra khỏi thời gian thử việc và mức lương của tôi đã được tăng lên 8%, mức tối đa mà người Manager có thể đề nghị tăng trong mỗi lần review. Những điều đó cộng với những gì người nhân viên bên HR vừa xác định đã cho tôi thêm tự tin và tôi đã quyết định trở lại bàn làm việc của cô supervisor. Tôi đã kể lại cuộc nói chuyện điện thoại của tôi với bên HR một cách vô tư:

- Tôi vừa gọi sang HR để hỏi thăm về điều luật nghỉ bệnh, họ đã giải thích rõ mọi thứ cho tôi nghe và hỏi tôi có gặp khó khăn gì không để họ can thiệp.

Ánh mắt cô ấy nhìn tôi dần thay đổi. Cô có vẻ lo ngại và nôn nóng nghe câu trả lời của tôi. Điều đó cho thấy cô ta đã "nói láo" nên giờ đây mới phải lo sợ như vậy. Cô lên tiếng hỏi tôi:

- Rồi cô nói gì?

- Tôi đã nói rằng tôi không hề gặp khó khăn gì cả và tôi chỉ cám ơn họ. Lúc nãy cô có nói với tôi rằng, "Đi bác sĩ hay nghỉ ở nhà đi chơi gì thì cũng như nhau, đều phải lấy ngày nghỉ hè chứ không thể lấy ngày bệnh." Vậy có nghĩa là cô cũng đã bị mất nhiều ngày vacation mỗi khi cần đi bác sĩ phải không? Ai đã nói với cô điều ấy thì cô hãy thử hỏi rõ lại họ xem sao, bởi bên HR đã nói rằng chúng ta có quyền dùng ngày nghỉ bệnh để đi bác sĩ đấy...

Tôi chỉ nói bấy nhiêu lời rồi trở về bàn làm việc của mình để cô supervisor tự do hình dung tất cả các tình huống có thể xảy ra. Nếu tôi thưa với bên HR mọi việc, thì ngoài việc bị ghi chú vào hồ sơ của cô, HR sẽ còn thưa lên cấp trên của cô ta. Cô ấy chắc chắn sẽ bị khiển trách và có thể còn bị mất luôn cả chức supervisor dù cái chức ấy không lớn lao gì, bởi người cấp trên nào cũng cần phải hiểu rõ ít nhất là những luật lệ cơ bản và có trách nhiệm giúp đỡ và bảo vệ nhân viên của họ chứ không nên làm khó, càng không nên "nói láo" như cô đã làm.

Khi một vài đồng nghiệp của tôi biết về những gì đã diễn ra, họ đã kể cho tôi nghe rằng, cô supervisor người bản xứ, da màu ấy thường có "cái thói" không muốn một nhân viên nào vắng mặt (dù có đau nằm liệt giường) vì cô ta không muốn phải làm thêm một vài phần việc của người nhân viên vắng mặt dù phần việc ấy chẳng là bao. Bởi theo thông lệ, những khi có nhân viên nào vắng mặt thì phần việc của nhân viên ấy sẽ được chia ra và các đồng nghiệp sẽ phụ nhau, mỗi người làm thêm một chút để công việc mỗi ngày không bị ứ đọng; vì lẽ đó mà người supervisor sẽ không bao giờ phải làm hết tất cả việc của người nhân viên vắng mặt. Tuy nhiên đã có một lần, cô ấy đã nghỉ bệnh ở nhà những 2 tháng liền, trong khi với bệnh trạng của cô thì chỉ cần nghỉ nhiều lắm là 3 tuần là đủ để bình phục.

Từ sau lần xin đi bác sĩ ấy, tôi không còn gặp bất kỳ khó khăn nào khác từ cô supervisor nếu không muốn nói là cô ấy đã trở nên "thật" tốt bụng đối với tôi. Khi biết ngoài giờ làm việc tôi còn phải đến trường để lấy thêm một bằng đại học thì cô ấy đã tỏ ra rất cảm thông và đã có lần dặn tôi nếu hôm nào bài nhiều quá mà làm không kịp thì hãy mang vào sở để tranh thủ làm khi đã xong việc. Cô ấy thường mời tôi đi ăn trưa; tự lên tiếng cho tôi đi hộ xe những khi xe tôi có vấn đề; luôn có quà bánh cho tôi trong các dịp lễ; và lần nào đi vacation về cô ta cũng đều có quà cho tôi... Không biết sự thay đổi ấy có phải vì cô đã tự cảm thấy hỗ thẹn khi đã "không thật" và làm khó tôi vào những cái ngày đầu khi "ma cũ" còn cái thế "ăn hiếp ma mới" nhưng dù vậy tôi đã vẫn bảo vệ cho cô khi nói chuyện với bên HR; hay là vì khi so sánh với tôi, cô ta đã thấy rằng cô chỉ học hết high-school và vì nhờ làm việc lâu năm nên cô đã dần lên được cái chức supervisor chứ không vì cô thật sự giỏi hay có bằng cấp.

Đó là "kỷ niệm" khó quên của tôi khi tôi vừa mới di cư sang Hoa Kỳ.

*

Anh H.D Khuyến hiện dạy toán tại một trường đại học cộng đồng ở Arizona kể lại những chuyện ngày xưa: "Những năm tháng đầu khi mới sang Mỹ, ở trường mình rất ít bạn bè, phải nói là chẳng có đứa Mỹ nào thèm chơi với mình, bởi ngoài cái tiếng Anh 'phát âm không xong' của mình, những chủ đề chúng bạn bàn luận như phim ảnh, đá bóng, tin tức thời sự... mình cứ như 'vịt nghe sấm'. Thời gian mới sang Mỹ ấy mình cứ chỉ chúi đầu vào bài vỡ chứ chẳng hề để ý đến chuyện đọc báo hay xem tin tức bởi mình cứ nghĩ làm bài tốt ở lớp để lấy được điểm A là đủ... Bây giờ nhìn lại mới thấy đó là một thiếu sót lớn. Tiếng Anh của mình sẽ giỏi hơn nhiều nếu mình có nhiều bạn bè Mỹ, hơn nữa đọc báo hay xem tin tức rất có ích trong việc hòa nhập vào đời sống mới."

13 năm sau, anh H.D Khuyến đã trở thành một giáo viên dạy toán giỏi và có tiếng của trường nơi anh hiện giảng dạy. Tuy thời gian đầu anh đã gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình học tập và hội nhập, anh Khuyến đã không nản chí vì luôn cho "học vấn là cái vốn quý nhất." Anh Khuyến đã thực hiện ước mơ trở thành thầy dạy toán của anh.

- Khi vào quốc tịch Mỹ, mình cũng đã định chọn lấy một cái tên Mỹ để bạn bè và những người đồng nghiệp Mỹ dễ dàng gọi mình hơn, nhưng suy đi nghĩ lại, mình cứ thấy sao sao ấy khi tưởng tượng từ nay cái tên Việt Nam của mình sẽ bị đi vào quên lãng; ngoài ra cái tên Mỹ kia cũng xa lạ làm sao so với cái gốc Việt Nam của mình, thế là mình đã quyết định vẫn giữ tên Việt Nam. Và thật sự thì mình cũng muốn rằng, tên mình dù nó có khó phát âm đến bao nhiêu đối với người Mỹ, họ vẫn phải cố gắng nhớ và phải phát âm cho bằng đúng... như thế thì họ mới thấm hiểu những di dân như mình đã phải trầy da tróc vẫy ra sao khi học để trước tiên là thông thạo ngôn ngữ của họ, học lấy một cái nghề, và sau đó là cố gắng tạo cho mình có được một vị trí trong xã hội.

*

Và dường như quan niệm học vấn là quan trọng không phải chỉ có ở những người Á châu của chúng ta. Cô sinh viên trẻ Chrystelle Loe người Cameroon đang học ngành phụ tá nha sĩ ở Virginia, gia đình cô chỉ mới sang Mỹ được vài năm nay. Cô đã đại diện một số bạn bè đồng cảnh ngộ tâm sự: "Nếu không học thì cũng được người ta tôn trọng, nhưng sự tôn trọng ấy chỉ ở mức tối thiểu giữa con người với con người; như mẹ của tôi hiện đang làm việc lau chùi, bà ấy phải chấp nhận nhiều chuyện bất công chỉ vì bà ấy không phải là người da trắng và không rành tiếng Anh. Tôi không muốn gia đình và bản thân tôi phải mãi sống trong cảnh đó nên tôi phải học để có được sự tôn trọng tối đa và niềm tin của mọi người."

*

Hiệp-Chủng-Quốc-Hoa-Kỳ là quốc gia của nhiều sắc dân, của nhiều chủng tộc,... Có khác nhau chăng là kẻ đến trước, người đến sau. Chính vì vậy mà một khi đã là cư dân hợp pháp tại xứ sở nầy, mọi người đều bình đẳng về mọi quyền lợi kinh tế, chính trị cũng như tất cả mọi phúc lợi dành cho họ, và pháp luật được tạo ra là để bảo vệ đời sống của mọi người dân và các quyền lợi hợp pháp ấy.

*

Một nhân vật khác, mà những khó khăn, vất vã, lẫn thành công của ông đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn, đó là ông Lê T. ở Washington D.C.

Ông Lê tay trắng sang Mỹ khi đã ngoài 40, một giảng sư đại học môn triết và Pháp văn khi còn ở Huế. Ông Lê đã làm việc cho nhiều công ty tư nhân trước khi được tuyển vào làm cho một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ. Ông hiện đang giữ chức vụ giám đốc kỹ thuật cho một bộ phận hổ trợ những chương trình tài trợ về gia cư toàn quốc. Làm việc dưới quyền ông Lê là một số Manager mà phần lớn họ là những người bản xứ. Khi xin ông Lê chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hội nhập và học tập, ông Lê đã có những lời nhắn nhũ sau đây cho các bạn trẻ đang sống, học tập hoặc làm việc ở xứ người:

- Khi chúng ta hiểu biết và có thể "nói" thì không ai có hể "bắt chẹt" chúng ta được; còn không thì sẽ phải "cắn răng, im lặng" và lủi thủi bước đi như kẻ "mất lưỡi" mà từ đó sẽ sinh ra mất mát nhiều thứ giá trị khác. Vì vậy điều cần làm trước tiên khi đến xứ người là phải cố gắng thông thạo ngôn ngữ ở đấy và sau đó là phải "học". Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác cần phải có để thành công đó là lòng tự tin. Nhiều bạn rất giỏi nhưng chỉ vì mặc cảm mình không phải là "dân Mỹ" nên cứ lo sợ mình không bằng người ta, nhất là về ngôn ngữ, để rồi họ đã đánh mất thật nhiều cơ hội quý báu. Chính vì vậy mà phải luôn nhớ: Lòng tự tin đi đôi với thành công.

Khi được hỏi: "Ông đã làm thế nào để giữ được chức vị quản lý trên 10 năm nay và văn phòng làm việc của ông thấy treo nhiều bằng khen?" ông Lê T. đã trả lời: "Đó là sự kiên trì học hỏi không ngừng!"

*

Dĩ nhiên là ở đâu cũng vậy, dân tộc nào cũng vậy, có người này kẻ khác; có nhiều người rất tốt và ngay thẳng, nhưng cũng có một số người không được như vậy nên khi giao tiếp với họ cần phải thận trọng hơn. Tuy nhiên, khi chúng ta có kiến thức và khả năng thì tôi tin rằng, không có lý do gì phải rụt rè, sợ sệt!

Ba tôi đã thường răn bảo tôi rằng: "Học không bao giờ là phí cả con ạ! Không học con mới chết. Tất cả mọi thứ đều có thể mất đi nhưng kiến thức thì luôn còn lại, luôn ở trong con và nó sẽ là chiếc chìa khóa mở ra cho con tất cả các cánh cửa của thế gian này." Thưa vâng, ba đã nói rất đúng. Học vấn là chiếc chìa khóa đã mở ra cho con những cánh cửa để con có thể đi xa hơn trên con đường sự nghiệp của mình; và ngoài ra, trong những năm dài sống tha hương, con đã phát hiện thêm một lợi ích khác nữa của học vấn: Nó là công cụ "tự vệ" hữu hiệu nhất!


Anne Khánh-Vân